Chuyển đổi số

Xây dựng chính phủ số không chỉ chuyện của riêng các CIO

Anh Minh 11/11/2024 15:56

Các chuyên gia cho rằng xây dựng chính phủ số không phải chỉ dành cho các giám đốc công nghệ thông tin (CIO). Thậm chí, cần phải loại bỏ thuật ngữ “kỹ thuật số” (digital) trong cụm từ “chính phủ số” để thoát khỏi “bẫy tư duy” về việc đặt toàn bộ gánh nặng lên các nhà lãnh đạo số.

Lúng túng khi xây dựng chiến lược chính phủ số tại Canada

Việc đóng cửa dịch vụ kỹ thuật số Ontario (Ontario Digital Service - ODS) của Canada vào đầu năm 2024 đã gây xôn xao trong giới chuyên gia về chính phủ số (CPS). ODS là một cơ quan số hóa khu vực, nổi tiếng với các cách tiếp cận sáng tạo trong chuyển đổi dịch vụ công (DVC) và là mô hình tiên phong cho nhiều tổ chức tương tự sau này.

Quyết định đóng cửa diễn ra sau hàng loạt thay đổi trong CPS của Canada, bao gồm việc bổ nhiệm Bộ trưởng Dịch vụ công dân (Minister of Citizen Services). Bộ trưởng Dịch vụ công dân là một chức vụ trong chính phủ Canada, chịu trách nhiệm quản lý và cải thiện các DVC mà chính phủ cung cấp cho người dân.

Bộ trưởng giám sát các chương trình và DVC nhằm nâng cao hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của công dân, bao gồm các dịch vụ hành chính, kỹ thuật số, và những dịch vụ liên quan đến quyền lợi của công dân. Chức vụ này có thể bao gồm các nhiệm vụ như cải thiện trải nghiệm của công dân khi tương tác với chính phủ và thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trong các DVC.

Ngoài ra, Canada cũng đã hủy bỏ vị trí Bộ trưởng Chính phủ kỹ thuật số (Minister of Digital Government) và chuyển giao Dịch vụ kỹ thuật số Canada (Canadian Digital Service - CDS) từ Hội đồng Ngân khố (Treasury Board) - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và quản lý ngân sách, chi tiêu công, và chính sách tài chính của chính phủ, sang cơ quan Dịch vụ Canada (Service Canada) thuộc Bộ Việc làm và Phát triển Xã hội Canada (Employment and Social Development Canada - ESDC).

Ryan Androsoff, đồng sáng lập CDS, cho biết những thay đổi trong chiến lược xây dựng CPS của Canada cũng như quyết định đóng cửa ODS bất ngờ cho thấy mặc dù "chương trình xây dựng CPS" đã cam kết làm cho DVC linh hoạt hơn, các nguyên tắc này vẫn chưa phát huy hiệu quả, và chiến lược CPS nhìn chung vẫn đang gặp nhiều lúng túng. CDS đã trải qua 7 năm liền thực hiện việc chuyển đổi các tổ chức chính phủ sang thời đại Internet.

canada-digital-government-featur(1).jpg
Ông Ryan Androsoff, một trong những nhà lãnh đạo số, cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nỗ lực chuyển đổi chính phủ. (Ảnh: Govinsider)

Ông Ryan Androsoff là một trong những nhà lãnh đạo số, cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nỗ lực chuyển đổi chính phủ, bao gồm các tổ chức như Digital Nation do cựu Giám đốc Thông tin của chính phủ Estonia, Siim Sikkut, đứng đầu và Public Digital, đồng sáng lập bởi những người tiên phong của Dịch vụ Kỹ thuật số Chính phủ Vương quốc Anh (GDS).

Ông nhận định các nhà lãnh đạo chính phủ hiện nay ngày càng hướng tới chiến lược tập trung vào người dùng và áp dụng phương pháp linh hoạt, "nhưng vẫn đang gặp phải những quy định cứng nhắc". Những quy định này bao gồm chu kỳ cấp phát ngân sách và các quy trình phê duyệt, phát triển truyền thống.

Chuyên gia lưu ý rằng các nguyên tắc cơ bản về cách thức hoạt động của CPS không nhất thiết phải phát triển như những mục tiêu đặt ra ban đầu. Ví dụ, phương pháp linh hoạt đòi hỏi phải chấp nhận sự không chắc chắn và không phải lúc nào cũng biết rõ sản phẩm cuối cùng của một dự án sẽ như thế nào. Ông cho rằng các sản phẩm cần được xây dựng dựa trên nghiên cứu và phản hồi từ người dùng, thay vì chỉ dựa vào các mục tiêu đã được đề ra trong kế hoạch dài hạn năm năm.

Vì vậy, nhiều tổ chức có thể kết hợp phương pháp "linh hoạt từng bước" trong khi vẫn giữ các phương pháp truyền thống để giảm thiểu rủi ro.

Theo ông, chỉ có các ứng dụng số tốt hay các trang web thân thiện với người dùng là chưa đủ để xây dựng CPS mà còn phải thay đổi cả cách thức hoạt động của bộ máy hành chính ở một cấp độ sâu sắc hơn.

Xây dựng chính phủ số không chỉ dành cho các giám đốc công nghệ thông tin

Khi phong trào CPS bắt đầu vào những năm 2010, nhiều người lạc quan rằng những chương trình như vậy sẽ thu hút được các nhân tài số, đưa ra những cách làm việc phù hợp với kỷ nguyên số và trở thành “động cơ để thay đổi nền văn hóa truyền thống”. Nhưng thực tế, các đơn vị này có thể chưa thay đổi đủ mức cần thiết.

Ngoài ra, xây dựng CPS còn tồi tại một “mối căng thẳng tự nhiên” giữa các nhóm kỹ thuật số và bộ máy hành chính truyền thống của chính phủ. Bởi vậy, sự thay đổi sâu sắc đòi hỏi phải xây dựng mối quan hệ lâu dài và có thể mất nhiều thời gian.

Về bối cảnh CPS của Canada, ông cho rằng đất nước đang gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án quy mô toàn quốc trong khi việc thực hiện lại riêng lẻ và phân mảnh ở từng đơn vị, bộ ngành khác nhau. Theo ông Androsoff, điều này cũng là một vấn đề tương tự ở các quốc gia có hệ thống phân chia quyền lực liên bang như vậy.

Các chính phủ cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong việc thích ứng các xu hướng phát triển nhanh chóng, chẳng hạn như sự xuất hiện của công nghệ AI, đồng thời hiện đại hóa các hệ thống cũ.

“Xây dựng CPS không còn chỉ dành cho các giám đốc công nghệ thông tin (CIO). CPS tác động đến công việc của mọi người”, ông Androsoff nói.

Về vấn đề này, tại Hội nghị AccelerateGOV ở Ottawa hồi tháng 10 vừa qua, khi các nhà lãnh đạo kỹ thuật số thảo luận về các bước tiếp theo để chuyển đổi chính phủ, Stephen Karam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Systemscope, một công ty tư vấn về các dịch vụ chính phủ ở Canada, đã kêu gọi các phương pháp tiếp cận mới.

Ông cho biết “Chúng ta đang ở trong một cái bẫy tư duy: Chúng ta cần bắt đầu loại bỏ thuật ngữ “kỹ thuật số” (digital) trong chiến lược “CPS”. Bởi vì đây không chỉ là về kỹ thuật số và điều đó đặt toàn bộ gánh nặng lên các nhà lãnh đạo số”.

accelerategov_2024_closing-panel.jpg
Các chuyên gia trong phiên tham luận tại Hội nghị AccelerateGOV ở Ottawa. (Ảnh: Globalgovernmentforum)

Ông Karam nêu quan điểm rằng mọi chương trình cải cách trong chính phủ hiện nay đều dựa trên việc triển khai các công nghệ số. Và để nhận ra sức mạnh của các công nghệ ngày nay, thì mọi bộ phận phải cam kết thay đổi.

“Nếu cam kết thay đổi, nếu suy nghĩ khác đi, giải phóng bản thân khỏi bẫy tâm trí, thì mới có thể tìm ra những cách mới để làm mọi việc, những cách mới để hợp tác", ông nói.

Trong khi đó, Scott Jones, Chủ tịch của Shared Services Canada, nhận xét rằng có sự trì trệ đáng kể về mặt thể chế trong hệ thống. Ông cho biết: "Nhiều người vẫn đang sống như cách đây 30 năm và không muốn thay đổi".

Dominic Rochon, Giám đốc công nghệ thông tin của Canada, đã nêu bật một rào cản khác đối với sự thay đổi, đó là sự cần thiết phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Ông cho biết: "Chúng ta chưa đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, công nghệ của mình và chúng ta đang phải trả giá cho điều đó".

Các giải pháp được các chuyên gia đưa ra để xây dựng CPS bao gồm "một phần chính sách, một phần công nghệ và một phần con người.

“Và tôi sẽ thêm vào một lớp nữa. Đó là chúng ta cần có khả năng tìm ra cách hợp tác với khu vực tư nhân, những người sẽ luôn đi đầu so với chính phủ khi nói đến công nghệ, và thực hiện điều đó một cách minh bạch, liền mạch, để đạt được tầm nhìn phục vụ người dân Canada tốt hơn”, Giám đốc công nghệ thông tin Rochon nhận xét./.

Copy Link
Bài liên quan
  • Thái Lan ưu tiên công nghệ đám mây trong xây dựng chính phủ số
    Chiến lược chuyển đổi số của Thái Lan, với trọng tâm là công nghệ đám mây, đang tái định hình cách thức cung cấp dịch vụ công. Thông qua đổi mới và hợp tác giữa các cơ quan, Thái Lan đặt mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu về quản trị số trong ASEAN.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chính phủ số không chỉ chuyện của riêng các CIO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO