Phan Minh Ngọc
Chuyên gia kinh tế
Ý kiến chuyên gia

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM - Nhìn từ thành công của Singapore trên góc độ công nghệ và kỹ thuật

TS. Phan Minh Ngọc, Tư vấn cấp cao Bondcritic (Singapore) 14:56 18/01/2025

Việt Nam đang có tham vọng xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) và Đà Nẵng thành các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.

Hiển nhiên, nếu nhìn từ các mô hình trung tâm tài chính quốc tế và khu vực đã thành công và xác lập được vị trí vững chắc trên bản đồ tài chính toàn cầu ở trong khu vực như Singapore hay Hong Kong, và các nơi khác ngoài khu vực như London, Thụy Sĩ hay Dubai, thì khả năng hiện thực hóa tham vọng này vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ và phạm vi bài viết này, tập trung chủ yếu vào khía cạnh công nghệ và hạ tầng kỹ thuật (số) làm nền tảng cho phát triển thị trường tài chính khu vực và quốc tế, chúng ta hãy lấy mô hình của Singapore, một trong những mô hình thường được mang ra thảo luận ở Việt Nam, để xem xét và có được những đúc rút cần thiết cho thấy Việt Nam sẽ phải làm gì để biến TP. HCM (và cũng là Đà Nẵng) trở thành một trung tâm tài chính quốc tế đúng nghĩa.

Những yếu tố giúp Singapore trở thành một trung tâm tài chính quốc tế

Có nhiều những yếu tố như vậy, và, do đó, cần phải hiểu rằng việc trở thành một trung tâm tài chính quốc tế (hay ở cấp độ thấp hơn, là khu vực) mới sẽ không hề đơn giản hay chắc chắn sẽ thành công nếu chỉ có quyết tâm chính trị hay một chiến lược phát triển vẫn đầy mơ hồ, chưa rõ hình hài như trong trường hợp của TP. HCM hiện nay.

Đó là chưa kể sự “sinh sau đẻ muộn” đặt ra bài toán nan giải về sự cạnh tranh để sống còn với những trung tâm tài chính uy tín như Singapore, với câu hỏi đơn giản cần trả lời là, tại sao người có nhu cầu hay nhà cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế lại phải/nên đến TP. HCM chứ không phải là Singapore?

trung-tam-tai-chinh-singapore.jpg
Ảnh: mbfc.com.sg.

Quay trở lại vấn đề, sự vươn lên của Singapore như một trung tâm tài chính quốc tế là kết quả của các chính sách chiến lược, vị trí địa lý thuận lợi, và nhiều lợi thế nội tại khác. Những yếu tố chính đóng góp vào thành công này, xin được nêu tóm tắt ở dạng tiêu đề, gồm: (1) Vị trí địa lý chiến lược; (2) Ổn định chính trị và quản lý tốt; (3) Môi trường kinh doanh thuận lợi; (4) Cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới; (5) Kết nối toàn cầu (về thương mại và đầu tư); (6) Lực lượng lao động chất lượng cao; (7) Pháp lý tài chính toàn diện, xuất sắc; (8) Trung tâm đổi mới và Fintech; (9) Hệ sinh thái dịch vụ tài chính; (10) Cam kết với các tiêu chuẩn toàn cầu (như các tiêu chuẩn quốc tế về ngân hàng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố...); (11) Đa dạng văn hóa và ngôn ngữ; (12) Sức bền kinh tế; và (13) Chính phủ luôn chủ động đưa ra các chính sách đúng đắn, hiệu quả, có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo Singapore duy trì tính cạnh tranh trong bối cảnh tài chính toàn cầu thay đổi.

Có thể nói, thành công của Singapore như một trung tâm tài chính quốc tế không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của sự phát triển chiến lược và có chủ ý. Sự kết hợp giữa vị trí thuận lợi, quản lý tốt, chính sách đổi mới và nền kinh tế mở đã tạo nên một môi trường lý tưởng cho các hoạt động tài chính toàn cầu.

Như vậy cũng có thể thấy, yếu tố hạ tầng hay công nghệ chỉ là một trong nhiều yếu tố, có tầm quan trọng khó có thể nói là nổi trội hơn những yếu tố khác như nói ở trên. Phần dưới đây sẽ đề cập sâu hơn về yếu tố này ở Singapore.

Thành công của Singapore xét trên khía cạnh hạ tầng và công nghệ

Sự thành công của Singapore với tư cách là trung tâm tài chính toàn cầu có phần đóng góp quan trọng từ cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến và các chiến lược công nghệ sáng suốt. Đó là:

1. Công nghệ tài chính tiên tiến (gồm hệ sinh thái fintech)

Một số ví dụ điển hình trước tiên phải kể đến là thanh toán số và ví điện tử. Các hệ thống thanh toán như PayNow và SGQR (hệ thống mã QR thống nhất của Singapore) hỗ trợ giao dịch tức thì, liền mạch và chi phí thấp cho cá nhân và doanh nghiệp.

Tiếp đến, blockchain và công nghệ sổ cái phân tán cũng đã được nghiên cứu từ sớm và đưa vào ứng dụng ở Singapore. Điều này được thể hiện qua Dự án Ubin - một sáng kiến của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) nhằm khám phá ứng dụng blockchain trong thanh toán xuyên biên giới và thanh toán chứng khoán, tăng tính minh bạch và hiệu quả.

Hoặc về ngân hàng số, theo đó, Singapore cấp giấy phép ngân hàng số cho các công ty công nghệ và doanh nghiệp phi ngân hàng, cung cấp dịch vụ ngân hàng sáng tạo cho các phân khúc chưa được phục vụ đầy đủ.

2. Khuôn khổ pháp lý thông minh

Singapore tích hợp công nghệ vào các quy định pháp lý để thúc đẩy đổi mới mà vẫn đảm bảo sự ổn định và tuân thủ. Lấy ví dụ về việc điều hành thị trường tiền tệ, tài chính của MAS, họ đưa ra các sandbox (hộp cát thử nghiệm) pháp lý cho các công ty fintech thử nghiệm công nghệ mới trong môi trường kiểm soát, giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy đổi mới.

Trong giám sát, MAS sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và phân tích dữ liệu để giám sát các tổ chức tài chính và phát hiện các bất thường theo thời gian thực.

Về phía các tổ chức tài chính, họ được yêu cầu hay khuyến khích sử dụng công cụ dựa trên AI để tuân thủ pháp luật, phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Song song đó, các cơ quan chức năng cũng đã phát triển các hướng dẫn về việc sử dụng AI có đạo đức và trách nhiệm trong dịch vụ tài chính, tăng cường niềm tin và tính minh bạch.

3. Cơ sở hạ tầng số đẳng cấp thế giới

Cơ sở hạ tầng số của Singapore là nền tảng cho hệ sinh thái dịch vụ tài chính. Các thành phần chính của cơ sở hạ tầng này bao gồm:

+ Kết nối tốc độ cao: Singapore là một trong những nước có mạng internet nhanh và đáng tin cậy nhất thế giới hỗ trợ giao dịch tần số cao, trao đổi dữ liệu tài chính và dịch vụ đám mây.

+ Trung tâm dữ liệu: Singapore sở hữu nhiều trung tâm dữ liệu Tier 3+ đảm bảo xử lý dữ liệu an toàn, độ trễ thấp cho các hoạt động tài chính toàn cầu.

+ Mạng 5G: Việc triển khai mạng 5G thúc đẩy đổi mới trong các dịch vụ ngân hàng IoT, AR/VR (thực tế tăng cường/thực tế ảo) trong tương tác khách hàng và giao dịch thời gian thực.

5g-singapore.jpg
Ảnh: telecomreview

4. Tự động hóa và AI trong dịch vụ tài chính

AI và tự động hóa được sử dụng rộng rãi để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Các ứng dụng có thể kể đến là:

+ Đánh giá rủi ro và phát hiện gian lận: Các mô hình máy học phân tích mẫu giao dịch để xác định hoạt động gian lận và đánh giá rủi ro tín dụng.

+ Chatbots và Trợ lý ảo: Nhiều ngân hàng sử dụng chatbot AI để hỗ trợ khách hàng, cung cấp dịch vụ 24/7 và tương tác cá nhân hóa.

+ Giao dịch thuật toán: Các nền tảng giao dịch tần số cao sử dụng AI để phân tích thị trường và ra quyết định theo thời gian thực.

5. Tích hợp công nghệ thành phố thông minh

Ngành tài chính của Singapore hưởng lợi lớn từ cơ sở hạ tầng của sáng kiến Quốc gia Thông minh. Chẳng hạn, với Hệ thống nhận diện số (Singpass), hệ thống này được các ngân hàng và tổ chức tài chính sử dụng để xác minh khách hàng và thực hiện quy trình KYC (nhận biết khách hàng), giảm thời gian và chi phí.

Với Internet vạn vật (IoT), các tổ chức tài chính áp dụng IoT để tạo ra không gian làm việc hiệu quả, hỗ trợ cộng tác và năng suất. Về hệ thống chia sẻ dữ liệu, các nền tảng như API Exchange (APIX) của Singapore thúc đẩy chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức tài chính và công ty khởi nghiệp fintech, hỗ trợ các giải pháp sáng tạo.

6. An ninh mạng và khả năng chống trọi

Đảm bảo an toàn, an ninh trong giao dịch tài chính và dữ liệu là một trong những yếu tố cốt lõi trong thành công của Singapore. Về công tác an ninh mạng, Cơ quan An ninh mạng (CSA) có chức năng đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ hạ tầng tài chính quan trọng. MAS cũng đóng vai trò quan trọng trên khía cạnh này với chức năng quy định và hướng dẫn chi tiết về báo cáo sự cố, kiểm tra thâm nhập và quản lý mối đe dọa được áp dụng trong toàn ngành tài chính.

Về phía tổ chức, họ thực thi các giải pháp an ninh mạng tiên tiến thông qua sử dụng công nghệ AI để phát hiện mối đe dọa và blockchain để giao dịch an toàn.

7. Công nghệ quản lý tài sản và các nền tảng đầu tư

Ngành tài chính của Singapore đã tích cực tận dụng công nghệ để phục vụ quản lý tài sản và đầu tư. Những phát kiến/công cụ mới trong lĩnh vực này gồm: Robo-Advisors (tư vấn tự động), thông qua các nền tảng AI, đưa ra các chiến lược đầu tư tự động, chi phí thấp, phù hợp với sở thích người dùng; Các công cụ quản lý danh mục đầu tư, như các nền tảng phân tích tiên tiến, hỗ trợ các cá nhân giàu có quản lý danh mục đầu tư phức tạp; Mã hóa tài sản (tokenization of assets) thông qua blockchain cho phép sở hữu phân đoạn các tài sản truyền thống như bất động sản và tác phẩm nghệ thuật, mở rộng cơ hội đầu tư.

8. Tài chính xanh và công nghệ bền vững

Singapore tích hợp công nghệ vào tài chính xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Ví dụ về công nghệ tài chính xanh gồm có nền tảng Green FinTech - các nền tảng phân tích dữ liệu môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để hỗ trợ các khoản đầu tư bền vững; và Kế hoạch Hành động Tài chính Xanh sử dụng AI và dữ liệu lớn để theo dõi và xác minh việc tuân thủ ESG trong các sản phẩm tài chính.

9. Hợp tác và đổi mới mở

Singapore chú trọng hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và học thuật thúc đẩy đổi mới tài chính. Dấu ấn về sự hợp tác này có thể thấy qua các nền tảng và hệ sinh thái như API Exchange, đóng vai trò như thị trường toàn cầu kết nối các tổ chức tài chính và công ty khởi nghiệp fintech để cùng phát triển các giải pháp sáng tạo.

Singapore cũng là một phòng thí nghiệm đổi mới tài chính, nơi mà các ngân hàng toàn cầu và công ty công nghệ như DBS và Grab thành lập các phòng thử nghiệm tại Singapore để thử nghiệm công nghệ tài chính thế hệ mới.

10. Đo lường và tiêu chuẩn

Singapore sử dụng công nghệ để đo lường và báo cáo chính xác, đảm bảo lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, các công cụ và chỉ số dựa trên AI được sử dụng rộng rãi để phân tích, đo lường mức độ rủi ro theo thời gian thực. Các nền tảng dựa trên blockchain cũng được phát triển sâu rộng trong công tác báo cáo và tuân thủ minh bạch.

Như vậy, có thể thấy thành công của Singapore như một trung tâm tài chính toàn cầu bắt nguồn từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến và các kỹ thuật sáng tạo. Bằng cách tích hợp AI, blockchain, tự động hóa và cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ, Singapore đã xây dựng một hệ sinh thái tài chính an toàn, hiệu quả và cạnh tranh toàn cầu. Mô hình này không chỉ củng cố vị thế của Singapore mà còn là hình mẫu cho các quốc gia khác.

singapore(1).jpg
Ảnh: smartcitiestech

Những điểm TP. HCM còn thiếu, cần cải thiện nhìn từ mô hình Singapore

So sánh Singapore từ góc độ công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và số hóa, có thể thấy rõ những yếu tố TP. HCM còn thiếu, hạn chế hoặc cần được cải thiện.

Nói một cách vắn tắt thì đó là: Một hạ tầng số hiện đại, kết nối tốc độ cao - Phủ sóng 5G trên quy mô thành phố và mở rộng ra cả quốc gia; Trung tâm dữ liệu Tier 3+, với số lượng cần thiết; Hệ sinh thái thanh toán số tích hợp ở mức độ cao và chuẩn hóa; Khuôn khổ quản lý và giải pháp an ninh mạng tiên tiến, hữu hiệu dựa trên AI trước các mối đe dọa, giảm thiểu khả năng tổn thương cho hệ thống tài chính; Tiêu chuẩn bảo mật và tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu và an ninh tài chính; Phát triển nhân lực thông qua các chương trình đào tạo về an ninh mạng, AI và công nghệ đám mây đạt chuẩn quốc tế; Thu hút chuyên gia CNTT và FinTech quốc tế; và Tích hợp thành phố thông minh, gồm IoT cho dịch vụ tài chính và dịch vụ công trực tuyến.

Như vậy, so với Singapore, TP. HCM tuy bước đầu đã có nền tảng công nghệ cơ bản nhưng vẫn cần cải thiện đáng kể về hạ tầng, tích hợp số và an ninh mạng. Các khoản đầu tư tập trung và các sáng kiến chiến lược trong những lĩnh vực này có thể giúp TP. HCM tiến thêm một bước đến mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Lưu ý rằng một số bất cập, tồn tại, cần cải thiện hơn nữa về mặt kỹ thuật và công nghệ ở TP. HCM không chỉ là vấn đề của riêng thành phố mà còn là của cả quốc gia. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể có những chiến lược và giải pháp riêng cho thành phố.

Chẳng hạn, yếu tố khuôn khổ pháp lý thông minh về tài chính, tiền tệ như trong mô hình của Singapore với vai trò và chức năng của MAS nói trên xảy ra trong bối cảnh Singapore vừa là thành phố, vừa là quốc gia, nơi mà giải pháp và chiến lược cho Trung tâm tài chính (thành phố) Singapore cũng chính là giải pháp và chiến lược cho cả (quốc gia) Singapore.

Bởi vậy, chừng nào mà các cơ quan chức năng về tài chính, tiền tệ như Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ở Việt Nam không thể thực thi mô hình “một quốc gia, nhiều thể chế” như ở thành phố/quốc gia Singapore thì chừng đó các tồn tại, yếu kém liên quan sẽ không được khắc phục, cải thiện, cản trở đến việc biến TP. HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế đúng nghĩa, ít nhất là về mặt công nghệ, kỹ thuật, theo mô hình Singapore./.

Xem thêm
Bài khác
Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM - Nhìn từ thành công của Singapore trên góc độ công nghệ và kỹ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO