Xây dựng văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: Hiệu quả từ việc phát triển hệ thống thư viện

Đỗ Thêu| 24/04/2021 16:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Để xây dựng và phát triển văn hóa đọc, nhiều năm trở lại đây, các sở ngành liên quan trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thực hiện kế hoạch "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030". Trong đó, phải kể đến hiệu quả từ việc phát triển hệ thống thư viện cộng đồng góp phần đưa văn hóa đọc từng bước trở thành thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân.

Xây dựng văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: Hiệu quả từ việc phát triển hệ thống thư viện - Ảnh 1.

Hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng phát triển rộng khắp, đưa sách tới gần hơn với người đọc.

Được biết, trong những năm qua, hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phát triển rộng khắp với 1 thư viện cấp tỉnh, 10 thư viện cấp huyện, 55 thư viện cấp xã và 587 tủ sách làng, thôn, bản, khu phố với hơn 300 nghìn cuốn sách, tài liệu các loại; 512 thư viện trường học và tủ sách thân thiện ngay tại lớp học, lưu giữ và phục vụ hơn 3 triệu đầu sách tham khảo, truyện đọc, sách khoa học, bổ trợ kiến thức, các báo, tạp chí cho học sinh và giáo viên.

Cùng đó hệ thống thư viện và tủ sách pháp luật của các cơ quan, đơn vị như: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Tỉnh đoàn, Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang… cũng duy trì mở cửa. Ngoài ra, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm với 93 cơ sở, hằng năm phát hành hơn 1,5 triệu bản sách từng bước đáp ứng nhu cầu mua và đọc sách của nhân dân. Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Bắc Giang cũng đã tổ chức gần 1 nghìn ngày hội đọc sách, trưng bày, triển lãm, giới thiệu về sách với nhiều chủ đề khác nhau.

Tính riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 song Thư viện tỉnh đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Đơn vị đã ban hành hơn 370 công văn, báo cáo, quyết định, kế hoạch, tờ trình, thông báo... để hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động hệ thống thư viện huyện và cơ sở thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn của Thư viện tỉnh.

Xây dựng văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: Hiệu quả từ việc phát triển hệ thống thư viện - Ảnh 2.

Cô và trò Trường Tiểu học Tăng Tiến (Việt Yên - Bắc Giang) cùng đọc sách tại thư viện nhà trường.

Thư viện tỉnh cấp mới, đổi 1.260 thẻ bạn đọc đạt 126% kế hoạch được giao; số lượt sách, báo, luân chuyển đạt hơn 51.000 lượt; phục vụ hơn 24.000 lượt bạn đọc và hơn 60.000 lượt tra cứu tài liệu điện tử, số hóa; duy trì phục vụ bạn đọc 8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Công tác luân chuyển sách xuống cơ sở được thực hiện đều đặn góp phần nâng cao dân trí, hình thành thói quen đọc sách, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân...

Em Tăng Thị Phương Mai, người từng đoạt giải Nhất cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bắc Giang" do Thư viện tỉnh tổ chức năm 2019 chia sẻ: Với cá nhân em, việc đọc sách đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu. Mỗi khi đọc sách, em tìm thấy kiến thức để bổ sung cho việc học tập cũng như cảm nhận được nhiều niềm vui trong cuộc sống. Em cũng nhận thấy, qua các hoạt động phát triển văn hóa đọc như tổ chức ngày hội đọc sách, mở rộng hệ thống thư viện trên toàn tỉnh… đã giúp các bạn trẻ bạn trẻ cảm nhận được giá trị của việc đọc sách, từ đó hình thành văn hóa đọc.

Không chỉ các bạn trẻ, những người lớn tuổi hơn cũng rất quan tâm tới sách và văn hóa đọc. Theo chị Đàm Thị Quỳnh, phường Trần Nguyên Hãn (TP. Bắc Giang), bản thân chị và các con rất ham đọc sách. Những lúc rảnh rỗi, chị Quỳnh thường đọc sách cùng con. Ngoài mượn sách ở thư viện, chị còn mua nhiều truyện tranh ở hiệu sách để các con đọc. 

"Vài năm gần đây, năm nào tôi cũng cùng con đến thư viện để tham gia các hoạt động nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam", chị Quỳnh nói.

Theo ông Nguyễn Đắc Hồng, Giám đốc Thư viện tỉnh, để tiếp tục phát triển văn hóa đọc, năm 2021, Thư viện tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục thực hiện Kế hoạch "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; cấp, đổi thẻ bạn đọc; quản lý tốt kho sách, duy trì phục vụ bạn đọc; xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng nhu cầu bạn đọc…

Có thể thấy, việc quan tâm, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang suốt nhiều năm qua đã tạo ra những giá trị tốt đẹp, đưa văn hóa đọc từng bước trở thành thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân.

Xây dựng văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: Hiệu quả từ việc phát triển hệ thống thư viện - Ảnh 3.

Ông Trần Minh Chiêu - Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang.

Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang khẳng định, việc xây dựng, phát triển hiệu quả văn hóa đọc không chỉ khẳng định vị thế của sách trong đời sống xã hội mà còn mang ý nghĩa nhân văn, phát huy giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc, thúc đẩy văn hóa đọc và phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: Hiệu quả từ việc phát triển hệ thống thư viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO