"Xây" hành lang pháp lý cho thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng

PV| 30/09/2022 08:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Thương mại điện tử ở Việt Nam đang có bước phát triển nhanh chóng nhưng công tác quản lý vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc trong các quy định pháp luật liên quan. Vì vậy, xây dựng các công cụ quản lý phù hợp bản chất hoạt động của từng loại hình, giúp làm trong sạch môi trường kinh doanh là điều cần thiết.

Tăng trưởng vượt bậc

Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 vừa công bố đã dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước...

Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo sẽ đạt 260- 285 USD/người trong năm nay. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước sẽ vượt mốc 7% của năm 2021, đạt từ 7,2% - 7,8%.

Mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được các hãng dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore. Tổng doanh thu kinh tế Internet Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt mức 57 tỷ USD, chỉ đứng sau Indonesia. Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore.

Theo Báo cáo "Digital 2022 global overview report" của We are social & Hootsuite, tỷ lệ người dùng Internet mua sắm hàng tuần Việt Nam đứng thứ 11 trong số các quốc gia (58,2%), ngang bằng với mức trung bình toàn cầu, cao hơn Mỹ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Đức nhưng thấp hơn Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Philippines, Ấn Độ, Indonesia và Anh.

Quản lý sàn thương mại điện tử ở Việt Nam còn lắm …thách thức - Ảnh 1.

Mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được các hãng dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025.

Trong toàn khu vực Đông Nam Á, Báo cáo "Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2021" của Google, Temasek và Bain & Company dự báo doanh thu thương mại điện tử sẽ tăng từ 120 tỷ USD vào năm 2021 lên mốc 234 tỷ USD vào năm 2025. Dự báo giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của người tiêu dùng trực tuyến sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ, từ mức 381 USD/người năm 2021 lên 671 USD/người vào năm 2026. Với tỷ lệ 49%, người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chỉ đứng sau Singapore (53%), cao hơn Indonesia và Malaysia.

Với 75% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có 74,8% người người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).

Xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử

Tuy nhiên, "sân chơi" lớn này đang bị các đối tượng lợi dụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng, thiệt hại cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nguyên nhân bởi, thị trường này hiện đang tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý các loại hình thương mại điện tử khác nhau.

Ở đây, thương mại điện tử trên các mạng xã hội có cách thức hoạt động thường phức tạp hơn do không có đơn vị trung gian đứng ra quản lý người bán, đồng kiểm soát hàng hóa đăng bán nên phần lớn các mặt hàng này thường là nhập lậu, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, không có hóa đơn chứng từ. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cũng như những đặc trưng của nền kinh tế số đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.

Đối với hoạt động thương mại điện tử mua bán hàng hoá, dịch vụ trong nước, thực tế cho thấy hiện nay phát sinh quá nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Các giao dịch diễn ra quá nhiều và mang tính nhỏ lẻ. Thực tế cũng phát sinh trường hợp người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế. Cơ quan thuế không xác định được địa điểm kinh doanh, thời gian kinh doanh do hoạt động mua, bán diễn ra liên tục 24/24 giờ và tất cả các ngày trong tuần.

Đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới cũng rất khó để xác định nguồn thu, đối tượng khi người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định. Doanh nghiệp nước ngoài thường viện dẫn theo hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước những khó khăn đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, quy định chi tiết về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các điều kiện, nghĩa vụ và quy trình đăng ký hoạt động đối với các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA - Certified eContract Authority).

Nghị định có 8 điều chỉnh cơ bản gồm: Thêm chủ thể của hoạt động thương mại điện tử là dịch vụ logistic; trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ của người bán; Bắt buộc công bố về chính sách kiểm hàng trên website thương mại điện tử; Facebook, Instagram... trở thành website thương mại điện tử; bổ sung thêm trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử; đăng ký thiết lập website chỉ cần nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bản sao; quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử; hoạt động thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức nước ngoài…

Năm 2022, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BCT ngày 18/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 47/2014/TT-BCT và Thông tư số 59/2015/TT-BCT, quy định các hướng dẫn đối với quy chế hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hình thức công bố danh sách các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam.

Với việc hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam cũng đã được hoàn thiện, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức trọng tài thương mại, các cơ quan giải quyết tranh chấp; các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; các tổ chức chứng thực chữ ký số, dấu thời gian; và các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng hợp đồng điện tử… nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hỗ trợ, phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử rộng rãi tại Việt Nam.

Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.CeCA.gov.vn) do Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) phối hợp cùng các đối tác công nghệ để phát triển cũng đã được hình thành. Hệ thống Trục sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các Tổ chức Chứng thực hợp đồng điện tử trong hoạt động cung cấp dịch vụ, đồng thời cung cấp Cổng tra cứu, xác thực hợp đồng điện tử (xacthuc.CeCa.gov.vn) cho bên thứ ba. Đây được kỳ vọng sẽ là những hàng rào pháp lý trong công tác quản lý để kiểm soát tốt hơn việc mua - bán trên thị trường thương mại điện tử, hạn chế thất thoát thuế Nhà nước./.

Bài liên quan
  • Vai trò của chữ ký số trong thương mại điện tử
    Chữ ký số có vai trò quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), đảm bảo tính xác thực, an toàn và bảo mật trong các giao dịch trực tuyến, từ đó giúp ngăn chặn gian lận, rủi ro pháp lý và thúc đẩy niềm tin giữa các bên tham gia.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Xây" hành lang pháp lý cho thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO