Kinh tế số

Xu hướng mua bán xuyên biên giới và nguy cơ với nhà bán hàng online Việt

NK 27/02/2024 06:08

Năm 2024, mua bán xuyên biên giới sẽ là xu hướng của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam và đơn vị bán hàng online đứng trước nguy cơ thua trên sân nhà. Tuy nhiên, theo Metric, đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Doanh thu TMĐT năm 2024 dự kiến tăng trưởng 35%

Theo Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 và dự báo năm 2024, dựa trên số liệu thống kê từ 1/1 - 31/12/2023, dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.

Trong đó, livestream và bán hàng đa kênh tiếp tục sẽ là trọng tâm nâng cao doanh thu cho nhà bán trong năm tới. Tiếp theo, "combo" sản phẩm là xu thế được người tiêu dùng ưa chuộng khi mua sắm vì giá cả phải chăng, giúp họ tiết kiệm chi tiêu.

Năm 2024, tiếp tục được dự báo sẽ là quãng thời gian bùng nổ của thị trường TMĐT. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả DN. Nếu như giai đoạn 2016 - 2018, bất kỳ DN nào chuyển hướng lên sàn cũng dễ dàng có được lợi nhuận thì vài năm trở lại đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người chơi cũng sành sỏi hơn, thì những DN trụ lại đều là người chơi có chiến lược bài bản, rõ ràng.

Về những xu hướng trong năm 2023, báo cáo của Metric khẳng định, đầu tiên là sự tiếp tục phổ biến của Direct to Consumer (trực tiếp đến người tiêu dùng) - tức là thay vì sử dụng các nhà phân phối, giờ đây DN sản xuất (NSX) bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng trên các sàn TMĐT. Điều này cho phép NSX kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng. Đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên lợi nhuận cao hơn hoặc có thể trừ trực tiếp vào giá bán, đầu tư cho tính năng sản phẩm.

“Việc các NSX mở rộng thị trường kinh doanh sang nền tảng TMĐT dự báo cuộc chiến về giá sẽ tiếp tục khốc liệt trong năm 2024”, báo cáo Metric nhấn mạnh,

Một xu hướng khác là trí tuệ nhân tạo, học máy và phân tích dữ liệu lớn tiếp tục lên ngôi. Những công nghệ này giúp thương hiệu gia tăng doanh thu và thị phần dựa trên số liệu phân tích xác thực, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của thị trường. Người quản lý DN sẽ hiểu rõ hơn những gì người tiêu dùng muốn, chuyển biến của thị trường. Từ đó tạo ra cơ hội giúp DN có bước đi chắc chắn, giảm thiểu rủi ro và ra quyết định nhanh hơn đối thủ. Dữ liệu lớn cũng giúp tối ưu giao vận - hậu cần, quản lý chuỗi cung ứng, R&D và vận hành kinh doanh trên sàn.

Việc tiêu dùng bền vững trên sàn TMĐT sẽ giúp người dùng có cảm tình và ưu tiên sử dụng các sản phẩm của thương hiệu thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội thay vì chỉ mức giá thấp hoặc được giảm giá sâu.

online_shopping-1024x578.jpg
Mua bán xuyên biên giới sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường khi mà người dùng có thể mua hàng từ các nhà bán Trung Quốc với thời gian rất ngắn, có khi còn nhanh hơn so với đặt hàng trong nước, đồng thời mức giá cũng hợp lý hơn.

Cơ hội để các DN Việt cải thiện chất lượng

Báo cáo Metric cũng khẳng định, mua bán xuyên biên giới sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường. Đặc biệt, các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. Đánh giá về xu hướng này, ông Nguyễn Tất Hữu, Giám đốc Chiến lược Metric khẳng định, đây là nguy cơ mà bất kỳ DN nào hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cũng sẽ nhận thấy. Khi mà hiện nay, người tiêu dùng có thể mua hàng từ các nhà bán Trung Quốc với thời gian rất ngắn, có khi còn nhanh hơn so với đặt hàng trong nước, đồng thời mức giá cũng hợp lý và sản phẩm nhiều tính năng hơn.

Các nhà bán Trung Quốc rất mạnh trong việc tạo các xu hướng tiêu dùng, họ còn là công xưởng của thế giới nên có thể sản xuất số lượng lớn với một mức giá phải chăng”, ông Hữu nói.

Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, nhiều DN đã xây dựng được hướng đi riêng. Họ tìm kiếm và phát triển các sản phẩm hoặc sản vật ở địa phương, hoàn thiện đóng gói với mẫu mã bao bì đẹp và đẩy bán với mức giá dễ tiếp cận với đa dạng sự lựa chọn. Các cơ quan nhà nước như Sở Công Thương các tỉnh/thành vài năm trở lại đây đã bổ sung nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ các DN nội địa phát triển trên nền tảng TMĐT.

Năm 2023, Metric đã ký hợp tác với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để nghiên cứu xây dựng và phân tích dữ liệu về thị trường TMĐT ở Việt Nam, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển DN phát triển TMĐT và kinh tế số, tuyên truyền, quảng bá, cung cấp thông tin về thị trường TMĐT tại Việt Nam… Điều này có nghĩa là rất nhiều đơn vị đến từ khối nhà nước và tư nhân đang cùng thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các DN Việt trên các sàn TMĐT.

“Việc cạnh tranh này là cơ hội để các DN Việt Nam cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngày một tốt hơn, gián tiếp tạo thêm lợi ích được thụ hưởng sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng trong tương lai”, ông Hữu chia sẻ thêm.

Thế hệ Baby Boomer dành nhiều thời gian cho việc lên mạng và mua sắm online

Cuối cùng, Báo cáo của Metric khẳng định, thế hệ Baby Boomer (sinh ra trong giai đoạn 1956 - 1964) đang có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho mua sắm online và rất tích cực trong việc sử dụng điện thoại thông minh (smartphone). Thực tế cho thấy, DN và thương hiệu giờ đây đã có thể hướng tới nhóm khách hàng tiềm năng này ngay trên các kênh trực tuyến, thay vì chỉ tập trung vào Thế hệ GenY (sinh ra từ 1981 - 1996) hay GenZ (sinh ra từ 1997 - 2012).

istockphoto-1072619514-612x612.jpg
Thế hệ Baby Boomer (sinh ra trong giai đoạn 1956 - 1964) đang có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho mua sắm online và rất tích cực trong việc sử dụng smartphone.

Lý giải về xu hướng này, Giám đốc Chiến lược Metric khẳng định, tại Việt Nam trước đây, thế hệ Baby Boomer nở muộn thường có thói quen mua sắm tại các khu chợ dân sinh truyền thống, các cửa hàng bách hóa hoặc các siêu thị. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, mua hàng online gần như là sự lựa chọn bắt buộc.

Sự xa cách trong đại dịch, đến nay, đã góp phần thành hình thói quen tiêu dùng cho rất nhiều thế hệ, không loại trừ Baby Boomer. Các nền tảng mạng xã hội phát triển, các gia đình gồm ông bà, bố mẹ và con cái cái thường liên lạc với nhau qua các mạng xã hội, điều đó giúp thế hệ Baby Boomer nở muộn làm quen và thường xuyên sử dụng smartphone.

Đây cũng là thế hệ đã về hưu, nhiều thời gian rảnh rỗi và có tài chính, thế nên việc mua hàng online với họ không quá khó khăn”, ông Hữu kết luận./.

Bài liên quan
  • TMĐT là điểm sáng trong bức tranh kinh tế đầy biến động
    Năm 2023, doanh thu 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) đạt mức tăng trưởng 53,4%, cao nhất từ năm 2021 trở lại đây. Nguyên nhân đến từ sự chuyển dịch thói quen mua sắm của người dùng cùng sự phát triển của những hình thức mua sắm mới.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng mua bán xuyên biên giới và nguy cơ với nhà bán hàng online Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO