Những vấn đề bàn thêm về văn hóa đọc thời hiện đại

28/04/2020 16:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Văn hóa đọc thời hiện đại đang có những chuyển biến về phương thức và thói quen. Bên cạnh những bối cảnh xuống cấp đáng lo ngại thì văn hóa đọc cũng có những nội hàm đáng quan tâm.

Những vấn đề bàn thêm về văn hóa đọc thời hiện đại - Ảnh 1.

Đọc sách giúp ta giữ cho trí óc sống và phát triển. Ảnh internet

Bối cảnh sự xuống cấp của văn hóa đọc

Nguyên nhân đầu tiên theo chúng tôi là Việt Nam chưa tạo dựng được nền văn hóa đọc bền vững. Trước hết có thể khẳng định quá trình dạy - học, cách dạy, cách học chi phối việc đọc.

Có thể hình dung việc học và đọc sách trước 1945 của nước ta qua quá trình lịch sử.Trải qua hơn một ngàn năm dưới chế độ phong kiến số người được đi học, được đọc sách không nhiều. Nền giáo dục của các triều đại phong kiến Việt Nam có đặc thù của nó nhất là khi chế độ khoa bảng xuất hiện (từ 1075 tồn tại đến 1919). Các thế hệ nho sĩ miệt mài đọc sách thánh hiền của Nho gia cốt để thi đỗ ra làm quan nên chỉ cần đọc, cần nhớ những gì thiết thực phục vụ khoa cử. Việc học, việc đọc luôn theo khuôn mẫu. Về thi cử, sĩ tử trình bày trung thành những gì có sẵn trong sách kinh điển chứ không phải những suy luận, phát hiện, chủ kiến của mình. Đây là lối học, lối đọc khoa cử.

Trong thời kỳ chế độ quân chủ việc in ấn rất hạn chế, sang thế kỷ XVII, XVIII mới có sự khởi sắc. Phần lớn là in các bộ sách của Nho giáo. Tứ Thư (gồm sách Đại học, Luận Ngữ, sách Trung Dung, sách Mạnh Tử), Ngũ Kinh (gồm có Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu), in Kinh Phật, một số sách lịch sử, văn chương, y dược. Sự phát triển nghề khắc mộc bản in sách, sau đó là công nghệ in thời kỳ Pháp thuộc và cơ sở in chữ Hán đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá tri thức và phần nào tác động tích cực đến văn hóa đọc.

Từ 1945 đến nay, khi Việt Nam giành độc lập, xây dựng xã hội mới thì một trong những hệ quả của chế độ thực dân phong kiến để lại là 95% dân số không biết chữ. Trong số 5% dân số biết đọc, biết viết không phải ai cũng có điều kiện đọc, được đọc thường xuyên. Nhà nước đã có quyết định quan trọng: Chữ quốc ngữ được dùng làm chữ viết chính thức của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thay thế các loại chữ Nho (Hán), chữ Nôm, chữ Pháp thường dùng trước đó và tiến hành xóa nạn mù chữ. Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tuy điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nhiệm vụ phát triển văn hóa giáo dục luôn được coi trọng song kết quả đạt được chưa như mong muốn. Số đầu sách và lượng sách in còn khiêm tốn, chất lượng sách chưa cao. Nền giáo dục đất nước có thành tựu đáng kể nhưng về cơ bản không có nhiều thay đổi, thậm chí hiện nay ở các bậc học từ tiểu học, trung học đến đại học vẫn là dạy - học hướng tới đích thi cử. Phần nhiều học sinh, sinh viên thường chỉ đọc sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo bắt buộc, học những gì gắn liền với việc thi. Chưa xem trọng việc mở rộng phạm vi đọc để tích lũy kiến thức, nâng cao năng lực tư duy sáng tạo.

Có thể thấy việc duy trì dài lâu cách dạy - học, cách tổ chức thi, đánh giá ấy đã khiến người học không tạo được tính chủ động, tích cực trong học tập, nghiên cứu và nhu cầu, thói quen đọc sách.

Việc biên soạn sách giáo khoa, giáo trình chậm đổi mới, đặc biệt là sách các môn khoa học xã hội chưa thoát ra khỏi lối tư duy cũ. Ở bậc trung học, cùng với sách giáo khoa thường có sách tham khảo mà phần nhiều là những bài tập được giải sẵn, các bài văn mẫu. Nó giúp ích phần nào trong quá trình học tập nhưng lại làm cho học sinh lười suy nghĩ. Ở bậc đại học một bộ phận sinh viên với lối học, đọc tắt và sự lạm dụng điện thoại di động kết nối Internet có thể giúp hoàn thành một số bài kiểm tra, bài thi mà không nhất thiết phải học, phải đọc, cũng trở nên thụ động trong việc đọc, nghiên cứu tài liệu lâu dần mất hứng thú đọc sách, không có nhu cầu đọc sách.

Thêm vào đó là độc giả chưa được dạy phương pháp đọc sách hiệu quả. Các nhà trường, cung văn hoá... chưa quan tâm đúng mức tới việc hướng dẫn chọn lựa sách, dạy phương pháp đọc sách góp phần tạo niềm tin, say mê đọc và kỹ năng đọc sách.

Đấy là chưa kể tình trạng lộn xộn trong việc in ấn, phát hành sách. Số lượng đầu sách và lượng bản in mười năm trở lại đây khá dồi dào nhưng thiếu chọn lọc trong đó mảng sách văn học không ít sách nghèo chất văn chương, nghệ thuật cũng phần nào ảnh hưởng tiêu cực tới văn hóa đọc.

Nguyên nhân thứ hai là sự tác động của thành tựu khoa học công nghệ đối với văn hóa đọc. Từ vài thập kỷ gần đây khoa học và công nghệ nhất là sự bùng nổ thông tin với sự xuất hiện rộng khắp của vô tuyến truyền hình, video và các phương tiện nghe nhìn khác đã tác động không nhỏ tới việc đọc sách. Cộng đồng xã hội nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ bị lôi cuốn bởi văn hóa nghe nhìn hơn là văn hóa đọc.

Nhịp sống hiện đại và áp lực công việc cũng khiến nhiều người sao nhãng việc đọc. Tình trạng này không chỉ tồn tại trong giới công chức viên chức và người lao động mà còn ở sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Không ít sinh viên trong quá trình học tập tại trường do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn phải làm thêm để trang trải cuộc sống và chi phí học tập nên không có nhiều thời gian cho việc đọc. Mặt khác trước thực tế hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, sự thiếu minh bạch, công bằng trong tuyển dụng lao động cũng ảnh hưởng đến việc học tập, nghiên cứu của sinh viên.

Trước thực tế việc đọc sách hiện nay, một số người có tâm huyết thật sự lo lắng về sự "xuống cấp của văn hóa đọc", số khác trên cơ sở khảo sát sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ trong những Ngày Hội sách và doanh thu từ lượng sách tiêu thụ lại có phần lạc quan hơn.

Tương lai sách in trong sự phát triển của văn hóa đọc

Sách là kho tàng tri thức của nhân loại được lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau. Với người đam mê đọc sách và có phương pháp đọc, sách giúp mở mang tri thức khoa học, nắm vững tri thức nghề nghiệp, phát triển năng lực tư duy, bồi dưỡng tư tưởng tình cảm, niềm say mê học tập, nghiên cứu, có thái độ ứng xử đúng mực.

Sách in có đặc tính không thể thay thế bằng các phương tiện nghe nhìn. Jăng Clôt Cacrie là nhà văn, nhà viết kịch và biên kịch điện ảnh nổi tiếng người Pháp trong khi trò chuyện với Umbectô Êcô nhà ký hiệu học, nhà triết học, nhà phê bình văn học, tiểu thuyết gia người Italia có nhắc tới lời khẳng định của một chuyên gia nghiên cứu về tương lai thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh Đavốt năm 2008 khi được hỏi về các hiện tượng sẽ làm thay đổi nhân loại trong 15 năm tới: Chỉ nên quan tâm tới bốn hiện tượng chắc chắn sẽ xảy ra.

Thứ nhất, một thùng dầu sẽ có giá 500 đô la. Thứ hai, nước sẽ trở thành một sản phẩm thương mại để trao đổi giống như dầu mỏ. Thứ ba, trong những thập kỷ sắp tới châu Phi chắc chắn sẽ trở thành một thế lực kinh tế mạnh. Thứ tư là sách sẽ biến mất. Với quan điểm của người suốt đời gắn bó với sách, viết sách, phê bình sách và tinh thần lạc quan Cacrie và Êcô khẳng định sự tồn tại dài lâu của sách. Không phải ngẫu nhiên cuốn sách của các tác giả này có nhan đề hấp dẫn, gây tò mò: Đừng mơ từ bỏ sách giấy (N’ Espérez pas vous débarrasser des livres)(1).

"Sách in sẽ không chết" song rõ ràng nó đã mất dần vị trí độc tôn trong nền văn hóa của thế giới hiện đại. Văn hóa nghe nhìn có xu hướng cạnh tranh, lấn át văn hóa đọc. Văn hóa nghe nhìn thiên về cung cấp thông tin và giải trí. Văn hóa đọc luôn giữ vai trò chủ đạo trong việc truyền bá, tiếp nhận tri thức. Văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn song hành, bổ sung cho nhau.

Nỗ lực vì một nền văn hóa đọc phát triển

Thiết nghĩ để thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc trong xã hội nước ta, cần có một số biện pháp, cơ chế. Đầu tiên là cần tăng cường thông tin tuyên truyền tạo nhận thức đúng về vai trò của sách và việc đọc sách trong cộng đồng xã hội đặc biệt là trong trường đại học. Đây là nhiệm vụ cần hệ thống truyền thông vào cuộc. Trong các trường đại học, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường chủ động, tích cực tuyên truyền, tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách trong sinh viên.

Tiếp tục mở rộng hơn nữa các cuộc hội thảo, trao đổi, phổ biến phương pháp đọc sách. Và duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng giới thiệu sách, điểm sách... do các báo, tạp chí, truyền hình và các nhà trường, trung tâm thông tin - thư viện triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần có biện pháp hữu hiệu để không ngừng nâng cao chất lượng sách giấy và sách điện tử (sáng tác, biên soạn, dịch thuật...). Nên có sự đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thư viện đặc biệt là thư viện các nhà trường, vùng sâu, vùng xa và đối tượng học sinh, sinh viên.

Các trường đại học cũng cần chủ động có kế hoạch mở rộng, phát triển trung tâm thông tin - thư viện, thường xuyên đầu tư trang thiết bị, sách, giáo trình đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các tác giả biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo nhằm tăng cường nguồn tài liệu đáp ứng nhu cầu đầu đọc của sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Các giảng viên tích cực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, tăng cường hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu. Việc xây dựng hệ thống câu hỏi thích hợp, những đề tài có tính thực tiễn sẽ tạo cho sinh viên hứng thú học tập, nghiên cứu, tích cực chọn lựa sách cần đọc. Từ những việc làm cụ thể của mình, giảng viên góp sức hình thành thói quen đọc sách cho sinh viên.

Muốn phát triển văn hóa đọc thời hội nhập để đáp ứng nền kinh tế tri thức và sự phát triển bền vững đất nước cần sự nỗ lực không ngừng của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội, của các cơ quan quản lý nhà nước.

Phát triển văn hóa đọc cần nâng cao hiệu quả đọc sách

Cần phải xác định rõ mục tiêu đọc sách. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng vì nó chi phối toàn bộ quá trình đọc ngay từ khâu chọn lựa sách, phương pháp tiếp cận... Đọc sách phải đọc văn bản đầy đủ (Bản rút gọn, bản tóm tắt không thể thay thế văn bản chính). Với tác phẩm của nước ngoài nên tìm đọc văn bản nguyên ngữ, trường hợp không có điều kiện đọc được mới đọc bản dịch.

Chỉ sử dụng các phương tiện trợ giúp việc đọc (Từ điển, Bách khoa toàn thư, các sách liên quan, bài phê bình sách...) khi đã đọc kỹ mà vẫn chưa hiểu một số vấn đề hay nội dung cơ bản của sách. Nhất là với văn chương, lịch sử, triết học trước khi đọc tác phẩm không đọc bài phê bình, chuyên luận về sách, tác giả đó bởi nó sẽ chi phối, tác động tiêu cực đối với việc tiếp cận tác phẩm.

Và cũng cần xác định rằng đọc sách là hoạt động tích cực: Đòi hỏi người đọc luôn đọc chủ động với sự tập trung cao độ. Trong khi đọc cần đặt ra các câu hỏi và tìm câu trả lời. Đọc sách không chỉ tiếp nhận thông tin, tích lũy tri thức mà còn nhằm nâng cao tầm nhận thức. Vấn đề đặt ra với người đọc là phải có phương pháp đọc hiệu quả.

Theo Mortimer J. Adler: "Phương pháp đọc sách hiệu quả là một quá trình vận dụng trí óc của con người để suy ngẫm về những con chữ mà không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Nhờ đó trí tuệ của bạn được nâng lên một tầm cao mới, từ hiểu ít đến hiểu nhiều"(2).

Các bước cần thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả đọc sách có thể kể đến như: Đọc nhận biết: Xem lướt qua sách: Nhan đề sách, phụ đề giúp nhận biết thể loại sách; Xem mục lục để biết sơ bộ cấu trúc sách; Đọc lời giới thiệu (của Nhà xuất bản, của tác giả...); Xem trang thư mục sách tham khảo, xem chú dẫn để biết các sách, tài liệu, các tác giả mà người viết sách đã tham khảo; Xem các chương, mục người đọc cảm nhận là quan trọng, tìm dấu hiệu liên quan luận điểm chính và vấn đề cơ bản của sách; Đọc trang cuối các chương, phần kết luận, tóm tắt ở cuối sách. Việc xem lướt qua sẽ giúp bạn đọc xác định cho mình biết cuốn sách có cần đọc không.

Đọc nhanh liền mạch sách. Khi đã biết cuốn sách cần đọc, phải đọc nhanh liền mạch, không cần tra cứu, suy nghĩ về những gì chưa hiểu để có cái nhìn tổng quan. Để việc đọc đạt hiệu quả, tránh lãng phí thời gian cần bảo đảm tốc độ đọc phù hợp từng phần, từng loại sách. Việc đọc nhanh liền mạch giúp người đọc bước đầu biết được nội dung sách trước khi tiến hành đọc hiểu (đọc nghiên cứu, đọc phân tích).

Đọc hiểu.Để việc đọc hiểu để xác định rõ một số vấn đề chung cơ bản của sách. Cuốn sách thuộc loại nào? Sách lý thuyết hay sách thực hành? Sách lý thuyết thuộc lĩnh vực nào? Nội dung tổng quát của sách là gì? Những phần chính và mối liên hệ, tính logic giữa chúng? Những vấn đề được đặt ra và giải quyết?

Ngoài ra, người đọc cũng cần thực hiện một số hoạt động để có nhận thức đầy đủ và chính xác nội dung sách, chẳng hạn như tìm ra các thuật ngữ, từ khóa và đánh dấu vào sách (riêng). Điều này hết sức cần thiết bởi vì mỗi lĩnh vực kiến thức đều có hệ thống từ chuyên môn riêng. Chỉ khi nắm vững thuật ngữ, xác định được từ khóa mới nắm bắt được ý kiến, nhận định của tác giả.

Cũng nhờ phương pháp đọc này, người đọc sẽ phát hiện ra những nhận định, lập luận của tác giả, đánh dấu vào sách. Trong sách, những nhận định chủ đạo phải nằm trong các lập luận của sách, đôi khi được trình bày, theo một hình thức, kiểu chữ gây sự chú ý đối với người đọc. Người đọc cũng có thể ghi bên lề sách ý kiến của mình về những nhận định, lập luận của tác giả. Từ đó, xem xét những nhận định đó có cùng quan điểm hay khác biệt, đối lập với sách đã đọc?

Việc nhận xét, đánh giá sách cũng là điều nên được khuyến khích. Bởi vì người đọc cần xác định rõ tác giả đã giải quyết được vấn đề nào? Có vấn đề nào mới, vấn đề nào còn bỏ ngỏ?. Viết tóm tắt nội dung sách, nhận xét đánh giá về sách để tiện sử dụng khi cần. Thậm chí, sau khi đọc hiểu nội dung sách có thể tham gia phê bình sách.

Cần thận trọng, xem xét kỹ trước khi phê bình sách và có lập luận chứng minh cho quan điểm của mình. Trong quá trình phê bình sách cần có thái độ tôn trọng tác giả - người đã dành tâm lực, trí tuệ tạo nên tác phẩm. Nếu có bất đồng quan điểm cần trao đổi trên tinh thần khách quan, khoa học.

Kết: việc nâng cao hiệu quả đọc sách nói chung; đối với mỗi loại sách thuộc các lĩnh vực kiến thức khác nhau, do đặc thù của chúng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Bởi vì, cách đọc sách thông minh, đọc tích cực không chỉ giúp chúng ta sống, làm việc tốt hơn mà như lời của tác giả Mortimer J. Adler, nó còn giúp ta giữ cho trí óc sống và phát triển.

(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)

Bài liên quan
  • Đọc sách để tư duy và sáng tạo
    Cuốn sách, dù chỉ đọc một câu thôi cũng tìm ra ý hay ở trong đó, và có thể đọc cả cuốn sách để tìm ra những biện chứng từ việc học, việc đọc, việc sáng tạo.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những vấn đề bàn thêm về văn hóa đọc thời hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO