"Zinky boys những cậu bé kẽm": bộc bạch của những người trở về từ chiến tranh

N.N| 03/07/2020 17:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Những cậu bé kẽm là thiên thứ ba trong loạt 5 quyển của bộ sách "Những giọng nói không tưởng" gồm: "Những nhân chứng cuối cùng", "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ", "Lời nguyện cầu Chernobyl" và "Thời second hand".

Một cuốn sách về số phận con người khổ đau trong chiến tranh

"Những cậu bé kẽm" là lời bộc bạch của những người sống sót trở về từ chiến tranh Afghanistan và của thân nhân những người đã mất.

Được viết bằng thể loại văn xuôi tư liệu cùng với tâm thế của một con người vị nhân phản chiến, cuốn sách đã khuấy lên một giai đoạn lịch sử đầy những tổn thương đau đớn, đã phác họa một bối cảnh, đã soi chiếu bằng một góc nhìn trước nay chưa từng được công bố. 

Đó là những dòng hồi ức khốc liệt, đẫm máu, thống khổ và vĩnh viễn làm thương tổn không chỉ thân thể mà còn tinh thần con người. Nó phơi bày cái phi nghĩa, vô nhân của một cuộc chiến tranh vô vọng. 

Đó chính là những "Afghan" - những người Nga tham gia chiến tranh ở Afghanistan 1979 - 1989, những người ra đi trên danh nghĩa làm "nghĩa vụ quốc tế" rồi rút về trong thất bại, không bao giờ được biết niềm tự hào của thế hệ cha ông trong cuộc chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại.

Zinky boys những cậu bé kẽm- cuốn sách khốc liệt và ám ảnh - Ảnh 1.

Cuốn sách "Zinky Boys Những cậu bé kẽm"

Ở cuộc chiến ấy, có người "may mắn" nằm lại trong những chiếc quan tài kẽm, số khác thân xác lang bạt nơi chiến trận. Một số kẻ sống sót trở về cũng không bao giờ có thể quay lại cuộc sống của một người bình thường bởi những sang chấn khủng khiếp mang tên hội chứng Afghanistan. Người ngoài cuộc nhìn nhận họ như những kẻ sát nhân, kẻ bại trận, còn chính họ cũng quên mất phải sống bình thường là thế nào.

Cuốn sách có đoạn viết: "Tôi ganh tị với những bà mẹ có con trở về cụt cả hai chân. Cứ để nó căm thù mẹ mình sau khi đã nốc say. Căm thù cả thế giới. Cứ để nó lao vào bà ta, như lao tới kẻ thù. Bà ta sẽ trả tiền cho gái mại dâm, để nó không phát rồ. Bản thân bà ta đã từng một lần trở thành tình nhân cho nó, bởi nó đã trườn ra ban công và muốn lao xuống từ tầng mười. Tôi chấp nhận tất cả. Tôi ganh tị với tất cả những bà mẹ, kể cả những ai có con đã năm trong huyệt mộ. Tôi sẽ ngồi bên mộ chí của con và hạnh phúc. Tôi sẽ mang hoa tới".

Tác giả cuốn sách bị kiện vì những điều dữ dội trong nội dung của nó

Để viết cuốn sách này, Svetlana Alexievich đã thực hiện hơn 500 cuộc phỏng vấn để tạo nên bức tranh toàn cảnh về những góc khuất của chiến tranh. Cũng chính những trang tư liệu về nỗi đau của những nỗi đau này, ngày 20/1/1993, cuốn sách của Svetlana Alexievich bị đưa ra tòa xét xử bởi những người cung cấp tư liệu đâm đơn kiện với lý do phỉ báng danh dự và ngụy tạo lời kể. 

Phiên tòa kéo theo sự chú ý của chính quyền và công chúng tạo thành làn sóng dư luận ở cả hai phía, ủng hộ và chống đối Svetlana Alexievich. Ở những lần tái bản sau, Svetlana Alexievich đã đồng ý thêm vào toàn bộ biên bản vụ kiện cùng những sự kiện có liên quan.

Pavel Shetko, một "cựu Afghan" nói rằng: "Tôi tự hỏi Svetlana Alexievich có cần phải viết một cuốn sách về những điều kinh khủng của chiến tranh không? Có! Những bà mẹ có cần phải bảo vệ con trai mình không? Có! Và những "người Afghan" có cần phải bảo vệ đồng đội mình không? Lại một lần nữa - có!

…Các đạo diễn và nhạc trưởng, các chính khách và nguyên soái, những kẻ tổ chức cuộc chiến tranh này, không có mặt trong phòng xử án. Ở đây chỉ toàn những phía bị hại: là tình yêu, không chấp nhận sự thật cay đắng về chiến tranh; là sự thật, cần phải được nói ra mặc cho tình yêu thế nào chăng nữa; là danh dự, không thể chấp nhận tình yêu lẫn sự thật..."

Vậy, vì điều gì mà từ những dòng văn xuôi tư liệu về chiến tranh Afghanistan lại dẫn đến phiên tòa xử án văn chương? Có lẽ câu trả lời sẽ nằm trong suy nghĩ mỗi người khi bước vào thế giới của Những cậu bé kẽm.

Nhà văn Svetlana Alexievich tại Ukraine trong một gia đình công chức. Năm 2015, bà được trao giải Nobel Văn học. Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, giải thưởng này được trao cho bà để "tôn vinh những dòng văn phức điệu của bà. Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta". Sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus, bà làm việc cho tờ Báo nông nghiệp và tạp chí Neman ở Minsk.

Trong suốt vài thập niên bà đã viết biên niên tư liệu – nghệ thuật Những giọng không tưởng – gồm 5 quyển sách (Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ - 1983, Những nhân chứng cuối cùng - 1985, Những cậu bé kẽm - 1989, Lời nguyện cầu từ Chernobyl - 1997, Thời second-hand - 2013) và để những "con người nhỏ bé" đích thân kể về số phận của mình. Thực chất, đây là một thể loại đặc biệt, một loại tiểu thuyết chính trị đa giọng, trong đó những câu chuyện nhỏ bé hợp thành một lịch sử lớn.

Các tác phẩm của Svetlana Alevievich đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng, là nền tảng cho hằng trăm bộ phim điện ảnh, kịch sân khấu và truyền thanh trên khắp thế giới, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Zinky boys những cậu bé kẽm": bộc bạch của những người trở về từ chiến tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO