100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai IPv6 trong năm 2021

Lan Phương| 15/01/2021 16:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Triển khai IPv6 sẽ bước vào giai đoạn mới khi ngày 14/1/2021, Bộ TT&TT đã chính thức ban hành Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025.

Ngày 15/1/2021, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác IPv6 năm 2020 và công bố Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021 - 2025.

Top đầu thế giới về triển khai IPv6

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Trưởng Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cho biết trong giai đoạn 2011 - 2020, Bộ TT&TT và Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã rất nỗ lực, tiên phong, chủ động, dẫn dắt các doanh nghiệp (DN), cơ quan tổ chức trên toàn Việt Nam chuyển đổi thành công IPv6 cho mạng Internet Việt Nam. Mạng Internet Việt Nam đã hoạt động an toàn, ổn định theo địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6. Với 34 triệu người sử dụng, Việt Nam đứng thứ 10 của thế giới, thứ 4 ở châu Á, thứ 2 ở Đông Nam về chuyển đổi IPv6, trên cả các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

100% Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai IPv6 trong năm 2021 - Ảnh 1.

Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng: Trong giai đoạn 2011 - 2020, Bộ TT&TT và Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã rất nỗ lực, tiên phong, chủ động, dẫn dắt các DN, cơ quan tổ chức trên toàn Việt Nam chuyển đổi thành công IPv6

"Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của Ban Công tác, Bộ TT&TT, các DN, cơ quan, tổ chức đồng hành trong suốt 10 năm qua", ông Nguyễn Hồng Thắng khẳng định.

Tại Hội nghị, ông Thắng đã công bố Chương trình IPv6 For Gov được Bộ trưởng Bộ TT&TT ký ban hành ngày 14/11/2020 với các chỉ số, chỉ tiêu cụ thể theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2021 - 2022) với mục tiêu 50% bộ, ngành, tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 và thực hiện chuyển đổi Cổng Thông tin điện tử (TTĐT), Cổng dịch vụ công (DVC) hoạt động tốt với IPv6 và Giai đoạn 2 (2023 - 2025) với mục tiêu 100% mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước (CQNN) chuyển đổi sang IPv6 và sẵn sàng hoạt động thuần IPv6.

Theo đánh giá của ông Thắng, trong chuyển đổi số (CĐS), hạ tầng số, cụ thể là hạ tầng Internet, đóng vai trò quan trọng để cung cấp các dịch vụ trực tuyến của các DN, của xã hội, của người dân cũng như là của CQNN. Vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi IPv6 trong CQNN cũng như hộ tiêu dùng lớn, đơn vị cung cấp dịch vụ lớn, Bộ TT&TT đã xây dựng chương trình IPv6 for Gov 2021 - 2025 với vai trò thúc đẩy hỗ trợ toàn bộ CQNN chuyển sang IPv6 và theo đó hạ tầng số sẵn sàng cung cấp các dịch vụ số cho người dân và DN.

100% Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai IPv6 trong năm 2021 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Chuyển đổi sang IPv6 đồng nghĩa với việc không gian phát triển của mạng Internet Việt Nam sẽ rộng lớn hơn

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết: Internet Việt Nam đã trải qua một hành trình hơn 20 năm với nhiều thành công, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước.

"Hành trình chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ mới hoạt động với địa chỉ IPv6 cũng đã được bắt đầu từ những quyết định mạnh dạn, đúng đắn, kiên trì và hiệu quả. Thể hiện rõ nhất bằng việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 - đóng vai trò như một kim chỉ nam xuyên suốt 1 thập kỷ vừa qua", Thứ trưởng khẳng định.

Nếu nói về các bảng xếp hạng thế giới, Thứ trưởng cho biết rất ít có những xếp hạng mà Việt Nam lọt vào top 10 những quốc gia làm tốt nhất. Nhưng chúng ta đã đạt được thành tích rất đáng khích lệ đó với chuyển đổi sang thế hệ mạng IPv6. Chuyển đổi sang IPv6 đồng nghĩa với việc không gian phát triển của mạng Internet Việt Nam sẽ rộng lớn hơn.

Để có được kết quả như ngày hôm nay, Thứ trưởng cho biết chúng ta đã cùng nhau nỗ lực trong suốt 10 năm qua. Trong đó, Bộ TT&TT thể hiện vai trò tiên phong, điều phối, cùng đồng hành, hỗ trợ các DN, các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, chúng ta không hài lòng với kết quả mà dừng lại.

Trong giai đoạn tới, Thứ trưởng cho biết cần chuẩn bị hạ tầng số sẵn sàng cho CĐS, đặc biệt là chuyển đổi chính phủ số. Hạ tầng Internet phải đi trước một bước, đáp ứng được nhu cầu bùng nổ của xu hướng phát triển thông minh với kết nối số lượng không giới hạn của các thiết bị IoT - những thành phần cơ bản của các dịch vụ đô thị thông minh, của CĐS chính phủ. Chúng ta còn một chặng đường dài phía trước để chuyển đổi hạ tầng của CQNN sang IPv6.

100% Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai IPv6 trong năm 2021 - Ảnh 3.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và các đại biểu bấm nút công bố chương trình IPv6 for Gov

Hướng tới mục tiêu 100% người sử dụng IPv6 tới năm 2023

Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng về CĐS, Thứ trưởng cho biết Việt Nam đi cùng nhịp với các nước trên thế giới trong ứng dụng công nghệ. Cụ thể, trong việc triển khai IPv6, chúng ta cùng nhau đặt mục tiêu đi cùng nhịp với Mỹ, với Trung Quốc và với những nước tiên phong khác.

Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, tổ chức, DN và cộng đồng cùng nhau thực hiện một số hành động:

Thứ nhất, Bộ TT&TT đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong quá trình chuyển đổi IPv6. Tương tự như vậy, Sở TT&TT và các đơn vị chuyên trách về CNTT hãy đảm nhiệm tốt vai trò hạt nhân, đơn vị tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện thành công Kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ CNTT các bộ, ngành, tỉnh, thành phố; chủ động triển khai và đáp ứng tốt các chỉ tiêu, tiêu chí của Chương trình đã được ban hành.

Bộ TT&TT sẽ hoàn tất quá trình triển khai chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của Bộ trước để làm hình mẫu tham khảo. Các CQNN thực hiện nhanh hơn quá trình xây dựng Kế hoạch chuyển đổi IPv6 và chuyển đổi IPv6 cho Cổng TTĐT, Cổng DVC. Phấn đấu ngay trong năm 2021 này, 100% bộ, ngành; tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 và chuyển đổi IPv6 thành công cho Cổng TTĐT.

Thứ hai, các DN viễn thông, Internet, DN CNTT chủ động tư vấn, cung ứng dịch vụ có hỗ trợ tính năng IPv6 cho các CQNN; bên cạnh đó chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp hạ tầng, dịch vụ, phần cứng, phần mềm hỗ trợ IPv6 và phát triển các nền tảng hỗ trợ IPv6 như nền tảng của kinh tế số định danh số, thanh toán điện tử,… tiếp tục tham gia tiến trình chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng IPv6, 100% người sử dụng truy cập Internet qua IPv6.

Các DN viễn thông, Internet đẩy nhanh quá trình cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng trên diện rộng; hướng tới mục tiêu 100% người sử dụng IPv6 tới năm 2023. Các DN nội dung, IDC, Cloud lớn chuyển đổi, cung cấp dịch vụ IPv6 mặc định ngay trong Quý 1/2021; Trạm trung chuyển lưu lượng quốc gia VNIX là nơi lý tưởng để kết nối, để trao đổi lưu lượng Internet, IPv6.

Thứ ba, Trung tâm VNNIC và các đơn vị thuộc Bộ TT&TT (Cục Tin học hóa, Cục Bưu điện Trung ương, Cục Viễn thông) cần thực hiện tốt vai trò chủ trì, dẫn dắt, tư vấn, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong công tác chuyển đổi IPv6 và tái cấu trúc hạ tầng mạng lưới CQNN theo hướng hiện đại; chỉ đạo các viễn thông, ICT chuyển đổi IPv6 đồng bộ; tham mưu cho Bộ TT&TT các chính sách, kế hoạch, hoạt động thúc đẩy tiến trình chuyển đổi thành công IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ CQNN cũng như trong tổng thể hoạt động Internet Việt Nam.

100% Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai IPv6 trong năm 2021 - Ảnh 4.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho các đơn vị đã có thành tích trong triển khai IPv6 giai đoạn 2011 - 2020

Thực hiện vai trò thường trực, Thứ trưởng yêu cầu VNNIC cũng cần thực hiện tốt vai trò trung tâm tổng hợp, theo dõi, giám sát thông tin để tương trợ hỗ trợ các đơn vị bám sát và thực hiện hoàn tất chỉ tiêu của Chương trình IPv6 For Gov.

Cuối cùng, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Các cơ quan, tổ chức, đơn vị hãy xác định tinh thần đi cùng nhau, làm cùng nhau và thực hiện một cách xuất sắc các mục tiêu của Chương trình IPv6 For Gov như đã cùng thực hiện Kế hoạch Hành động quốc gia về IPv6".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai IPv6 trong năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO