Kế hoạch nhằm xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ để Bộ TTTT tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025” và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch, thời gian tới, song song với việc triển khai các nhiệm vụ phát triển CPĐT đến năm 2020 của Bộ TTTT, Bộ sẽ tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết 17 của Chính phủ.
Cụ thể, tại kế hoạch, Bộ TTTT nhấn mạnh lại mục tiêu và các chỉ tiêu chính trong phát triển CPĐT tại Việt Nam đến hết năm 2020 đã được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 17, đó là: đưa thông tin và dịch vụ của Chính phủ tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi.
Hoàn thiện nền tảng CPĐT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN); phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) và an ninh mạng; nâng xếp hạng CPĐT theo đánh giá của Liên Hợp Quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng CPĐT theo đánh giá của Liên Hợp Quốc đến năm 2025.
Cán bộ Trung tâm hành chính công huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh hướng dẫn người dân tra cứu thông tin trên Kios điện tử. Ảnh: (baoquangninh.vn)
Với các chỉ tiêu, Bộ TTTT xác định sẽ tập trung đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 22 chỉ tiêu mang tính chất định lượng như:
20% số lượng người dân và DN tham gia hệ thống thông tin CPĐT được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương;
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của từng bộ, ngành, địa phương đạt 20% trở lên;
Tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia;
100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh;
30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4;
50% Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh cung cấp giao diện cho các thiết bị di động;
100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, DN;
50% cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh cung cấp giao diện cho các thiết bị di động;
20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện TTHC;
50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử;
50% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ CSDL quốc gia về đăng ký DN;
100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử;
Tăng 10 bậc về Chỉ số phát triển CPĐT theo đánh giá của Liên Hợp Quốc…
Với 43 nhiệm vụ về phát triển CPĐT đến hết năm 2020 mà Bộ TTTT được giao, Kế hoạch triển khai thực hiện của Bộ đã phân, giao cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và đặc biệt là vạch rõ các mốc thời gian cần hoàn thành những nội dung công việc của từng nhiệm vụ.
Đơn cử như, với việc xây dựng “Chiến lược phát triển CPĐT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”, nhiệm vụ này được giao cho Cục Tin học hóa chủ trì, các đơn vị phối hợp gồm có Cục ATTT, Cục Bưu điện Trung ương và Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC).
Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện và báo cáo lãnh đạo Bộ theo quý, trong đó quý I/2020 phải hoàn thành xây dựng đề cương chi tiết; quý II/2020 xây dựng xong dự thảo; xin ý kiến, hoàn thiện dự thảo trong quý III/2020; và trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV/2020.
Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ đào tạo 100 chuyên gia về CPĐT ở các Bộ, ngành, địa phương là lực lượng nòng cốt để dẫn dắt phát triển CPĐT (Chương trình đào tạo 100). Nhiệm vụ này được giao cho Cục Tin học hóa chủ trì, Cục ATTT, Cục Bưu điện Trung ương, NEAC phố hợp thực hiện trong Quý IV/2019 và năm 2020.
Trong kế hoạch này, Bộ TTTT cũng xác định rõ những giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, như xác định tỉnh điểm, bộ điểm để tổ chức triển khai điểm về CPĐT, chính quyền điện tử; trên cơ sở đó nhân rộng mô hình thành công cho các bộ, địa phương trên toàn quốc.