5 sự kiện nổi bật của năm chuyển đổi số quốc gia 2020

Tạp chí TT&TT| 31/12/2020 08:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Cụm từ "Chuyển đổi số" (CĐS) đã trở nên quen thuộc với hầu hết người dân Việt Nam và trở thành cụm từ tìm kiếm phổ biến trên Google. Chỉ cần đưa cụm từ này vào công cụ tìm kiếm, Google cho ra khoảng 224.000.000 kết quả trong 0,33 giây.

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 1.

Cụm từ "Chuyển đổi số" (CĐS) đã trở nên quen thuộc với hầu hết người dân Việt Nam và trở thành cụm từ tìm kiếm phổ biến trên Google. Chỉ cần đưa cụm từ này vào công cụ tìm kiếm, Google cho ra khoảng 224.000.000 kết quả trong 0,33 giây.

CĐS đang được ứng dụng ngày một rộng rãi trong hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Trong đó không thể không kể đến sự ủng hộ từ Chính phủ và chính quyền các cấp trong việc nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số thông qua các bước CĐS. Đây thực sự là nền móng, cơ hội để các DN Việt tin vào tương lai phát triển kinh tế số trong thời kỳ cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0.

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 2.

Theo xu hướng công nghệ, chính sách và các hoạt động Việt Nam đang triển khai, Tạp chí Thông tin và Truyền thông đánh giá, lựa chọn 05 sự kiện nổi bật về viễn thông và công nghệ thông tin (ICT) trong năm 2020 như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", chính thức khởi động năm CĐS quốc gia

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đây được coi là dấu mốc quan trọng chính thức khởi động năm CĐS quốc gia của Việt Nam.

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 3.

Nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số khu vực nhà nước đã diễn ra trong năm 2020 (Ảnh: VGP)

Chương trình CĐS quốc gia đặc biệt nhấn mạnh: lấy người dân và DN làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và DN vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Chương trình đặt ra 03 mục tiêu chính: (1) Hướng tới Chính phủ số, đến năm 2025, nước ta có 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về CPĐT (EGDI); (2) Về Kinh tế số, Việt Nam hướng tới nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), kinh tế số chiếm 20% GDP và Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; (3) Về Xã hội số, Việt Nam hướng đến mục tiêu trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh, nước ta thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Ngay sau khi Chương trình CĐS quốc gia được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực bắt tay triển khai Chương trình. Tháng 7/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có văn bản hướng dẫn Khung Chương trình CĐS cho cho các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đang triển khai xây dựng Chương trình, đề án, kế hoạch riêng về CĐS. Tính đến tháng 12/2020 có 30 tỉnh, thành phố đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án CĐS của địa phương mình.

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 4.

Các doanh nghiệp số được vinh danh tại nhiều sự kiện ICT trong năm vừa qua

Bộ máy chỉ đạo điều hành về CPĐT các cấp tiếp tục được kiện toàn, Uỷ ban Quốc gia về CPĐT được mở rộng chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo thêm nội dung về CĐS, kinh tế số, đô thị thông minh. Các Ban chỉ đạo chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương cũng đang được mở rộng chức năng, nhiệm vụ tương ứng.

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 5.

Cuối năm 2020, Bộ TT&TT đã công bố bộ Chỉ số đánh giá Mức độ CĐS bao gồm các chỉ số đánh giá về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của quốc gia, từng ngành, từng địa phương. Bắt đầu từ năm 2021, Chính phủ thường xuyên đánh giá, công bố xếp hạng CĐS của các bộ, ngành, địa phương.

Các DN Việt Nam đã dần làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho CĐS. Đến nay, hàng chục DN có sản phẩm nền tảng được Bộ TT&TT đánh giá, công nhận là nền tảng chuyển đổi quốc gia.

CĐS được xem như vấn đề sống còn của các DN trong bối cảnh hiện tại. Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế để CĐS nhanh chóng. Nắm bắt thời cơ ngàn năm có một này sẽ giúp Việt Nam tiến một bước dài phát triển kinh tế và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

2. Lần đầu tiên sau 50 năm, Hội nghị và triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World) được tổ chức với tên gọi mới theo sáng kiến của Việt Nam

Trung tuần tháng 10/2020, sự kiện Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World) – sự kiện ICT lớn nhất, tầm cỡ toàn cầu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã được ITU và Việt Nam đồng tổ chức tại Việt Nam theo hình thức trực tuyến với quy mô chưa từng có tiền lệ.

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 6.

Đại diện Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam bấm nút khai mạc sự kiện

Đây là sự kiện mang dấu ấn của Việt Nam vì lần đầu tiên, sau 50 năm Hội nghị với tên gọi cũ "Triển lãm Viễn thông Thế giới (ITU Telecom World)" đã được ITU đổi tên thành "Triển lãm thế giới số (ITU Digital World)" theo sáng kiến, đề xuất của Việt Nam. Từ sự kiện chỉ của cộng đồng Viễn thông, giờ đây sự kiện mở rộng sự tham gia đóng góp của cả cộng đồng CNTT, DN công nghệ số trên toàn thế giới. 

Đặc biệt, Hội nghị và triển lãm này đánh dấu là sự kiện trực tuyến đầu tiên trong lịch sử ITU kể từ năm 1969 và được tổ chức trên nền tảng "Make in Vietnam". Sáng kiến này đã được ITU, các nước thành viên ủng hộ và đánh giá cao.

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 7.

Hội thảo trực tuyến với đại biểu tham dự tại rất nhiều điểm trên toàn cầu

Sự kiện bao gồm Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên ITU (Ministerial Roundtables), các hội thảo chuyên đề (Forum Sessions) gắn với việc phát triển thế giới số đã thu hút sự tham gia của lãnh đạo cấp cao như Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan quản lý của 149/193 nước thành viên. Cùng với đó, đã có 150 gian hàng của các tập đoàn hàng đầu thế giới từ 44 nước tham gia triển lãm trực tuyến (Virtual Exhibition).

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 8.

Gian triển lãm trực tuyến của Việt Nam

Kết thúc Hội nghị, Tổng thư ký ITU đã khẳng định: Hội nghị ITU Digital World 2020 đã gửi một thông điệp mạnh mẽ: "Cùng nhau, chúng ta có thể kết nối mọi thứ và thúc đẩy sự phát triển chung. Trong thời gian tới, ITU sẽ tiếp tục cộng tác trên tinh thần hợp tác để đạt được sự tiến bộ trong các lĩnh vực trọng yếu, như hỗ trợ các DN vừa và nhỏ và tạo ra môi trường thích hợp để thu hút các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT-TT để từ đó mọi người đều có quyền truy cập và hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng này".

3. Triển khai "Make in Viet Nam" để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tham gia sâu vào chuỗi kinh tế toàn cầu

Để cụ thể hóa Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ TT&TT đã tăng tốc triển khai chiến lược "Make in Viet Nam".

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 9.

Diễn đàn Make in VietNam khơi dậy tiềm năng và sức mạnh của các doanh nghiệp trong nước

Năm 2020, Bộ TT&TT đã triển khai chuỗi các sự kiện thúc đẩy chiến lược: Ngày thứ Sáu công nghệ; Tổ chức Giải thưởng quốc gia "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" ...

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng CĐS cho từng ngành, từng lĩnh vực, và đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam; các DN công nghệ số Việt Nam phải đẩy nhanh và làm chủ các hạ tầng, nền tảng số và Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp công cuộc chuyển đổi này. Thúc đẩy triển khai, trong năm 2020, hàng tuần, Bộ TT&TT tổ chức ra mắt các hạ tầng, nền tảng và ứng dụng CĐS cho các ngành, các lĩnh vực hay còn gọi là "Ngày thứ Sáu công nghệ".

Sự kiện Ngày thứ Sáu công nghệ đã thu hút mạnh mẽ các DN tham gia, đến hết tháng 12/2020, có 40 nền tảng Make in Vietnam cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được Bộ TT&TT đánh giá, công nhận là nền tảng CĐS quốc gia. Theo đánh giá, phản hồi từ khách hàng của 40 nền tảng được công bố trong năm 2020, chất lượng của các sản phẩm này không thua kém các nền tảng nước ngoài, thậm chí tốt hơn ở một số lĩnh vực.

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 10.

Các nền tảng Make in VietNam bùng nổ với Ngày thứ Sáu công nghệ đã tạo một niềm tin về khả năng của các DN Việt Nam có đủ khả năng giải quyết các bài toán CĐS Việt Nam, đẩy nhanh quá trình và tối ưu hóa hoạt động của DN.

Qua chiến lược "Make in Viet Nam", Việt Nam đang từng bước cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ và tham gia sâu hơn vào chuỗi kinh tế toàn cầu, thay vì chỉ gia công và lắp ráp. Điều này giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

4. Mạng 5G do Việt Nam làm chủ được triển khai thử nghiệm thương mại

Cuối năm 2020, cả 3 nhà mạng lớn của Việt Nam bao gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G do Việt Nam làm chủ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là bước tiến quan trọng để mạng 5G có thể được cấp phép trong năm 2021 để triển khai thời gian đầu tại các thành phố lớn, tại các khu công nghiệp,… với giá cước tương tự như mạng 4G.

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 11.

Với tốc độ cao hơn 10 lần so với mạng 4G hiện tại và độ trễ thấp, mạng 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng dữ liệu như video 4K/8K, dịch vụ IoT, xe tự hành…

Các sản phẩm, thiết bị 5G triển khai thử nghiệm thương mại đều do các nhà mạng và các DN ICT trong nước tự nghiên cứu, sản xuất hay bắt tay với nhau để thực hiện. Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể tự sản xuất được thiết bị 5G.

Khi hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, khi vấn đề an toàn, an ninh mạng trở thành yếu tố sống còn của CĐS thì việc làm chủ thiết bị hạ tầng mạng lưới có ý nghĩa quyết định, giúp Việt Nam có thể tự tin thúc đẩy nhanh CĐS quốc gia.

5. ICT đóng góp thiết thực trong phòng chống dịch bệnh thế kỷ COVID-19

Đại dịch COVID-19 là cú sốc y tế mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhưng đồng thời phải đảm bảo phát triển kinh tế là một mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong năm 2020.

Đồng hành cùng Chính phủ, ICT đã có đóng góp mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Đầu tiên, đó là việc ra đời ứng dụng khai báo y tế tự nguyện Ncovi và ứng dụng phát hiện tiếp xúc Bluezone. Tính đến tháng 12/2020, ứng dụng Ncovi, Bluezone đã lần lượt được 8 triệu và 23,5 triệu lượt tải về cài đặt sử dụng. Hệ thống Bluezone đã xác định được 1920 người có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm để bổ sung cho danh sách truy vết truyền thống bằng biện pháp điều tra dịch tễ, qua đó tránh được việc phải tìm kiếm, phong tỏa nhiều người dân, hộ gia đình trên diện rộng. Tuy không phải quốc gia đầu tiên giới thiệu giải pháp này, nhưng phần mềm Việt Nam đã giải quyết được cơ bản các trường hợp bỏ sót hoặc chưa hoạt động tối ưu mà một số phần mềm tương tự trước đây mắc phải.

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 12.

Các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone… đã tích cực trong việc cùng tham gia phòng chống dịch Covid-19, khi liên tục nhắn tin phòng chống dịch, có các chính sách tặng data/gói cước, giảm/miễn cước, hiển thị cột sóng cài đặt Bluezone, nhắc nhờ người dân ở nhà hay cài đặt âm thông báo trước mỗi cuộc gọi… 

Theo thống kê của Cục Viễn thông – Bộ TT&TT, các nhà mạng đã có 16 đợt nhắn tin với khoảng 20 tỷ tin nhắn SMS có nội dung thông báo, cảnh báo dịch bệnh, đã được gửi đi, tỷ lệ tiếp cận lên đến 78%. Việc cài đặt âm thông báo, thay đổi logo cột sóng để tuyên truyền phòng chống dịch đã truyền tải thông điệp tới 125 triệu thuê bao.

5 sự kiện nổi bật của Năm chuyển đổi số quốc gia 2020 - Ảnh 13.

VinBrain đã đưa ra giải pháp Dr Aid, ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế

Cùng với các ứng dụng trên, ICT đã đóng góp hiệu quả cho việc giãn cách xã hội, tạo nên trạng thái bình thường mới trong thời dịch bệnh qua các nền tảng, ứng dụng thúc đấy học tập, làm việc trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa,…

Đóng góp của ICT đến nay đã góp phần tích cực giúp Chính phủ hoàn thành mục tiêu kép là đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế trong năm 2020./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
5 sự kiện nổi bật của năm chuyển đổi số quốc gia 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO