Kinh tế số

Chuyển đổi số để tiết kiệm, chống lãng phí:Bài 3: Ứng dụng thanh toán số chưa hiệu quả khiến doanh nghiệp gặp nhiều lãng phí

Thế Phương 03/12/2024 08:41

Theo AppotaPay, việc chưa tận dụng tốt giải pháp thanh toán số khiến không ít doanh nghiệp đang phải đối mặt với những lãng phí về thời gian, nguồn lực... Từ đó, ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc khách hàng và cản trở việc ra quyết định kinh doanh.

Thiếu quyết tâm chuyển đổi số khiến không ít doanh nghiệp lãng phí nguồn lực

Đánh giá về việc lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) hiện nay do chưa ứng dụng hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt, ông Đào Tuấn Anh, CEO AppotaPay cho biết, việc ứng dụng thanh toán số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp then chốt để DN tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Dù vậy, thực tế nhiều DN đang phải đối mặt với những lãng phí đáng kể do chưa tận dụng hiệu quả các giải pháp thanh toán số. Khi mà nghiên cứu của Visa năm 2020 cho thấy DN nhỏ và vừa tại Việt Nam mất trung bình 120 giờ làm việc mỗi năm cho các giao dịch tiền mặt và đối chiếu sổ sách thủ công

“Việc này gây lãng phí thời gian, nguồn lực, đồng thời khiến DN khó khăn trong việc tích hợp dữ liệu với hệ thống quản lý khách hàng hay gây đứt gãy trong chăm sóc khách hàng (CSKH), thiếu đi bức tranh toàn cảnh về kinh doanh, cản trở việc ra quyết định. Hơn nữa, trải nghiệm thanh toán kém cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng và khả năng giữ chân khách hàng”, ông Tuấn Anh nhận định.

anh-3.jpg
Việc ứng dụng thanh toán số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp then chốt để DN tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về những nguyên nhân gây nên sự lãng phí này, dù thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến, CEO AppotaPay cho rằng, đầu tiên đến từ năng lực công nghệ và hiểu biết về thanh toán số của nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, còn hạn chế.

Thứ hai, một số DN thiếu quyết tâm chuyển đổi, chưa mạnh dạn thay đổi thói quen và quy trình vận hành đã có từ lâu.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác cung cấp giải pháp phù hợp với quy mô và đặc thù hoạt động của mình.

Cuối cùng, mức phí giao dịch của một số phương thức thanh toán số vẫn còn cao, cũng là một rào cản với DN.

Dù không có thống kê cụ thể lĩnh vực nào đang xảy ra sự lãng phí này, theo ông Tuấn Anh, AppotaPay nhận thấy rằng, bất kỳ hoạt động kinh doanh, buôn bán nào cũng đều có thể gặp phải những lãng phí nếu chưa ứng dụng hiệu quả thanh toán số.

“Như trong lĩnh vực du lịch - một trong những lĩnh vực trọng tâm mà AppotaPay đang đồng hành, chúng tôi nhận thấy sự chuyển đổi số và ứng dụng thanh toán số vẫn chưa đồng đều. Nhiều DN du lịch, đặc biệt là các đơn vị nhỏ lẻ, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt, điều này sẽ là hạn chế rất lớn khi tiếp cận khách quốc tế”, ông Tuấn Anh dẫn chứng.

Để hạn chế sự lãng phí này và thúc đẩy ứng dụng thanh toán số, đại diện AppotaPay cho rằng, cần có sự chung tay từ cả phía cơ quan quản lý và các tổ chức cung ứng dịch vụ.

Cụ thể, cơ quan quản lý cần tạo ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thậm chí là đãi ngộ đặc thù cho các đơn vị trung gian thanh toán, khuyến khích phát triển các giải pháp thanh toán số đa dạng, phù hợp với nhu cầu của từng ngành nghề, lĩnh vực. Đồng thời, cần tăng cường các chương trình đào tạo, phổ cập kiến thức về thanh toán số cho DN, giúp họ hiểu rõ lợi ích, cách thức ứng dụng và quản lý rủi ro.

anh-dao-tuan-anh-giam-doc-dieu-hanh-appotapay.jpg
Ông Đào Tuấn Anh: Bất kỳ hoạt động kinh doanh, buôn bán nào cũng đều có thể gặp phải những lãng phí nếu chưa ứng dụng hiệu quả thanh toán số.

Cần thêm những nỗ lực từ cả cơ quan quản lý và DN để thanh toán số bùng nổ

Khi được hỏi về những khó khăn cho thị trường thanh toán số như tỷ lệ giao hàng trả tiền (Cash On Delivery - COD) cao, lo ngại về an toàn thông tin (ATTT) hay nhóm người lớn tuổi vẫn quen dùng tiền mặt, ông Tuấn Anh cho rằng, dù theo số liệu của AppotaPay, tỷ lệ giao dịch COD vẫn chiếm khoảng 60% trên tổng số giao dịch trực tuyến nhưng đây không hẳn là rào cản mà là một đặc điểm của thị trường. Bởi vì, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng COD vì muốn "nhìn tận mắt, sờ tận tay" hàng hóa trước khi thanh toán, điều này xuất phát từ nhu cầu an toàn và tránh rủi ro.

Để thay đổi thói quen này, các đơn vị thanh toán số như AppotaPay cần phối hợp chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để xây dựng những chính sách bảo vệ người mua hàng toàn diện, minh bạch và dễ hiểu. Ví dụ, các chính sách hoàn trả rõ ràng, cam kết về chất lượng hàng hóa, quy trình giải quyết khiếu nại nhanh chóng,... sẽ giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi thanh toán không dùng tiền mặt.

Còn đối với nhóm người lớn tuổi, để hỗ trợ họ, đại diện Appota cho rằng, cần có sự chung tay từ nhiều phía. Cụ thể, đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ như ngân hàng, ví điện tử…, cần phối hợp tổ chức những buổi hướng dẫn sử dụng công cụ , những chương trình tập huấn về bảo mật ATTT dành riêng cho người cao tuổi.

Ngoài ra, các ứng dụng thanh toán cần có thiết kế riêng, tối giản các bước, sử dụng phông chữ lớn, ngôn ngữ dễ hiểu để phù hợp với người cao tuổi.

Hay gia đình, người thân cần kiên nhẫn hướng dẫn, hỗ trợ người cao tuổi làm quen với công nghệ.

Cuối cùng là vai trò của truyền thông, báo chí trong việc tuyên truyền, phổ cập kiến thức về thanh toán số, nâng cao cảnh giác về các hình thức lừa đảo cũng rất quan trọng.

“Tôi tin rằng với sự nỗ lực từ tất cả các bên, chúng ta có thể giúp người cao tuổi hòa nhập với cuộc sống số một cách an toàn và hiệu quả”, ông Tuấn Anh nói.

anh-nhan-giai.jpg
AppotaPay đã nhận giải “Sản phẩm, dịch vụ giải pháp công nghệ số tiêu biểu” tại Giải thưởng Chuyển đổi số (VietNam Digital Award - VDA) 2024 với hai sản phẩm nổi bật Cổng thanh toán và SmartPOS.

Ngoài ra, cũng theo đại diện AppotaPay, thực trạng lừa đảo trong thanh toán số đúng là một vấn đề đáng lo ngại và bản thân đơn vị này cũng rất quan tâm để bảo vệ người dùng. AppotaPay cũng thường xuyên tổ chức các chiến dịch truyền thông, cung cấp kiến thức, cảnh báo về các hình thức lừa đảo phổ biến trên các kênh của mình.

“Bên cạnh đó, tôi đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc tăng cường an ninh cho thanh toán số, như yêu cầu xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển khoản từ 10 triệu đồng là một bước tiến quan trọng. Và từ 1/1/2025 tới đây, tất cả giao dịch thanh toán trực tuyến đều phải xác thực bằng sinh trắc học sẽ càng nâng cao tính an toàn cho người dùng”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.

Để bảo vệ bản thân, người dùng cần lưu ý: Tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật (mật khẩu, mã OTP, số thẻ,...) cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng; cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền bất thường, luôn kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch, không chuyển tiền cho người lạ, không rõ lý do; Sử dụng công cụ bảo mật như phần mềm diệt virus và thường xuyên cập nhật ứng dụng thanh toán, sử dụng mật khẩu mạnh và thay đổi định kỳ; Chủ động, trang bị cho mình kiến thức về ATTT, các hình thức lừa đảo để phòng tránh.

Về các quy định hiện nay, CEO AppotaPay cho rằng, đã tạo được nền tảng pháp lý quan trọng cho sự phát triển của thanh toán số. Tuy nhiên, để thanh toán số thực sự bùng nổ và phổ cập, vẫn cần thêm những nỗ lực từ cả phía cơ quan quản lý và DN.

Về phía cơ quan quản lý, sẽ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý giúp các trung gian thanh toán, công ty fintech mở rộng khả năng và phạm vi phục vụ. Bên cạnh đó cần liên tục thúc đẩy chuyển đổi thanh toán không tiền mặt trong các lĩnh vực hành chính, y tế, giáo dục, bán lẻ,... Đồng thời tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thanh toán số đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Về phía DN như AppotaPay, cần phải liên tục đầu tư vào công nghệ, không ngừng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo mật thông tin, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Đồng thời tăng cường hợp tác, liên kết giữa các DN trong lĩnh vực fintech, ngân hàng, viễn thông,... để tạo nên một hệ sinh thái thanh toán số toàn diện.

“Tôi tin rằng với sự chung tay góp sức của cả cơ quan quản lý và DN, thanh toán số tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”, ông Tuấn Anh kết luận./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số để tiết kiệm, chống lãng phí: Bài 3: Ứng dụng thanh toán số chưa hiệu quả khiến doanh nghiệp gặp nhiều lãng phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO