Truyền thông

An Giang tối ưu hóa quy trình sản xuất nông nghiệp nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ

Nguyễn Nhàn 30/11/2024 14:24

Trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, tỉnh An Giang đã tiên phong trong việc áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Giúp nông dân An Giang tiết kiệm chi phí

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, có nước và đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh là lúa, cá tra phi lê xuất khẩu, rau màu và cây ăn trái. Với hơn 80% diện tích đất nông nghiệp (tương đương 297.000 ha) và hơn 65% dân số là lao động nông thôn, nông dân An Giang có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn canh tác, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Hiện nay, công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), và chuỗi khối (Blockchain) không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí mà còn mở ra cơ hội kết nối thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

4-1-.jpg
An Giang ứng dụng nhiều công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh Internet)

Từ việc sử dụng các công nghệ IoT để giám sát và quản lý trang trại, đến việc áp dụng AI trong dự báo thời tiết, dịch bệnh và tối ưu hóa quy trình sản xuất, tất cả đều góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững và hiệu quả.

Hiện nay, An Giang đã ứng dụng nhiều công nghệ tưới thông minh kết hợp bón phân đã giúp giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giảm công lao động. Các mô hình này được triển khai nhiều ở các hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) trồng trọt, chủ yếu vào các khu vực trồng có diện tích lớn.

Theo đánh giá, thực tế đã tiết kiệm nhiều công lao động thông qua việc tưới và bón phân lên 20 - 30% so với cách làm truyền thống.

Bên cạnh đó, ứng dụng máy bay không người lái (drone) trong nông nghiệp giúp nông dân thực hiện các công đoạn như sạ lúa, bón phân và phun thuốc một cách tự động, tiết kiệm nhân công và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 265 drone phục vụ trên 40% diện tích nông nghiệp. Nhờ đó, lượng giống lúa giảm từ 120 - 150 kg/ha xuống còn 80 - 100 kg/ha.

Trong lĩnh vực thủy sản, các doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc đã tích cực chuyển đổi số với hệ thống đo lường và quan trắc môi trường ao nuôi tự động, đồng thời ứng dụng chip điện tử định danh cá để đảm bảo truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu.

Việc ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu về giống thủy sản, thức ăn, và các sản phẩm xử lý môi trường giúp các cơ quan quản lý theo dõi thông tin sản phẩm của doanh nghiệp một cách hiệu quả và cung cấp thông tin minh bạch cho người tiêu dùng.

Hiệu quả lớn từ cấp mã số vùng trồng

Mã số vùng trồng trong sản xuất nông nghiệp là một yếu tố quan trọng giúp quản lý, giám sát và kiểm soát chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt trong xuất khẩu. An Giang hiện đang quản lý tốt về mã số vùng trồng.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, lũy kế đến nay đã cấp cấp 514 mã số, tổng diện tích vùng trồng gần 18.000 ha. Thị trường cấp mã số xuất khẩu nông sản bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Úc, EU, Nhật Bản.

4-1-(1).jpg
An Giang cấp 466 mã số xuất khẩu, diện tích 15.538,96 hecta. (Ảnh Báo An Giang)

Theo ông Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc HTX GAP Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới) - đơn vị vừa xuất khẩu 20 tấn xoài sang các thị trường trên thế giới, thay vì ghi chép thủ công, việc sử dụng phần mềm trên điện thoại thông minh giúp việc quản lý trở nên dễ dàng hơn, thông tin được lưu trữ khoa học và không lo bị mất.

Nhờ vào việc quản lý tốt quy trình sản xuất, nhà vườn có thể kiểm soát chính xác lượng phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn an toàn và chất lượng cao. HTX Cù Lao Giêng có 35 thành viên áp dụng nhật ký điện tử 100% trong sản xuất, với diện tích 200 ha, từ đó giúp nông dân cho ra sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, thời gian qua, UBND tỉnh đã quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Nhóm cây ăn trái chủ lực của tỉnh có 4 nhóm cây chính là: Cây xoài, chuối (chủ yếu chuối cấy mô), nhãn, cây có múi. Qua đó, đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái nói chung và cây xoài nói riêng, với các giống xoài chủ lực là xoài ba màu, cát Hòa Lộc, xoài keo.

Về phát triển dữ liệu số, Sở NN&PTNT và VNPT An Giang tiếp tục phối hợp thực hiện Kế hoạch 141/KH-SNPTNT-VNPT về triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu nông nghiệp (VNPT - AIMS), gồm 9 phân hệ: Trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, thủy sản, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, thủy lợi, quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, khuyến nông, giống nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng CĐS trong nông nghiệp” do Sở NN&PTNT An Giang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức vào tháng 10/2024. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tôn Thất Thịnh cho rằng, CĐS không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp mà nó còn đòi hỏi sự thay đổi về tư duy, cách thức quản lý và tổ chức sản xuất. Những thành công bước đầu đạt được tại diễn đàn này là động lực mạnh mẽ để chúng ta tiếp tục hành động, đưa ngành nông nghiệp ngày càng vươn xa./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Cần chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội phát triển công nghiệp công nghệ số
    Trong phiên thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sáng 30/11, nhiều đại biểu cho rằng, để công nghiệp công nghệ số phát triển, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm - vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đảm bảo tính khả thi - vừa thực sự góp phần tạo sự đột phá so với công nghệ thông tin.
  • Đầu tư mạnh và đồng bộ hơn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ số
    Tiếp tục Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, sáng 30/11, cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với các nhóm chính sách của nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ số (CNCNS); Đồng thời, đề nghị có chính sách cụ thể thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao, tạo động lực và không gian phát triển.
  • Cẩn trọng khi dùng thiết bị IoT
    Tình trạng mất an toàn thông tin thiết bị IoT là một thách thức nghiêm trọng. Việc nhận thức và đầu tư vào bảo mật IoT cần được xem là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ dữ liệu và hệ thống mạng trong kỷ nguyên số hóa.
  • Sinh trắc học góp phần đảm bảo an toàn giao dịch tài chính trong môi trường số
    Xác thực sinh trắc học đang nổi lên như một xu hướng quan trọng mà tất cả các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn trên toàn cầu đang hướng tới.
  • Công nghệ 5G đang định hình nền kinh tế tương lai
    Với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và độ trễ gần như bằng không, mạng 5G trở thành lựa chọn thiết yếu cho nhiều lĩnh vực số. Công nghệ này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành phố thông minh, phát triển các ứng dụng công nghệ cao như AR/VR và thúc đẩy sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo.
Đừng bỏ lỡ
An Giang tối ưu hóa quy trình sản xuất nông nghiệp nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO