Thực hiện Quyết định số 988/QĐ-UBND ngày 04/06/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020, những năm qua, Sở Công Thương Bắc Giang đã chủ trì, thực hiện các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về TMĐT; Phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ TMĐT; Củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT; Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh triển khai TMĐT…
TMĐT - Nhu cầu thiết yếu
Nhờ sự bùng nổ của mạng Internet và sự phát triển của TMĐT, người dân cũng được tiếp xúc nhiều hơn, tham gia nhiều hơn vào việc mua bán, giao dịch hàng hóa trên các Website TMĐT. Nắm bắt được xu hướng này, thời gian qua, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO (TP Bắc Giang) áp dụng và đẩy mạnh kinh doanh TMĐT.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cho biết: "Năm 2015, đơn vị được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng website giới thiệu sản phẩm. Hiện DN đang thuê kỹ sư có trình độ thiết kế và nâng cấp lại hệ thống website; đăng ký mở tài khoản bán hàng trên trang TMĐT uy tín quốc tế như Lazada, Amazon nhằm tiếp cận thêm thị trường các nước châu Âu. DN phấn đấu tăng doanh thu lên khoảng 60 tỷ đồng năm 2020, giảm khoảng 15% các khoản thuế, phí, tiền quảng cáo".
Không chỉ hỗ trợ DN triển khai hoạt động TMĐT, với tầm nhìn chiến lược trong quảng bá và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh, đầu tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên, UBND tỉnh Bắc Giang đã tiến hành khai trương thành công sàn giao dịch TMĐT vải thiều.
Để bảo đảm cho sàn giao dịch được khai trương và hoạt động hiệu quả, UBND huyện Lục Ngạn giao cho Hội Nông dân huyện và Hội tiêu thụ sản xuất vải thiều Lục Ngạn phối hợp với Công ty cổ phần logistics Những ngôi sao liên kết (TP. HCM) tập huấn cho cán bộ hội nông dân các xã, thị trấn, các ngân hàng và đại diện các hợp tác xã… nắm được những thông tin tổng quan về sàn giao dịch vải thiều Lục Ngạn.
Cán bộ hội cũng được tập huấn các kỹ năng quản lý, giám sát hoạt động của sàn, cách tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo được niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, đáp ứng cho nhu cầu hoạt động kinh doanh tại đơn vị… Theo đó, hàng chục nghìn tấn vải thiều đã được ký hợp đồng tiêu thụ qua sàn giao dịch TMĐT này.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Sở Công Thương Bắc Giang cũng đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Singapore và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang vào thị trường này. Hội nghị thu hút hàng nghìn người là đại diện các cơ quan, DN, hiệp hội, ngành hàng thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản trong nước và Singapore tham gia ở 88 điểm cầu…
Có thể thấy, việc đẩy mạnh xúc tiến TMĐT hiện nay không chỉ là giải pháp quan trọng hỗ trợ DN mà còn là chiến lược hiệu quả, bền vững của tỉnh Bắc Giang trong nỗ lực quảng bá, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương trong tương lai
Nỗ lực để TMĐT trở thành nền tảng vững chắc
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, đến nay, các DN trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) đạt tỷ lệ 100%. Hạ tầng viễn thông, Internet những năm qua được đầu tư, bảo đảm cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt cho các DN, cá nhân và cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT. Các sản phẩm, ngành hàng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên không gian mạng, đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng, lợi ích của TMĐT trong sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực.
Theo ông Nguyễn Văn Tập, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương, kinh doanh TMĐT đang trở thành xu hướng được nhiều DN lựa chọn phát triển, quảng bá sản phẩm. Các đơn vị bán lẻ cũng dần chuyển từ bán hàng truyền thống sang online; không ít người tiêu dùng, DN lựa chọn cách mua sắm, đặt hàng online… Đây là tiền đề để TMĐT "bùng nổ"; là một trong những phương thức để gia tăng kim ngạch xuất khẩu trực tuyến của tỉnh trong thời gian tới.
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hàng nghìn DN và cá nhân đã xây dựng được website, trang tin điện tử để thực hiện TMĐT, giúp DN tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng khả năng giao dịch. Điều này thể hiện rõ nét ở các DN liên quan nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Do đó, để đẩy mạnh hơn nữa TMĐT, những năm tới đây, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của TMĐT cho người dân và DN trên địa bàn tỉnh; cung cấp cho DN kiến thức pháp luật về TMĐT; Phát triển CNTT gắn với hỗ trợ các DN đẩy mạnh ứng dụng TMĐT… Từ đó, đưa TMĐT trở thành đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương.
Giai đoạn 2016 - 2020 nhằm hỗ trợ nhân rộng phát triển kinh doanh TMĐT, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT với tổng kinh phí thực hiện cả giai đoạn hơn 11,6 tỷ đồng. Trong đó vốn T.Ư là 800 triệu đồng, ngân sách tỉnh hơn 3,7 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của DN.