Dự kiến, TP. Bắc Giang sẽ mở rộng địa giới hành chính và được công nhận là đô thị loại I trước năm 2030, đồng thời đến năm 2030, thành phố phấn đấu thành phố nằm trong top 5 các thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số ĐTTM.
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Bắc Giang tập trung rà soát, cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn để đảm bảo đồng bộ giữa các quy hoạch cùng cấp, thống nhất với quy hoạch cấp trên và phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của thành phố.
Để đạt mục tiêu về ĐTTM, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định số 888/QĐ-UBND ngày 01/10/2020 phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Bắc Giang nhắm tới mục tiêu xây dựng mô hình ĐTTM tỉnh Bắc Giang, ứng dụng rộng rãi CNTT và thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức.
Với dự án ĐTTM, Bắc Giang sẽ cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ công ích chất lượng và kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) để nâng cao cuộc sống của người dân, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các lĩnh vực ưu tiên phát triển ĐTTM tỉnh Bắc Giang
Theo kế hoạch, Bắc Giang sẽ thí điểm xây dựng mô hình ĐTTM tại TP. Bắc Giang ở giai đoạn đầu từ 2021 - 2025. Theo đó, sẽ triển khai đồng thời các ứng dụng thông minh trên địa bàn thành phố Bắc Giang để người dân được hưởng thụ các dịch vụ, tiện ích thông minh. Giai đoạn xây dựng thí điểm ở thành phố Bắc Giang sẽ được tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng trong giai đoạn sau.
Xác định giai đoạn đầu là giai đoạn phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nền móng ban đầu cho phát triển ĐTTM của tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, vì vậy, Bắc Giang sẽ tập trung ưu tiên xây dựng một số thành phần.
Xây dựng hạ tầng CNTT&TT cho phát triển ĐTTM:
Hạ tầng CNTT&TT cho phát triển ĐTTM được xác định là yếu tố xây dựng đầu tiên, làm hạ tầng để các thành phần khác của ĐTTM phát triển, tuy nhiên, cũng cần đưa ra các giai đoạn phát triển để đảm bảo hạ tầng đi trước một bước nhưng không quá xa, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Trong giai đoạn đầu, tỉnh sẽ tập trung đầu tư các hệ thống hạ tầng cốt lõi, bao gồm Trung tâm tích hợp Dữ liệu tỉnh; Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM (IOC); Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC).
An toàn và an ninh xã hội (camera giám sát trong ĐTTM):
Để đảm bảo an toàn và an ninh xã hội, tỉnh sẽ đầu tư thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đồng bộ, tiên tiến, hiện đại nhằm tăng cường năng lực giám sát, điều hành và ứng phó, xử lý thông minh, chủ động trong các tình huống có thể xảy ra; nâng cao chất lượng công tác thông tin chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu trong toàn bộ lực lượng Công an Bắc Giang; đáp ứng yêu cầu trong công tác đảm bảo an ninh mạng, an ninh trật tự, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Hệ thống quản lý, điều hành thông tin kế hoạch - tài chính thông minh:
Hiện nay tốc độ xử lý thông tin của lãnh đạo các cấp phải nhanh, chính xác và kịp thời. Nhu cầu dữ liệu về kế hoạch - tài chính phải tổng hợp, phân tích và thậm chí so sánh, thường xuyên. Nhu cầu này rất đa dạng cả về phạm vi và nội dung. Hiện nay công tác báo cáo tổng hợp về lĩnh vực kế hoạch - tài chính đang làm theo truyền thống, một số khâu đã được tự động hóa nhưng dữ liệu lại nằm ở Trung ương, các ngành tổng hợp vẫn phải có công đoạn thụ công, do vậy, mất rất nhiều công sức để tổng hợp, phân tích. Nếu hệ thống dữ liệu về kế hoạch - tài chính được tập trung, chia sẻ được thì sẽ hỗ trợ đắc lực công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành của tỉnh. Ngoài ra, Bắc Giang sẽ ưu tiên phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, du lịch thông minh.
Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở TT&TT cho biết đến năm 2025, Bắc Giang phát triển hạ tầng mạng cáp quang băng rộng đến 100% thôn, tỷ lệ mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang đạt trên 80%. Mạng thông tin di động 5G sẽ phủ sóng tại 100% khu dân cư trong năm 2025.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết trong bước đầu, Bắc Giang đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng CNTT bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, an toàn đáp ứng yêu cầu triển khai ĐTTM, chính quyền điện tử (CQĐT). Tỉnh cũng sẽ xây dựng, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các ứng dụng, dịch vụ thông minh trong các ngành, lĩnh vực: Kế hoạch, đầu tư, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông, tài nguyên môi trường, du lịch, lao động, nông nghiệp, công nghiệp… để phục vụ tốt người dân và DN trong sử dụng dịch vụ công.
Đặc biệt, Bắc Giang sẽ tạo lập khung tham chiếu kiến trúc ICT phát triển ĐTTM, làm cơ sở cho các ngành phát triển theo định hướng; số hóa dữ liệu của các lĩnh vực tối thiểu trong vòng 5 năm để phục vụ công tác chuyển đối số, phát triển ĐTTM.
Hướng tới đô thị xanh - thông minh tại thành phố Bắc Giang
Ông Vũ Trí Hải, Bí thư Thành ủy Bắc Giang, cho biết tỉnh sẽ xây dựng TP Bắc Giang theo hướng xanh - thông minh, mang lại những lợi ích thiết thực trong quản trị đô thị và nâng cao chất lượng đô thị. Đây cũng là xu hướng chung và là mối quan tâm đặc biệt của các đô thị lớn trên thế giới.
Chia sẻ trên Báo Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh cho biết đô thị xanh - thông minh của TP Bắc Giang sẽ mang những đặc trưng như hệ thống cây xanh phong phú, các công trình kiến trúc xanh tạo cảnh quan; Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, xây dựng một nền nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại. Ngoài ra, người dân được nâng cao nhận thức trong việc xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.
Bắc Giang sẽ xây dựng hệ thống phần mềm cung cấp dịch vụ thông minh và công tác chỉ đạo điều hành của thành phố, hệ thống phần mềm phân tích và hiển thị chỉ số KPI của thành phố, hệ thống chỉ đạo điều hành sử dụng theo mô hình triển khai của hệ thống IOC tỉnh. Ngoài ra, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, Bắc Giang sẽ kết nối với hệ thống camera của tỉnh triển khai trên địa bàn TP. Bắc Giang; Hiển thị thông tin camera an ninh, giao thông phục vụ công tác giám sát và điều hành.
Để phát triển theo hướng xanh - thông minh, Bắc Giang sẽ xây dựng tuyến đường ứng dụng chiếu sáng thông minh; xây dựng hệ thống quản lý hạ tầng đô thị, bao gồm quản lý cây xanh - giám sát vận hành mạng chiếu sáng - quản lý hạ kỹ thuật đô thị (cấp nước, thoát nước, mạng lưới điện, mạng viễn thông).
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết chính quyền thành phố sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị xanh - thông minh đối với DN và các hộ kinh doanh, bảo đảm an toàn cho môi trường trong sản xuất, kinh doanh, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, đặc biệt, nâng cao năng lực quản lý và phát triển CQĐT. Trong đó, tiếp tục kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; đầu tư phát triển hạ tầng CNTT.
Xây dựng ĐTTM phải xuất phát từ tư duy một khung kiến trúc ĐTTM để làm công cụ quy hoạch việc xây dựng các thành phần ĐTTM, theo đó, việc xây dựng phải dựa trên khung kiến trúc ĐTTM Bộ TT&TT đã hướng dẫn, đồng thời có sự kế thừa các hệ thống CNTT đã triển khai, đặc biệt là kết quả xây dựng CQĐT, và lấy CQĐT làm nòng cốt.
Xây dựng ĐTTM: lấy người dân làm trung tâm
UBND tỉnh Bắc Giang xác định xây dựng ĐTTM là một công việc lớn, phức tạp, đa ngành đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. Vì vậy, phải phù hợp với điều kiện cụ thể của Bắc Giang và phải có có lộ trình thích hợp và trong từng giai đoạn phải có ưu tiên, trọng điểm.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết xây dựng ĐTTM phải lấy người dân làm trung tâm. Mặc dù ĐTTM trong giai đoạn đầu là tập trung thay đổi phương thức quản lý điều hành trên cơ sở dữ liệu cập nhật theo thời gian thực và công tác chỉ đạo điều hành phải kịp thời, sát sao và đúng là phục vụ tốt hơn người dân.
Đầu tư xây dựng ĐTTM không chỉ tập trung vào nguồn vốn ngân sách, cần có cả nguồn vốn xã hội hóa, nhất là sự hỗ trợ các DN cung cấp dịch vụ CNTT; cung cấp dịch vụ công cộng như điện, nước, viễn thông.
Đáng chú ý, trong đề án phát triển ĐTTM Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh cũng xác định việc phát triển ĐTTM của tỉnh Bắc Giang cần thực hiện theo các nguyên tắc chung dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả từ xây dựng ĐTTM.
Cụ thể, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ, chất lượng theo công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các ngành giáo dục, y tế, giao thông, du lịch… theo hướng tiện ích, thoải mái mang lại cho người dân một cuộc sống dễ chịu. Với hạ tầng và các ứng dụng thông minh được áp dụng vào mọi mặt của đời sống, các cấp chính quyền có hệ thống cơ sở dữ liệu được phân tích toàn diện trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, giúp đưa ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả cho sự phát triển bền vững của địa phương./.