Truyền thông

Báo chí kiến tạo: Nhìn từ VietnamPlus

Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus 18/02/2023 14:00

Khi tham gia chuyến tập huấn ngắn ngày về báo chí tại Thụy Điển tháng 5/2013, chúng tôi hình dung mình sẽ được đi thăm những tòa soạn hiện đại, tiếp cận những công nghệ làm báo mới nhất trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Tuy nhiên, phía bạn (Viện Niras và FOJO) lại đưa chúng tôi quay trở về với những giá trị cốt lõi nhất của báo chí.

Con đường mới của báo chí

Buổi nói chuyện ở Khoa Truyền thông tại Đại học Stockholm được bắt đầu bằng bài thuyết trình về “Constructive Journalism” của nghiên cứu sinh người Kenya Joy Kibarabara, trong đó, cô nhấn mạnh đến ý tưởng về “tác động tích cực đối với xã hội cũng như độc giả” mà “báo chí kiến tạo” đem lại. Quan điểm ấy giống với những gì mà tác giả người Thụy Điển Ulrik Haagerup đưa ra trong cuốn “Constructive News”, ra đời từ năm 2011, được xem là phiên bản sớm nhất của cái gọi là “Báo chí giải pháp” mà giờ đây đã trở nên thông dụng.

2(1).jpg

Trong cuốn sách đó, Haagerup cho rằng: “Cuộc khủng hoảng thực sự trong ngành truyền thông không phải là do các mô hình kinh doanh đang bị xói mòn, mà là do tác động của nội dung truyền thông truyền thống. Cụ thể, nhiều người đang quay lưng lại với tin tức truyền thống bởi họ không còn tìm thấy ý nghĩa trong bức tranh tổng thể và sai lệch về thế giới được được ngụy trang dưới dạng tin tức”.

Nói nôm na, xu hướng tiêu thụ tin tức như hiện nay đã thúc đẩy những dòng tin tiêu cực, thậm chí là bôi đen xã hội, và ngày càng có nhiều cơ quan báo chí đang chống lại hiện trạng đó. Haagerup nhấn mạnh: “Nhiều tòa soạn đã khám phá ra một con đường thành công hơn bằng cách thêm vào những góc nhìn mang tính xây dựng vào luồng tin tức mà họ cung cấp cho bạn đọc”. Tiến sĩ Nathalie Labourdette, Giám đốc Học viện EBU cho rằng “tin tức mang tính xây dựng chính là xu hướng lớn tiếp theo của báo chí chất lượng, đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo tương lai tươi sáng”.

Những ý kiến đó không có gì đối lập với quan điểm của nhà báo điều tra hàng đầu Thụy Điển Nils Hanson. Ông là người thậm chí đã đưa tập đoàn kinh tế hàng đầu của nước này, H&M, lên các trang nhất với loạt bài điều tra về việc gã khổng lồ may mặc tiêu hủy hàng tấn đồ lỗi mốt, gây ra những thảm họa về môi trường. Trong buổi nói chuyện với các nhà báo tham gia chương trình của Viện Niras và FOJO, Hanson cho rằng báo chí có chức năng phản ánh những tiêu cực, góc khuất trong xã hội, nhưng không phải để bôi đen nó, mà là góp phần tạo dựng một xã hội tốt đẹp. Nghĩa là báo chí có quyền phơi bày thực trạng, nhưng đồng thời cũng phải cho thấy có những giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề.

02.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus.

Những bước đi tiên phong ở Việt Nam

Trên thực tế, những ý tưởng mà chúng tôi được tiếp cận trong khóa học ngắn ngày ở Thụy Điển, một trong những nền báo chí được cho là luôn đi trước thời đại, cũng không phải là điều quá mới mẻ ở Việt Nam. Trong một bài báo mang tựa đề “Constructive Journalism” đăng trên VietnamPlus năm 2019, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từng đặt câu hỏi: “Tại sao cuộc sống có cả điều hay điều dở mà trên báo chí thì những câu chuyện tiêu cực lại chiếm đa số?”.

Vì thế, ông Minh cho rằng, báo chí kiến tạo là một xu hướng nhằm đáp trả tình trạng lá cải hóa, giật gân câu view và định kiến tiêu cực ngày càng tăng trong báo chí hiện đại. Đó là một cách tiếp cận nhằm cung cấp cho độc giả và khán thính giả một bức tranh chính xác, công bằng và phù hợp bối cảnh về thế giới xung quanh, không quá nhấn mạnh đến những điểm tiêu cực.

Báo chí kiến tạo thực thi chức năng phản biện xã hội một cách có trách nhiệm, vì thế nó không chỉ hỗ trợ những cuộc tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng mà còn đề ra những giải pháp khả thi để cải thiện chất lượng và mức độ của các tranh luận đó.

Quan điểm đó cũng được ông Minh thực hiện xuyên suốt và nhất quán ngay từ khi đưa tờ VietnamPlus lên mạng từ năm 2008. Tính đến năm 2022, tờ báo điện tử chính thức của Thông tấn xã Việt Nam đã có 10 năm liên tiếp giành giải Báo chí quốc gia. Điều quan trọng là, hầu hết những tác phẩm đoạt giải đều tiêu biểu cho xu hướng Báo chí kiến tạo.

Đơn cử như tuyến bài “Ma trận giá cả dược liệu” từng đoạt giải B giải Báo chí quốc gia năm 2017. Phóng viên Cao Thùy Giang đã đi từ việc khảo sát giá các vị thuốc Đông y trên thị trường, lý giải vì sao giá thuốc lại “nhảy múa”, tìm ra nguyên nhân của “cơn lốc” khám và điều trị Đông y tại các bệnh viện, và cuối cùng là đặt câu hỏi cho các chuyên gia, nhà quản lý: Làm thế nào để kiểm soát giá thuốc, san sẻ gánh nặng cho người bệnh.

Những tuyến bài như “Hai ông lão 80 tuổi chống tham nhũng và niềm tin sắt đá vào công lý” (Chu Thị Hồng Kiều, giải C năm 2017), “Tội ác dưới những tán rừng xanh… Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng” (Hùng Võ, giải A năm 2018), “Giải phóng đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần “cuộc cách mạng” quyết liệt hơn” (nhóm tác giả, giải A năm 2021)... cũng đều được thực hiện trên tinh thần đó, đồng thời được bổ trợ, hoặc giao thoa với các xu hướng báo chí dữ liệu (data) và báo chí thị giác (visual).

Công thức này thậm chí đã được “chuẩn hóa” trong Bộ quy tắc tác nghiệp của VietnamPlus. Theo đó, mỗi khi chuẩn bị cho các tuyến đề tài lớn, phóng viên bao giờ cũng phải trình bày trước ban biên tập theo 3 trụ cột:

Tập trung vào giải pháp: Phóng viên có quyền xới xáo vấn đề, phơi bày thực trạng, nhưng cũng cho thấy có giải pháp khắc phục.

Tính cân bằng: Không cường điệu hóa, không để cảm xúc dẫn dắt, không phóng đại nỗi sợ hãi.

Lắng nghe từ nhiều phía: Cần có ý kiến từ cơ quan quản lý, đối tượng bị phản ánh cũng cần có tiếng nói.

Trong buổi chia sẻ ở Thụy Điển, nhà báo Hanson cũng nhấn mạnh đến chi tiết, đại ý: Dù đối tượng bị phản ánh có xấu xa đến mức nào đi chăng nữa thì họ cũng có quyền lên tiếng, và nhà báo phải chuyển tải tiếng nói đó đến công chúng. “Bởi đến những kẻ giết người tàn bạo khi ra tòa vẫn được chỉ định có luật sư biện hộ”, Hanson nói thêm.

Nhà báo Kibarabara đồng tình: “Nhà báo không phải là quan tòa để kết tội một ai đó, mà là người tham gia thúc đẩy tìm ra giải pháp”. Nếu các loạt bài điều tra phơi bày thực trạng, đặt câu hỏi “Ai? Tại sao?” thì tuyến bài Báo chí giải pháp đặt câu hỏi “Giải pháp là gì?”

Tương tự, nhà báo Lê Quốc Minh lý giải, bên cạnh 5 chữ W mà các nội dung báo chí phải trả lời - Điều gì xảy ra? Ở đâu? Khi nào? Tại sao? Liên quan đến ai? thì báo chí kiến tạo đặt ra câu hỏi “Vậy bây giờ có thể làm gì?” để có được một xã hội tốt đẹp hơn.

Hướng đến mô hình bền vững

Tuy nhiên, xây dựng xã hội tốt đẹp không đồng nghĩa với tô hồng, nhắm mắt bỏ qua những mặt trái của đời sống xã hội. Ký giả nổi tiếng người Đan Mạch Kristian Sloth đúc kết: “Báo chí nói lên sự thật. Nhưng công việc của chúng tôi là tìm kiếm những khiếm khuyết, hiếm khi là toàn bộ sự thật. Thường thì cái gì cũng có một mặt trái và một lối thoát mà chúng ta nên tìm kiếm. Chúng tôi phải cân bằng và thể hiện trách nhiệm của mình với công chúng. Nếu chỉ chăm chăm tìm kiếm những khiếm khuyết, chúng ta có thể lâm vào tình cảnh bỏ mặc những sai sót đó trong bóng tối”.

Nhiều ví dụ cũng đã được các đồng nghiệp Bắc Âu đưa ra trong các bài chia sẻ của mình, như các tuyến bài điều tra về tình trạng thanh thiếu niên phạm pháp, tỷ lệ tội phạm trong cộng đồng người nhập cư… Nếu các nhà báo chỉ phanh phui những sự thật trần trụi đó, chỉ điểm để cảnh sát và công tố viên làm công việc của mình thì cũng chỉ giải quyết được phần ngọn. Cần nhìn nhận đó là những vấn đề lớn của cả xã hội, và địa chỉ cuối cùng mà các nhà báo tìm đến để kết thúc loạt bài điều tra của mình sẽ là cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà xã hội học cùng câu hỏi muôn thuở: Cần làm gì để xã hội tốt đẹp hơn?

Có thể, một vài bài báo điều tra theo hướng báo chí kiến tạo chưa đủ để tạo ra tác động lớn, làm xoay chuyển, thay đổi cả một vấn đề xã hội lớn, nhưng ít ra nó cũng tạo ra những cú hích tới các quân domino khác. Nhà báo người Kenya Dickens Olewe nói anh đã tìm thấy sứ mệnh của cuộc đời cầm bút của mình khi nghiên cứu về báo chí kiến tạo ở Đại học Stanford (Mỹ).

Có quá nhiều câu chuyện tiêu cực trên báo chí Kenya, nhưng ít ai nhắc đến việc thay đổi làm sao để những tiêu cực đó giảm đi. Các phương tiện truyền thông lớn phải thể hiện trách nhiệm khi tác động đến với công chúng để kiến tạo một tương lai tốt đẹp”, Olewe viết trong cuốn Constructive News của Haagerup.

Chính vì vậy, các chuyên gia cũng đã khuyến nghị những đề tài gì mà báo chí kiến tạo cần hướng tới. Chẳng hạn như các vấn đề mang tính toàn cầu, như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội… Và điều quan trọng là phải truyền được cảm hứng đến cho công chúng.

Năm 2017, Thông tấn xã Việt Nam từng mời 2 nhà báo kỳ cựu người Na Uy là Bernt Olufsen và Rolf Svendsen tới giảng dạy theo chương trình hợp tác với Hiệp hội Báo chí và Nhà xuất bản tin tức thế giới WAN-IFRA. Trong đó, Bernt Olufsen, cố vấn cao cấp của Mạng lưới Đạo đức báo chí EJN đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong kỷ nguyên số. Ông nói những sự thật trần trụi mà báo chí phơi bày trước công chúng, chẳng hạn hình ảnh một em bé người di cư Syria nằm úp mặt khi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ liệu có thúc đẩy được một thế giới tốt đẹp như trong giấc mơ của những người vượt biển tìm chân trời mới?

Vì vậy, mỗi khi đặt bút viết một bài báo, phóng viên nên đặt ra những câu hỏi tự vấn, rằng liệu bài viết này có kích động bạo lực, có chứa những ngôn từ gây thù ghét, có mua nước mắt, hay có đại diện cho tiếng nói của những nhóm người thiểu số hay không. Và để chuẩn bị cho báo chí tương lai, thì một trong những trụ cột quan trọng nhất chính là báo chí kiến tạo, hay báo chí giải pháp.

Còn Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, ông Lê Quốc Minh thì tổng kết: Thực tế đã chứng minh rằng “làm báo tử tế” cũng sống được, tuy không dễ. Nhưng chắc chắn kiểu làm báo câu khách với đầy những thông tin tiêu cực và định kiến khó tồn tại bởi nó không phải là thứ mà độc giả cần. Thực tế chứng minh rằng báo chí kiến tạo sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.

Thực tế cũng chứng minh rằng sản xuất nội dung chất lượng cao để độc giả sẵn sàng chi tiền mới là mô hình phát triển bền vững./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2023)

Bài liên quan
  • “Khoảnh khắc ảnh báo chí” 2021 - Những chia sẻ từ góc nhìn mới về ảnh báo chí
    Khoảnh khắc Báo chí 2021” được tổ chức những ngày cuối năm 2022 vẫn còn để lại những dư âm, nhất là những câu chuyện tác phẩm về những cuộc chiến không khoan nhượng của con người trước đại dịch COVID-19 cũng như những nỗ lực phi thường của người dân vươn lên sau bão tố, hay “chạm đến” các vấn đề nóng trong xã hội như vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu… Đó cũng chính là “bản sắc” của sân chơi riêng biệt khích lệ những cải tiến, sáng tạo, góc nhìn mới về ảnh báo chí.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Báo chí kiến tạo: Nhìn từ VietnamPlus
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO