Bảo đảm điện và sóng viễn thông cho các vùng sâu, vùng xa

Hoàng Linh| 06/12/2021 18:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dưới tác động của đại dịch COVID-19 chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và giải pháp đặc biệt, phù hợp, linh hoạt, tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Sáng 6/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì và có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) trong kỷ nguyên số". Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, cơ quan tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Cần phải có tư duy và cách tiếp cận toàn cầu, mang tính bao trùm

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc CMCN lần thứ tư ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Bảo đảm điện và sóng viễn thông cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Việc bảo đảm điện và sóng cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm và không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương

Cùng với dịch bệnh và một số vấn đề như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường,… Thủ tướng nêu rõ đây là những vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi quốc gia và mọi người dân, do đó cần phải có tư duy và cách tiếp cận toàn cầu, mang tính bao trùm, tổng thể, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới; đồng thời phải có tư duy và cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực.

"Tình hình thế nào thì giải pháp như thế, trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và cách làm đặc biệt, phù hợp, linh hoạt", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ về những định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ, là hai mặt của một quá trình, phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và phát triển KT-XH thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.

Thủ tướng nêu một số định hướng lớn trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 như tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất; có kế hoạch bảo đảm vaccine và thuốc điều trị.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết một số trụ cột như tập trung nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp (DN), tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số (CĐS); xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển.

Theo Thủ tướng, dù trong quá trình hồi phục hay phát triển thì nội lực luôn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người; thiên thiên; và truyền thống văn hóa - lịch sử với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất của dân tộc. Còn ngoại lực bao gồm công nghệ, vốn, năng lực quản trị và đào tạo nguồn nhân lực…

Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng như đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh CNH-HĐH, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ với các công cụ về thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách Nhà nước, lãi suất, tỷ giá, tín dụng, chi phí đầu vào... Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là giảm thiểu, khắc phục và phòng ngừa rủi ro để người lao động, người dân có công việc, thu nhập và cuộc sống ổn định.

Về hoàn thiện thể chế, Thủ tướng nêu những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. "Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội".

Theo Thủ tướng, cần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông… "Việc bảo đảm điện và sóng cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm và không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Không có điện và sóng thì không có chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, công dân số…", Thủ tướng nêu ví dụ. Cùng với đó, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh CĐS.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất".

Bảo đảm điện và sóng viễn thông cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm - Ảnh 2.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Việt Nam phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao

Cũng tại phiên Diễn đàn cấp cao, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biếtViệt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế xã hội, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, trung bình trên 6,6%/năm trong giai đoạn 2000-2019. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam đứng thứ 67/142 nền kinh tế, tăng 10 bậc trong 2 năm 2018 và 2019; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam theo xếp hạng của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện qua các năm, năm 2021 đứng thứ 44/126 quốc gia.

Thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về CNH, HĐH cần phải tập trung giải quyết để đạt được các mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Bảo đảm điện và sóng viễn thông cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về CMCN lần thứ 4

Thúc đẩy phục hồi với 3 chữ "C"

Bà Mary Hallward-Driemeier, Cố vấn kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (WB) cho biết sự gián đoạn do COVID-19 nhấn mạnh giá trị của khả năng thích ứng cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu GVC - mở ra cơ hội để đa dạng hóa hơn, đồng thời dấy lên các cuộc tranh luận về mức độ của việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh ở nước ngoài trở lại quốc gia ban đầu (on-shoring).

Bảo đảm điện và sóng viễn thông cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm - Ảnh 4.

Bà Mary Hallward-Driemeier phát biểu tại phiên toàn thể

Vì vậy, tăng cường môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụcần được đưa vào nội dung của chương trình nghị sự về Công nghiệp 4.0 - xóa bỏ các hạn chế đối với thương mại dịch vụ, thúc đẩy áp dụng và đào tạo công nghệ, đồng thời giải quyết các hạn chế trong những dịch vụ hỗ trợ chính có tác động lan tỏa lớn đến nhiều hoạt động hơn.

Theo bà Mary Hallward-Driemeier, cần lưu ý 3 chữ "C" trong tiếng Anh: khả năng cạnh tranh (Competitiveness); năng lực (Capabilities) và tính kết nối (Connectedness).

Về khả năng cạnh tranh,bà Mary lưu ý có nhiều giải pháp để mở rộng cơ hội trong các dịch vụ mà sẽ là động lực ngày càng quan trọng cho tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp - và của chính các ngành dịch vụ này. Thay đổi công nghệ đang đến với nhiều lĩnh vực mà Việt Nam xuất khẩu - điện tử, máy móc, phụ tùng ô tô, mặc dù ít hơn trong hàng may mặc - nhưng tất cả đều là GVC tích hợp cao nên có thể bị ảnh hưởng bởi một số thay đổi về địa điểm của dự án đầu tư mới

Chất lượng của các dịch vụ chuyên nghiệp có thể được tăng cường và tạo ra sự lan tỏa lớn hơn cho nền kinh tế. Việt Nam còn nhiều quy định hạn chế trong kinh doanh dịch vụ, bao gồm cả đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI

Về năng lực,cần có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận công nghệ trong nội dung của các chính sách KHCN và đổi mới, sáng tạo của Việt Nam. Điều chỉnh các công cụ hỗ trợ dịch vụ cũng như sản xuất công nghiệp, tăng cường khả năng thiết kế và NC&PT sẽ giúp chuyển sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn

Nhưng theo bà Mary, nên tập trung hơn vào thúc đẩy áp dụng công nghệ để các DN nhỏ và vừa có thể để trở thành nhà cung cấp và có nhiều cơ hội phát triển bao trùm hơn. Nâng cao năng lực quản lý – năng động hơn, xử lý những thay đổi trên thị trường và thúc đẩy áp dụng các cách thức sản xuất mới.

Về tính kết nối, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, điều quan trọng là đảm bảo ngành logistic phát triển vững mạnh và duy trì sự kết nối với các trung tâm sản xuất. Việc mở rộng áp dụng công nghệ số trong sản xuất và trong các dịch vụ hậu sản xuất sẽ yêu cầu các dịch vụ CNTT phát triển và giá cả hợp lý.

Việt Nam cũng cần thúc đẩy nền kinh tế số trong quá trình phục hồi sau COVID và áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ chiến lược tăng trưởng xanh.

Tăng cường đổi mới sáng tạo (ĐMST)

Thứ trưởng Bộ KHCN và Truyền thông Hàn Quốc, Yong Hongtaek chia sẻ 3 nội dung cần thiết để có thể phục hồi, phát triển kinh tế sau COVID-19.

Bảo đảm điện và sóng viễn thông cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm - Ảnh 5.

Thứ trưởng Yong Hongtaek: ĐMST, KHCN sẽ tạo ra những thay đổi trong tương lai

Trước hết, Thứ trưởng Yong Hongtaek cho rằng cần tăng cường ĐMST, KHCN sẽ tạo ra những thay đổi trong tương lai, cho phép các nhà khoa học trẻ tạo ra những sản phẩm thiết yếu cho xã hội.

Hàn Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, bổ sung ngân sách cho các nhà khoa học để họ có thể giám chấp nhận thử thách, giám chấp nhận rủi ro để thành lập các startup từ phòng thí nghiệm mà không sợ phải thất bại. Dựa trên quỹ thương mại hoá các công nghệ có trị giá 20 tỷ won, Hàn Quốc đã và đang hỗ trợ cho sự phát triển ổn định, liên tục trong giai đoạn đầu của startup từ phòng thí nghiệm.

Ngoài ra, trong năm nay Hàn Quốc còn phân bổ hỗ trợ cho các startup và công ty mạo hiểm trong lĩnh vực KHCN và CNTT-TT với trị giá 208,5 tỷ won, tức là tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2018 và khoản hỗ trợ này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Chính phủ Hàn Quốc đã có kế hoạch xây dựng và ban hành các chính sách để giảm bớt gánh nặng và lo toan cho các nhà khoa học, kỹ sư trẻ để đảm bảo họ có thể có điều kiện theo đuổi định hướng họ đã lựa chọn.

Thứ hai là cần phải chuẩn bị cho quá trình CĐS. Để chủ động với những biến động hiện nay, Hàn Quốc đã tuyên bố chuyển sang nền kinh tế dữ liệu. Hàn Quốc cũng đã triển khai dự án đập dữ liệu, coi đó là một phần quan trọng của sáng kiến kỹ thuật số mới.

Thứ ba là phát triển các cụm về đổi mới sáng tạo mà Hàn Quốc gọi là các đặc khu nghiên cứu và phát triển ở Hàn Quốc.

Thứ trưởng Yong Hongtaek nhấn mạnh cả ba chính sách này có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau và cần được kết nối chặt chẽ, mang tính chất tương hỗ với nhau. "Khi kết quả nghiên cứu KHCN, tạo ra sản phẩm, dịch vụ thông qua quá trình thương mại hoá thì công nghệ số sẽ thúc đẩy tốc độ đổi mới nhanh hơn nữa trong từng giai đoạn khác nhau".

Bảo đảm điện và sóng viễn thông cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm - Ảnh 6.

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen: Việt Nam có vị thế để hưởng lợi từ CMCN 4.0

Cũng với ba đề xuất, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ các đơn vị đi tiên phong về xuất khẩu quốc gia, không chỉ tập trung vào ngành sản xuất (manufacturing) mà quan trọng là tạo ra cơ hội để các DN đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và tiếp cận các thị trường mới.

Quá trình CĐS đang thay đổi cấu trúc kinh tế xã hội căn bản và Việt Nam có vị thế để hưởng lợi từ CMCN 4.0 nhưng theo bà Caitlin Wiesen phải ý thức về những rủi ro trong quá trình ứng dụng công nghệ số khi đồng bào dân tộc thiểu số vẫn khó tiếp cận với dịch vụ số.

Bà Catheline cũng đề cập cần nâng cao năng lực ĐMST, nhấn mạnh mô hình quản trị với 3 chữ A dự báo, uyển chuyển và thích ứng. Đây là nhu cầu cao hơn bao giờ hết trong thời điểm hiện nay.

Thống đốc bang Utah Spencer J.Cox cho biết để khôi phục sau COVID, bang Utah quan tâm ưu tiên 3 lĩnh vực: đảm bảo sức khoẻ của người dân nhờ tiêm chủng càng nhanh càng tốt. Khi người dân được bảo vệ sức khoẻ, người dân sẽ tin tưởng vào hồi phục kinh tế và họ có thể làm được những điều tốt nhất cho gia đình và bang để đóng góp nhiều hơn.

Bảo đảm điện và sóng viễn thông cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm - Ảnh 7.

Thống đốc bang Utah Spencer J.Cox: cần tăng cường cho giáo dục và đào tạo để phục hồi

Tiếp theo, bang Utah tập trung củng cố và tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế, có nghĩa không chỉ dừng phát triển kinh tế mà tập trung vào phát triển bao trùm các lĩnh vực và tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển ngành sản xuất, dịch vụ tài chính, nông nghiệp và đảm bảo mỗi ngành kinh tế của bang đều phát triển mạnh mẽ và sự cổng hưởng của các nền kinh tế sẽ giúp bang vượt qua ảnh hưởng của đại dịch tốt hơn.

Bang Utah cũng tập trung cho giáo dục và đào tạo, đảm bảo giới trẻ được trang bị các kỹ năng để đảm nhận được các vị trí việc làm trong tương lai… Đó là lý do tại sao người dân Utah có trình độ cao trong các lĩnh vực KHCN và tài chính, trong khi người dân có thể nói được nhiều ngôn ngữ…/.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm điện và sóng viễn thông cho các vùng sâu, vùng xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO