Bộ TTTT chủ động đề xuất chính sách đột phá để đi đầu trong CMCN 4.0

Lan Phương - Mạnh Vỹ| 08/09/2018 17:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Bộ TTTT phải giữ vai trò dẫn dắt, đi đầu trong đổi mới tư duy, thử nghiệm những cách làm mới, chủ động đề xuất cơ chế chính sách có tính đột phá, cùng các Bộ, Ngành liên quan tích cực hợp tác, hỗ trợ để nước ta có thể trở thành những nước đi đầu trong cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0"

Ngày 8/9/2018, tại trụ sở Bộ TTTT, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đến làm việc với Bộ TTTT. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo các các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT).

Bộ TTTT chủ động đề xuất chính sách đột phá để đi đầu trong CMCN 4.0 - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ,  trong những năm qua đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đóng góp vào những thành tựu chung trong đó có vai trò rất quan trọng của Ngành TTTT. Toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra. “Có thể nói, Ngành TTTT ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh một số kết quả nổi bật của Ngành TTTT thời gian qua như Bộ TTTT đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông. Các DN viễn thông đầu tư, xây dựng tạo lập cơ sở hạ tầng mạng lưới tốc độ cao, băng thông rộng, vùng phủ lớn. Ngành công nghiệp điện tử, viễn thông có bước phát triển mới. Nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển sang tự chủ nghiên cứu, chế tạo và sản xuất như Tập đoàn Viettel, VNPT và nhiều doanh nghiệp khác.

Công nghiệp CNTT đã trở thành một ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh (đạt tăng trưởng trên 20%/năm trong hơn 10 năm qua). Các lĩnh vực bưu chính, quản lý các cơ quan báo chí, xuất bản, in phát hành tiếp tục có bước phát triển, phục vụ hiệu quả cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc sai sự thật, thông tin xấu, độc; đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng cũng như nâng cao dân trí, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có vai trò hết sức quan trọng. Thủ tướng đánh giá cao việc hình thành lực lượng chuyên trách với đội ngũ kỹ thuật tinh nhuệ, giàu kinh nghiệm tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ TTTT với vai trò quan trọng , là hạ tầng trong việc bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng.

Bên cạnh những kết quả đạt được Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Ngành TTTT như: Triển khai quy hoạch báo chí chậm; quản lý báo chí, mạng xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập; thông tin phản bác, xử lý khủng hoảng truyền thông chưa kịp thời; Công tác tham mưu cơ chế, chính sách vẫn còn những trường hợp chậm, chất lượng chưa cao thậm chí còn để xảy ra sai sót, vi phạm; tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện còn cao; Công tác cải cách hành chính của Bộ có mặt còn chậm...

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần tiến tới một nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), tiến tới Chính phủ số, phát triển thương mại điện tử (TMĐT), xây dựng thành phố thông minh, áp dụng nhanh hơn, tốt hơn trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT), tự động hóa, robot, dữ liệu lớn… hiện đang làm thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức hoạt động trên mọi lĩnh vực.

Thủ tướng đồng ý với các đề xuất của Bộ TTTT để bắt kịp CMCN 4.0 và yêu cầu "Cần tiến hành số hóa quốc gia càng nhanh càng tốt. Chuyển đổi số phải là nền tảng đi sâu vào mọi ngành, lĩnh vực, tổ chức, DN của cả khu vực công và tư. Bộ TTTT phải giữ vai trò dẫn dắt công tác này, đi đầu trong đổi mới tư duy, thử nghiệm những cách làm mới, chủ động đề xuất cơ chế chính sách có tính đột phá, cùng các bộ, ngành liên quan tích cực hợp tác, hỗ trợ để nước ta có thể trở thành một trong những nước đi đầu trong CMCN 4.0”.

Bộ TTTT chủ động đề xuất chính sách đột phá để đi đầu trong CMCN 4.0 - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ là công tác quản lý báo chí. Bộ cần khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo kết luận của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, bảo đảm khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các biện pháp mới, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Đấu tranh phản bác đối với những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc; xử lý nghiêm các vi phạm.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý báo chí, thông tin điện tử và mạng xã hội. Có giải pháp hiệu quả để giám sát, quản lý các mạng xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phân tích dự báo xu thế thông tin và những vấn đề nổi cộm trên mạng xã hội.

Tăng cường công tác quản lý đối với các nhà xuất bản và hoạt động xuất bản, bảo đảm theo đúng các quy định của Luật Xuất bản, khắc phục các sai sót trong hoạt động xuất bản.

Tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ các khó khăn để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng viễn thông. Chỉ đạo xây dựng một số doanh nghiệp dẫn đầu, đầu tầu cho CMCN 4.0.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông từ khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo để nước ta chuyển từ nước nhập khẩu thành nước sản xuất các sản phẩm này, từ nước gia công phần mềm cho nước ngoài thành nước phát triển phần mềm.

Ứng dụng công nghệ cao để ngày càng có nhiều sản phẩm CNTT mang nhãn hiệu “Made in Viet Nam”, đưa nước ta thành cường quốc về CNTT, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thông minh trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Công nghiệp công nghệ thông tin không chỉ sản xuất các sản phẩm dân dụng mà còn phục vụ quốc phòng, an ninh như vệ tinh viễn thám, ra đa, thiết bị bay không người lái, hệ thống chỉ huy điều khiển…

Triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Chú trọng việc đào tạo, chuyển đổi nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ và sản xuất của CMCN 4.0.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển CPĐT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, trong đó chú trọng hoàn thiện một số thể chế như cơ chế đầu tư mua sắm, thuê sản phẩm dịch vụ CNTT, định danh điện tử cho tổ chức cá nhân… Khẩn trương xây dựng khung kiến trúc CPĐT Việt Nam, hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận cuộc CMCN 4.0…

Tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, DN trong lĩnh vực CNTT-TT.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những thành tích đã đạt được và  chúc Ngành TTTT luôn xứng đáng với 10 chữ vàng truyền thống của Ngành “Trung thành, Dũng cảm, Tận tuỵ, Sáng tạo, Nghĩa tình”, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cùng nhau chung sức đồng lòng vì mục tiêu xây dựng đất nước. Chính phủ sẽ luôn đồng hành với Ngành TTTT trên con đường khó khăn nhưng đầy ý nghĩa này.

Bộ TTTT chủ động đề xuất chính sách đột phá để đi đầu trong CMCN 4.0 - Ảnh 3.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu

Cũng tại Hội nghị đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp - CNTT.

Về lĩnh vực Báo chí, Truyền thông, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu Bộ TTTT tiếp tục nghiên cứu để tham mưu hoàn thiện các quy định pháp luật trong của lĩnh vực báo chí, truyền thông, đặc biệt lưu ý về một số quy định liên quan đến tôn chỉ mục đích, về báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, tên miền, quy định về trích dẫn, đưa lại thông tin, về công ty công nghệ cung cấp thông tin với công ty truyền thông. Những quy định chưa  hoàn thiện  và thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này chưa tương xứng với yêu cầu, việc xử lý vi phạm rất nhẹ, không đủ sức răn đe để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh.

Bộ TTTT cũng cần khẩn trương thực hiện Quy hoạch báo chí tạo điều kiện cho những cơ quan báo chí chủ lực, cơ quan báo chí lớn có đông bạn đọc, bạn xem, bạn nghe đài phát triển thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương đường lối chính sách pháp luật của nhà nước, đóng vai trò chủ lực định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, tổ chức lại các cơ quan nhà nước khác theo định hướng Quy hoạch.

Bộ TTTT chủ động đề xuất chính sách đột phá để đi đầu trong CMCN 4.0 - Ảnh 4.

Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Báo cáo tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: “Thời gian qua, Ngành TTTT ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

Cụ thể, lĩnh vực bưu chính, hiện không chỉ làm dịch vụ chuyển phát thư, báo mà đang dần trở thành nền tảng cho thương mại điện tử (TMĐT), logistics và Chính phủ điện tử (CPĐT). Bộ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới điểm phục vụ, năng lực vận chuyển, đa dạng hóa các dịch vụ nhằm phát triển lành mạnh thị trường bưu chính, phục vụ hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân trên khắp các vùng, miền của đất nước. Tổng doanh thu của lĩnh vực đạt 30.000 tỷ đồng/năm, với tốc độ tăng trưởng 35% đến 40%/năm.

Về lĩnh vực Viễn thông, Bộ TTTT đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông trên nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa xã hội, nhà nước và DN. Tương lai viễn thông trở thành hạ tầng kết nối vạn vật, kết nối 4.0; tổng doanh thu 350.000 tỷ/năm (15 tỷ USD), tăng trưởng hàng năm 6%. Phấn đấu đưa Việt Nam trở lại trong Top 10 quốc gia phát triển về viễn thông trên thế giới như những năm 2008-2010. Việt Nam đã làm được các sản phẩm công nghiệp điện tử - viễn thông như tổng đài, BTS, Truyền dẫn, smartphone, Set-top-box...; thúc đẩy sản xuất chip điện tử, kế hoạch sản xuất ra chip 5G vào năm 2019. Việt Nam phấn đấu nằm trong Top 5 quốc gia về công nghệ thiết bị viễn thông, sản xuất được vi mạch xuất khẩu.

Lĩnh vực CNTT đã thể hiện là một ngành kinh tế lớn và chủ lực của Việt Nam trong CMCN 4.0. Với trên 20.000 DN phần mềm và dịch vụ CNTT. CNTT là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, tăng trưởng hàng năm 15%; Tổng doanh thu 9 tỷ USD. CNTT đã thúc đẩy CPĐT, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, các lĩnh vực của đời sống, xã hội như y tế, giáo dục, giao thông, thành phố thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, IoT. Phấn đấu đưa Việt Nam nằm trong Top 30 thế giới.

Về An toàn Thông tin (ATTT), an ninh mạng, ATTT trên không gian mạng, thu thập thông tin, giám sát thông tin trên mạng, phát hiện các vấn đề trên mạng, chặn lọc thống nhất thông tin độc hại đã được bảo đảm. Các công cụ về ATTTT, an ninh mạng, phòng chống tấn công mạng bằng công cụ Made in Việt Nam đã được phát triển, phấn đấu đưa Việt Nam vào top 20 thế giới về công nghệ an ninh mạng, ATTT.

Bộ TTTT chủ động đề xuất chính sách đột phá để đi đầu trong CMCN 4.0 - Ảnh 5.

Bộ TTTT chủ động đề xuất chính sách đột phá để đi đầu trong CMCN 4.0 - Ảnh 6.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu nghe giới thiệu về Trung tâm Giám sát ATTT mạng Quốc gia

Về công nghiệp Quốc phòng An ninh (QPAN), trong tương lai sẽ phát triển thêm các DN làm công nghiệp QPAN, kể cả các DN tư nhân, nhằm tạo thành một nền công nghiệp QPAN của quốc gia. Xây dựng đầy đủ nền QPAN quốc gia lưỡng dụng, có sự tham gia của các DN điện tử viễn thông. Hiện các sản phẩm Việt Nam đã làm được như: Máy thông tin, Rada... tiến tới phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, làm chủ thiết kế, tích hợp, công nghệ lõi, nằm trong Top 20 nước trên thế giới.

Về công nghiệp nội dung số, là ngành công nghiệp giúp tăng trưởng ngành viễn thông, là môi trường cho các DN nhỏ và vừa. Trong tương lai sẽ thúc đẩy phát triển các sản phẩm nội dung số có chọn lọc, khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo lập tài nguyên số phục vụ nhu cầu đa dạng để học tập, nghiên cứu, giải trí, kết nối, truyền thông, kinh doanh,... bảo tồn nét văn hóa - lịch sử, hướng đến thị trường quốc tế. Phấn đấu tổng doanh thu 800 triệu USD, tăng trưởng 18% năm, gần 30% doanh thu viễn thông

Về lĩnh vực báo chí, PTTH, đã làm tốt vai trò là kênh thông tin, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội; kịp thời đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Tập trung thông tin, tuyên truyền đầy đủ về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chủ trương, chính sách của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sắp tới đối với các cơ quan báo chí sẽ tinh gọn bộ máy; trong lĩnh vực phát thanh truyền hình sẽ ứng dụng công nghệ trong quản lý nội dung; hình thành một số cơ quan báo chí đa phương tiện lớn; ứng dụng CNTT trong quản lý; với trang tin điện tử sẽ tăng cường quản lý, xây dựng công cụ giám sát; với mạng xã hội Việt Nam chiếm 60-70% thị phần.

Về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, tiếp tục góp phần giữ vững định hướng chính trị, ổn định xã hội, nâng cao dân trí và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; phục vụ công tác thông tin đối ngoại; đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nội dung các xuất bản phẩm đa dạng, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước và đáp ứng nhu cầu đọc của xã hội. Hiện có 59 nhà xuất bản, tăng trưởng 31%, tập trung xây dựng một số nhà xuất bản lớn; ứng dụng CNTT trong quản lý nội dung...

Bộ TTTT chủ động đề xuất chính sách đột phá để đi đầu trong CMCN 4.0 - Ảnh 7.

Bộ TTTT kính tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bức tranh ghép tem về Bác Hồ

Để bắt kịp CMCN 4.0 như kỳ vọng của Thủ tướng, Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT đã đề xuất các kiến nghị, trong đó Bộ TTTT chủ trì xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, trọng tâm là mạng xã hội Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Hệ sinh thái số bao gồm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, trình duyệt, hệ điều hành và phần mềm diệt virus, trong đó quan trọng nhất là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm. Việc xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam sẽ huy động chủ yếu các nguồn lực xã hội, các DN, không nhất thiết là công ty nhà nước nhưng phải là DN Việt.

Nếu không có hệ sinh thái nội dung số Việt Nam, mạng xã hội Việt Nam thì chúng ta không có sức mạnh đàm phán với Facebook, Google. Họ sẽ tiếp tục không tuân thủ pháp luật Việt Nam, trong khi chúng ta lại không cắt dịch vụ”, Quyền Bộ trưởng cho hay.

Bộ TTTT cũng đặt mục tiêu trở thành cường quốc phần mềm, xuất khẩu phần mềm với mục tiêu tăng trưởng 20% mỗi năm trên cơ sở hiện Việt Nam có khoảng 9.000 DN với tổng doanh thu 3,8 tỷ USD. Với số lượng lớn như vậy, chỉ cần có 10 công ty doanh thu tỷ USD là bộ mặt của ngành sẽ khác.

Bộ TTTT chủ động đề xuất chính sách đột phá để đi đầu trong CMCN 4.0 - Ảnh 8.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Bộ TTTT

Quyền Bộ trưởng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TTTT xây dựng chiến lược phát triển công nghệ AI quốc gia, công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 đồng thời đặt kỳ vọng mảng sản xuất thiết bị đầu cuối của Việt Nam sẽ chiếm 60% thị trường này và tiến tới xuất khẩu. Bộ cũng đề xuất thành lập Cục Công nghiệp ICT trên cơ sở Vụ CNTT với nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng lưới "Made in Vietnam", đẩy mạnh ngành công nghiệp điện tử, trong đó có công nghiệp quốc phòng và phát triển IoT, công nghệ 4.0.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Bộ TTTT chủ động đề xuất chính sách đột phá để đi đầu trong CMCN 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO