Các Sở TT&TT tăng cường đôn đốc, đẩy mạnh cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 4

Xuân Phúc| 23/02/2021 21:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Để rút ngắn thời gian, sớm về đích, hoàn thiện mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, một nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố (đơn vị) là phải tăng cường các giải pháp cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức cao nhất (mức độ 4).

Để thực hiện tốt mục tiêu này, các đơn vị cần tích cực thực hiện, bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, trung ương, đồng thời cần tăng cường truyền thông và quảng bá hiệu quả về DVC trực tuyến (DVCTT) của cơ quan để người dân, doanh nghiệp (DN) hiểu rõ hơn về lợi ích sử dụng dịch vụ này mang lại.

Chung mong muốn đó, Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT vừa ban hành công văn gửi các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố về việc tăng cường đôn đốc, đẩy mạnh cung cấp DVCTT mức độ 4.

DVCTT mức độ 4 vẫn còn ở mức thấp

Với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tin học, Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT là đơn vị đầu mối triển khai nhiệm vụ xây dựng, phát triển Chính quyền số (CQS), CPĐT, đồng thời giúp tham mưu, tổng hợp, báo cáo các kết quả việc thực hiện và các ứng dụng CNTT tại các đơn vị thời gian qua.

Cục Tin học hóa cho biết mặc dù thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai cung cấp DVCTT mức độ 4 để phục vụ người dân, DN tốt hơn theo các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 (Nghị quyết số 17) và các văn bản hướng dẫn của Bộ TT&TT (Thông tư 32/2017/TT-BTTTT).

Tuy nhiên, việc cung cấp DVCTT mức độ 4 vẫn còn hạn chế, đặc biệt là tại một số địa phương có tỉ lệ DVCTT mức độ 4 được cung cấp vẫn dưới 30%, chưa đạt mục tiêu năm 2020.

Các đơn vị cần tăng cường các giải pháp cung cấp các DVC trực tuyến - Ảnh 1.

Sử dụng DVCTT là bước tiến mới trong cải cách hành chính, giúp người dân, DN giải quyết TTHC ở mọi lúc, mọi nơi, tiện lợi, hiệu quả.

Do đó, để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng CPĐT, công văn của Cục Tin học hóa nhấn mạnh: Đến hết quý II năm 2021, các đơn vị Sở TT&TT các tỉnh cần chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố đảm bảo việc triển khai thực hiện các giải pháp để cung cấp hầu hết các DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4; tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ người dân, DN thực hiện các DVCTT nhằm hạn chế tiếp xúc nơi đông người, góp phần phòng, chống dịch COVID-19; đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh/thành phố kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn và trả lời thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến việc thực hiện các DVCTT.

Các đơn vị cần tích cực thực hiện, bám sát các văn bản chỉ đạo

Ngày 15/11/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT quy định về việc cung cấp DVC trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Thông tư nêu rõ, DVC trực tuyến mức độ 4 phải: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của DVC trực tuyến mức độ 3; cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến để người sử dụng thực hiện được ngay việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) qua môi trường mạng; tương thích với các trình duyệt Web thông dụng; dễ sử dụng dịch vụ bằng các công cụ tìm kiếm phổ biến và có cơ chế hướng dẫn, tự động khai báo thông tin…

Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần xây dựng CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ chỉ tiêu xây dựng, phát triển CPĐT giai đoạn 2021 – 2025: Đảm bảo 100% DVCTT mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, DN được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo DVCTT mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai DVCTT mức độ 3, 4; tích hợp 50% các DVCTT mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng DVC quốc gia; tối thiểu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết TTHC.

Như vậy, với những nhiệm vụ cụ thể đề xuất cho các Sở TT&T trong hai văn bản quan trọng trên, thời gian tới, các đơn vị cần tích cực, trách nhiệm, nghiêm túc bám sát thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu, để sớm đưa ra các giải pháp tích cực, nhằm đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa CPĐT, sớm hoàn thành chỉ tiêu cung cấp DVCTT mức độ 4.

Làm tốt điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước và Chỉ số cải cách hành chính của các cấp, ngành. Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh, việc đẩy mạnh ứng dụng DVC trực tuyến mức độ 4 đã phát huy tính hiệu quả và nhiều tiện lợi.

Bài liên quan
  • Truyền thông để người dân đồng hành với chính phủ điện tử
    Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 2022 (E-Government Survey 2022), Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014- 2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86 trong 193 quốc gia thành viên LHQ và vị trí thứ 6 ở Đông Nam Á (sau các quốc gia Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia).
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các Sở TT&TT tăng cường đôn đốc, đẩy mạnh cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO