Ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) công nghệ Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch niêm yết trên các thị trường kiểu như Nasdaq tại Trung Quốc mà hướng tới việc bán cổ phiếu trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc), giữa bối cảnh Bắc Kinh tăng cường siết chặt việc nộp đơn xin phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sau khi ngừng vụ IPO của công ty Ant Group với trị giá 37 tỷ USD.
Theo đó, hơn 100 công ty đã tự nguyện rút đơn đăng ký niêm yết trên thị trường STAR của Thượng Hải và ChiNext của Thẩm Quyến, kể từ khi công ty Ant chấm dứt đợt IPO với giá trị ước tính lên tới 37 tỷ USD, vào tháng 11 năm ngoái.
Giới chủ ngân hàng và lãnh đạo các công ty cho hay số lượng các công ty hủy kế hoạch IPO trước đây với tốc độ chưa từng thấy, trong bối cảnh các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra triển vọng niêm yết của các công ty, điều này dẫn đến sự chậm trễ IPO, bị từ chối niêm yết hoặc thậm chí bị phạt.
Việc tranh giành để rút lại đơn đăng ký IPO đặt ra câu hỏi về chất lượng của các đợt IPO ở Trung Quốc và mức độ nghiêm túc trong việc thực hiện công tác thẩm định của các nhà bảo lãnh phát hành.
Xu hướng rút lại kế hoạch IPO trên, nếu tiếp tục diễn ra, sẽ ảnh hưởng bất lợi tới tham vọng của Trung Quốc trong việc cạnh tranh với những địa điểm niêm yết khác trên toàn cầu, như Hong Kong và New York, vào thời điểm Bắc Kinh đang xem xét thành lập một thị trường mới để thu hút các công ty niêm yết ở nước ngoài.
Trung Quốc ra mắt sàn chứng khoán công nghệ STAR gần hai năm nay với cơ chế IPO dựa trên đăng ký và công bố thông tin theo kiểu Mỹ nhằm hạn chế các startup công nghệ của họ hướng tới IPO trên các sàn chứng khoán nước ngoài, và nhanh chóng được niêm yết. Việc cải cách các sàn giao dịch đã mở rộng sang sản giao dịch ChiNext vào năm ngoái.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo ngân hàng không công bố danh tính ở Trung Quốc, vụ IPO của Ant, vốn bị đình chỉ sau khi các nhà quản lý bày tỏ lo ngại về một số mảng kinh doanh của công ty này, đã chuyển sự chú ý của các cơ quan giám sát sang kiểm soát rủi ro.
Vị lãnh đạo này nói: “Các cơ quan quản lý đang yêu cầu thẩm định nghiêm ngặt hơn từ các nhà bảo lãnh,” do đó nhiều nhà tài trợ hay nhà bảo lãnh IPO đang rút đơn đăng ký vì sợ bị trừng phạt bởi “không có dự án nào là hoàn hảo.”
Thị trường STAR trở thành nơi niêm yết cổ phiếu phổ biến thứ tư trên thế giới vào năm 2020, với lượng vốn huy động được sau các đợt IPO lên tới hơn 20 tỷ USD. Tuy nhiên, số liệu của Refinitiv cho thấy thị trường chứng khoán công nghệ STAR đã tụt xuống hạng 7 trong quý I/2021./.