Các vấn đề về đọc và văn hóa đọc hiện nay

TS. Phạm Xuân Hoàng| 19/04/2021 10:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Nếu coi văn hóa là thói quen, tập quán ứng xử thì văn hóa đọc là lối hay phương thức đọc sách, báo, tài liệu… để thõa mãn nhu cầu hiểu biết hoặc giải trí của một cá nhân rộng hơn là cộng đồng đọc một cách có chất lượng. Ở góc nhìn này sẽ dễ thấy cái được và chưa được của sự đọc và văn hóa đọc hơn là xem xét nó theo nghĩa rộng của khái niệm văn hóa.

Đọc và văn hóa đọc hiện nay

Trong bối cảnh số và mạng xã hội (MXH) bùng nổ hiện nay, văn hóa đọc ra sao? Phải thấy rằng, chưa bao giờ người đọc được thỏa thích bơi trong kho dữ liệu lớn như hiện nay. Chúng được đến từ nhiều nguồn: xuất bản kể cả xuất bản online trong đó có báo chí online, thông tin, dữ liệu từ internet mà chủ yếu là từ Google và một nguồn nữa là từ MXH (tất nhiên chạy trên nền tảng internet). Cùng với đó, nhờ mạng internet, đặc biệt là việc phổ rộng của các trang MXH mà những kết nối cá nhân nhanh chóng chia sẻ, cập nhật thông tin theo kênh ngầm (email/tin nhắn).

Đó là cái lợi về mặt vật thể nhiều hơn là phương diện tinh thần. Ngày nay người đọc không thấy đói, thiếu hay bí thông tin như một thời xuất bản còn hạn chế, công nghệ in ấn chưa phát triển cũng như chưa có sự ra đời của truyền thông đa phương tiện. Với các kênh xuất bản hiện nay và sự phát triển tiện lợi của truyền thông đa phương tiện, người đọc giờ đây có nhiều kênh thông tin để tiếp cận, tri thức phong phú hơn, đa chiều hơn nhờ đọc online, nhờ MXH.

Cũng nhờ ngoại ngữ được phổ cập, chỉ cần có vốn ngoại ngữ nhất định, người đọc có thể tiếp cận sách, tài liệu bản gốc, các tài liệu dịch cũng khá phong phú. Người đọc trong thời đại thông tin số có thể tiếp cận được nhiều nguồn thông tin đa chiều, đa diện hơn, nhờ vậy, tri thức mỗi cá nhân và tri thức xã hội cũng phong phú và đa diện hơn.

Xu hướng đọc được mở ra ở những kênh mà truyền thống không có như đọc bằng xem và nghe. Việc chiếu chữ lên màn hình và thu âm bài viết/sách qua usb cũng tạo ra cảm giác mới lạ, thư giãn trong hưởng thụ đọc. Bên cạnh đó, đọc sách qua ipad, smartphone…giúp cho người bận rộn có thể đọc mọi nơi, mọi lúc, khá tiện lợi.

Nhưng vấn đề của văn hóa đọc hiện nay có lẽ là ở chỗ khi dung lượng thông tin tăng lên, nguồn thông tin phong phú thì lộ ra cái sự đọc nông, thậm chí hời hợt, thiếu bài bản. Chưa cần đến khảo sát sâu, bằng quan sát trên bề mặt, đã có căn cứ để nêu lên nhận định như vậy. Phải chăng, văn hóa đọc xưa nay vẫn vậy, nhưng do trong bối cảnh hiện nay, nó có điều kiện bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm hơn.

Để tăng độ tin cậy cho nhận định này, người viết đã có trao đổi với một số người có công việc ở những lĩnh vực khác nhau. Đây đều là những người có nhu cầu đọc khá cao, hoặc với những trải nghiệm từ việc đọc sách, yêu thích văn hóa đọc, chí ít họ có thể đánh giá việc đọc: "Mọi người đang lười đọc dần nhất là báo giấy và sách" (Nữ, 32 tuổi, công chức, Hà Tĩnh); "Chỉ thích đọc tào lao. Không đọc có kế hoạch và tính hệ thống. Nên phần nhiều, việc đọc chưa có văn hóa" (Nam, Giảng viên Đại học, 43 tuổi, Huế); "Vấn đề đọc là dân trí ngày càng thụt lùi. So với những cái tiến lên của công nghệ" (Nam, 65 tuổi, nhà văn, Hà Nội); "Công nghệ thông tin làm con người ta lười đọc sách. Giới trẻ nếu có đọc thì sẽ đọc loại sách theo trào lưu. Văn hoá đọc ngày nay không đủ sức hấp dẫn bằng các loại hình vui chơi khác"(Nữ, 34, giáo viên THCS, Đồng Nai); "Đa số sinh viên hiện nay ít đọc, lười đọc và chỉ đọc những phần cốt lõi nhất họ cần đến" (Nữ, 22, sinh viên, Hà Nội); "Vấn đề đọc hiện nay là lười đọc. Đọc chủ yếu để copy" (Nam, 42, quản lý thư viện, HN). Những nhận xét này phần nào cho thấy bức tranh văn hóa đọc hiện nay.

Các vấn đề về đọc và văn hóa đọc hiện nay - Ảnh 1.

Văn hóa đọc sách

Có thể phân cấp người đọc thành hai dạng/kiểu đọc: đọc sâu và đọc thường thức. Đọc sâu chủ yếu là những người làm chuyên môn và đọc thường thức là sự đọc của đông đảo người đọc nói chung.

Với cấp độ đọc chuyên sâu, chủ yếu là các nhà chuyên môn (nghiên cứu, giảng dạy, chuyên gia). Những người này thường tìm kiếm tri thức chiều sâu, chuyên ngành, có thể để tích lũy kiến thức khoa học và các thông tin tin cậy dùng được cho tra cứu và trích dẫn càng tốt. Còn sự quan tâm thông tin xã hội chủ yếu để biết chứ dạng thông tin đó chưa thể đáp ứng được nhu cầu hiểu biết của lớp đối tượng đọc chuyên sâu.

Hiện nay, thay vì đến thư viện để gò mình, người đọc có thể mua sách về nhà, xây dựng tủ sách riêng và tìm kiếm thông tin mạng. Nhiều người thậm chí không cần đến các thư viện, mà bằng nhiều kênh khác nhau đã lưu trữ riêng hay chủ ý hình thành những kho dữ liệu cá nhân dưới dạng các file điện tử. Ở những đối tượng này, chủ yếu đọc theo vấn đề quan tâm, cần tìm, đọc và suy ngẫm sâu những vấn đề chuyên môn. Nên việc đọc có chọn lọc hơn.

Tuy nhiên, không hẳn giới chuyên gia hiện nay đã là những bậc thầy về đọc sách. Không ít người đọc lỗ mỗ, thậm chí nhiều cuốn sách được coi là kinh điển của chuyên ngành mình vẫn chưa một lần sờ tới, chưa nói đến đọc bài bản, khoa học. Sách chuyên ngành, các bài báo chuyên môn chủ yếu dành cho giới chuyên môn song mấy ai chịu đọc. Bởi vậy, sách xuất bản thường không bán được, chủ yếu đem biếu tặng. Báo chí chuyên ngành ít có người mua. Nhiều tạp chí chất đống và được chuyển vào các thư viện nằm phủ bụi trên giá. Việc đọc dừng lại ở thõa mãn thông tin cần tìm, chứ không phải lúc nào cũng có thể đọc hết cuốn sách, hay bài bản một vấn đề.

Với với những người đọc ở cấp độ thường thức, việc đọc chủ yếu là để nắm bắt thông tin phục vụ công việc, hoạt động kinh doanh, thông tin thị trường và đặc biệt là thông tin xã hội (những câu chuyện hiện thực xã hội) và các thông tin giúp giải trí. Những thông tin chuyên môn, chuyên sâu đối với họ, không phải ai cũng có thể đọc và có hứng thú đọc.

Với những người đọc ở cấp độ thường thức, giờ đây, họ được thõa mãn nhu cầu đọc thông tin online trên báo mạng, website và các trang MXH. Đọc như thế, vừa nhanh, vừa rẻ vừa tiện lợi. Nhờ mạng, người đọc có sự giao lưu, tương tác (bình luận/comment) với các trang, các tài khoản cá nhân mà họ quan tâm theo dõi. Việc đọc tản mạn, không theo một logic nào, và điều khoái nhất là họ được thõa mãn cái hiểu biết, tò mò mà thường khó có được ở nguồn tin chính thống do nhà nước quản lí. Do vậy, họ thường tìm kiếm đến thông tin ngoài luồng, thông tin trôi nổi.

Và do áp lực về thời gian, công việc, giờ đây người đọc thường chuộng đọc ngắn. Những bài viết ngắn, mẫu ngắn được ưa thích và có sức hấp dẫn lớn. Việc đọc một bài viết, mẫu ngắn làm cho người đọc thấy hứng thú hơn là bài dài. Đọc ngắn dần trở thành một thói quen của đại đa số người đọc. Có thể thấy, với cấp độ đọc thường thức, người đọc khó có đủ kiên trì để đọc một nội dung gì đó dài hơi, bài bản và "khó nhằn", nếu không muốn nói là lười đọc. Việc đọc này lâu dần sẽ dẫn đến thói quen xấu đó là "đọc xổi".

Chính vì đọc trên bề mặt, đọc xổi, thiếu đi vào khám phá chiều sâu tri thức nên không ít người đọc bị nhầm lẫn thông tin, bị shock thông tin. Bằng chứng là trên mạng nhiều bình luận/comment thiếu tế nhị, thậm chí tục tĩu. Không ít người đọc sẵn sàng ném đá vào đối tượng, sự việc, quan điểm được đề cập trong bài viết và thậm chí miệt thị cả người viết thông tin đó mà lẽ ra cần sự bình tĩnh, sự lắng lại trước khi buông ra lời nhận xét hay phán xét.

Những kênh thông tin chính thống ít được khá đông một bộ phận dành sự quan tâm, lựa chọn đọc. Trong khi đó những thông tin giật gân, câu khách lại được nhiều người quan tâm đọc. Không ít những thông tin độc hại trên mạng xã hội, chưa được kiểm chứng về nguồn gốc hay độ trung thực đã được không ít người đọc rồi chia sẻ đại chúng. Những thông tin đó được lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây hiểu nhầm và những tác hại không đáng có. Tác giả của không ít thông tin như vậy đã vi phạm các nguyên tắc cộng đồng, vi phạm luật pháp và không ít người đã bị xử phạt hành chính.

Thời của MXH lên ngôi, quản trị MXH là một công việc khó. Trong khi quản lí văn hóa chưa được thực hiện một cách bài bản khoa học và thậm chí lúng túng, thông tin tràn lan như một cái chợ đủ thượng vàng hạ cám, ai thích mua gì thì mua; như một nồi lẩu thập cẩm, ai thích ăn gì thì nhúng đũa vào đó, khiến việc đọc trở nên bát nháo. Lợi thì có lợi nhưng lợi bất cập hại. Thông tin trên mạng, phần nhiều là vô thưởng vô phạt, trong khi đó sự ngấm và lan tỏa vào người đọc, vô hình chung, cái sự chẳng chết ai đó lại có hại đến tri thức, học vấn và trình độ dân trí của xã hội.

Đọc có văn hóa

Thực tế, khi đề cập đến văn hóa đọc, phần lớn, trong các cách hiểu hiện nay, vấn đề quan tâm của những người có tâm huyết với việc đọc là đọc sao cho văn hóa. Nghĩa là cần quan tâm đến thái độ tiếp cận và thụ hưởng thông tin trước bối cảnh thực dụng của thị trường, của đời sống vật chất xô bồ mà không mấy người dành thời gian hay có thời gian cho việc đọc. Bởi thế, đọc có văn hóa, sẽ là trạng thái lý tưởng mà hiện nay ít người có được. Vấn đề chắc không nằm ở phương diện điều kiện vật chất hay phương diện vật lý kỹ thuật mà chính là ở phương diện nhận thức, thái độ đọc. Tuy nhiên, nó không là việc quá khó để thúc đẩy văn hóa đọc trên bình diện chung của xã hội. Cái cốt lõi là làm cho người dân thấy được lợi ích và tác dụng của việc đọc quan trọng như chính việc ăn, thở và kiếm tiền. Việc đọc chính là đầu vào, là sự hấp thu thông tin, tri thức bồi đắp, nuôi dưỡng trí tuệ sáng suốt hơn, tâm hồn con người sâu sắc và nhân văn hơn chứ không chỉ là một phương thức giải trí hay chỉ nhằm mục đích cho công việc.

Xây dựng văn hóa đọc trong thời đại thông tin số là cần thiết. Nhưng điều này không dễ một sớm một chiều mà cần sự nỗ lực, kiên trì. Phải bắt đầu từ nhiều phía, mà trách nhiệm chính thuộc về nhà trường mà các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo dạy văn có vai trò to lớn.

Hướng xã hội tới việc đọc, tiếp cận thông tin có chất lượng, tự giác, trở thành một nhu cầu tự thân trong văn hóa làm người; thiết thực hơn nữa là, mang tri thức học hỏi được từ việc đọc để ứng dụng vào đời sống thực tế thực tiễn, đó chính là nội dung căn bản của văn hóa đọc.

Để góp phần xây dựng một văn hóa đọc lành mạnh, người viết mạnh dạn đề xuất: (1) Phải hình thành văn hóa đọc cho người đọc, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Người thầy cần giáo dục kĩ năng đọc, nêu ý nghĩa tác dụng của việc đọc, trao truyền cảm hứng đọc sách cho các học sinh, coi việc đọc là một phương thức học quan trọng trong học tập và nghiên cứu; đồng thời hướng các em đọc có chọn lọc, hướng vào đọc những cuốn sách có giá trị, đọc những kiến thức chuyên môn để tích lũy tri thức một cách bài bản. Đối với người đọc có trình độ nhận thức hơn như cao học sinh phổ thông trung học, sinh viên cần được dạy về văn hóa tôn trọng bản quyền, kĩ năng tham khảo, trích dẫn tài liệu, tránh hời hợt về thông tin, tránh sao chép tùy tiện, vi phạm vào lỗi đạo văn. Các trường đào tạo ngành khoa học, truyền thông, thư viện cần có những chuyên đề về văn hóa đọc. Hiệp hội thư viện cần thúc đẩy hình thành nhiều các câu lạc bộ đọc sách và tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ, bổ sung thông tin tư liệu để làm giàu vốn tài liệu cho cộng đồng. Các nhà chuyên môn cần giới thiệu được những cuốn sách, bài viết đáng đọc ra công chúng. Hình thành các không gian đọc có văn hóa như café sách, café thư viện, thậm chí các không gian đọc sách lưu động như bus sách, tủ sách, các phòng đọc công cộng tại khu dân cư, tổ dân phố.

(2) Từ góc độ xuất bản, sản xuất tin: Cần làm tốt công tác xuất bản (bản quyền, giấy phép), in ấn, để cho ra đời những ấn phẩm có chất lượng, có giá trị tri thức cao, có tính giáo dục, có chiều sâu nhân văn. Những người tâm huyết nhận sứ mệnh phát triển văn hóa đọc, phải luôn nỗ lực tìm kiếm những cách thức để lôi cuốn người đọc đọc một cách hứng thú, say mê hơn.

(3) Cơ quan quản lí văn hóa cần quản trị tốt tri thức, thông tin trên internet bằng cách đề cao trách nhiệm chia sẻ thông tin; xử phạt nghiêm minh với những người đưa thông tin thất thiệt lên mạng xã hội. Ban Tuyên giáo các cấp cần phải kịp thời trong việc cập nhật thông tin chính thống lên các báo chí điện tử, các trang mạng xã hội, tránh tình trạng định hướng, phản hồi chậm muộn, loại trừ khoảng trống cho tin đồn, tin thất thiệt lan truyền.

Hình thành, nuôi dưỡng văn hóa đọc ngày càng phải được coi là một nội dung của văn hóa đại chúng. Một khi làm tốt công tác thông tin và nâng cao trình độ dân trí; thông tin có chất lượng, dân trí được nâng lên, coi việc đọc sách là một nhu cầu đương nhiên, tự giác, khi đó không cần bàn nhiều đến văn hóa đọc mà tự thân người đọc sẽ đọc có văn hóa.

(Bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các vấn đề về đọc và văn hóa đọc hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO