Cải cách hành chính tiết kiệm 18 triệu ngày công, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm

PV| 17/03/2020 09:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) do Văn phòng Chính phủ (VPCP) chủ trì năm 2019 đã có những kết quả tích cực trên tất cả các mặt xây dựng thể chế, thiết lập, vận hành các hệ thống CNTT để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về CPĐT với Ban chỉ đạo CPĐT, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương diễn ra sáng ngày 12/02/2020.

Đóng góp thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng báo cáo về một số kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) gắn kết với xây dựng CPĐT do VPCP chủ trì triển khai thực hiện trong năm 2019.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, công tác CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng CPĐT do VPCP chủ trì đã có những kết quả tích cực trên tất cả các mặt, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đã đi vào nề nếp, cả nước đến nay đã có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt 95,8%.

Các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã được rà soát, đã cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh của hầu hết các bộ, ngành; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa vào khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Tổ công tác, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã có những đóng góp thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc tổ chức họp, hội nghị đối thoại để cùng các bộ, ngành tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của của DN trong nước và nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam.

Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 6 cuộc kiểm tra việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; 04 cuộc kiểm tra 22 bộ, cơ quan, 17 địa phương về thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và việc triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử.

Lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ

Đối với các hệ thống ứng dụng CNTT, VPCP cùng với các Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ thiết lập, triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ.

"Các hệ thống này đều được bình chọn là những sự kiện CNTT tiêu biểu trong năm 2019 và trong thời gian ngắn đã đạt được những kết quả hết sức tích cực", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.

Cụ thể là việc lấy người dân, DN làm trung tâm, nâng cao chất lượng phục vụ thông qua thiết lập và vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (09/12/2019) đến nay đã có trên 47 nghìn tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tiếp nhận, xử lý trên 4.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN; hỗ trợ trên 4.000 cuộc gọi qua Tổng đài hỗ trợ (18001096).

"Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, DN trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ".

Đến nay, 100% Bộ, ngành, địa phương cũng đã cam kết đồng hành cùng VPCP trong quá trình triển khai, vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đến thời điểm này, đã có 09/22 Bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Toàn cảnh hội nghị.

Không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN, Cổng dịch vụ công quốc gia còn là công cụ giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC, nâng cao tính minh bạch trong quá trình thực hiện, từ đó giảm các vấn đề tiêu cực, tình trạng tham nhũng vặt nảy sinh trong quá trình giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia với một số các nền tảng dùng chung như hệ thống định danh, xác thực thông qua nhiều giải pháp bảo đảm mức độ an toàn; nền tảng thanh toán trực tuyến tập trung để chia sẻ với các Bộ, ngành sử dụng, từ đó tiết kiệm rất lớn cho đầu tư CNTT trong giai đoạn tới.

Hướng tới Chính phủ không giấy tờ

Nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới Chính phủ không giấy thông qua ứng dụng CNTT được đẩy mạnh qua thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia (khai trương ngày 12/3/2019) đã kết nối, liên thông với 95/95 bộ, ngành, địa phương (100%) và Văn phòng Trung ương Đảng phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử ở 02 cấp chính quyền.

Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương Hệ thống đến ngày 10/02/2020, đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp 2 lần.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) được vào khai thác, sử dụng tháng 6/2019 giúp việc tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả trên môi trường mạng và góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn, sao chụp tài liệu giấy các cuộc họp của Chính phủ. Từ ngày khai trương, Hệ thống e-Cabinet đã phục vụ 12 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (các đại biểu sử dụng tài liệu điện tử thay thế việc in ấn, sao chụp).

Hệ thống cũng đã được tích hợp chức năng hỗ trợ các Thành viên Chính phủ theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, hệ thống đang được tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu công việc.

Đối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, triển khai Nghị định 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ, VPCP đang xây dựng, chuẩn hóa các quy trình tổng thể, quy trình liên thông các chế độ báo cáo; quy trình chia sẻ dữ liệu báo cáo…; xây dựng phần mềm Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và phối hợp với Sáng kiến Việt Nam xây dựng, hoàn thiện các tính năng nâng cao của Bảng hiển thị trực quan tình hình biến động các chỉ số kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, việc triển khai xây dựng CPĐT gắn kết với CCHC, kiểm soát TTHC thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Các hệ thống có ý nghĩa lớn trong triển khai CPĐT như Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia trong thời gian ngắn triển khai đã có những thành quả khích lệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Những kết quả này thể hiện bước đi đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và triển khai hết sức bài bản với đầy đủ các căn cứ pháp lý, phân tích, đánh giá thực trạng triển khai, học tập kinh nghiệm quốc tế, quyết tâm triển khai và phát huy được đồng hành của cả hệ thống chính trị.

Tại hội nghị, để thúc đẩy CCHC gắn kết với xây dựng CPĐT nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng CPĐT.

Bên cạnh đó cần gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc; khẩn trương thực hiện việc số hóa các báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, địa phương và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cải cách hành chính tiết kiệm 18 triệu ngày công, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO