Đại dịch COVID-19 minh chứng một sự bùng nổ đại dịch thông tin về vấn nạn tin sai sự thật khiến nhiều quốc gia phải quyết liệt thực hiện các biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn những thông tin sai sự thật gây hoang hoang cho dân chúng. Tuy nhiên, một sự thật cũng hiện hữu đó là mặc dù báo chí đã cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 nhưng có vẻ như người dân tỏ ra không tin tưởng. Điều này phản ánh sự thiếu tin tưởng vào báo chí của công chúng, mà câu chuyện điển hình là ở Mỹ. Vậy báo chí Mỹ đã làm những gì để cải thiện niềm tin đối với công chúng thời virus corona.
Công chúng "phớt lờ" hay "thiếu niềm tin"
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, các nhà báo tại các tổ chức tin tức lớn nhất của Mỹ đã chăm chỉ đưa tin về các mối nguy hiểm gây ra bởi sự lây lan nhanh chóng của virus corona.
Tuy nhiên, ngay cả khi toàn bộ các bang - như California và New York – đã bị phong tỏa, nhiều người Mỹ vẫn không tin rằng virus corona là một vấn đề lớn như các phương tiện truyền thông đã đưa tin. Một cuộc thăm dò dư luận được thực hiện vào giữa tháng 3 của đài NPR/PBS NewsHour/Marist, cho thấy chỉ 56% người Mỹ coi virus corona là mối đe dọa thực sự, và 38% tin rằng nó đã bị thổi phồng so với thực tế. Một cuộc thăm dò tương tự gần đây do Monmouth University thực hiện, cho thấy chỉ có 57% cư dân Mỹ nhận thấy virus corona là mối quan tâm lớn nhất đối với gia đình họ.
Đúng là đã có rất nhiều tin tức được đưa ra. Thời báo New York đã liên tục thông tin cập nhật sự lây lan của loại virus này trên toàn cầu, đã cho thấy rõ mức độ lây nhiễm của dịch bệnh. Gần đây, tờ Washington Post đã xuất bản một loạt hình ảnh chứng minh tầm quan trọng của việc "làm phẳng đường cong" hay là "ép đỉnh dịch", để ảnh hưởng của virus corona ở Mỹ sẽ ít nghiêm trọng hơn.
Virus corona cũng là câu chuyện chính trên tin tức truyền hình, và việc cách ly xã hội liên quan đến virus đã ảnh hưởng đến cách thức sản xuất tin tức truyền hình. Độc giả cũng không bỏ lỡ tất cả các tin tức; tiêu thụ tin tức trực tuyến tăng mạnh kể từ đầu tháng 3.
Tuy nhiên, một phần đáng kể người dân Mỹ đã không chuẩn bị và không hiểu biết về đại dịch mà các nhà báo đã cảnh báo trong nhiều tháng. Tại sao vậy? Nghiên cứu mối quan hệ giữa báo chí và công chúng, cho thấy có sự nhất quán ngày càng tăng trong lý thuyết báo chí và câu trả lời khả dĩ: Mọi người chỉ đơn giản là không tin vào những gì họ đang đọc và nghe.
Nguyên nhân của khủng hoảng uy tín báo chí
Trong nhiều thập kỷ qua, sự tin tưởng của công chúng vào báo chí là một vấn đề đối với ngành công nghiệp tin tức tại Mỹ. Nền báo chí tại quốc gia này đã từng rất tự hào với tỉ lệ tin cậy của công chúng đạt mức cao vào năm 1977, với 72% người Mỹ cho biết họ tin tưởng vào các phương tiện truyền thông tin tức ("Rất tin tưởng" hoặc "Khá tin tưởng"). Kể từ đó, uy tín của báo chí đã giảm xuống, hiện tỉ lệ này chỉ còn có 41%. Tuy nhiên vẫn còn cao hơn mức thấp kỷ lục 32% trong năm 2016, nhưng 41% có nghĩa là hơn một nửa số công dân của đất nước này không có chút tin tưởng nào về tin tức mà họ nhận được.
Các chuyên gia trong ngành truyền thông đã đưa ra một số lý do khiến uy tín của báo chí giảm.
Đầu tiên là do các chiến dịch thông tin sai lệch thường xuyên tràn ngập trên các nền tảng truyền thông xã hội và có nguy cơ kết hợp tin tức thực sự với tin tức giả nhằm tác động vào tư duy của công chúng.
Thứ hai là yếu tố chính trị, các nhà lãnh đạo thường coi các câu chuyện tin tức và nhà xuất bản là "tin giả", và chính khán giả đang ngày càng đánh giá chất lượng của tin tức qua các lăng kính tư tưởng chính trị. Hiện có một nhóm các nhà nghiên cứu đang phát triển tập trung vào việc tìm hiểu hệ sinh thái truyền thông "cánh hữu", trong đó các nguồn tin tức đã phát hành các tuyên bố lừa dối hoặc sai lệch, trong khi cũng bác bỏ các nguồn tin tức chính thống.
Cuối cùng, một số nhà nghiên cứu cho rằng chính ngành công nghiệp tin tức đã có lỗi trong cuộc khủng hoảng uy tín của báo chí. Theo các nhà nghiên cứu báo chí, sự thiếu đa dạng của tòa soạn là một vấn đề khiến công chúng không tin tưởng. Khi công dân không thấy mình được phản ánh trong các bài báo của phóng viên, hoặc nguồn tin của biên tập viên của một tòa soạn nào đó, họ sẽ cảm thấy các cơ quan báo chí đó có vẻ không đại diện chính xác cho cộng đồng và do đó họ ít tin tưởng vào cơ quan đó.
Mối quan hệ giữa sự tin tưởng vào tin tức và lòng trung thành của độc giả
Niềm tin của công chúng đối với tin tức thể hiện rất rõ ràng trong việc tiếp nhận thông tin về virus corona. Kết quả cuộc khảo sát đặc biệt đo lường mức độ tín nhiệm thương hiệu và đại dịch virus corona (Trust and The coronavirus) do Edelman thực hiện cho thấy, các nhà báo là những người phát ngôn ít tin cậy nhất về virus corona. Người dân ở 10 quốc gia (Brazil, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nam Phi, Hàn Quốc, Anh và Mỹ) mong đợi sự thật nhiều hơn từ các CEO trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe - hoặc thậm chí là từ các truyền thông tin tức nói chung - hơn là từ các nhà báo.
Truyền thông tin tức (news media) nhận được mức tin cậy cao hơn báo chí cho thấy có sự hiểu lầm về mối liên hệ giữa truyền thông tin tức và nhà báo. Người dân có thể xem các nhà báo là những người có động cơ cá nhân, trong khi các phương tiện truyền thông tin tức thì chỉ "tóm tắt" và do đó, ít sai lệch hơn. Ngoài ra, sự khác biệt này có thể chỉ ra sự yếu kém khi đặt ra câu hỏi thăm dò ý kiến. Tuy nhiên, dù sao kết quả cho thấy rõ ràng là có sự thiếu niềm tin của công chúng đối với báo chí nói chung, cũng như phản ánh sự thiếu tin tưởng của công chúng đối với báo chí thời virus corona nói riêng.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Journalism Practice, cho thấy mức độ tin tưởng của công chúng hoặc mất lòng tin đối với truyền thông tin tức là phức tạp, bởi trên thực tế các phương tiện truyền thông không phải là một thực thể đồng nhất; khi càng nhiều người tin tưởng vào một nguồn tin tức, họ càng tìm kiếm tin tức từ nó.
Nghiên cứu cũng cho thấy, những người đã tin tưởng một loại hình tin tức thì ít sử dụng các loại tin tức khác. Ví dụ, những người có mức độ tin tưởng cao hơn vào tin tức truyền hình thì ít đọc báo thường xuyên hơn. Có thể kết luận rằng mọi người không nhận thức "truyền thông tin tức" là một thực thể đồng nhất, mà họ chỉ đơn thuần là tin tưởng hoặc không tin tưởng. Họ thừa nhận rằng tin tức bao gồm nhiều nguồn khác nhau và họ phân biệt giữa các nguồn tin tức mà họ tin tưởng và những nguồn họ không tin.
Nhưng điều gì làm cho mọi người xem những thông tin bên ngoài tòa soạn là tin cậy và liệu các tòa soạn có thể làm gì để đảo ngược tình thế này?
Làm thế nào để cải thiện niềm tin của công chúng đối với báo chí?
Thật khó để biết chính xác điều gì khiến mọi người ít nhiều thấy được tin tức mà các nhà báo và các cơ quan báo chí đưa ra là đáng tin cậy. Do đó, thật khó để biết chính xác các nhà báo nên làm gì để giải quyết vấn đề uy tín mà họ gặp phải với độc giả của họ.
Do đó, mọi người phải thử bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau để nâng cao uy tín. Đơn cử, một số nhà báo và nhà nghiên cứu báo chí đã chấp nhận ý tưởng rằng tin tức sẽ được xem là đáng tin cậy hơn khi các nhà báo cho thấy cách họ làm việc, ví dụ, thông tin trong câu chuyện mô tả quá trình xử lý bài báo. Chẳng hạn, tờ Washington Post đã xuất bản một loạt các video có tên "Làm thế nào để trở thành một nhà báo", với ý định để cho người xem biết về những gì các phóng viên đang thực hiện.
Ngay bây giờ, không thể chỉ ra một cách rõ ràng sự minh bạch này có hiệu quả như thế nào đối với sự tin tưởng của khán giả. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm gắn kết truyền thông Texas (Texas' Center for Media Engagement) đã kết luận rằng, khi các phóng viên chia sẻ thông tin tiểu sử bản thân họ, không có tác động lên niềm tin của độc giả. Ngược lại, một nghiên cứu khác cũng của Trung tâm đã phát hiện ra rằng khi một cơ quan báo chí bổ sung thêm một hộp giải thích quá trình viết hoặc sản xuất một câu chuyện, nó sẽ cải thiện nhận thức về tổ chức báo chí cho độc giả của họ.
Khi các tổ chức báo chí tìm cách thúc đẩy niềm tin của công chúng trong bối cảnh đại dịch corona, những ý tưởng này cũng đáng để thử nghiệm. Ngoài ra, cũng nên thử nghiệm một số ý tưởng khác như tạo sự gắn kết với độc giả và nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng thông tin cho từng phân khúc độc giả… Việc liên kết với các trường đại học để nghiên cứu hiệu quả của những ý tưởng đó cũng là những gợi ý tốt, góp phần hiểu thêm những tác động của những nỗ lực này.
Việc đưa ra những thông tin đã được kiểm chứng để công chúng tin tưởng là điều rất quan trọng, đặc biệt là trong một cuộc khủng hoảng thông tin về đại dịch COVID-19. Những phương pháp trên và một vài phương pháp khác có thể giúp báo chí nâng mức tin tưởng của công chúng, ngay cả đối với những thông tin khó tin như sự nguy hiểm của dịch COVID-19 khi nó mới xuất hiện. Vấn đề phụ thuộc vào sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi tòa soạn báo trong công cuộc chinh phục sự tin tưởng của công chúng.
Tài liệu tham khảo
1. Jacob L. Nelson, The news media sounded the alarm on coronavirus for months - but few listened. Why?
2. Trust barometer special report: Brand trust and The coronavirus pandemic, https://www. edelman.com/research/covid-19-brand-trust-report.
3. https://www.niemanlab.org/
(Bài đăng trên ấn phẩm in tạp chí TT&TT Số 3+4 Tháng 5/2020)