Chuyển đổi số khu vực ASEAN: Hợp tác sâu rộng hơn để cùng nhau phát triển

PV| 17/11/2022 10:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục hồi ASEAN sau đại dịch và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực trong trung và dài hạn được xem là một trong năm chiến lược phục hồi chính của Khung phục hồi tổng thể ASEAN. Tuy nhiên, nhiều yếu tố không cân xứng về đổi mới kỹ thuật số vẫn tồn tại, đòi hỏi các quốc gia phải chủ động hợp tác hơn nữa để thu hẹp khoảng cách, cùng nhau phát triển

Xu thế tất yếu

Bối cảnh đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số ở khu vực ASEAN. Hơn 60 triệu người sử dụng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu và nền kinh tế Internet của ASEAN đang trên đà phát triển, được dự báo sẽ chiếm 360 tỷ USD vào năm 2025. Sự tăng tốc của nền kinh tế kỹ thuật số cùng nhu cầu sử dụng gia tăng đã thúc đẩy sự đổi mới và làn sóng kinh doanh thông qua phương tiện kỹ thuật số trong khu vực.

Theo báo cáo do Lazada - nền tảng thương mại điện tử hàng đầu ở Đông Nam Á - công bố mới đây, có tới 52% người bán hàng ở Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Singapore đã đạt mức tăng trưởng doanh thu cao trong nửa đầu năm 2021, trong khi 70% kỳ vọng rằng mức tăng doanh thu sẽ tiếp tục được nâng lên thêm 10% trong quý 3/2021.

Người dân Đông Nam Á được coi là những người sử dụng Internet nhiều nhất trên thế giới, qua đó cơ bản hình thành nên một thế hệ công dân số. Theo một báo cáo từ Google, ít nhất 400 triệu người dùng Internet ở Đông Nam Á (tương đương 70% dân số khu vực) và khoảng 90% trong số đó kết nối với Internet chủ yếu thông qua thiết bị di động. Nền kinh tế Internet của khu vực đã cán mốc doanh thu 100 tỷ USD vào năm 2019 và con số này dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2025.

Những ví dụ thực tế, những con số thống kê trên mang đến một bức tranh tổng quan về chuyển đổi số và những lợi ích to lớn của quá trình này mang đến cho khu vực. ASEAN có tiềm năng chuyển mình thành một khu vực tiên phong về kỹ thuật số trên toàn cầu nếu các nước thành viên có thể hợp tác thống nhất để giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội kỹ thuật số rộng lớn mà khu vực này đang nắm giữ.

Dự báo, 3 quốc gia (Indonesia, Thái Lan, Philippines) sẽ có mức doanh thu thương mại điện tử tăng trưởng vượt bậc. Mặc dù lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam mới chỉ phát triển, song doanh thu đã đạt 14 tỷ USD (2020). Việt Nam đang là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới về thương mại điện tử xuyên biên giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.

Chuyển đổi số khu vực ASEAN: Hợp tác sâu rộng hơn để cùng nhau phát triển - Ảnh 1.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của các nước ASEAN để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Những thách thức hiện hữu

Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã chỉ ra rằng dân số nông thôn Đông Nam Á trải qua một sự phân hóa kỹ thuật số đáng kể, đặc trưng là thiếu sự sẵn có và giảm sự lựa chọn.

Tiến trình chuyển đổi số của ASEAN còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do hạn chế về năng lực và mạng lưới kết nối mặc dù triển vọng chuyển đổi số của ASEAN rất sáng sủa. Truy cập Internet cũng như tiến trình số hóa ở Đông Nam Á vẫn chưa đồng nhất, vẫn còn sự phân chia trong tiến trình tiếp cận kỹ thuật số và nhiều vấn đề làm lu mờ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số khu vực.

Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng kỹ thuật số nhanh song truy cập Internet cũng như tiến trình số hóa ở Đông Nam Á về tổng thể vẫn chưa đồng nhất, tồn tại sự phân chia trong tiếp cận kỹ thuật số giữa các nước thành viên ASEAN và ngay trong chính bản thân mỗi nước. Sự phân hóa kỹ thuật số thể hiện rõ ở các vùng nông thôn Đông Nam Á.

Hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những rào cản đối với tăng trưởng kinh tế số ở ASEAN, đặc biệt là các nước "tầm trung" trong khối. Điều này khiến Chính phủ các nước sẽ phải huy động nguồn lực rất lớn để có thể cải thiện hạ tầng bắt kịp kịp với xu thế hiện đại.

Những quy định thương mại số ở các nước ASEAN nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung vẫn mang tính chắp vá. Các chính sách quan trọng như sự cởi mở dữ liệu và tính riêng tư vẫn chưa được phát triển ở các nước ASEAN.

Nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và chuyển đổi số là nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin. Thiếu hụt nhân lực là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng chuyển đổi số của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng bởi nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố then chốt quyết định sự chuyển biến, thành công của một nền kinh tế số.

Hợp tác là chìa khóa

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế số - nền kinh tế của tương lai, giúp cho phép kinh doanh hiệu quả hơn, phát triển đồng đều hơn, mở rộng cơ hội việc làm với cách thức làm việc hoàn toàn mới, tăng năng suất, hiệu quả và tăng thu nhập, đồng thời, để đạt mục tiêu trở thành một trong 05 nền kinh tế số hóa trên thế giới trước năm 2025, ASEAN đang tập trung vào những giải pháp mở rộng phát triển kinh tế số, chú trọng hợp tác trong và ngoài khu vực.

Các quốc gia thành viên ASEAN đã chủ động hợp tác để đào tạo lại và nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực, đảm bảo người lao động sẽ sẵn sàng cho những mô hình công việc mới. ASEAN tăng cường hợp tác trong chia sẻ thông tin, trong cung cấp chuyên môn kĩ thuật phục vụ cho đào tạo nhân lực và thúc đẩy đối thoại về hoạch định chính sách để đảm bảo chuyển đối số nói chung và chuyển đối số trong kinh tế nói riêng sẽ không làm tổn hại tới những bước tiến vượt bậc đã đạt được trong giảm nghèo.

Các nước cũng cần quan tâm đến phát triển ngành dịch vụ hậu cần logistics. Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics được thể hiện thông qua giảm chi phí logistics và cải thiện chất lượng dịch vụ. Hợp lý hóa thủ tục hải quan có thể tạo điều kiện để vận chuyển nhanh hơn, rẻ hơn, dễ đoán biết hơn.

Hậu cần logistics phát triển sẽ góp phần hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa chứng từ trong kinh doanh quốc tế. Hậu cần cung cấp các dịch vụ đa dạng, trọn gói có tác dụng giảm rất nhiều các loại chi phí giấy tờ, chứng từ trong buôn bán quốc tế. Cùng với việc phát triển hậu cần điện tử (electronic logistics) khiến cho chi phí giấy tờ, chứng từ trong lưu thông hàng hóa càng được giảm tới mức tối đa, chất lượng dịch vụ hậu cần ngày càng được nâng cao sẽ thu hẹp hơn nữa mọi cản trở về không gian và thời gian trong dòng lưu chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa.

ASEAN tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy sự hợp tác với khu vực tư nhân trong việc ban hành các chính sách. Bởi chỉ có hợp tác với khu vực tư nhân mới giúp gây dựng được lòng tin vững chắc, là cách tiếp cận tốt hơn với kinh tế số. Tham gia hợp tác khu vực sẽ đảm bảo Đông Nam Á có vị thế tốt hơn để khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số.

Để thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số, ASEAN đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các chính sách khu vực, bao gồm khuôn khổ thanh toán xuyên biên giới, kế hoạch thúc đẩy sản xuất thông minh và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái 5G; triển khai Sáng kiến ASEAN số nhằm góp phần vào quá trình chuyển đổi. Cùng với tốc độ chuyển đổi như vậy, đầu tư cơ sở hạ tầng số và đầu tư kỹ năng số ở các nước sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số khu vực ASEAN: Hợp tác sâu rộng hơn để cùng nhau phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO