PV: Chuyển đổi số trong giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng trở thành công dân toàn cầu. Vậy theo ông, chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu và ai phải thay đổi đầu tiên?
PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng: Trong bối cảnh hiện nay, nhân lực chất lượng cao Việt Nam phải có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để làm việc trong môi trường quốc tế, “trong một thế giới phẳng”, để có thể cạnh tranh sòng phẳng, ngay cả trên thị trường lao động Việt Nam và quốc tế.
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng và một lần nữa thúc đẩy những thay đổi cấp bách cần phải thực hiện quyết liệt trong giáo dục nói chung và đặc biệt giáo dục đại học nói riêng.
Những thành tố quan trọng để triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong giáo dục là con người - thầy và trò; phương thức dạy và học; kỹ thuật và hạ tầng công nghệ.
Như thế, trong cả 3 thành tố trên, con người thực sự đóng vai trò then chốt: Quyết tâm của lãnh đạo các cấp, thay đổi nhận thức của thầy và trò.
Chúng ta nhận thức đây là cơ hội để đổi mới giáo dục, để có thể nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và sản phẩm - những cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ của chúng ta có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số, ngoại ngữ để làm việc, đứng vững và phát triển trong môi trường quốc tế.
Ngay trong trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi luôn coi chuyển đổi số là cơ hội để sinh viên làm chủ các kỹ năng làm việc trong môi trường số tốt hơn, sẽ học tập các kiến thức chuyên ngành tốt hơn thông qua sự thay đổi trong phương thức học tập, kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn.
Khi tốt nghiệp, các em hoàn toàn có thể làm việc tại các công ty đa quốc gia ở Việt Nam và toàn cầu, đi ra nước ngoài làm việc, cạnh tranh sòng phẳng với nhân lực các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế.
PV: Trong quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội cũng như thách thức, rào cản gì?
PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng: Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 942/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó khẳng định quyết tâm thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số, với mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chuyển đổi số ngành giáo dục sẽ tạo ra con người có kiến thức và kỹ năng số, góp phần quan trọng vào quá trình này. Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển.
Tuy nhiên, chuyển đổi số trong giáo dục có những thách thức nhất định.
Thứ nhất, quyết tâm của lãnh đạo, tư duy, năng lực quản lý và giảng dạy. Lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường, người thầy phải thay đổi. Họ phải đối mặt với những phương thức giảng dạy, đào tạo, quản lý trên không gian ảo, khai thác hiệu quả công nghệ cho mục đích này.
Do đó, họ cần trang bị hiểu biết và tư duy số để có thể làm chủ, đồng thời biết rõ sự giới hạn của công nghệ.
Cách thức và quá trình chuyển đổi không có một công thức chung, đòi hỏi lãnh đạo ngành cần phải đề ra chiến lược, giải pháp và lộ trình chuyển đổi riêng cho mình mà không có nhiều sự tham khảo từ kinh nghiệm và thực tiễn ở các ngành khác, quốc gia khác.
Thứ hai, kỹ năng sử dụng và làm chủ công nghệ. Chuyển đổi số đòi hỏi những người trực tiếp thực hiện việc đào tạo phải có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ.
Giáo viên cần phải hình dung học sinh của mình học tập như thế nào trên môi trường số, không trực tiếp gặp mặt, nắm bắt và đánh giá được những gì từ phía người học.
Người thầy cần có những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy, làm chủ được lớp học, duy trì sự chú tâm của người học vào các nhiệm vụ và hoạt động học tập. Người thầy - yếu tố quan trọng nhất, là động lực quyết định sự thành công của chuyển đổi số trong giáo dục.
Thứ ba, hạ tầng và nền tảng công nghệ. Chuyển đổi số đòi hỏi hạ tầng công nghệ mới cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Đi kèm là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng để toàn bộ hoạt động giáo dục và quản lý của các cấp diễn ra trên cùng một nền tảng, tương thích, kết nối và tích hợp được.
Nền tảng này cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi cử, quản lý người học và việc giảng dạy, cũng như toàn bộ việc tương tác giữa người học với giáo viên và nhà trường cùng diễn ra. Đường truyền Internet ổn định là cần thiết cho nền tảng này hoạt động.
Ngành giáo dục không thể đi một mình mà phải đồng hành, phối hợp với các ngành khác. Việc này có thể là thách thức đáng kể bởi họ vốn quen hoạt động và vận hành độc lập.
Thứ tư, sự sẵn sàng tiếp nhận của người học. Rất nhiều sinh viên chưa sẵn sàng cho học tập trực tuyến vì nhiều lý do: Trang thiết bị, hạ tầng viễn thông, phương pháp và kỹ thuật giảng dạy của giảng viên chưa thuyết phục.
Người học cần được chuẩn bị về tâm thế, tinh thần và kỹ năng, được hỗ trợ để đảm bảo điều kiện hạ tầng thiết bị đủ để thực hiện học tập trực tuyến. Họ cũng cần được hướng dẫn về phương pháp học tập trên môi trường số sao cho hiệu quả.
Việc học tập dựa trên nền tảng kỹ thuật số khiến kỹ năng viết của học sinh vì thế bị mai một, từ đó dẫn đến mất khả năng sáng tạo; các cá nhân cũng sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái mất tập trung, suy giảm sự chú ý nếu quá lạm dụng công nghệ.
Thứ năm, đào sâu thêm bất bình đẳng trong giáo dục. Ta thường nghĩ việc số hóa hoạt động giáo dục sẽ đem lại "sự bình đẳng số" nhờ ưu thế tiếp cận công nghệ không giới hạn không gian và thời gian.
Tuy nhiên, việc này cũng "đào sâu" hơn sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền và học sinh có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau.
Những học sinh không được tiếp cận hạ tầng viễn thông tốt ở miền núi hoặc vùng nông thôn sẽ có nguy cơ không tiếp cận được giáo dục chất lượng cao, ngay cả giáo dục căn bản như các nguồn tài liệu, học liệu quan trọng cho việc học tập.
Nội dung Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nhấn mạnh: Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.
Học sinh khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị hoặc các khuyết tật vận động cản trở thao tác, điều khiển thiết bị) cũng có nguy cơ lớn phải hứng chịu bất bình đẳng số do những vấn đề liên quan tới các yếu tố đầu vào (sách vở, tài liệu, ngôn ngữ, trang thiết bị…) lẫn quá trình giáo dục.
Việc số hóa tài liệu, học liệu cho nhóm đối tượng phải sử dụng hệ ngôn ngữ riêng như ngôn ngữ ký hiệu chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế, không được ưu tiên, gây nhiều bất lợi, thiệt thòi cho nhóm người học này.
Bên cạnh đó, sự tương tác giữa các cá nhân và xã hội hay sức khỏe con người cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ những tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi số này.
PV: Vậy muốn chuyển đổi số thành công thì con người phải thay đổi ra sao để thích nghi, thưa ông?
PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng: Để chuyển đổi số thành công trong giáo dục, người quản lý, người thầy và người học phải thay đổi nhận thức để thích ứng.
Người quản lý phải có quyết tâm, có sự quyết liệt và cẩn trọng để thực hiện chuyển đổi số, đề ra chiến lược, giải pháp và lộ trình chuyển đổi số phù hợp cho đơn vị mình.
Người thầy phải thay đổi, phải làm chủ những phương pháp giảng dạy và kỹ năng mới phù hợp với môi trường số để giảng dạy, làm chủ lớp học, duy trì hoạt động học tập.
Người học phải thích ứng cho học tập trực tuyến, phải sẵn sàng về tâm thế, tinh thần và kỹ năng, phải chuẩn bị hạ tầng thiết bị đủ để thực hiện học tập trên môi trường số. Người học cũng cần được hướng dẫn về phương pháp học tập hiệu quả trên môi trường số.
Chuyển đổi số trong giáo dục, cả thầy và trò cũng phải thay đổi để thích nghi thì mới thành công. Trên môi trường không gian số, người học có rất nhiều thông tin, tài liệu.
Người thầy cần phải thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang chọn lọc và tập hợp kiến thức để xây dựng được bài giảng, chương trình đào tạo cá thể hóa tới từng người học, khơi dậy sự sáng tạo và chủ động của người học.
PV: Khoa học và giáo dục thời gian qua đã có những kết quả đáng tự hào. Ông có đề xuất giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ trong tương lai đạt chuẩn quốc tế?
PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng: Để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ trong tương lai đạt chuẩn quốc tế cần những giải pháp cụ thể. Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã xây dựng những nhiệm vụ, giải pháp trực tiếp để nâng cao giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ.
Trong đó, phát triển, phát huy năng lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thu hút giảng viên xuất sắc, nhà khoa học tài năng. Xây dựng và triển khai đề án thu hút các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc trong và ngoài nước tới trường làm việc và hợp tác. Cải tiến và thống nhất chế độ trả lương và thu nhập tăng thêm cho cán bộ dựa trên năng lực, vị trí và hiệu quả thực hiện công việc.
Quy hoạch phát triển các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu của trường đảm bảo tính hiện đại và phát triển bền vững. Xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm đào tạo đảm bảo tính tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí và định mức theo nhóm ngành/chương trình đào tạo.
Xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm nghiên cứu phục vụ phát triển nghiên cứu chuyên sâu theo các lĩnh vực quy hoạch, làm nền tảng và động lực phát triển tiềm lực khoa học công nghệ với trọng tâm thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực.
Xây dựng các nhóm chuyên môn, các nhóm nghiên cứu có định hướng chuyên môn chuyên sâu phù hợp, thúc đẩy cơ chế để thu hút người tài tham gia. Xây dựng môi trường làm việc năng động, sáng tạo và hiện đại cho các nhóm.
Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và phát triển theo mô hình đại học số chia sẻ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương pháp dạy và học đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài, mở rộng đào tạo chất lượng cao theo định hướng quốc tế hóa. Đổi mới toàn diện phương pháp dạy - học - kiểm tra đánh giá.
Trong đó, chú trọng áp dụng công nghệ dạy học trên nền tảng số; nâng cao chất lượng đào tạo qua trải nghiệm; đổi mới phương pháp dạy - học tiếng Anh tiếp cận các chuẩn mực quốc tế nhằm cải thiện năng lực sử dụng ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp.
Tăng cường hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế; tăng cường truyền thông và phát triển thương hiệu, khẳng định vị thế nhà trường trong khu vực và trên thế giới...
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 có nhấn mạnh việc tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Vậy theo ông, làm sao để tạo ra thế hệ trẻ bản lĩnh, trí tuệ, những con người có chất lượng cao?
Theo tôi, để tạo ra thế hệ trẻ bản lĩnh, trí tuệ, những con người có chất lượng cao, bên cạnh các giải pháp đồng bộ về đào tạo và nghiên cứu sáng tạo như đã đề cập ở trên, tạo cho thế hệ trẻ những kiến thức, trí tuệ và kỹ năng làm việc nghiên cứu tốt nhất có thể, các em rất cần có thêm sự nhiệt huyết, có sự say mê sáng tạo, có bản lĩnh và đặc biệt là khát vọng vươn lên.
Do đó, cần khơi dậy cho sinh viên khả năng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp thông qua tăng cường các học phần đồ án thiết kế, sáng tạo, khởi nghiệp và kinh doanh.
Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sáng tạo trong sinh viên thông qua các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu và sáng tạo, các cuộc thi về sáng tạo và khởi nghiệp, tạo nguồn cho các dự án ươm tạo và khởi nghiệp. Hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên, giảng viên nhà trường.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người học về truyền thống nhà trường, kết hợp lồng ghép vào trong các hoạt động chính khóa và ngoại khóa để giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho sinh viên.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang đổi mới sáng tạo với mô hình quản trị tiên tiến, cơ cấu tổ chức tinh gọn, tạo động lực cho đổi mới và phát triển, theo phương châm: “Nhà trường làm nền tảng - người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - người học làm trung tâm”.
Xin cảm ơn ông!