Những thách thức về giáo dục tại ASEAN
Báo cáo "Tương lai việc làm 2020" của WEF công bố mới đây cho thấy tự động hóa cùng với cơn suy thoái kinh tế do Covid-19, đang tạo ra một viễn cảnh xáo trộn gấp bội đối với người lao động. Covid-19 đang làm tăng tốc độ thay đổi của công nghệ và có thể khiến 85 triệu việc làm mất đi trong 5 năm tới nhưng đồng thời cũng giúp tạo ra 97 triệu việc làm mới.
Có thể thấy, làn sóng chuyển đổi số đang phá vỡ cấu trúc việc làm nhanh và mạnh hơn bất kỳ làn sóng nào trước đó. Công nghệ số phát triển đã liên tục tạo ra hàng triệu việc làm mới, với những yêu cầu về kỹ năng mới, đòi hỏi người lao động phải nắm bắt thuần thục trong thời gian rất ngắn.
Hệ thống giáo dục truyền thống hiện nay tại đa số quốc gia trong khu vực ASEAN chưa theo kịp sự thay đổi tất yếu này. Với những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và giảm đói nghèo, các quốc gia ASEAN đã có những cải thiện đáng kể về giáo dục và y tế. Tuy nhiên, các chỉ số trung bình của ASEAN về giáo dục, phát triển kỹ năng và sức khỏe vẫn còn hạn chế.
Gần 1/3 trẻ em trong khu vực bị suy dinh dưỡng thấp còi, khiến các em bị hạn chế về nhận thức và thể chất suốt đời. Những điều này có thể dẫn đến kết quả học tập kém và giảm triển vọng nghề nghiệp nói chung.
Và mặc dù tỷ lệ đi học trên toàn ASEAN khá cáo nhưng chất lượng giáo dục hạn chế đã tạo ra khoảng cách học tập lớn. Có đến 21 trong số 100 trẻ em có kỹ năng đọc hiểu hạn chế ở cuối cấp tiểu học. Khoảng 15% trẻ trong độ tuổi 15 sẽ không có tuổi thọ quá 60 chủ yếu do các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, ung thư, tim mạch và hô hấp. Cả hai vấn đề trên một phần là kết quả của việc tiếp cận không bình đẳng với các dịch vụ cơ bản, bao gồm chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Theo thống kê năm 2019 của Ngân hàng thế giới, trẻ em các nước trong ASEAN trải qua trung bình 11,8 năm học để học được những gì chỉ tương đương với 8,6 năm học so với mức trung bình ở những nước phát triển, nghĩa là dài hơn khoảng 03 năm.
Chuyển đổi số thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục ASEAN
Gần đây, Google đã công bố sáng kiến "Google Career Certificates" hay còn gọi là "Chứng chỉ nghề nghiệp của Google". Chương trình là một bộ sưu tập các khóa học được thiết kế để giúp người tham gia đạt được trình độ trong các lĩnh vực công việc được trả lương cao, tăng trưởng cao mà không cần học đại học. Các khóa học sẽ mất khoảng 6 tháng để hoàn thành và sẽ tốn một phần nhỏ so với giáo dục đại học truyền thống.
Làn sóng chuyển đổi số hiện nay đòi hỏi chúng ta phải tư duy lại, thay đổi cách tiếp cận cơ bản đối với giáo dục. Để giải quyết được thách thức trê , học sinh và giáo viên cần được tiếp cận không hạn chế ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, khai thác, tận dụng tri thức của nhân loại. Tuy nhiên, để làm được điều này, cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ giảng dạy, quản lý phải được phát triển trong trường học, nơi mỗi học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý đều có quyền, khả năng khai thác, sử dụng hệ thống.
Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong thực hiện chuyển đổi số giáo dục. Thực hiện Đề án đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động của ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều nhiệm vụ và đạt được kết quả quan trọng về nhân lực số, nội dung số, quản lý giáo dục trên nền tảng số hoá.
Đến nay đã có hơn 7.000 bài giảng e-learning và gần 200 đầu sách giáo khoa được số hóa và chia sẻ trên Internet tại địa chỉ igiaoduc.vn.
Bộ GDĐT đã đánh mã định danh và số hóa thông tin hồ sơ của 23 triệu học sinh, hồ sơ của 1,4 triệu giáo viên thuộc 53.000 trường học trên cả nước; giúp ngành GD&ĐT thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch, đánh giá, dự báo về các hoạt động giáo dục.
Hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh, từ bậc mầm non đến phổ thông, trong đó không chỉ dừng lại ở những kỹ năng sử dụng, kiến thức công nghệ mà hướng đến phát triển năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ
Theo số liệu báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 29/9/2020, việc học trực tuyến phòng chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%).
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia trên 03 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, xác định giáo dục là một trong 08 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số.
Chuyển đổi số sẽ giúp phổ cập và rút ngắn khoảng cách về giáo dục – đào tạo trong khu vực thông qua các nền tảng số.
Mặt khác cần cá nhân hóa chương trình đào tạo theo nhu cầu, trình độ. Phổ cập và cá nhân hóa chương trình đào tạo là 02 mục tiêu quan trọng của giáo dục tương lai. Nếu như phổ cập là đại trà với cùng một dịch vụ giáo dục, trái ngược lại với cá nhân hoá. Và công nghệ số giúp đạt được cả 2 mục tiêu – điều mà các hệ thống giáo dục truyền thống không thể làm được.
Nếu như nền tảng số mang dịch vụ giáo dục đến mọi nơi trên thế giới có Internet, thì việc sử dụng nền tảng số và các công cụ phân tích dữ liệu hoàn toàn có thể mang lại những trải nghiệm được cá nhân hóa theo nhu cầu và trình độ.
Tương tự một số nền tảng mảng xã hội, các nền tảng học trực tuyến hoàn toàn nắm bắt được người học quan tâm đến nội dung nào, trình độ có theo kịp hay không để kịp thời điều chỉnh, hỗ trợ… hướng tới thiết kế bài giảng, chương trình học cá thể hóa tới từng cá nhân.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tiếp cận các cơ hội học tập kỹ thuật số an toàn, khuyến khích khu vực tư nhân hợp tác, đưa ra các giải pháp đổi mới về kiến thức kỹ thuật số, trang bị kỹ năng cho trẻ em và thanh thiếu niên trước các công việc trong tương lai; đồng thời hợp tác với các bên liên quan trong các lĩnh vực như tài nguyên giáo dục mở và học tập truy cập mở.