Chuyển đổi số

Chuyển đổi số tác động đến thu hút vốn FDI tại Việt Nam

Ngọc Dũng 01/12/2024 09:53

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của mỗi quốc gia. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành là một xu thế mới nhằm thu hút dòng vốn FDI.

Thực trạng chuyển đổi số và FDI

Toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu nền kinh tế thế giới và đang diễn ra nhanh, mạnh mẽ trong những năm gần đây, cùng với đó là quá trình tự do hóa và mở rộng dòng vốn FDI. Việc thu hút vốn FDI đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống và kinh tế - xã hội, đặc biệt là tác động đến FDI.

anh-bai-fdi.jpg
Ngay đầu năm 2024, hoạt động thu hút vốn FDI của Việt Nam đã rất sôi động với những dự án trăm triệu USD, khẳng định một năm tiếp tục thành công trong đón sóng FDI vào những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Chuyển đổi số đã và đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề, trong đó công nghệ tài chính, viễn thông, dịch vụ CNTT và truyền thông, sản xuất linh kiện điện tử và máy tính là những lĩnh vực mũi nhọn, làm nền móng cho sự bùng nổ của nền kinh tế số của Việt Nam.

Bên cạnh đó chuyển đổi số trong điều hành của các cơ quan quản lý, phát triển chính phủ điện tử và cải cách hành chính cũng được đặc biệt quan tâm. Chỉ số về Phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt cả về giá trị và thứ hạng. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu cải thiện chỉ số EDGI nằm trong nhóm 50 quốc gia đứng đầu thế giới, phổ cập dịch vụ 5G và Internet băng thông rộng và dịch vụ 5G; 80% dân số sử dụng thanh toán điện tử.

Về vốn FDI, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, FDI vẫn tiếp tục được xác định là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hiện thực hóa nhanh các định hướng phát triển. Khu vực FDI đóng góp 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Trong giai đoạn tới, quá trình chuyển đổi số để thu hút vốn FDI tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với một số thách thức như hệ thống khuôn khổ pháp lý ở một số lĩnh vực chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành các chính sách đẩy mạnh, khuyến khích chuyển đổi số, như: Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 36a/NQCP, ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Chỉ thị số 01/CT-TTg, 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam… nhưng nhìn chung hệ thống khung pháp lý vẫn chưa bao quát được hết các khía cạnh, rủi ro tiềm tàng trong một số lĩnh vực mới trí tuệ nhân tạo, tiền điện tử, tiền ảo, công nghệ tài chính…

Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao trong chuyển đổi số và thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam có lợi thế về lao động trẻ, có khả năng tiếp thu những kiến thức và kỹ năng số nhưng vẫn còn hạn chế về chuyên ngành đào tạo, kỹ năng làm việc và khả năng thích ứng trong các điều kiện mới. Chất lượng nguồn nhân lực ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư nước ngoài của các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, có tốc độ đổi mới công nghệ cao trong một số lĩnh vực, như thông tin truyền thông, thương mại điện tử… cũng như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng số đáp ứng nhu cầu trong các lĩnh vực này, nhưng ở một số lĩnh vực khác, kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo và bắt kịp với tốc độ đổi mới công nghệ, dẫn tới những rào cản trong ứng dụng công nghệ và thu hút vốn FDI.

Nền kinh tế số cũng đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng viễn thông với vốn đầu tư rất lớn. Dù đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển chính phủ điện tử, nhưng hệ thống thủ tục hành chính vẫn còn quá nhiều loại hình giấy phép khác nhau, bộ máy quản lý nhà nước chưa thực sự tinh gọn phần nào ảnh hưởng tới quyết định đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia, thủ tục hành chính là một trong ba vấn đề chính, bên cạnh tham nhũng và chất lượng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công, mà Việt Nam cần khắc phục để thu hút vốn FDI trong giai đoạn tới.

Đón đầu cơ hội

Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài với những lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư đang ngày càng được hoàn thiện hơn. Trước thực tế tốc độ phát triển mạnh của công nghệ, việc cải thiện môi trường đầu tư đặc biệt là việc đẩy mạnh chuyển đổi số ở mọi cấp độ, tận dụng được tiềm năng về chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng số và tạo ra một môi trường kinh doanh hiện đại sẽ là chìa khóa để thu hút vốn FDI trong thời gian tới.

Theo đó cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định pháp luật phù hợp với nhu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực, theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực có tốc độ đổi mới về công nghệ nhanh và rủi ro cao như tài chính - ngân hàng, tiền điện tử, tiền ảo, CNTT và truyền thông. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh an toàn bảo mật trên không gian mạng cần được chú trọng, thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả và phòng chống các loại tội phạm công nghệ cao.

Ngành giáo dục tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ở các cấp độ như khuyến khích các trường đưa vào chương trình giảng dạy các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ số, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học; Các bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp cần xác định và thiết lập chiến lược chuyển đổi số, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, tư duy chuyển đổi số cho người lao động.

Đầu tư xây dựng hạ tầng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số là cần thiết trong đó chú trọng phát triển hạ tầng viễn thông. Bộ Thông tin và Truyền thông tích cực triển khai mạng di động 5G, thúc đẩy thị trường bán buôn truy cập dịch vụ Internet băng rộng, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới và đáp ứng yêu cầu về hạ tầng viễn thông từ các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia, đẩy mạnh áp dụng mô hình điện toán đám mây.

Chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số, thống nhất và đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc, quản lý chặt chẽ và kiểm soát những hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là những giao dịch xuyên quốc gia; Đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính đáp ứng yêu cầu nền kinh tế số và từng bước số hóa bộ máy quản trị quốc gia như tập trung xây dựng nền hành chính công vụ gọn nhẹ, thông minh, kiến tạo, kỷ luật; đẩy nhanh quá trình số hóa bộ máy quản lý nhà nước và thực hiện thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị điều hành.

Đẩy mạnh thu hút vốn FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, cơ khí chế tạo, vật liệu mới… Tập trung khai thác tốt nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn, các tập đoàn hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng và có sức cạnh tranh cao; Xây dựng quy hoạch thu hút và sử dụng FDI trên từng vùng, địa phương gắn với điều kiện thực tiễn, thế mạnh của những nơi đó gắn với quy hoạch tổng thể phát triển trong giai đoạn mới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số tác động đến thu hút vốn FDI tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO