Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng: Kinh nghiệm quốc tế

Châu Phan| 02/08/2021 08:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Công nghệ số đã trở thành một công cụ tiêu chuẩn cho việc thu thập, bảo tồn và truyền bá di sản văn hóa nghệ thuật trên toàn thế giới từ nhiều năm nay. Đại dịch COVID-19 nổ ra càng làm tăng nhu cầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành, khi các viện bảo tàng, triển lãm và các di sản văn hóa phải đóng cửa, công chúng thì phải dành phần lớn thời gian ở nhà, tiếp xúc với thế giới bên ngoài chủ yếu qua mạng.

Đại dịch và chuyển đổi số

Trong một khảo sát về tác động của COVID-19, Mạng lưới các Tổ chức Bảo tàng châu Âu cho biết 4 trong 5 bảo tàng của họ ở châu Âu đã tăng cường các dịch vụ số để thu hút khách thăm quan, trong khi một cuộc khảo sát khác ở Anh cho thấy 86% bảo tàng và gallery đã tăng cường sự hiện diện và nội dung trực tuyến.

Điều không bất ngờ là những tổ chức nào trong ngành đã đầu tư mạnh vào sự hiện diện trực tuyến và tung ra các dịch vụ số trước đại dịch thì sẽ “ở vị thế tốt hơn để thành công so với các tổ chức bây giờ mới tìm cách chuyển đổi” (1). Về mặt này thì các bảo tàng Trung Quốc đã đi đầu.

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2020, hơn 1.300 bảo tàng ở Trung Quốc đã mở hơn 2.000 cuộc triển lãm số. Với các nước khác, có sự chênh lệch lớn về mức độ và nỗ lực số hóa của các bảo tàng. Nhiều trong số này mới chỉ bắt đầu những bước đi chập chững trong lĩnh vực số hóa này.

Công cụ số hóa

Dù được bảo quản và bảo vệ tốt đến đâu thì một phần lớn các tạo tác cổ đại và di tích lịch sử sẽ dần bị bào mòn bởi thời gian một cách tự nhiên. Ngoài ra, còn có những tai nạn và thảm họa do con người tạo ra, như trong các vụ hỏa hoạn gần đây đã thiêu rụi Bảo tàng Quốc gia 200 tuổi của Brazil cùng với các vật trưng bày trong đó, và Nhà thờ Đức bà của Pháp được xếp hạng Di sản Thế giới UNESCO. Một khi di sản mất đi, hủy hoại, hay hư hỏng, việc phục dựng nếu có diễn ra thì sẽ chậm chạp.

Trong bối cảnh những rủi ro này, xu hướng số hóa di sản văn hóa đã trở nên ngày càng thịnh hành. Ngoài việc chuyển những vật thể hữu hình đến những nơi an toàn hơn, Thư viện Quốc hội của Mỹ đã bắt đầu số hóa các bộ sưu tập âm thanh và hình ảnh từ đầu thế kỷ 20. Bảo tàng Smithsonian (Mỹ) thì đã bắt đầu số hóa các tác phẩm trưng bày kể từ năm 2013 với sản phẩm “Smithsonian X 3D Explorer” cho phép khán giả chiêm ngưỡng bản số của 137 triệu tạo tác của thư viện, trong số đó chỉ có 2% được trưng bày tại bảo tàng.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng: Kinh nghiệm quốc tế - Ảnh 1.

Những yếu tố trên có thể nói nôm na là nằm ở phía cung. Về phía cầu, như đã thấy, nhu cầu xem trực tuyến bảo tàng, triển lãm và các di sản văn hóa đã dần tăng từ vài năm nay và có bước đột biến khi đại dịch nổ ra.

Tuy vậy, cần lưu ý rằng dù công nghệ đã tiến bộ rất nhanh thì quá trình số hóa các vật thể vẫn tốn nhiều thời gian do phải quét 3D các vật thể này, dù là ở những bảo tàng lớn như Smithsonian. Để khắc phục, các công nghệ mới đã được phát triển. Ví dụ, công nghệ như “CultLab3D” của Đức đã làm thay đổi quá trình số hóa thông qua việc phân tích nhiều chiều một cách tự động với tốc độ nhanh, sử dụng nhiều camera và siêu âm trong quá trình quét hình vật thể (2).

AI là một công cụ hữu dụng khác để bảo tồn các tạo tác của người cổ đại. Nó có thể giúp tăng tốc quá trình theo dấu vòng đời của một di sản văn hóa và loại giải pháp cần thực thi để bảo đảm sự tồn tại tiếp tục của nó trong tương lai.

Một ví dụ ứng dụng AI là việc bảo tồn Vạn lý Trường thành của Trung Quốc. Những thử thách chính trong bảo tồn công trình này bao gồm việc khảo sát, kiểm tra đoạn Jiankou, là một trong những phần có cảnh quan đẹp nhất và nguy hiểm nhất của Vạn lý Trường thành vì có độ dốc lớn và cây cối bao phủ rậm rạp. Thông thường, việc khảo sát này cần nhiều tháng để kiểm tra thực địa, đo đạc, chụp hình trong một địa bàn nguy hiểm như vậy.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng: Kinh nghiệm quốc tế - Ảnh 2.

Tiến bộ công nghệ đã đem lại một phương pháp khảo sát an toàn và có hiệu quả hơn. Hãng Intel đã cung cấp hệ thống “Intel Falcon 8+”, một dãy các drone thương mại (máy bay không người lái) có đặc điểm bay tuyệt vời và có độ chính xác cao trong thu thập dữ liệu của hơn 10.000 bức không ảnh có độ phân giải cao dùng để đánh giá những hư hại của công trình cổ đại thuộc Di sản Thế giới UNESCO này.

Những drone này khảo sát tường thành để tìm ra những dấu hiệu xuống cấp hiện hữu hay tiềm năng. Những bức không ảnh của drone được các chuyên gia phân tích và phát triển mô hình 3D chính xác cao cho phép đánh giá mức độ hư hại và phương pháp phục hồi mà không cần phải khảo sát thực nghiệm như trong phương pháp truyền thống.

Một phương án phục hồi số của Vạn lý Trường thành đã được tạo ra từ đây và chỉ ra những khu vực cụ thể cần phải sửa chữa, duy tu, cũng như chi phí và vật liệu sử dụng trong quá trình phục chế công trình.

Dự án Cỗ máy Thời gian của Ủy ban châu Âu (EC) là một nỗ lực khác trong việc phân tích dữ liệu lớn thông qua AI (3). Tháng 3/2019, EC đề xuất dự án này để hiểu rõ hơn về lịch sử và di sản của châu Âu. Với ngân sách 1 triệu euro, cùng sự tham gia của hàng trăm tổ chức từ 33 nước thành viên châu Âu gồm viện bảo tàng, thư viện quốc gia, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp tư nhân, và các cơ quan Chính phủ, một lượng lớn dữ liệu về các chi tiết về quá khứ hàng nghìn năm của châu Âu sẽ được thu thập. Kết quả cuối cùng sẽ là một giả lập do máy tính tạo ra, mô tả toàn diện về lịch sử xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và địa lý của châu Âu.

AI dùng trong Cỗ máy Thời gian được đào tạo để thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều khu vực địa lý và thời gian. Nó sẽ xác định và kết nối các tài liệu, tạo tác, đài kỷ niệm, và các dạng thức khác của dữ liệu lịch sử bẻ vụn theo sự tương đồng của chúng.

Dữ liệu sau phân tích sẽ không chỉ mang đến một cách tiếp cận đa chiều hơn về quá khứ châu Âu cho công chúng, giúp các nhà nghiên cứu và các tổ chức nâng nghiên cứu của họ lên một mức độ hoàn toàn khác biệt, mà còn thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia châu Âu trong việc phát triển các kế hoạch chiến lược trong công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phúc lợi xã hội, di dân và các thách thức cho toàn khu vực châu Âu ngày nay. 

Thách thức

Việc tái tạo di sản thế giới bằng công nghệ số phải đối mặt với một số thách thức lớn. Một trong những trở ngại ngăn cản ứng dụng công nghệ số hóa đối với các di sản thế giới là sự thiếu các cập nhật về phần cứng và phần mềm được sử dụng bởi các tổ chức liên quan trong lĩnh vực này. Công nghệ lạc hậu trong những tổ chức này sẽ làm tăng chi phí trong khi năng suất thấp và hiệu quả kinh tế đem lại của vốn đầu tư bỏ ra thì nhỏ.

Hiến chương về Bảo tồn Di sản Số UNESCO kêu gọi tập trung vào nhu cầu đối tác sao cho các tổ chức tham gia được trang bị đủ kỹ năng công nghệ để vượt qua khoảng cách công nghệ. Đổi mới các hệ thống lạc hậu không chỉ đóng góp vào xử lý, theo dấu và thu được di sản số một cách hiệu quả hơn mà còn vào tính duy trì của dữ liệu nhờ giảm thiểu khả năng bị mất dữ liệu do lỗi kỹ thuật của các hệ thống lạc hậu.

Cũng cần lưu ý rằng để cho những đổi mới này diễn ra thì cần phải có sự trợ giúp ổn định về tài chính và chính quyền cho những việc liên quan đến bảo tồn di sản số để chúng có tính duy trì lâu dài. Bởi những việc này đòi hỏi sự giám sát liên tục về hạ tầng cơ sở, bảo vệ các nội dung số, là thứ sẽ làm phát sinh chi phí dài hạn không thể tránh được, và đặt các tổ chức liên quan đối mặt với rủi ro gián đoạn quá trình số hóa bởi không có đủ nguồn tài trợ hay ngân sách.

Một lưu ý khác khi tiến sâu hơn vào số hóa di sản là sự đảm bảo khả năng tiếp cận và tính hữu dụng của dữ liệu được số hóa. Nhiều tổ chức, như Smithsonian, đã mở cửa cho mọi người xem các bộ sưu tập được số hóa của họ. Nhưng nhiều bộ sưu tập vẫn chưa được hiển thị và sự tiếp cận dữ liệu được số hóa được giới hạn chỉ cho nhân viên của họ (4).

Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng: Kinh nghiệm quốc tế - Ảnh 3.

Ngoài ra, cũng cần biết rằng sự thiên lệch trong AI có thể ảnh hưởng đến dữ liệu thu thập trong di sản số. Khai thác được khía cạnh “trí thông minh văn hóa của AI” là điều rất quan trọng khi phải đối mặt với các vấn đề đạo đức phát sinh từ sự thiên lệch tự nhiên của AI. Dữ liệu lớn cung cấp bởi AI hiện tại thiên quá nhiều về phía quan điểm của đàn ông, lấy phương Tây làm trọng tâm và bỏ qua hầu hết các tiếng nói khác trên toàn cầu vì chúng đã bị loại bỏ ngay từ quá trình phát triển của hệ thống. IVOW là một nền tảng khắc phục được sự thiên lệch này, với những chức năng chẳng hạn như xác định hình ảnh của một số đặc tính nhân khẩu học nhất định (chủng tộc, dân tộc, giới tính, xu hướng tính dục...) với các nhãn và chú thích nhạy cảm. Nỗ lực làm cho AI có tính điều chỉnh về mặt văn hóa sẽ bao gồm sự xem xét các trải nghiệm khác nhau để lột tả một cách đa dạng hóa hơn về văn hóa của di sản thế giới (5).

Đồng thời, cần thiết lập sự hiểu biết thống nhất về cách thức dữ liệu được thu thập và xử lý. Sự không thống nhất trong các vấn đề này là nguồn cơn cho việc chấm dứt giữa chừng dự án Cỗ máy Thời gian Venice, tiền thân của dự án Cỗ máy Thời gian xuyên châu Âu, bắt đầu từ 2013 (6). Theo đó, một bên đối tác trong dự án (EPFL) cho rằng dữ liệu thu thập từ 19.000 nguồn khác nhau đã không tuân thủ các “chỉ dẫn khoa học về lưu trữ và tra cứu” làm cho 8 terabyte dữ liệu “vô dụng” do thiếu đi phần dữ liệu về thông tin các nguồn này. Đối tác còn lại trong dự án (Cục Lưu trữ Nhà nước Venice) thì lập luận rằng phần dữ liệu thiếu này có thể được bổ sung thêm vào, nên dữ liệu thu thập được vẫn có giá trị khoa học.

Kết luận

Sự chuyển đổi sang các nỗ lực bảo tồn dựa vào tài nguyên số mang đến những cơ hội hấp dẫn mới mẻ để bảo vệtốthơndisảnvănhóađangbịđedọavàmởrộngphạm vi kiến thức vượt quá cái có thể tưởng tượng được trong thời tiền số hóa. Công nghệ dựa trên dữ liệu sẽ củng cố năng lực nghiên cứu và có thể dẫn đến hình thành cái nhìn macro về loài người.

Để đạt được tương lai tốt đẹp hơn cho di sản văn hóa trong kỷ nguyên số hóa thì các giải pháp mang tính trù bị cần phải được tiến hành để đảm bảo sự trợ giúp về kỹ thuật và cơ cấu cho các sáng kiến dựa trên công nghệ số. Các tổ chức cần phải tìm ra những cơ hội để hợp tác với các hãng công nghệ hàng đầu như IBM và Microsoft, là các hãng có tài trợ và khởi xướng các dự án của riêng mình về bảo tồn di sản văn hóa sử dụng công nghệ số.

Và điều cũng quan trọng là phải hiểu được các hạn chế hiện thời của các công nghệ đang có và những cải thiện cần thiết. Thực thi đúng công nghệ sẽ giúp bảo vệ di sản hiện thời và mở ra con đường dẫn đến nhân loại số toàn diện cho hậu thế.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.mccy.gov.sg/-/media/Mccy-Ca/Feature/Resources/Journals/Cultural- Connections-Vol-5/8-Cultural-Connections-Vol-5-Mr-Alvin-Tan.pdf

2. Công nghệ quét hình 3D "CultLab3D" có thể chụp quét nhiều vật thể bằng cách kết hợp dữ liệu của các đặc tính về hình học, kết cấu, và vật liệu ở cỡ micromet. Tạo tác được quét hình sẽ được đặt trên một băng chuyền đi qua một "vòng cung quét hình" để phân tích sau khi "cánh tay robot" bồi bổ thêm các chi tiết bị mất trong một quá trình tự động hóa hoàn toàn. Xem thêm tại đây, https://news.artnet.com/art-world/breakthrough-in-virtualization-of-museum-collections-66386

3. https://www.timemachine.eu/about-us/

4. https://ec.europa.eu/digital-single-market/en/blogposts/using-new-technologies-preserve-past

5. https://idavar.medium.com/designing-ai-to-be-culturally-inclusive-will-take-time-and-patience-from-the-industry-3385269e922f

6. https://www.timemachine.eu/venice-time-machine-project-current-state-of-affairs/

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng: Kinh nghiệm quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO