Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tại các doanh nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam

29/09/2021 15:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu tới năm 2030, ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam chiếm 30% GDP, kinh tế số khoảng 30% GDP (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021). Hai nội dung này đặt cạnh nhau và hỗ trợ nhau vì Công nghiệp 4.0 có thể tăng cường năng suất lao động nói chung mà còn hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực năng suất thấp sang khu vực năng suất cao.

Được đặt ở trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế xã hội, nhưng là các doanh nghiệp (DN) của quốc gia đang phát triển thu nhập trung bình thấp, liệu các DN chế biến chế tạo của Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hay thực hiện chuyển đổi số (CĐS) ở mức nào? Liệu ngành chế biến chế tạo có thể chuyển mình trước làn sóng công nghiệp 4.0? Bài viết sẽ đánh giá mức ứng dụng ICT/CĐS và các công nghệ 4.0 trong các DN chế biến chế tạo Việt Nam. 

Công nghiệp 4.0

Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tại các doanh nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam - Ảnh 1.

Khái niệm “Công nghiệp 4.0” (Industry 4.0) lần đầu tiên được đưa ra tại Đức. Với vị thế là một trong những quốc gia hàng đầu về công nghiệp chế tạo, Đức đã đưa Công nghiệp 4.0 thành một trong những sáng kiến thuộc chiến lược công nghệ cao quốc gia (Bartodziej, 2017; Batista et al., 2017). Sau đó, khái niệm công nghiệp 4.0 đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới, trong cả lĩnh vực học thuật, chính sách và thực hành và mở rộng trở thành khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2016, đây là chủ đề chính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Sự ra đời của công nghiệp 4.0 xuất phát từ nhu cầu và kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng, yêu cầu linh hoạt đáp ứng cao hơn, nhanh hơn các nhu cầu ấy của DN và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường. Công nghiệp 4.0 đem lại khả năng để thực hiện những điều này. Các hệ thống thực-ảo (Cyber physical systems) là nền tảng của công nghiệp 4.0 (tức là máy móc thông minh). Chúng sử dụng các hệ thống kiểm soát hiện đại, có tích hợp các phần mềm điều khiển và mạng Internet để kết nối với nhau thông qua mạng kết nối vạn vật (Internet of things). Theo cách đó, các sản phẩm và phương tiện sản xuất được kết nối và có thể “giao tiếp”, dẫn tới cách thức sản xuất, tạo giá trị mới, tối ưu hóa theo thời gian thực, hình thành các nhà máy thông minh. Các giải pháp phần mềm như Hệ thống điều hành sản xuất (MES), Hệ thống hoạch định nguồn lực DN (ERP) có thể thích ứng trở thành các phần mềm điều khiển phi tập trung. Một khía cạnh quan trọng

nữa là việc xử lý dữ liệu lớn thu thập từ các máy móc, quy trình, sản phẩm. Điện toán đám mây (Cloud computing) hỗ trợ điều này. Các thông tin này cần kết nối phân tích để ra quyết định kinh doanh (Kumar và Nayyar, 2020). Công nghiệp 4.0 đã trở thành xu hướng thế giới và các quốc gia đều tin tưởng rằng sự tham gia vào Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ giúp tăng cường năng suất lao động và phát triển kinh tế xã hội (Bartodziej, 2017).

Chính sách ứng dụng ICT trong DN tại Việt Nam

Chính sách về CNTT được hình thành từ khi có Nghị quyết số 49/CP năm 1993 của Chính phủ về phát triển CNTT ở Việt Nam (Chính phủ Việt Nam, 1993). Chỉ thị số 58-CT/TW năm 2000 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, 2000) thường được coi là văn bản chỉ đạo quan trọng nhất về phát triển ICT ở Việt Nam vì nó được ban hành bởi cấp cao nhất của hệ thống chính trị của Việt Nam và nó cũng cho thấy một cái nhìn rộng hơn về vị trí và vai trò của ICT đối với sự phát triển kinh tế. Theo Chỉ thị 58-CT/TW, mô hình phát triển ICT Việt Nam ổn định dựa trên 4 trụ cột chính: Ứng dụng ICT, Hạ tầng ICT, Nguồn nhân lực và Công nghiệp ICT. Trong khoảng 25 năm, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều kế hoạch định kỳ khác nhau để hướng dẫn sự phát triển của ICT.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, trong đó nhấn mạnh quyết tâm phát triển lĩnh vực ICT của Chính phủ. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2289/ QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư tới năm 2030. Tại các văn bản này, mục tiêu về phát triển kinh tế số đặt ra là đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20% (Chính phủ Việt Nam, 2020a, 2020b). 

Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tại các doanh nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam - Ảnh 2.

Trong thời gian qua, để thực hiện các mục tiêu tăng cường phát triển ứng dụng ICT trong hoạt động kinh tế - xã hội, Chính phủ đã tập trung vào 2 nội dung là Thương mại điện tử (TMĐT) và Chính phủ điện tử. Từ 2006 tới nay, Việt Nam có 3 kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT, 4 kế hoạch và chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Tuy vậy, Việt Nam chưa có một kế hoạch hay chương trình quốc gia về ứng dụng ICT trong các doanh nghiệp (DN). Đầu tư nhà nước chiếm khoảng 64% trong tổng đầu tư ngành dịch vụ và nội dung số thông tin và truyền thông giai đoạn 2005 tới nay (Tổng cục Thống kê, 2020). Tỷ trọng này đặc biệt cao trong những năm trước 2012. Từ 2012 tới nay, tuy vậy, đầu tư công trong lĩnh vực đã giảm rõ rệt. Các dự án đầu tư này vừa tạo nền móng để phát triển ICT nói chung, vừa tạo các hình mẫu ứng dụng ICT cho các DN. Bên cạnh đó, Chính phủ tăng cường các chương trình truyền thông hỗ trợ thay đổi nhận thức trong ứng dụng ICT trong các tổ chức và DN Việt Nam.

Một bộ phận DN trong ngành chế biến chế tạo Việt Nam cũng nhận được những ưu đãi trong chính sách chung về kinh tế số Việt Nam. Cụ thể, các DN sản xuất ICT hoạt động trong các khu công nghệ cao được có ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu thiết bị để hình thành tài sản dài hạn, thuế xuất khẩu, các ưu đãi về thuế đất, tín dụng và một số các thủ tục khác (Chính phủ Việt Nam, 2013). Các công ty ICT thành lập mới hưởng mức thuế thu nhập DN 10% so với mức thông thường 20% trong vòng 15 năm. Thu nhập từ thực hiện các dự án đầu tư mới trong các khu công nghệ cao tập trung được miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% trong vòng 9 năm tiếp theo. Đây là những hỗ trợ về thuế ở mức cao đối với các DN Việt Nam. Những chính sách này đã khuyến khích vốn đầu tư vào lĩnh vực ICT, phát triển sản xuất, giảm giá sản phẩm và tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN ICT. Các ưu đãi này, tuy vậy, không áp dụng với các DN chế biến chế tạo không thuộc công nghệ cao.

Như vậy, nội dung cốt lõi của công nghiệp 4.0 là ứng dụng công nghệ ICT/CĐS trong hoạt động của các DN, đặc biệt các DN sản xuất để tạo ra mô hình sản xuất mới với năng suất và hiệu quả cao hơn thì lại đang mờ nhạt trong các biện pháp chính sách thúc đẩy ứng dụng ICT và kinh tế số Việt Nam. 

Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tại các doanh nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam - Ảnh 3.

Hình 1. Các công nghệ và ưu việt của công nghiệp 4.0 (Nguồn: Biên tập lại từ Kumar và Nayyar, 2020)

Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tại các doanh nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam - Ảnh 4.

Bảng 1. Chỉ tiêu dữ liệu thành phần về mức độ ứng dụng ICT trong DN (*). (*) (Nguồn: Tác giả tập hợp theo nhóm chỉ tiêu từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê

Mức độ ứng dụng ICT trong các DN ngành chế biến chế tạo Việt Nam

Bài viết sử dụng mô hình đánh giá ứng dụng ICT đề xuất trong Đức (2020). Thước đo ứng dụng ICT được đề xuất trên 4 trụ cột gồm (1) Phần cứng và ứng dụng ICT cơ bản, (2) Tổ chức ứng dụng ICT trong DN, tổ chức, (3) Phần mềm và các giải pháp ICT, (4) Kỹ năng ICT. Điểm ứng dụng được tính riêng cho từng trụ cột sau đó tổng hợp chung trên cả 4 trụ cột với trọng số bằng nhau.

Bài viết sử dụng dữ liệu từ điều tra Hỗ trợ phát triển và ứng dụng công nghệ trong DN do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2018 (Phiếu 3HTPT). Đây là cuộc điều tra chuyên ngành, thực hiện không thường xuyên. Dữ liệu

tương ứng đối với từng chỉ số được chọn và thể hiện trong Bảng 1. Các dữ liệu này bị hạn chế do mục tiêu điều tra gốc không hoàn toàn là đánh giá mức độ ứng dụng ICT trong DN. Để có thông tin thêm về đặc điểm của các DN, nghiên cứu sử dụng thêm dữ liệu điều tra thông tin đối với DN và hợp tác xã (Phiếu 1A). Dữ liệu ngành chế biến và chế tạo sau khi được xử lý gồm 3.186 DN.

Bảng 2 thể hiện mức độ sử dụng phần cứng ICT trong DN. Thống kê cho thấy 96% - 97% DN chế biến chế tạo Việt Nam có sử dụng máy tính, Internet và email cho kinh doanh. Đây là những ứng dụng phần cứng ICT cơ bản nhất. Tỷ lệ nhân viên sử dụng máy tính và Internet trong DN lần lượt là 32% và 35%. Khi xét tới các ứng dụng khác, kết quả thấp hơn. Tỷ lệ DN có xây dựng website riêng chỉ đạt 23%, tỷ lệ DN có sử dụng mạng xã hội cho hoạt động kinh doanh là 33% và chỉ có 7% DN có sử dụng ICT trong chia sẻ thông tin trong DN. Chia sẻ thông tin được xem là yếu tố quan trọng đối với ứng dụng công nghệ số hiện đại.

Như vậy có thể thấy mức ứng dụng ICT tại các DN Việt Nam còn hạn chế. Điểm số ứng dụng phần cứng ICT tại các DN Việt Nam là 0,52/1. 

Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tại các doanh nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam - Ảnh 5.

Bảng 2. Mức độ ứng dụng ICT trong DN chế biến chế tạo Việt Nam (*). (*) Nguồn: Thống kê và tính toán của tác giả

Biến it_dept thể hiện tổ chức chức năng về quản lý ICT trong DN chế biến chế tạo Việt Nam. Nếu DN có tổ chức bộ phận riêng hoặc nhân sự riêng về ICT, hoặc có chuyên gia ICT trong mỗi bộ phận thì được coi là có tổ chức chức năng về ICT. Việc tổ chức bộ phận chức năng riêng về ICT cho thấy chiến lược kinh doanh của DN đã có tích hợp yếu tố CNTT. Kết quả cho thấy có 31% DN chế biến chế tạo Việt Nam có tổ chức chức năng về ICT.

Mức độ ứng dụng các phần mềm quản lý

này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của VASS-MPI- UNDP (2019), theo đó chỉ có 15% các DN chế biến chế tạo Việt Nam sử dụng điện toán đám mây và 12% sử dụng kết nối thiết bị với thiết bị, sản phẩm, và chưa có tới 10% DN sử dụng công nghệ khác. Chưa có tới 1% DN chế tạo sử dụng công nghệ in 3D cũng như phân tích và quản trị dữ liệu.

Kết luận

Bài báo chỉ ra mức ứng dụng CNTT-TT tại các DN chế biến chế tạo Việt Nam còn hạn chế. Các DN này mới dừng ở các ứng dụng rất cơ bản như máy tính, Internet, email, trong khi đó ứng dụng các giải pháp phần mềm mang tính hệ thống hỗ trợ hoạt động sản xuất đặc biệt thấp.

Việc ứng dụng ICT trong DN là cốt lõi của khái niệm Công nghiệp 4.0. Vì DN là nơi tạo ra giá trị nên ứng dụng ICT trong DN sẽ nhân lên giá trị đóng góp vào tăng trưởng GDP quốc gia. Cho dù Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu rõ ràng về kinh tế số và CMCN 4.0, các chính sách về ứng dụng ICT/CĐS nói chung cũng như ứng dụng công nghệ công nghiệp 4.0 nói riêng trong các DN vẫn chưa thực sự được chú trọng trong tổng thể chính sách kinh tế số tại Việt Nam. Vì ngành chế biến chế tạo là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam từ nay tới 2030, Việt Nam có thể cần một chương trình/kế hoạch tổng thể về ứng dụng ICT trong ngành chế biến chế tạo với các biện pháp cụ thể. Mặc dù việc ứng dụng ICT trong các DN phụ thuộc nhiều vào ý chí và đầu tư của các DN, các cú huých từ phía chính phủ luôn là cần thiết đặc biệt trong điều kiện của quốc gia đang phát triển như Việt Nam./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tại các doanh nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO