Cùng với sự nổi lên của nhiều loại hình công nghệ mới, các nền tảng số đang thay đổi mọi mặt của nền kinh tế xã hội. Điều này cũng diễn ra ở Việt Nam khi kinh tế nền tảng đang dần trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc gia.
Kinh tế nền tảng (Platform Economy) là các hoạt động kinh tế xã hội dựa trên một hạ tầng nhất định. Những nền tảng này thường được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số. Có thể nhận thấy kinh tế nền tảng đã len lỏi vào mọi mặt của đời sống. Ví dụ điển hình là sự phổ biến của các nền tảng xuyên biên giới như Goolge, Facebook, cùng với đó là các ứng dụng đặt phòng hay gọi xe công nghệ như Airbnb, Uber,...
Uber - một trong những hãng đi tiên phong của kinh tế nền tảng đã từng khiến người lao động, chủ hãng taxi truyền thống biểu tình hàng dài trên các đường phố của London, Berlin, Paris và sang cả bờ kia của Đại Tây Dương tại San Francisco hay New York.
Những biến động như vậy đã, đang và sẽ còn diễn ra trên nhiều quốc gia, các nền tảng số ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống, kinh tế. Ngoài đóng góp cho tăng trưởng của GDP, kinh tế nền tảng số có vai trò quan trọng như: tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phát triển và quản lý nguồn nhân lực, phát triển các thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, khi các mô hình truyền thống gần như bị đóng băng do các cú sốc cung, sự biến động của cầu, sự xuống dốc của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc… thì các nền tảng số như Amazon, eBay, Alibaba… không chỉ chống chọi tốt với bất ổn của thị trường mà còn có xu hướng phát triển nhanh và mạnh.
Một số nghiên cứu cho rằng tổ chức kinh doanh trên các nền tảng số hoặc khởi nghiệp trên các mô hình số sẽ là giải pháp cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Đồng thời, cấu trúc nền kinh tế thế giới sẽ thay đổi sau đại dịch.
Đại dịch và những tác động tới nền kinh tế nền tảng
Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày, tạo ra các động lực xã hội và mô hình tiêu dùng mới. Nó đã đánh dấu một bước ngoặt trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống cá nhân và hoạt động kinh doanh. Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là nền kinh tế số, bao gồm cả kinh tế nền tảng.
Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói đại dịch là một cú huých, thúc đẩy số hóa trong nhiều lĩnh vực như công việc, tiêu dùng, quan hệ xã hội hay giải trí.
Một ví dụ là thương mại điện tử (TMĐT). Theo một nghiên cứu của IAB Spain, một nửa số người tiêu dùng Tây Ban Nha đã tăng mức độ mua hàng trực tuyến lên 51% trong thời kỳ đại dịch. Chỉ số nền kinh tế số của Adobe cho thấy doanh thu TMĐT toàn cầu vào năm 2020 đã đạt đến mức mà không thể đạt được trong 5 năm nữa trong điều kiện bình thường.
Việc thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội đã thúc đẩy làm việc từ xa, khiến việc sử dụng các công cụ trực tuyến như Microsoft Teams tăng cao, với số lượng người dùng hàng ngày tăng 70% (trên 75 triệu trong quý 3/2020) hay Zoom đã vượt qua 10 triệu người dùng vào tháng 4/2020. Trong nhiều lĩnh vực kinh tế, làm việc từ xa đã trở thành lựa chọn khả thi đối với nhiều người.
Theo dữ liệu từ McKinsey, lĩnh vực được số hóa nhiều nhất ở Hoa Kỳ trước Covid-19 là các công ty truyền thông và ICT, với 9% nhân viên toàn thời gian của họ làm việc từ xa hoàn toàn. Trong thời kỳ đại dịch, tỷ lệ nhân viên làm việc từ xa của khu vực này đã tăng lên 84%. Trong các lĩnh vực thiết yếu khác như giáo dục và chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ làm việc từ xa đã tăng từ 2% lên 36%.
Ở cấp độ kinh tế, việc hạn chế đi lại và đóng cửa kinh doanh đã làm thay đổi mô hình tiêu dùng. Một ví dụ là lĩnh vực chuyển phát, ở hầu hết các quốc gia, nó được công nhận như một dịch vụ thiết yếu trong thời gian phong tỏa các thành phố. Việc sử dụng các nền tảng giao hàng đã tăng trung bình 50% từ tuần đầu tiên đến tuần cuối cùng của tháng 6 ở Mỹ Latinh và gần 20% ở Tây Ban Nha.
Như vậy, không chỉ nền kinh tế truyền thống, mà cả nền kinh tế nền tảng - đặc trưng bởi việc sử dụng các hạ tầng số để điều phối các giao dịch kinh tế theo những cách thức khác nhau - cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. Các nhà cung cấp nền tảng đã phải đối mặt với những thay đổi về nhu cầu và điều chỉnh chiến lược hoạt động để thích ứng với chúng. Điều này lại tác động đến những người lao động có liên quan đến các nền tảng.
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ
Việc hủy đặt phòng đã diễn ra trên khắp thế giới khi Covid-19 bùng phát. AirDNA, một tổ chức theo dõi các lượt đặt phòng trên Airbnb, hệ thống đặt phòng trực tuyến kết nối giữa người cần thuê phòng với người có phòng cho thuê trên toàn thế giới, cho thấy lượng đặt phòng tại Mỹ giảm 53% trong khoảng thời gian từ ngày 3/2/2020 đến ngày 13/4/2020.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát đối với Newsy cho thấy 27% người dân ít có khả năng sử dụng dịch vụ chia sẻ xe sau Covid-19. Việc đặt phòng qua Airbnb cũng bị tạm dừng ở một số thành phố. Ứng dụng gọi xe Didi của Trung Quốc và BlaBlaCar của Pháp đã trải qua sự sụt giảm mạnh mẽ nhất về lượt tải xuống ứng dụng hàng tuần, lần lượt giảm 75% và 65% trong khoảng thời gian từ ngày 29/1/2019 đến ngày 7/3/2020.
Đối mặt với những thay đổi về nhu cầu từ khách hàng, một số nền tảng đã thích ứng bằng cách điều chỉnh mô hình kinh doanh và tổ chức công việc của họ. Các nền tảng kinh doanh dịch vụ lưu trú đã thay đổi từ cho thuê theo ngày sang cho thuê theo giờ. Các nền tảng kinh doanh dịch vụ vận tải (người hoặc thực phẩm) đã mở rộng dịch vụ của mình sang vận chuyển các loại hàng hóa khác, bao gồm cả hàng tạp hóa và trang thiết bị y tế để đáp ứng nhu cầu của nhóm dân cư bị cách ly tại nhà.
Ví dụ, ở Slovakia, HOPIN đã chuyển đổi các tài xế taxi thành những người chuyển phát nhanh trong thành phố, những người giao thực phẩm, thuốc men hoặc bưu kiện cho mọi người.
Các nền tảng lớn đã sử dụng công nghệ để tạo ra khả năng tiếp cận công việc nhanh chóng và linh hoạt cho người lao động. Ví dụ, Uber đã sử dụng nền tảng Work Hub để kết nối các tài xế không có việc làm để làm các công việc khác như sản xuất thực phẩm hoặc hậu cần. Uber cho biết, ứng dụng của họ sẽ liệt kê các cơ hội việc làm trong ngành giao hàng, sản xuất thực phẩm và ngành tạp hóa mà các tài xế ở Mỹ có thể truy cập trong thời gian sụt giảm nhu cầu đi xe do đại dịch Covid-19.
Một số nền tảng thì điều chỉnh mô hình kinh doanh để phù hợp với cuộc khủng hoảng sức khỏe do Covid-19 gây ra. Airbnb bắt đầu giúp kết nối các chuyên gia y tế với các đơn vị cung cấp chỗ ở để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở châu Âu và Mỹ. Tại Malta, một nền tảng mới đã được tạo ra để kết nối các cá nhân với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tư nhân (nhiều người trong số họ đã ngừng cung cấp dịch vụ tại các phòng khám trong thời kỳ đại dịch).
Trong khi đó, các nền tảng lao động số lại có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Theo báo cáo "Triển vọng việc làm và xã hội năm 2021" mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), số lượng các nền tảng lao động số trên toàn thế giới đã tăng gấp 5 lần trong thập kỷ vừa qua. Theo báo cáo này, các nền tảng lao động số đang tạo ra những cơ hội việc làm mới cho cả phụ nữ, người khuyết tật, thanh niên và những người yếu thế trong những thị trường lao động truyền thống. Các nền tảng số cũng cho phép doanh nghiệp (DN) tiếp cận với một lực lượng lao động linh hoạt có kỹ năng khác nhau với quân số lớn, đồng thời mở rộng cơ sở khách hàng của họ.
Để đối phó với đại dịch, một số nền tảng lao động số còn cung cấp cho người lao động thông tin về sức khỏe và các biện pháp đảm bảo an toàn (ví dụ hướng dẫn vệ sinh), hỗ trợ thu nhập hoặc đảm bảo duy trì mức thưởng/khuyến khích trong trường hợp người lao động tạm thời nghỉ việc.
Đối với lao động nền tảng
Về mặt tiêu cực, một số nền tảng đã phải cắt giảm nhân sự để đối phó với sự sụt giảm doanh thu do nhu cầu giảm. Vào đầu tháng 5/2020, các phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng Airbnb đã lên kế hoạch cắt giảm khoảng 25% lực lượng lao động toàn cầu (khoảng 1.900 nhân viên). Tương tự, cũng vào đầu tháng 5/2020, Uber đã thông báo cắt giảm 3.700 việc làm (đặc biệt là trong nhóm hỗ trợ khách hàng và tuyển dụng), tương ứng với 14% lực lượng lao động toàn cầu của hãng.
Theo ILO có hai loại nền tảng lao động số chính, một là các nền tảng vận hành dựa trên web, là loại hình mà ở đó người lao động thực hiện công việc từ xa trên nền tảng trực tuyến; hai là các nền tảng dựa vào vị trí, với loại hình này các cá nhân như lái xe taxi hay nhân viên giao hàng, thường thực hiện công việc tại những vị trí địa lý nhất định. Vì vậy, những tác động của đại dịch đối với các lao động của các nền tảng này cũng khác nhau.
Trong giai đoạn đại dịch, nhu cầu về các dịch vụ chuyển phát tăng cao lên. Các nhà hàng đối mặt với việc đóng cửa hoặc bán hàng mang về, dẫn đến khối lượng công việc cho những người giao hàng cao hơn. Việc mở rộng dịch vụ giao hàng của một số nền tảng sang các hàng hóa khác nói trên cũng góp phần vào sự gia tăng này. Mặc dù điều này mang lại cơ hội tốt hơn cho nhân viên nền tảng tiếp cận công việc và từ đó có thu nhập.
Tuy nhiên, theo ILO, những thách thức đối với người lao động nền tảng số chính là điều kiện làm việc, tính thường xuyên của công việc và thu nhập, không được tiếp cận chế độ an sinh xã hội, không có quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể. Thời gian làm việc thường có thể kéo dài và không dự báo trước được. Hơn một nửa số lao động nền tảng số chỉ có thu nhập chưa đến 2 USD một giờ. Nhu cầu gia tăng này có khả năng không bền vững theo thời gian mà giảm đi khi "trở lại trạng thái bình thường mới"
Theo Chỉ số Lao động Trực tuyến (Online Labour Index), số lượng lao động tự do trực tuyến trong các lĩnh vực phần mềm và công nghệ đã thực sự tăng lên đáng, trong khi nhu cầu đối với các công việc liên quan đến văn thư và nhập dữ liệu, các dịch vụ chuyên môn, sáng tạo và đa phương tiện, hỗ trợ bán hàng và tiếp thị trong lại sụt giảm đáng kể.
Chiến lược vượt qua
Covid-19 đã thúc đẩy các công ty và các nhà cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế nền tảng suy nghĩ khác về việc phát triển họa động kinh doanh và dịch vụ của mình, nhiều trong số họ đã áp dụng các chiến lược để tận dụng cơ hội tăng trưởng và giảm thiểu tác động của Covid-19.
Sự phát triển của các nền tảng lao động số hiện đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với người lao động và DN, cũng như nhu cầu đối thoại chính sách ở tầm quốc tế. Do đó, bên cạnh nỗ lực của DN thì cần có các chính sách đồng bộ và nhất quán nhằm đảm bảo những nền tảng này đem lại cơ hội việc làm thỏa đáng cho người lao động và thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của DN./.