Đài Loan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển thành phố xanh, thông minh

TH| 30/07/2021 19:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Thông qua việc tích hợp các công nghệ thông minh vào phát triển đô thị, Đài Loan đã giúp người dân tiếp cận những dịch vụ tiện ích một cách dễ dàng, đồng thời cắt giảm lượng khí thải carbon.

Đài Loan cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon

Thế giới đang phải cùng nhau đối mặt với cuộc khủng hoảng lịch sử về sức khỏe cộng đồng trong hơn một năm rưỡi qua. Đại dịch Covid-19 đã lấy đi sinh mạng của hàng triệu người, tàn phá nền kinh tế và làm gián đoạn cuộc sống của tất cả mọi người trên khắp hành tinh. Vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể nói rằng liệu chúng ta đã ngăn chặn được đại dịch hay chưa, đặc biệt là ở các quốc gia không được tiếp cận đầy đủ với vắc-xin.

Không chỉ vậy, thế giới cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu khác về biến đổi khí hậu, một cuộc khủng hoảng có nguy cơ tàn phá sự sống trên trái đất nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ để giảm thiểu.

Trong một bài phát biểu trước Hội đồng Năng lượng Hạt nhân, tỷ phú Bill Gates cho biết: Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 51 tỷ tấn khí nhà kính. Chúng ta cần đưa con số đó về 0 trong vòng 30 năm tới. Đó là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Để làm được điều này, chúng ta sẽ cần huy động mọi công cụ sẵn có và nghiên cứu thêm một số công cụ chúng ta chưa có. Điều này đặc biệt đã được chứng minh bởi cũng như đối với vắc-xin, nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa được tiếp cận năng lượng như các quốc gia thịnh vượng. Sự bất bình đẳng này đang kìm hãm sự phát triển chung. Vì vậy, trên con đường thực hiện mục tiêu mức phát thải ròng carbon bằng không, chúng ta phải đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng dồi dào hơn nữa.

Đầu năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một loạt các hành động hành pháp mới để chống lại biến đổi khí hậu, như tạm dừng các hợp đồng thuê dầu khí mới trên đất Mỹ, cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu 2021, Tổng thống Mỹ cũng đã cam kết đến năm 2030, Mỹ sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50-52% so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với cam kết mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Ngoài ra, kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD được đề cập gần đây của chính quyền Tổng thống Biden cũng bao gồm nhiều biện pháp cắt giảm lượng khí thải cần thiết trong thập kỷ này, như tiêu chuẩn năng lượng sạch để đạt được mức phát thải ròng bằng không trong ngành điện vào năm 2035 và chuyển sang điện khí hóa đội xe.

Cũng tại hội nghị trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra mục tiêu "phấn đấu đạt mức cao nhất" lượng khí thải vào cuối thập kỷ này và đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2060.

Thủ tướng Nhật Bản, ông Yoshihide Suga đã nâng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải của Nhật Bản lên 46% dưới mức năm 2013 vào năm 2030 từ mức cam kết 26% trước đó. Các nhà bảo vệ môi trường muốn Nhật Bản cam kết ít nhất 50%, trong khi các nhà kinh doanh vận động hành lang mạnh mẽ đã thúc đẩy các chính sách quốc gia có lợi cho than.

Trong khi Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau đã nâng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải của Canada lên mức 40 - 45% so với mức năm 2005 vào năm 2030 so với mục tiêu trước đó là giảm 30% lượng khí thải trong cùng khung thời gian.

Không nằm ngoài cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu, Đài Loan cũng cam kết đạt được mức trung hòa hoàn toàn carbon vào năm 2050.

Đài Loan: Ứng dụng công nghệ để xây dựng thành phố xanh, thông minh

Trong quá trình phát triển các thành phố thông minh (TPTM), Đài Loan đã bắt đầu khám phá các cách thức kết hợp công nghệ và thương mại để tạo ra một nền kinh tế xanh mới, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Đài Loan đặt mục tiêu xây dựng khả năng phục hồi kinh tế của đô thị trong và sau đại dịch Covid-19, mở ra một kỷ nguyên mới về đô thị và môi trường bền vững.

Đài Loan đã bắt đầu thúc đẩy xe điện và mô hình kinh tế chia sẻ với du lịch TPTM. Ban đầu, thành phố biển xinh đẹp phía đông Đài Loan được chọn để thử nghiệm công nghệ sạc xe điện, nền tảng quản lý sạc và mô hình kinh doanh dịch vụ. Điều này nhằm mục đích vừa đảm bảo phát triển du lịch đô thị bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế.

Theo Viện Nghiên cứu Market Intelligence & Consulting Institute (MIC), các chính sách của chính phủ, giá xe điện, mẫu xe và cơ sở hạ tầng sạc đều đóng vai trò quan trọng trong việc chấp nhận và phổ biến xe điện. Trong đó, số lượng trạm sạc được lắp đặt, thời gian sạc, sự sẵn có của lưới điện và nguồn cung cấp điện là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với xe điện.

Với sự hỗ trợ của Dự án TPTM Đài Loan do Cục Phát triển Công nghiệp (IDB) thuộc Bộ Kinh tế (MoEA) Đài Loan, một nhà cung cấp dịch vụ sạc xe điện đã hợp tác với Chính quyền thành phố Đài Đông, cùng các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê xe, các nhà hàng địa phương, các trung tâm du lịch và các hòn đảo như đảo Xanh để cung cấp dịch vụ cho thuê/chia sẻ/sạc xe điện. Sự hợp tác này đã giúp đạt được du lịch xanh carbon thấp với các phương tiện xe điện thông minh, đồng thời phá vỡ sự bế tắc giữa tăng trưởng kinh tế và tính bền vững của môi trường, cũng như cân bằng giữa phát triển kinh tế du lịch xanh và hệ sinh thái địa phương.

Đài Loan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển các thành phố xanh thông minh - Ảnh 1.

Dịch vụ sạc xe điện tự động

Bạn có thể hình dung một bãi đỗ xe có thể cung cấp dịch vụ sạc. Nếu điều này trở thành hiện thực, nó sẽ giải quyết được lo lắng của những người lái xe điện về việc xe sẽ hết điện trước khi đi đến đích. Công ty sạc xe điện Noodoe đã hợp tác với các nhà hàng, trung tâm mua sắm, bãi đỗ xe và khu nghỉ dưỡng Đài Loan để thiết lập các trạm sạc, nhằm xây dựng một mạng lưới sạc hoàn chỉnh trên khắp Đài Loan. Nó cho phép chủ sở hữu xe có thể sạc đầy tại các bãi đỗ xe và tạo ra một mô hình kinh tế mới cho các bãi đỗ xe.

Noodoe là một nhà tích hợp dịch vụ sạc xe điện ở Đài Loan. Nó tích hợp phần cứng, phần mềm và công nghệ đám mây liên quan đến trạm sạc. Hệ thống dựa trên đám mây Noodoe EV OS tương thích với các trạm sạc của nhiều thương hiệu khác nhau và hỗ trợ nguồn điện DC và AC. Nó cũng hợp tác với các nhà khai thác mạng sạc (như EVCS), các nhà sản xuất xe điện (như Audi), các nhà máy điện (như Southern California Edison),...

Sạc xe điện thông minh Noodoe có thiết kế giao diện người dùng thân thiện, chỉ cần quét "mã QR" để bắt đầu sạc, màu sắc của từng tình huống có thể được hiển thị, giúp người dùng có thể phán đoán trực quan trạng thái sạc hiện tại.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, Noodoe cung cấp dịch vụ quản lý năng lượng và định giá linh động. Nhân viên phụ trách có thể đặt giờ cao điểm sạc và mức giá trên nền tảng, đồng thời tự động cập nhật giá sạc dựa trên nhu cầu thị trường. Ngoài ra, nó cũng có thể theo dõi thời gian thực trạng thái của từng trạm sạc.

Theo báo cáo của OpenGov Asia, IDB của Đài Loan đã khởi xướng dự án "TPTM Đài Loan" nhằm tạo ra các cộng đồng đáng sống, tạo điều kiện kinh doanh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Theo đó, TPTM sẽ tích hợp các công nghệ thông minh bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và các dịch vụ khác để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền và chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đối với người dùng, Noodoe cung cấp dịch vụ sạc và thanh toán tự động. Ngay cả khi chủ xe không tải ứng dụng hoặc không đăng nhập thành viên, xe điện vẫn có thể tự động sạc miễn là lắp súng sạc. Bằng cách quét mã QR, người dùng có thể chọn các hình thức thanh toán phổ biến trên điện thoại như: Google Pay, Apple Pay, thẻ tín dụng, v.v., sau khi thiết lập thanh toán, họ có thể bắt đầu sạc. Trong quá trình sạc, người dùng có thể kiểm tra trạng thái sạc bất cứ lúc nào mà không cần tải app.

Trước tình trạng khan hiếm năng lượng, sự nóng của trái đất và thiên tai, Đài Loan đã nỗ lực xây dựng quốc gia bền vững, thông minh và xanh bằng cách ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến. Chính quyền trung ương và địa phương cũng như các ngành công nghiệp của Đài Loan đã và đang hợp tác chặt chẽ với nhau để xây dựng một nền kinh tế mới không chỉ thân thiện với môi trường mà còn thuận lợi cho phát triển kinh tế. Trong đó, công nghệ cao được coi là động lực để tăng trưởng bền vững và phát triển TPTM. Hiện tại, Dự án TPTM Đài Loan đã thu hút được khoảng 300 công ty Đài Loan tham gia, phát triển hơn 220 dịch vụ thông minh trên 22 quận và thành phố ở Đài Loan, mang lại lợi ích cho 8,54 triệu người./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đài Loan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển thành phố xanh, thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO