Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao trong bối cảnh thay đổi của công nghệ 4.0

Nhật Anh| 30/10/2021 19:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với sự tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những gián đoạn kép thay đổi mạnh mẽ của thế giới việc làm, thị trường lao động và người lao động. Do đó, cần nhận diện đúng bối cảnh xu hướng cũng như làm thế nào để chuẩn bị cho sự sẵn sàng của lực lượng lao động tại Việt Nam, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng chia sẻ về vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết các xu hướng lớn của công nghệ 4.0 trong lao động và việc làm ảnh hưởng thế nào đến người lao động Việt Nam trong 10 đến 15 năm tới?

TS Trương Anh Dũng: Những nghiên cứu ở phạm vi toàn cầu gần đây cho thấy, trong 5 năm tới, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau. 84% người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; một số lượng lớn công ty cũng dự kiến sẽ thay đổi địa điểm, chuỗi giá trị và quy mô lực lượng lao động do các yếu tố công nghệ tác động.

Trong 10 đến 15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp công việc của họ. Do khoảng cách ngày càng tăng giữa các kỹ năng của lực lượng lao động toàn cầu hiện tại và các kỹ năng mà các doanh nghiệp cần để thích ứng với thay đổi công nghệ và thị trường, 6% GDP của thế giới, tương đương 5.000 tỷ USD, bị mất mỗi năm.

Việt Nam hiện đang trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên thị trường lao động và người lao động nước ta không nằm ngoài xu hướng trên. Thậm chí, do Việt Nam là một nước đang phát triển, rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế hiện chủ yếu là thâm dụng lao động giá rẻ, lao động khu vực phi chính thức rất cao nên sẽ chịu tác động nặng nề hơn trong xu thế ra đời và biến mất của nhiều ngành/nghề và công việc do số hóa, tự động hóa, chuyên môn hóa và toàn cầu hóa sản xuất.

Số liệu dự báo thì có thể khác nhau, nhưng chắc chắn, thị trường lao động và việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp. Điều này không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số.

PV: Vậy hoạt động đào tạo hiện nay đang chuyển hướng để đáp ứng nhu cầu lao động công nghệ 4.0 như thế nào?

TS Trương Anh Dũng: Ngay từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó đến nay chúng ta ban hành nhiều văn bản liên quan chủ đề này.

Riêng về vấn đề lao động, mới đây Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Đồng thời ban hành quyết định của Thủ tướng về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 và Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với mục tiêu tăng số lao động có kỹ năng phù hợp nhu cầu thị trường; xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam...

Trên cơ sở này, các hoạt động đào tạo cũng đang chuyển hướng để đáp ứng nhu cầu lao động cách mạng công nghiệp 4.0, như: xây dựng chương trình Đào tạo theo chuẩn đầu ra đã có những chuẩn kiến thức, kỹ năng, công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước mắt đang cập nhật những kỹ năng 4.0 trong khoảng 50 đến 60 nhóm ngành, nghề được tổ chức thi kỹ năng ở khu vực ASEAN và thế giới.

Đặc biệt, chuẩn bị triển khai đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề; đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ít nhất 300 nghìn lượt người; xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp…

PV: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể bắt kịp, chủ động với xu hướng thế giới về việc làm và kỹ năng cho lực lượng lao động 4.0?

TS Trương Anh Dũng: Chúng ta đều thấy, chuyển đổi số có thể khiến nhiều việc làm mất đi, nhưng cũng tạo việc làm mới, công việc thay đổi từ công việc giản đơn chuyển sang công việc cần hàm lượng tri thức và kỹ năng nghề cao, nhiều việc làm được xem là rủi ro do tự động hóa hoặc số hóa như công việc văn phòng, bán hàng, vận chuyển hơn là ngành, nghề khác như quản lý, quản lý nguồn nhân lực, khoa học, kỹ sư, một số loại hình dịch vụ như nghề công tác xã hội…

Chuyển đổi số đang làm thay đổi bản chất công việc, đặt ra yêu cầu với nhà sản xuất không chỉ tái cấu trúc tổ chức mà còn phải chuyển đổi việc làm cho lực lượng lao động, đầu tư vào việc thu hút lao động am hiểu công nghệ và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ lao động hiện có để có thể khai thác, áp dụng công nghệ mới và thích ứng với các tác động của công nghệ.

Trong thế giới ngày nay, sự gián đoạn không chỉ giới hạn ở công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mà còn xảy ra chung quanh lực lượng lao động và khả năng của họ. Trong kỷ nguyên số hóa, sự gián đoạn này có thể được gọi là lực lượng lao động 4.0.

Để có thể bắt kịp, chủ động với xu hướng thế giới về việc làm và kỹ năng cho lực lượng lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề chịu tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mặt khác, đẩy mạnh thu hút và tập trung nguồn lực để thúc đẩy đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là các chính sách đối với doanh nghiệp để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này...

Đồng thời, trong đào tạo nhân lực cần nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thể hiện từ khâu đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá. Các chương trình giảng dạy mới sẽ bao gồm các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai - cả kỹ năng kỹ thuật số cũng như kỹ năng “con người” mà máy móc công nghệ không thể thay thế như giao tiếp, giải quyết vấn đề, sáng tạo, cộng tác và tư duy phản biện.

- Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao trong bối cảnh thay đổi của công nghệ 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO