Truyền thông

Đẩy mạnh chuyển đổi số, lan tỏa thông tin chính xác, dẫn dắt định hướng dư luận

Bình Minh 08:43 11/02/2024

Các nền tảng mạng xã hội (MXH) là một cấu phần hết sức quan trọng trong hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng của Cổng Thông tin điện tử (TTĐT), để lan toả thông tin chính xác, kịp thời, hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm đúng định hướng tuyên truyền, mang tính dẫn dắt định hướng dư luận.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và kĩ thuật tiên tiến nhất về truyền thông đa nền tảng

Từ thực tiễn triển khai công tác truyền thông đa nền tảng của Cổng TTĐT Chính phủ cho thấy, 4 nội dung cơ bản bao gồm:

(1) Sự cần thiết của các nền tảng MXH trong hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng của Cổng TTĐT Chính phủ;

(2) hoạt động ứng dụng các nền tảng MXH trong công tác truyền thông của Cổng TTĐT Chính phủ;

(3) ứng dụng MXH để tham mưu, xử lí thông tin dư luận, tham mưu xử lí khủng hoảng truyền thông;

(4) Quan điểm, phương châm phát triển hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng của Cổng TTĐT Chính phủ trong thời gian tới.

Trong 4 nội dung cơ bản về triển khai công tác truyền thông đa nền tảng của Cổng TTĐT Chính phủ đáng chú ý là hoạt động ứng dụng các nền tảng MXH trong công tác truyền thông của Cổng TTĐT Chính phủ Để phát triển hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng.

Theo đại diện Cổng TTĐT, cơ quan này, luôn luôn ý thức và liên tục gia cố “Ba trụ cột” gồm: (1) ứng dụng công nghệ và kĩ thuật tiên tiến nhất về truyền thông đa nền tảng (nền tảng web và nền tảng MXH); (2) Xây dựng và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực chất lượng cao cả trong và ngoài hệ thống để phục vụ công tác truyền thông đa nền tảng; (3) không ngừng đổi mới cả về nội dung và kĩ thuật tổ chức sản xuất, cung cấp các sản phẩm truyền thông để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các cấp lãnh đạo cũng như nhu cầu không ngừng nâng lên của bạn đọc, phù hợp với “cách” tiếp cận thông tin của từng nhóm công chúng trên từng nền tảng MXH và nền tảng web.

Về mặt công nghệ, đối với nền tảng web, Cổng TTĐT Chính phủ xây dựng hệ thống phần mềm (Hệ thống IMS) hiện đại nhất, tương thích cao nhất với các hệ thống tìm kiếm số 01 thế giới hiện nay là Google, áp dụng tối đa kĩ thuật SEO để có thể cung cấp thông tin nhanh nhất, thuận tiện nhất cho công chúng. Đồng thời, Cổng TTĐT Chính phủ cũng cộng tác chặt chẽ với các nền tảng MXH để phát triển các kênh thông tin của mình. Hiện trên nền tảng web, Cổng TTĐT Chính phủ có các kênh thông tin chủ lực: chinhphu.vn, baochinhphu.vn, xaydungchinhsach.chinhphu.vn,…

Theo số liệu thống kê của các công cụ Googleanalytics và Similarweb, trung bình trên 03 trang chủ lực thu hút dao động khoảng 16 − 19 triệu visit, 22 - 25 triệu view 01 tháng. Con số này vẫn tăng lên trong những tháng gần đây. Trong khi trang chinhphu.vn và baochinhphu.vn đã đi vào ổn định, thì chuyên trang Xây dựng Chính sách, pháp luật vẫn đang trong quá trình phát triển để hoàn thiện.

Giao diện của Cổng TTĐT Chính phủ xem trên trên thiết bị cầm tay. Ảnh: PV

Chuyên trang được xây dựng và vận hành gần 1,5 năm qua (từ 21/06/2022). Theo số liệu của Cổng TTĐT, hiện mốc truy cập cao nhất chuyên trang đã đạt được là trên 11 triệu view, 09 triệu visit/01 tháng; tổng lượng truy cập từ khi ra mắt đến nay là gần 80 triệu view và 70 triệu visit; tốc độ tăng trưởng về cả view, visit, giữ chân bạn đọc trung thành, phát triển bạn đọc mới tăng đều và ổn định ở mức “02 con số” mỗi tháng; liên tục được Googleanalytics và Similarweb đánh giá là có mức tăng trưởng ấn tượng trên tất cả các chỉ số.

Qua tổng hợp và phân tích số lượng độc giả truy cập vào trang xaydungchinhsach.chinhphu.vn cho thấy, người dân rất quan tâm đến vấn đề cơ chế, chính sách, lao động, việc làm và việc học tập hơn là quan tâm đến vấn đề giải trí tầm thường theo lối câu view giật tít thường thấy.

Về MXH, Cổng TTĐT Chính phủ cũng đã cộng tác chặt chẽ với Google, Facebook, Zalo, Cốc Cốc, Twitter,… trong việc xây dựng, vận hành và phát triển hệ sinh thái truyền thông của Cổng TTĐT Chính phủ trên các nền tảng MXH để phục vụ công tác truyền thông về hoạt động, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook có trên 4,3 triệu thành viên; “Group Xây dựng Chính sách” trên Facebook THÔNG TIN CHÍNH PHỦ đã đạt được khoảng 140.000 thành viên; kênh Thông tin Chính phủ trên Zalo có trên 10 triệu tài khoản; kênh Thông tin Chính phủ trên Youtube, Twitter (tiếng Anh) cũng thu hút hàng triệu lượt xem mỗi tháng.

Với các nền tảng truyền thông trên MXH của mình, Cổng TTĐT Chính phủ có thể ngay lập tức cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành về kinh tế, xã hội của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tin về chính sách, pháp luật tới hơn 15 triệu người. Ứng dụng MXH cũng để tham mưu, xử lý thông tin dư luận và tham mưu xử lí khủng hoảng truyền thông.

Phát triển hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng theo “Công thức 5B”

Bên cạnh hai nội dung cơ bản về hoạt động ứng dụng các nền tảng MXH trong công tác truyền thông và ứng dụng MXH để tham mưu, xử lí thông tin dư luận, tham mưu xử lí khủng hoảng truyền thông, đại diện Cổng TTĐT Chính phủ cũng thực hiện phương châm phát triển hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng của Cổng TTĐT Chính phủ trong thời gian tới.

Cụ thể, trong công tác tổ chức sản xuất, bên cạnh nhóm tác phẩm thời sự, phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc hợp tác truyền thông, Cổng TTĐT Chính phủ phải tổ chức sản xuất những thông tin hữu ích, thiết thực liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành, công tác xây dựng, ban hành, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Truyền thông chỉ đạo điều hành về kinh tế xã hội và truyền thông chính sách, pháp luật có hấp dẫn hay không, có thu hút được độc giả hay không chính là ở “tính hữu ích” của thông tin.

Đối với các cơ quan báo chí, truyền thông chính luận như Cổng TTĐT Chính phủ, dù trên bất kì nền tảng nào thì tính “hấp dẫn” trong các sản phẩm đó là thông tin phải đem lại những giá trị thiết thực cho công chúng. Công chúng cần thông tin sẽ tìm kiếm và mình phải có giải pháp để cung cấp thuận tiện nhất, công chúng tiếp cận thông tin thuận tiện, tin cậy sẽ dần trở thành bạn đọc trung thành, sẽ theo dõi, chia sẻ để toà soạn có thêm bạn đọc mới.

Trong quá trình chuyển đổi số, yếu tố công nghệ, kĩ thuật là “phần xác”, cái gốc vẫn là nội dung thông tin - “phần hồn”. Do đó, các tác phẩm trên hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng của Cổng TTĐT Chính phủ phải mang lại những thông tin hữu ích, thiết thực cho độc giả và công nghệ số chính là phương tiện hữu hiệu nhất để truyền tải thông tin đến bạn đọc.

Trên quan điểm đó, cơ quan báo chí thuộc Văn phòng Chính phủ xác định, phương châm sản xuất thông tin để phát triển hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng của Cổng TTĐT Chính phủ theo “Công thức 5B”, đó là: “Báo chí đồng hành - Báo chí giải pháp - Báo chí dữ liệu - Báo chí tương tác - Báo chí chia sẻ”.

Trong đó, “báo chí đồng hành” là đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, đồng hành cùng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng hành cùng các cơ quan trong hệ thống chính trị. “Báo chí giải pháp” là nội dung các tác phẩm hướng tới luôn cố gắng tìm ra các giải pháp để giải quyết các vướng mắc, khó khăn. “Báo chí dữ liệu” là cẩm nang về chính sách, pháp luật của bạn đọc. “Báo chí tương tác”, “Báo chí chia sẻ” để nhân lên giá trị thông tin và cũng là biện pháp thực hành dân chủ trong quá trình xây dựng pháp luật, để người dân được biết, được bàn, được làm, được thực thi, được thụ hưởng những giá trị của chính sách, pháp luật mang lại./.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - cơ hội và thách thức
    Chuyển đổi số (CĐS) báo chí là một lời giải cho đổi mới, sáng tạo (ĐMST) để cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới, xuyên quốc gia, giảm sự lệ thuộc về phân phối nội dung, góp phần ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chuyển đổi số, lan tỏa thông tin chính xác, dẫn dắt định hướng dư luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO