Đưa Hà Nội thuộc 5 địa phương đứng đầu cả nước về chính quyền điện tử

Trường Thanh| 23/06/2022 17:59
Theo dõi ICTVietnam trên

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử (CQĐT) hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng TP. Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm hoàn thành xây dựng, phát triển CQĐT hướng tới Chính quyền số TP. Hà Nội hoạt động minh bạch, hiệu quả, cung cấp các dịch vụ của cơ quan nhà nước (CQNN) dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN).

Đồng thời, Kế hoạch đề ra cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các CQNN Thành phố; Từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền Thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Chính quyền Thành phố hoạt động, vận hành dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu.

Cùng với đó là đưa TP. Hà Nội thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước và phát triển CQĐT, hình thành Chính quyền số.

Kế hoạch đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, cụ thể: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4; 100% DVCTT được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hoá trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thoả thuận, phù hợp tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; 100% người dân, DN sử dụng DVCTT được định danh và xác thực hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương…

Kế hoạch cũng đặt ra chỉ tiêu tối thiểu 50% dịch vụ công mới của CQNN có sự tham gia cung cấp của DN hoặc tổ chức ngoài nhà nước; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 100% CQNN của Thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…

100% cán bộ chuyên trách về ATTT, CNTT và công chức, viên chức trong các CQNN thuộc Thành phố được đào tạo về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật ATTT mạng phù hợp theo yêu cầu nghiệp vụ…

Theo Kế hoạch, TP. Hà Nội tập trung vào hoàn thiện cơ chế chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin phục vụ CQĐT phù hợp với định hướng của Chính phủ và hướng dẫn của bộ, ngành.

Về phát triển hạ tầng số, Thành phố hình thành Trung tâm điều hành thông minh của TP. Hà Nội; Khai thác hiệu quả các ứng dụng trên nền tảng dùng chung đã được triển khai rộng rãi để tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu; Phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng Chính quyền số trong nội bộ Thành phố đảm bảo kết nối, chia sẻ và thực hiện mở dữ liệu theo quy định…

Thành phố cũng triển khai các nhiệm vụ về bảo đảm ATTT; Triển khai, nâng cấp và duy trì bảo đảm ATTT mạng theo mô hình 4 lớp (kiện toàn lực lượng tại chỗ, lựa chọn tối thiểu một tổ chức, DN giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp, định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá độc lập, kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia) theo hướng dẫn của Bộ TT&TT; Áp dụng hệ thống quản lý ATTT mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Về giải pháp, UBND TP. Hà Nội đề ra các nhóm giải pháp như: Bảo đảm nguồn nhân lực CQNN và DN; cải cách hành chính, chuẩn hóa quy trình, nghiệp vụ; hợp tác trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh cải cách TTHC, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Theo UBND TP. Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. 

Thành phố tiếp tục xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung rà soát, công bố, công khai các TTHC, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC.

Đưa Hà Nội thuộc 5 địa phương đứng đầu cả nước về  Chính quyền điện tử - Ảnh 1.

Hà Nội đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cải cách TTHC, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng Chính phủ điện tử

Hà Nội đã thực hiện rà soát, đánh giá và phê duyệt số lượng lớn đối với quy trình giải quyết nội bộ TTHC, chủ yếu ở những lĩnh vực liên quan đến nhiều giao dịch hành chính, dịch vụ công ích như: Giáo dục, Lao động, thương binh và xã hội; Tư pháp; Công thương; Giao thông vận tải... (rà soát 550 TTHC và thông qua phương án đơn giản hóa 177 TTHC, phê duyệt đối với 1.754 quy trình giải quyết nội bộ TTHC).

Sau khi ban hành và triển khai Kế hoạch xây dựng Quy chế phối hợp liên thông các TTHC; trên cơ sở đó, Thành phố đã phê duyệt Đề án "Liên thông TTHC: Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước - Cấp phiếu lý lịch tư pháp", Quy chế phối hợp thực hiện liên thông một số TTHC thuộc lĩnh vực Lao động, thương binh và xã hội.

Việc đơn giản hóa TTHC, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC đã tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, tổ chức và DN, góp phần cải thiện an sinh xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Cũng theo UBND Thành phố, thời gian qua, Hà Nội đã đổi mới công tác tuyên truyền về cải cách TTHC qua mở rộng, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội (Zalo, Facebook), nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, khu dân cư điện tử.../.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đưa Hà Nội thuộc 5 địa phương đứng đầu cả nước về chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO