Giải pháp đảm bảo hiệu quả phổ tần tốt nhất, hỗ trợ kinh doanh tối đa
Ericsson vừa ra mắt giải pháp phân chia mạng 5G dành cho các mạng truy cập vô tuyến (RAN), qua đó cho phép các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông có thể triển khai các dịch vụ 5G tùy biến với hiệu năng được đảm bảo.
Giải pháp mới của Ericsson vừa được đưa ra thị trường là 5G RAN Slicing có khả năng phân bổ tài nguyên vô tuyến trong thời gian 1 mili giây để có được hiệu quả phổ tần tốt nhất và hỗ trợ tính năng xử lý phân biệt dịch vụ đa chiều trên các phân vùng mạng. Giải pháp này củng cố tính năng phân chia mạng toàn diện nhằm quản lý và điều phối tài nguyên linh hoạt, đảm bảo cung cấp cho người dùng cuối trải nghiệm chất lượng cao theo yêu cầu của những phương án sử dụng đa dạng.
Giải pháp tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ đưa ra những phương án sử dụng khác nhau một cách linh hoạt và mềm dẻo. Nó đảm bảo hỗ trợ quản trị và điều phối toàn diện các phân khúc mạng để nhanh chóng cung cấp dịch vụ và hỗ trợ các mô hình kinh doanh dành cho các mạng ảo, mạng lai và mạng riêng. Giải pháp này còn có thể hỗ trợ các phương án sử dụng dành cho các dịch vụ thông tin liên lạc thiết yếu và có đòi hỏi nghiêm ngặt về thời gian.
Bà Sue Rudd, Giám đốc, Bộ phận mạng và nền tảng dịch vụ, công ty Strategy Analytics, cho biết: "Ericsson là nhà cung cấp đầu tiên cung cấp giải pháp toàn diện với tính năng phân chia mạng RAN dựa trên phân vùng tài nguyên vô tuyến linh hoạt trong thời gian nhỏ hơn 1 phần nghìn giây bằng cách sử dụng các cơ chế điều khiển vô tuyến nhúng để đảm bảo chất lượng dịch vụ qua OTA theo thời gian thực.
Giải pháp toàn diện này tích hợp tính năng tối ưu hóa công nghệ vô tuyến với điều phối mạng theo chính sách để cung cấp khả năng phân chia mạng RAN ảo riêng, được đảm bảo an toàn mà không bị lãng phí 30 - 40% công suất phổ tần do "phân chia cứng". Giải pháp phân chia mạng RAN linh hoạt theo thời gian thực của Ericsson giúp thu hẹp "khoảng cách RAN", giúp cho giải pháp phân chia mạng toàn diện mang lại lợi nhuận".
Tạo cơ hội cho doanh thu cho 5G
Công nghệ phân chia mạng hỗ trợ nhiều mạng logic dành cho các loại dịch vụ khác nhau trên một cơ sở hạ tầng chung. Đây là một động lực quan trọng để tạo ra các cơ hội doanh thu cho 5G như video nâng cao, kết nối bên trong xe hơi và thực tại ảo mở rộng.
Theo ước tính từ một báo cáo của Ericsson, thị trường tiêu dùng khả dụng của các nhà cung cấp dịch vụ có thể đạt quy mô 712 tỷ USD vào năm 2030. Đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, thị trường khả dụng của công nghệ phân chia mạng được dự kiến đạt quy mô 300 tỷ USD vào năm 2025, theo dữ liệu của GSMA.
Khi công nghệ 5G được mở rộng, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận của mình thông qua các phương án sử dụng sáng tạo mới và có tiềm năng doanh thu cao như trò chơi điện tử trên đám mây điện toán, nhà máy thông minh và y tế thông minh.
Ông Per Narvinger, Giám đốc Bộ phận Sản phẩm mạng của Ericsson, cho biết: "Giải pháp 5G RAN Slicing của Ericsson tự động tối ưu hóa tài nguyên vô tuyến để tạo ra các phân vùng mạng truy cập vô tuyến sử dụng phổ tần hiệu quả hơn đáng kể. Sự khác biệt trong giải pháp của chúng tôi nằm ở chỗ nó thúc đẩy khả năng điều phối và quản lý toàn diện để có thể cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn".
Cũng theo chia sẻ của ông Per Narvinger, khả năng này mang tới cho các nhà cung cấp dịch vụ sự khác biệt vượt trội cùng hiệu năng được đảm bảo cần thiết để đem lại doanh thu cho các khoản đầu tư 5G với nhiều phương án sử dụng đa dạng. Khi sử dụng 5G làm nền tảng đổi mới sáng tạo, chúng tôi tiếp tục mang giá trị tới cho khách hàng của mình".
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhận định: "Phân chia mạng là một trong những tính năng chính của 5G cho phép các ngành công nghiệp và các DN có thể chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh của họ nhằm mang lại hiệu suất cao hơn, và sẽ bao gồm các ứng dụng công nghiệp 4.0, thành phố thông Minh và an ninh công cộng, như robot vận hành từ đám mây và các hoạt động điều khiển từ xa với sự trợ giúp của video".
"Giải pháp này cũng hỗ trợ các trường hợp sử dụng dành cho người tiêu dùng như AR/VR, ti vi/phương tiện truyền phát trực tuyến các sự kiện thể thao và game trên nền tảng đám mây. Ericsson đang có những hoạt động triển khai tích cực trong phân chia mạng 5G trên toàn cầu, và chúng tôi mong muốn được giới thiệu tính năng này tại Việt Nam", ông Denis Brunetti chia sẻ thêm.
Ông Toshikazu Yokai, Giám đốc điều hành, Giám đốc bộ phận công nghệ di động của nhà mạng KDDI, Nhật Bản cho biết: "Phân chia mạng toàn diện là chìa khóa tạo doanh thu cho các khoản đầu tư 5G, trong đó phân chia mạng RAN đóng vai trò chủ đạo. Trong tất cả các phân vùng mạng trên các mạng di động của chúng tôi, giải pháp phân chia mạng RAN sẽ bảo đảm chất lượng cao và độ trễ thấp theo yêu cầu của khách hàng."
Trong khi đó, theo ông Mark Düsener, Trưởng bộ phận thông tin di động và thị trường đại chúng tại nhà mạng Swisscom, chia sẻ: "Chúng tôi đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của 5G, theo đó chúng tôi dự kiến sẽ áp dụng công nghệ phân chia mạng toàn diện, và phân chia mạng RAN sẽ là chìa khóa để đảm bảo hiệu năng. Nhờ chia sẻ hiệu quả tài nguyên mạng giữa các phân vùng khác nhau, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc cho các ứng dụng 5G đa dạng như mạng an ninh công cộng hoặc mạng riêng di động".