Hiện tượng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đã giảm đáng kể

Hương Quỳnh - Thành Nam - Thu Hằng| 06/11/2020 22:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, từ năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ TT&TT đã dùng công nghệ, phát triển công cụ để phát hiện những bài báo "sáng đăng, chiều gỡ". Hiện nay hiện tượng này đã giảm đáng kể.

Tại phiên chất vấn sáng nay (6/11), ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết những nhận định, quan điểm riêng của Bộ trưởng về quy định tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí.

Hiện tượng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đã giảm đáng kể - Ảnh 1.

ĐB Phạm Thị Minh Hiền

“Có hay không quy định này gây khó khăn cho nhà báo tác nghiệp và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm trong hoạt động báo chí?

Từ sau khi Bộ trưởng nhậm chức thì tình trạng sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ hoặc thay đổi ruột bài, có diễn ra hay không? Nếu còn thì vì sao và giải pháp xử lý?”, ĐB Hiền đặt câu hỏi.

Trả lời vào chiều nay, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản báo chí, tức cơ quan và tổ chức nằm trong hệ thống tổ chức chính trị ở Việt Nam.

Mỗi cơ quan tổ chức đều có chức năng nhiệm vụ riêng, các cơ quan báo chí phải bám theo chức năng nhiệm vụ này, hay còn gọi là tôn chỉ mục đích để tuyên truyền, vì thế sẽ vẽ lên bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam. Nếu không có sự phân vai thì có thể lệch bên này, lệch bên kia, nhiều chỗ này ít chỗ kia và rất nhiều vấn đề kinh tế xã hội sẽ không được đề cập.

Theo Bộ trưởng, tập trung hoạt động theo tôn chỉ mục đích giúp cho báo chí viết chuyên sâu được cái mà báo chí hiện nay đang còn yếu, đây là cách tiếp cận của Việt Nam đã được luật định.

Trước ý kiến cho rằng thực hiện tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế quyền của cơ quan báo chí, đặc biệt trong việc chống tiêu cực tham nhũng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định điều này không hạn chế quyền đó.

Ông cho biết, thời gian vừa qua có nhiều nhà báo, cơ quan báo chí đã đi tác nghiệp hoặc được giao đi tác nghiệp không đúng với tôn chỉ mục đích, chuyên ngành của mình, việc này gây khó khăn cho nhiều cơ quan tổ chức và ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan báo chí, nhà báo đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ TT&TT đã và sẽ nghiêm túc xử lý các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích này.

Về việc “sáng đăng trưa gặp chiều gỡ”, Bộ trưởng nhận là việc này đã xảy ra. Đỉnh điểm năm 2017, mỗi tuần có đến hàng chục vụ được phát hiện, đây là hành vi sai trái.

Bộ trưởng cho biết, từ năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ TT&TT đã dùng công nghệ, phát triển công cụ để phát hiện những bài báo "sáng đăng, chiều gỡ". Thực hiện nhắc nhở các cơ quan báo chí và yêu cầu giải trình tại giao ban hàng tuần, xử lý hành chính hoặc theo quy định đạo đức nghề nghiệp.

Hiện tượng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đã giảm đáng kể - Ảnh 2.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Hiện nay hiện tượng này đã giảm đáng kể, mỗi tuần chỉ còn 1-2 vụ phải giải trình nhưng chủ yếu là do lỗi biên tập phải sửa lại.

Yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội

ĐB Vũ Thị Thủy (Hải Dương) nêu việc hiện nay, tình trạng lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai lệch về tình hình đất nước, bôi nhọ, xuyên tạc, bịa đặt về cá nhân, đưa thông tin giả mạo làm hoang mang trong nhân dân.

“Vậy với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ trưởng TT&TT có giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên?”, bà Thuỷ nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, tin sai và tin giả đang là vấn nạn toàn cầu. Tin giả Việt Nam chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới, chủ yếu trên Facebook, YouTube.

Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, do vậy các nền tảng nội dung xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Hiện tượng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đã giảm đáng kể - Ảnh 3.

ĐB Vũ Thị Thuỷ

Thời gian qua Bộ TT&TT xác định làm sạch không gian mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và rất quyết liệt. Về thể chế đã ban hành nghị định 15 về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội.

Về công cụ quản lý, đã xây dựng và nâng cấp trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia có năng lực xử lý mỗi ngày là 300 triệu tin, có thể phân tích đánh giá, phân loại và phát hiện sớm, cũng đã hình thành các đường dây nóng của Cục PTTH&TTĐT, các sở TT&TT để tiếp nhận phản ánh những tin giả, tin xấu độc.

Về thực thi pháp luật, đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là với Facebook, YouTube. Tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95%, YouTube từ 50% lên 90%.

Bộ trưởng liệt kê, số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017, số lượng video xấu độc được gỡ bỏ trên YouTube năm 2020 là tăng 8 lần so với năm 2017, số trang giả mạo được gỡ bỏ cũng tăng 8 lần so với 2017.

Về xử lý vi phạm hành chính, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ TT&TT cùng các Sở TT&TT các tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng địa phương đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về tin sai, tin giả; xử lý hàng nghìn đơn thư khiếu nại và tố cao về tin giả.

Thời gian tới, đặc biệt năm 2021, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ tập trung làm một số việc.

Cụ thể, sửa các nghị định liên quan về mạng xã hội và tin giả; Ban hành quy tắc ứng xử trên không gian mạng; yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội.

“Chúng tôi coi đây là căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội vì vô danh mà vì thế vô trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việc tiếp theo là tiếp tục phát triển các công cụ rà quét và quản lý không gian mạng bắt buộc bằng công nghệ. Ngoài ra các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Cùng với Bộ Tài chính và NHNN yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán.

Hiện nay 4 công ty lớn, Google, Amazon, Facebook, Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam là hàng tỷ đô la Mỹ nhưng chưa đóng thuế.

Bộ trưởng cũng đề nghị Quốc hội thay đổi về xử phạt để có tính răn đe.

“Chúng ta hiện nay xử phạt chủ yếu là con số tuyệt đối mà chưa xử phạt dựa trên mức doanh thu. Nếu chúng ta phạt 100 triệu là khoảng 5.000 USD thì với cá nhân và DN nhỏ là lớn, nhưng với DN hàng chục tỷ đô la thì quá nhỏ. Các nước đã áp dụng mức phạt trên doanh thu với các công ty xuyên biên giới, thí dụ 4% doanh thu, với Facebook thì mức phạt này là 1 tỷ USD”, Bộ trưởng nói.

Theo ông, bài học ở đây là quy trình, hành vi, vi phạm pháp luật phải rõ ràng trong hoạt động pháp luật, mức phạt phải có tính răn đe và có công cụ phát hiện tự động và quản lý bằng công nghệ. Sau đó là thực thi nghiêm minh dù là nước ngoài hay trong nước.

Cấp trên 800 giấy phép mạng xã hội Việt Nam

Cũng trong sáng nay, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt vấn đề ở kỳ họp thứ 8, bà đã chất vấn Bộ trưởng TT&TT về sự phát triển của mạng Lotus, khi đó Bộ trưởng đã nêu các giải pháp cam đoan là Lotus sẽ phát triển nhưng cho đến thời điểm hiện tại mạng này vẫn khá "im hơi lặng tiếng". Khai tử mạng này hay là tiếp tục tìm giải pháp để cho mạng phát triển, nữ ĐB chất vấn Bộ trưởng TT&TT.

Hiện tượng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đã giảm đáng kể - Ảnh 4.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong 2 năm gần đây các mạng xã hội Việt Nam có sự phát triển bứt phá. Năm 2018, các mạng xã hội này có 47 triệu tài khoản, chỉ bằng khoảng 50% so với Facebook, Youtube.

Đến nay các mạng xã hội Việt Nam đã đạt được con số là 96 triệu tài khoản, tương đương với Facebook, Youtube và đang từng bước đạt được thế cân bằng với các mạng xã hội nước ngoài.

Thời gian qua có nhiều mạng xã hội mới ra đời, hiện nay Bộ TT&TT đã cấp trên 800 giấy phép mạng xã hội Việt Nam.

Lý do cấp phép nhiều, theo Bộ trưởng vì tập trung vào thị trường "ngách", trong đó có Lotus và Gapo. Hiện nay mạng Lotus có khoảng gần 3 triệu tài khoản, mạng Gapo khoảng 6 triệu tài khoản.

Các mạng xã hội này đều được xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân theo cơ chế thị trường và không sử dụng ngân sách Nhà nước. Bộ TT&TT có vai trò hỗ trợ về truyền thông, tháo gỡ cơ chế, chính sách.

"Các mạng xã hội trong nước phát huy thế mạnh về nền tảng dịch vụ chuyên ngành để phát triển thị trường ngách và xây dựng các mạng xã hội chuyên biệt, đa dịch vụ và kết hợp với thanh toán qua di động để tạo ra một hệ sinh thái số Việt Nam đáp ứng yêu cầu người sử dụng", Bộ trưởng phân tích.

Thời gian tới Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh phát triển các mạng xã hội trong nước theo hướng chiếm lĩnh các thị trường "ngách" và đặc biệt là các mạng xã hội thế hệ mới với điểm khác biệt với Facebook.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong số không nhiều nước trên thế giới có các mạng xã hội nội địa tương đương với mạng xã hội nước ngoài.

Tranh luận lại với phát biểu của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng các con số rất thuyết phục chứng minh sự phát triển vượt bậc của các mạng xã hội Việt Nam, tuy nhiên số lượng tài khoản chưa thực sự thể hiện sự phát triển qua mạng xã hội.

"Đối với mạng Lotus, người dùng, người đăng ký có thể rất nhiều nhưng các tài khoản đăng ký xong không hoạt động cũng rất nhiều, vì không có tương tác, so với các mạng xã hội khác thì nó thiếu hấp dẫn. Cho nên, nếu như Bộ trưởng có giải pháp để phát triển được mạng này thì phải cải tiến mạng này để thu hút người dùng hơn", bà Nga nêu thực tế.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hiện tượng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đã giảm đáng kể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO