Hỗ trợ phụ nữ DTTS tiếp cận kỹ năng số để phát triển kinh tế

PV| 14/10/2021 14:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Kết quả điều tra, khảo sát của các tổ chức quốc tế về phụ nữ ở Việt Nam cho thấy: Mức độ tiếp cận của phụ nữ DTTS với cơ hội phát triển sinh kế, tạo ra thu nhập hạn chế do phải chịu bất lợi vì nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố dân tộc và giới.

Theo báo cáo gần đây của UN Women trong chủ đề "Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015 – 2019: Qua kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam" và báo cáo "Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam", một vấn đề cần bàn đến hiện nay là phát triển sinh kế đối với phụ nữ DTTS bất lợi hơn nhiều so với nam giới.

Chính vì vậy, tạo mọi điều kiện để giúp phụ nữ DTTS tiếp cận với thương mại điện tử để phát triển kinh tế đang là mối quan tâm hàng đầu đối với Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế.

Phụ nữ dân tộc thiểu số còn gánh chịu nhiều thiệt thòi

Được coi là một nửa thế giới, nhưng phụ nữ DTTS ở Việt Nam hiện nay vẫn còn gánh chịu nhiều sự thiệt thòi. Theo báo cáo của UN Women năm 2021, mức sinh của phụ nữ DTTS (2,35 con/phụ nữ) dù giảm nhưng vẫn cao hơn mức bình quân cả nước (2,09 con/phụ nữ). Phụ nữ DTTS có mô hình sinh sớm hơn rất nhiều so với mô hình sinh chung, tập trung phần lớn ở độ tuổi từ 20 – 24 (so với cả nước là nhóm 25 - 29 tuổi). Chất lượng cuộc sống thấp hơn nhiều so với phụ nữ dân tộc Kinh. 

Bên cạnh đó, phụ nữ DTTS đang làm những công việc dễ bị tổn thương hơn do tỷ lệ được qua đào tạo chuyên môn kém, phần lớn việc làm chỉ gắn với nông – lâm nghiệp (73,3%) và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tỷ lệ nữ DTTS đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chỉ 8,9%, thấp hơn phụ nữ dân tộc Kinh. Lao động nữ DTTS so tỷ lệ làm việc trong nông – lâm nghiệp (76,4%) và các công việc "lao động gia đình không được trả lương" (52%) cao hơn nhiều so với tỷ lệ tương ứng ở lao động nam DTTS (70,5% và 26,6%) và so với lao động nữ cả nước (35,9% và 19,4%). Có nhiều rào cản đối với lao động nữ DTTS trong dịch chuyển việc làm ra khỏi nông - lâm nghiệp và tiếp cận công việc làm công ăn lương tại các nhà máy, doanh nghiệp tại địa phương, các khu công nghiệp trong nước hoặc đi làm việc ở nước ngoài, đẩy phụ nữ DTTS tới lựa chọn tìm việc làm bất hợp pháp ngoài biên giới.

Hỗ trợ phụ nữ DTTS tiếp cận kỹ năng số để phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Mức độ tiếp cận của phụ nữ DTTS với cơ hội phát triển sinh kế, tạo ra thu nhập hạn chế do phải chịu bất lợi vì nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố dân tộc và giới.

Đặc biệt, trong hoạt động phát triển kinh tế, tiếp cận tín dụng… thì phụ nữ DTTS lại bất lợi hơn rất nhiều so với nam giới hay cùng giới là người Kinh. Tính đến thời điểm hết năm 2020, chỉ có 15,8% chủ hộ DTTS là nữ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) (so với 20,7% ở hộ DTTS do nam làm chủ). Mức độ tiếp cận của phụ nữ DTTS với cơ hội phát triển sinh kế, tạo ra thu nhập hạn chế do phải chịu bất lợi vì nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố dân tộc và giới.

Hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế số

Với thế mạnh trong nông - lâm nghiệp, đặc biệt là sản xuất sản phẩm thủ công - mỹ nghệ, phụ nữ DTTS đã và đang mang lại cho nền kinh tế của vùng sâu, vùng xa một tiềm năng mới, đó là phát triển kinh tế từ tiêu thụ sản phẩm. Song, thách thức không nhỏ đối với họ là thị trường, nhất là vào thời đại công nghệ số, khi mà trong tay họ không có "vốn liếng" kiến thức trong lĩnh vực này.

Vì lẽ đó, DTTS nói chung và phụ nữ nói riêng cần lắm một sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân trong việc hướng dẫn họ đến với một thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng vô cùng khó khăn này. Nói về tầm quan trọng của việc ứng dụng kỹ thuật số trong hoạt động phát triển kinh tế của phụ nữ DTTS, ông Phil Harman, Cố vấn trưởng Dự án GREAT, chia sẻ: "Muốn nâng cao quyền cho phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng, cần coi trọng việc ứng dụng kỹ thuật số trong hoạt động của các đối tác và tiềm năng, tăng cường lồng ghép kỹ thuật số. Kỹ năng số là một trong những kỹ năng kinh doanh vô cùng cần thiết hiện nay. Chúng tôi luôn nỗ lực để đảm bảo rằng phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ có những kỹ năng và công cụ cần thiết để có được lợi ích từ các sàn thương mại điện tử".

Hỗ trợ phụ nữ DTTS tiếp cận kỹ năng số để phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Phụ nữ dân tộc thiểu số được trang bị những kiến thức, kỹ năng bán hàng và quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử.

Với cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, hướng tới bảo đảm "Không ai bị bỏ lại phía sau", Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực tăng cường các hoạt động nhằm tạo điều kiện cho DTTS phát triển kinh tế, trong đó có việc kết nối với các tổ chức quốc tế để thực hiện hàng loạt dự án hỗ trợ cho DTTS và phụ nữ DTTS.

Năm 2019, Liên Hợp quốc, với Chương trình phát triển, lần đầu tiên triển khai hỗ trợ thực hiện Dự án "Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" cho hai tỉnh Đắk Nông và Bắc Kạn. Trong đó, chuyên gia các ngành kinh tế, công nghệ,… đã hướng dẫn đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ mới như thanh toán điện tử, sàn giao dịch điện tử, cài đặt và sử dụng app kinh doanh trên điện thoại thông minh, ipad… tạo ra nhiều cơ hội cho người dân vùng DTTS có thể mở rộng thị trường, kết nối các doanh nghiệp với doanh nghiệp, với Chính phủ, và các chuyên gia tư vấn…

Tất cả những sự trợ giúp này nhằm mở ra một hướng đi mới cho sản phẩm thủ công của DTTS, tạo nên sự khác biệt để đẩy nhanh việc tiêu thụ sản phẩm. Một số giải pháp đã được chia sẻ tại đây như "Liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi sản phẩm bản địa ứng dụng nền tảng thương mại điện tử", Sáng kiến 4M (Meet, Match, Mentor and Move – Gặp Gỡ, Kết nối, Đồng hành và Phát triển)… Nói về Dự án này, bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú của UNDP Việt Nam, khẳng định đồng bào DTTS tại Việt Nam rất sáng tạo, có kỹ năng kinh doanh tốt. Vì vậy, việc xây dựng quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ lớn và các hợp tác xã bán sản phẩm thông qua các sàn giao dịch sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường cho sản phẩm truyền thống của đồng bào DTTS.

Từ năm 2018, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đã tài trợ cho Dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và Phát triển Du lịch (GREAT). Đây là một sáng kiến hàng đầu trong chương trình Aus4Equality, được thực hiện đến 31/12/2021 với tổng đầu tư 33,7 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 600 tỷ đồng) trong hơn 4 năm. Mục tiêu của Dự án là mang lại cho đồng bào DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng những lợi ích thiết thực từ các hoạt động phát triển kinh tế.

Tính đến tháng 6/2021, theo báo cáo của Dự án, đã có15,415 phụ nữ được tăng thu nhập, 834 phụ nữ có việc làm mới, 82% phụ nữ tự tin về năng lực kỹ thuật và thu hút 7.6 triệu đô la Úc từ khối tư nhân. Nhiều sản phẩm của các đối tác của GREAT đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc đang được phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn của Việt Nam như Big C, Aeon Mall.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ phụ nữ DTTS tiếp cận kỹ năng số để phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO