Kiên Giang đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, phòng chống dịch bệnh

XT| 30/09/2021 09:19
Theo dõi ICTVietnam trên

Những nỗ lực của tỉnh Kiên Giang trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số (DTTS) với các địa bàn trong toàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phòng, chống tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã.

Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, là tỉnh duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có biên giới, đường thủy, đường bộ và hải đảo, với diện tích tự nhiên là 6.348,53km2. Dân số toàn tỉnh có 423.282 hộ, với trên 1,7 triệu người. Trong đó, đồng bào các DTTS có 65.455 hộ, với 275.009 người, chiếm 15,48% (có hơn 13% đồng bào Khmer và 2,7% đồng bào dân tộc Hoa).

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm đặc biệt đến đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS. Với những chủ trương, biện pháp và cách làm phù hợp đã làm thay đổi đời sống vùng đồng bào DTTS trong tỉnh, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS với các địa bàn trong toàn tỉnh.

Kiên Giang đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, phòng chống dịch bệnh - Ảnh 1.

Kiên Giang có 275.009 đồng bào DTTS, chiếm 15,48% dân số toàn tỉnh, trong đó, có hơn 13% đồng bào Khmer. (Ảnh: truyenhinhdulich.vn)

Ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, nhằm góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS, giúp bà con tiếp cận nhanh thông tin chính thống về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở, ban, ngành phối hợp UBND các huyện, thành phố tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu, liên thông hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu như dân cư, tài nguyên - môi trường, tài chính, thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội, công tác dân tộc, hải quan... hỗ trợ phổ biến, cung cấp thông tin cho đồng bào DTTS. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh nhằm phục vụ công tác thống kê, báo cáo định kỳ về số liệu trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Tỉnh cũng quan tâm đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS; tổ chức lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức, ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện. Đồng thời, ban hành văn bản gửi đơn vị, địa phương để tuyên truyền, triển khai chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng CNTT phục vụ lao động, sản xuất, nâng cao đời sống.

Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng trang thiết bị CNTT đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho cơ quan nhà nước, phục vụ hiệu quả nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng CNTT và hệ thống truyền thanh cấp xã, giúp đồng bào DTTS tiếp cận thông tin về lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Từ đó nâng cao kiến thức, nhận thức của đồng bào DTTS, phục vụ công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở hiệu quả hơn.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm lồng ghép tập huấn, tuyên truyền công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tổ chức cung cấp, phổ cập kiến thức về CNTT cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo xã, người có uy tín, cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên vùng DTTS. Việc tổ chức mô hình tuyên truyền trực tuyến trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất cho đồng bào DTTS, đào tạo nghề cho thanh niên DTTS để chuyển giao quy trình sản xuất, công nghệ sản xuất cho người dân được các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, đời sống đồng bào DTTS cải thiện đáng kể, trình độ dân trí trong vùng đồng bào dân tộc ngày càng nâng lên.

Đến nay, tỉnh xây dựng hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc, bảo đảm tính kết nối, liên thông hệ thống thông tin dữ liệu công tác dân tộc toàn quốc tại Ủy ban Dân tộc, đủ khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Gò Quao là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm trên 30% dân số. Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Gò Quao tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự. Huyện cũng khuyến khích các xã, thị trấn hỗ trợ người có uy tín ứng dụng CNTT để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào DTTS; tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng CNTT trong việc góp ý, đánh giá hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật và trao đổi thông tin tương tác hai chiều giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước; hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 do cơ quan nhà nước cung cấp.

Ông Danh Hoàng, ngụ thị trấn Gò Quao (Gò Quao) chia sẻ: "Việc ứng dụng CNTT mang đến lợi ích thiết thực cho người dân. Nhờ được hướng dẫn ứng dụng CNTT, tôi cập nhật kiến thức bổ ích trong sản xuất, tiếp cận nhiều chính sách ưu đãi dành cho đồng bào DTTS nên tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta".

Có thể thấy, những nỗ lực của tỉnh trong ứng dụng CNTT góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS với các địa bàn trong toàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phòng, chống tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã.

Ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành, triển khai công việc

Cũng theo UBND tỉnh Kiên Giang, thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế, tỉnh ta đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành, triển khai công việc. Qua đó, góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, chính quyền, địa phương các cấp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp. Căn cứ tình hình thực tế, tính chất công việc, tỉnh phân loại các tình huống để áp dụng triển khai hội họp, làm việc trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Tại các địa phương, việc triển khai họp trực tuyến được tích cực thực hiện, đảm bảo triển khai công việc kịp thời, chính xác, nhất là chỉ đạo khẩn về công tác phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ngành bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai hình thức kê khai, nộp bảo hiểm xã hội qua giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch; chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, lương hưu qua tài khoản ATM, hạn chế tụ tập đông người, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Kiên Giang đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, phòng chống dịch bệnh - Ảnh 2.

Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân trên hệ thống một cửa điện tử. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang)

Ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ phường An Hòa (TP. Rạch Giá) chia sẻ: "Việc chi trả lương hưu qua tài khoản ATM mang lại tiện ích cho cán bộ hưu trí, góp phần thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế về việc hạn chế tụ tập đông người trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tôi ủng hộ việc các cơ quan, ban, ngành ứng dụng CNTT trong hoạt động, phục vụ người dân".

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngành Giáo dục và Đào tạo ứng dụng hiệu quả CNTT trong giảng dạy, học tập trong điều kiện học sinh nghỉ học ở nhà. Các trường học, cơ sở giáo dục áp dụng hình thức dạy học trực tuyến qua Internet, khuyến khích giáo viên sử dụng ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để hướng dẫn, kiểm tra học sinh học tập tại nhà. Các doanh nghiệp bưu chính phát triển hiệu quả dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, để giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương dễ dàng triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc, đơn vị đã chủ động hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng và triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đảm bảo phù hợp định hướng chung của tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong truyền thông phòng chống dịch bệnh như sử dụng tin nhắn, cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội để người dân chủ động tiếp cận thông tin về tình hình dịch bệnh, thực hiện khuyến cáo phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế và chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.

Sở cũng chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông bảo đảm điều kiện về kỹ thuật, đường truyền để duy trì hệ thống thông tin truyền thông của tỉnh hoạt động liên tục, ổn định và an toàn phục vụ tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân.

Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện và chính thức triển khai thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt khi thực hiện nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào mọi lĩnh vực đời sống giúp công tác an sinh xã hội của tỉnh Kiên Giang được bảo đảm; công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai công việc của các cấp ủy Đảng, chính quyền kịp thời, sâu sát, hiệu quả. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2021 ổn định, chuyển biến tích cực, đúng hướng, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so cùng kỳ năm 2020.

Bài liên quan
  • Để báo chí luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội
    Mấy năm gần đây, Bắc Giang liên tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kính tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động báo chí truyền thông. Báo chí thực sự đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quảng bá hình ảnh, tiềm năng, vị thế tỉnh Bắc Giang cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, phòng chống dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO