Malaysia, Singapore, Thái Lan triển khai nhanh 5G trong năm 2020

Lan Phương| 18/02/2020 16:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Malaysia, Singapore, Thái Lan đang đẩy nhanh triển khai 5G tại các nước này trong năm 2020.

Malaysia có yêu cầu riêng cho bảo mật 5G

Theo thông thông tấn xã Malaysia (Bernama), quốc gia này sẽ triển khai thương mại công nghệ 5G trong quý 3 năm 2020.

Trung tuần tháng 1/2020, tham dự lễ ra mắt các dự án trình diễn 5G Malaysia, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, sự kiện đánh dấu một khởi đầu quan trọng trong hành trình thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhằm đạt được sự tăng trưởng bền vững và chia sẻ sự thịnh vượng của đất nước với người dân.

Thủ tướng Malaysia Mahathir dự lễ ra mắt các dự án trình diễn 5G

“Triển khai 5G nhằm đảm bảo mọi công dân Malaysia có một mức sống khá vào năm 2030", Thủ tướng Mahathir cho biết.

Ông lưu ý rằng việc chuẩn bị triển khai 5G đã tiến triển tốt kể từ khi ông công bố dự án “Trình diễn 5G Malaysia" vào tháng 4/2019.

Thủ tướng Mahathir cho biết về mặt kinh tế, 5G có thể đóng vai trò là cơ sở hạ tầng cho sự phát triển sáng tạo.

"Sự hội tụ của 5G và các ngành công nghiệp khác nhau như nông nghiệp, giáo dục, y tế, sản xuất, giao thông thông minh và du lịch, mang đến cơ hội mới cho các ngành, xã hội và các cá nhân để thực hiện các triển vọng số và cung cấp các dịch vụ mới, chất lượng hơn. Công nghệ sẽ tiếp tục thay đổi cách mọi người làm việc", ông nhấn mạnh.

Theo Reuters, Malaysia có kế hoạch triển khai đấu thầu phổ tần 5G vào tháng 4 và dự kiến mở rộng cơ sở hạ tầng cáp quang và vùng phủ sóng di động, bao gồm phát triển mạng 5G, với chi phí khoảng 21,6 tỷ ringgit (5,2 tỷ USD) trong 5 năm.

Nếu các kế hoạch của chính phủ theo đúng tiến độ, 5G trước tiên sẽ đáp ứng 9 lĩnh vực, từ nông nghiệp đến sản xuất và giải trí - truyền thông. Người dùng sẽ được truy cập 5G vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Malaysia Gobind Singh Deo cho Reuters biết.

Tại Malaysia, Huawei đã ký thỏa thuận 5G với nhà mạng Maxis của Malaysia và các thỏa thuận sơ bộ với các công ty viễn thông khác như Tập đoàn Axiata và Telekom Malaysia.

Bên cạnh Huawei, các đối tác khác cũng đang tham gia vào dự án 5G của Malaysia bao gồm công ty Phần Lan Nokia và Ericsson, Thụy Điển.

Bộ trưởng Singh Deo cho biết chính phủ Malaysia muốn thu hút càng nhiều công ty tham gia vào triển khai 5G càng tốt để khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo cung cấp các dịch vụ tốt hơn.

Theo Bộ trưởng Singh Deo, các tiêu chuẩn bảo mật của Malaysia sẽ là thiết chế cho các công ty tham gia vào kế hoạch triển khai 5G trong năm nay.

Malaysia nhận thức được những quan ngại của thế giới về Huawei, nhưng Malaysia có những các tiêu chuẩn, yêu cầu bảo mật riêng trong việc lựa chọn đối tác tham gia vào triển khai 5G trên toàn quốc dự kiến vào quý III tới.

“Bất cứ ai giao dịch nào, bất cứ ai đưa ra các đề xuất 5G, chúng tôi phải chắc chắn họ đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật mà chúng tôi yêu cầu”, Bộ trưởng Singh Deo cho hay.

Thái Lan thu được 3,2 tỷ USD từ đấu giá phổ tần 5G

Về tình hình triển khai 5G tại Thái Lan, Reuters cho biết, cơ quan quản lý viễn thông nước này đã thu được 100,52 tỷ baht (3,2 tỷ USD) trong các phiên đấu giá phổ tần 5G vào ngày 15/2, với việc các nhà mạng đã giành được 48 giấy phép trước khi triển khai thương mại dự kiến vào cuối năm nay.

Ảnh: Nikkei

Nhà mạng hàng đầu Thái Lan, Advanced Info Service Pcl, đã nhận được 23 giấy phép trên cả 3 dải phổ tần trong các phiên đấu giá kéo dài hơn 5 giờ.

Các nhà mạng lớn thứ hai và thứ ba của Thái Lan là True Corporation Pcl và Total Access Communication Pcl, lần lượt nhận được 17 và 2 giấy phép.

Các công ty nhà nước CAT Telecom và TOT - đã được sáp nhập để trở thành công ty viễn thông quốc gia (NT) - lần đầu tiên tham gia đấu giá phổ tần, nhận được tổng cộng 6 giấy phép.

Đối với băng tần thấp 700 MHz, CAT đã giành được 2 giấy phép cho các khối 2x5 MHz, trong khi AIS thuộc sở hữu của SingTel vượt nhà mạng True để nhận 1 giấy phép với tổng số tiền đấu giá là 51,46 tỷ baht, sau 20 vòng đấu giá kéo dài hơn 3 giờ.

Các giấy phép cho 19 khối 10 MHz trên băng tần trung 2600 MHz được phân chia giữa AIS và True với lần lượt 10 và 9 giấy phép, với tổng số tiền đấu giá là 37,43 tỷ baht, trong khi CAT không dành được giấy phép nào. China Mobile nắm giữ cổ phần của True, thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont.

Các công ty giành được các băng tần 700 MHz và 2600 MHz được yêu cầu phải thanh toán cho chính phủ trong khoảng thời gian 10 năm, tương ứng trong 10 và 7 đợt, theo các điều khoản đấu giá.

DTAC, thuộc sở hữu của Tập đoàn Telenor của Na Uy, chỉ tham gia đấu giá băng tần cao 26 GHz và dành được 2 trong số 26 giấy phép cho các khối 100 MHz, trong khi AIS giành được phần lớn với 12 giấy phép. True dành được 8 và TOT dành 4 trong số các giấy phép còn lại.

Các giấy phép 26 GHz trị giá tổng cộng 11,63 tỷ baht và các công ty giành được giấy phép được yêu cầu phải thanh toán toàn bộ số tiền trong vòng 1 năm.

Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Quốc gia (NBTC) cho biết công nghệ thế 5G, với tốc độ dữ liệu nhanh hơn 100 lần so với mạng 4G, sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số của nước này.

Takorn Tantasith, Tổng thư ký của NBTC cho biết: Công nghệ 5G của Thái Lan dự kiến sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế ít nhất 177 tỷ baht trong năm nay, chiếm 1,02% GDP của đất nước vào năm 2021.

Singapore nhận được 3 hồ sơ dự thầu cấp phép phổ tần 5G

Theo trang công nghệ Zdnet.com, Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm (IMDA) cho biết ngày 17/2, cơ quan này đã nhận được 3 hồ sơ dự thầu cấp phép 5G, gồm Singtel Mobile và TPG Telecom mỗi công ty gửi 1 hồ sơ thầu. M1 và StarHub đã nộp hồ sơ dự thầu chung để lấy 1 giấy phép, sau thông báo hồi tháng trước rằng họ đã ký một thỏa thuận chung để thực hiện việc này. Các nhà mạng thắng thầu dự kiến sẽ được cấp phép phổ tần vào giữa năm 2020.

Theo IMDA, giá thầu sẽ được định giá dựa trên một bộ tiêu chí bao gồm thiết kế và khả năng an ninh mạng, hiệu suất và triển khai mạng, giá chào bán phổ tần. Giá cơ bản của một lô 100 MHz đã được đặt ở mức 55 triệu đô la Singapore.

IMDA đã dành 40 triệu đô la Singapore (29,53 triệu USD) để hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu và phát triển cũng như thúc đẩy áp dụng 5G, bao gồm các sáng kiến tập trung vào ngành dọc như di động đô thị và hàng hải.

Ảnh minh họa (gigabit magazine)

Singapore dự kiến sẽ có hai mạng 5G độc lập chính thức phủ sóng hơn một nửa hòn đảo vào cuối năm 2022, với việc triển khai sẽ bắt đầu trong năm nay.

Việc phủ sóng 5G toàn bộ Singapore được dự kiến vào năm 2025 và các nhà mạng này sẽ phải cung cấp dịch vụ bán buôn cho các nhà khai thác mạng khác, bao gồm cả các nhà khai thác mạng ảo di động như Circles.Lifes.

Khi được trao giấy phép, hai nhà mạng sẽ phải triển khai băng tần 3,5 GHz dưới dạng mạng 5G độc lập, hỗ trợ các khả năng như chia tách mạng và truyền thông với độ trễ cực kỳ đáng tin cậy. Đây sẽ là những điều cần thiết cho sự phát triển của các ứng dụng mới như nhà máy thông minh, thiết bị Internet vạn vật (IoT) quy mô và các phương tiện tự lái.

Tháng 10 năm ngoái, IMDA cho biết sẽ cấp 2 giấy phép nữa nếu ngành quan tâm. Các giấy phép này sẽ cho phép các công ty viễn thông vận hành các dịch vụ 5G cục bộ trên các mạng 4G hiện có.

Ngoài các giấy phép này, IDMA cho biết thêm cơ quan này cũng sẽ dành hai khối 800 MHz của phổ tần mmWave cho các nhà khai thác di động còn lại, sau đó sẽ có tùy chọn triển khai phổ tần để cung cấp dịch vụ 5G cục bộ chạy trên mạng 4G hiện tại của họ. Không giống như các mạng 5G độc lập đầy đủ, các mạng nhỏ hơn này sẽ cung cấp tốc độ băng thông rộng cao hơn là chủ yếu.

IMDA cho biết họ sẽ hỗ trợ 3 trường hợp ứng dụng, bao gồm hai sáng kiến doanh nghiệp, để giúp thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái 5G trong nước. Trong số này là một địa điểm thử nghiệm 5G tại Công viên Khoa học Singapore để phát triển và thử nghiệm các công nghệ di động cho mọi thứ (C-V2X: Cellular Vehicle-To-Everything), được xem như là một nơi thử nghiệm các dịch vụ di động thông minh trong không gian thương mại.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Malaysia, Singapore, Thái Lan triển khai nhanh 5G trong năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO