Mở khoá cơ hội kinh doanh tại các TPTM của Indonesia

Ngọc Diệp| 16/11/2021 16:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Khi Indonesia đặt mục tiêu phát triển 100 thành phố thông minh (TPTM) vào năm 2045, quốc gia này mong muốn sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp (DN) trong nước.

6 trụ cột TPTM ở Indonesia

Theo Ngân hàng thế giới (WB), khoảng 70% - 80% dân số Indonesia dự kiến sẽ sống ở các thành phố nước này vào năm 2045, khiến phát sinh những hệ lụy không nhỏ như làm trầm trọng thêm tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường… Để giải quyết các thách thức đô thị hóa ồ ạt, năm 2017, Indonesia đã phát động sáng kiến hướng tới "100 TPTM" vào năm 2045.

Về cơ bản, TPTM là nơi ứng dụng các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn,... để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Năm nay là năm thứ 4 sáng kiến "100 TPTM" của Indonesia chính thức được triển khai (năm thứ 8 nếu tính từ khi Bandung triển khai TPTM vào năm 2013), nhiều thành phố trên cả nước đang tăng cường các chương trình tương ứng để hoàn thành mục tiêu 100 TPTM vào năm 2045. Được khuyến khích bởi thành công của các thành phố Bandung, Jakarta và West Java, số hóa đang bao trùm khắp Indonesia thông qua các chương trình quy mô nhỏ và lớn được thiết kế để giới thiệu các công nghệ thông minh vào cuộc sống hàng ngày của người dân Indonesia.

Mục tiêu 100 TPTM là đầy tham vọng, nhưng chính phủ Indonesia tin tưởng với một lộ trình rõ ràng và 6 trụ cột chính sẽ giúp chính quyền địa phương và các DN phát triển thành công TPTM ở Indonesia.

Mở khoá cơ hội kinh doanh tại các TPTM của Indonesia - Ảnh 1.

Quản trị thông minh

Chuyển đổi hoàn toàn sang quản trị điện tử là mục tiêu chính của trụ cột này và hiện các TPTM trên toàn quốc đang sử dụng các ứng dụng và nền tảng di động để thiết lập các cuộc hẹn và giao dịch hàng ngày của chính phủ; các trung tâm điều hành thành phố để giám sát và vận hành cũng đang được các chính quyền địa phương xây dựng. Trong tương lai, việc kết hợp các tài sản AI để giám sát thông minh và phân tích dữ liệu lớn sẽ trở thành cần thiết.

Xã hội thông minh

Tạo ra một cộng đồng dân cư hiểu biết về công nghệ là rất quan trọng để các sáng kiến TPTM thành công. Các chương trình và phần mềm học tập trực tuyến đã được nhiều công ty khởi nghiệp và tổ chức giáo dục ở các khu vực khác nhau giới thiệu. Xây dựng một cộng đồng chủ động thông qua các nền tảng và dịch vụ báo cáo trực tuyến là bước tiếp theo để người dân sẵn sàng thích ứng với công nghệ.

Hạ tầng và di chuyển thông minh

Phát triển các mạng và hệ thống an toàn dựa trên CNTT là một phần không thể thiếu đối với sự phát triển của một TPTM. Một trong những hệ thống đó là hệ thống điều khiển giao thông thích ứng (ATCS) theo thời gian thực để điều khiển đèn tín hiệu giao thông theo các kịch bản linh hoạt phù hợp với tình hình giao thông thực tế, nâng cao hiệu quả công tác điều hành, phân luồng nhằm tối ưu hóa dòng giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. 

Mặt khác, nhiều chính quyền TPTM địa phương đang hợp tác với các công ty khởi nghiệp gọi xe và nhà phát triển ứng dụng để cải thiện khả năng di chuyển trong khu vực của họ và làm cho giao thông hiệu quả hơn với tất cả mọi người.

Kinh tế thông minh

Khi nói đến việc thúc đẩy kinh tế địa phương, các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển TPTM. Bên cạnh đó, các DN TMĐT, các DN thuộc sở hữu nhà nước tại địa phương là những đối tác hoàn hảo cho các TPTM để thúc đẩy một môi trường mạnh mẽ và sáng tạo và số hóa.

Cuộc sống thông minh

Cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày là một mục tiêu chính của các TPTM, bao gồm yêu cầu tiếp cận cởi mở với giáo dục, chăm sóc sức khỏe (CSSK) và an ninh để đạt được "cuộc sống thông minh". Các nhà cung cấp dịch vụ CSSK, công ty công nghệ và thậm chí là các nhà phát triển bất động sản là những đối tác quan trọng của các TPTM để xây dựng một cộng đồng kết nối hơn với các giải pháp phong phú cho y tế từ xa, học trực tuyến và các ngôi nhà công nghệ cao

Môi trường thông minh

Xây dựng "thành phố xanh" thông qua các nguồn năng lượng tái tạo, dịch vụ môi trường dựa trên CNTT và cơ sở hạ tầng sử dụng năng lượng mặt trời là lý tưởng cho sự phát triển của TPTM. Bảo tồn cây xanh bằng cách giảm phát thải carbon và khí thải nhà kính có thể được thực hiện thông qua việc quy hoạch phù hợp và cam kết của các đối tác như các công ty khởi nghiệp năng lượng tái tạo và các DN sử dụng công nghệ.

Các động lực và rào cản đối với sự phát triển TPTM tại Indonesia

Để thực hiện sứ mệnh phát triển TPTM, Chính phủ Indonesia đã xác định một số lĩnh vực chính sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Indonesia luôn tìm cách khuyến khích người dân tham gia ứng dụng công nghệ và phát triển các công ty khởi nghiệp, đồng thời tăng cường hơn nữa các nỗ lực, sáng kiến của chính quyền từ cấp quốc gia đến thành phố.

Indonesia hiện có 2.209 công ty khởi nghiệp đang hoạt động trong nước và đến năm 2024, Bộ Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia dự báo sẽ có tổng cộng 4.500 công ty. Hơn nữa, Chính phủ Indonesia đang có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, trong đó khoảng 400 tỷ USD ngân sách sẽ được chi cho một số dự án trọng điểm.

Mặc dù đây là những số liệu đầy hứa hẹn cho thấy Indonesia đang trên đường đạt được các mục tiêu đề ra trong sáng kiến hướng tới 100 TPTM, nhưng quốc gia này cũng gặp phải những rào cản. 

Cụ thể, về mặt lập kế hoạch của chính phủ, các vấn đề như quy định về quy hoạch TPTM và phối hợp xã hội không đầy đủ (ví dụ, giáo dục người dân về những lợi ích thiết thực và trực tiếp của TPTM) phải được giải quyết. Ngoài ra, cũng cần chú ý chặt chẽ đến việc thực thi, đặc biệt là trong việc đảm bảo triển khai bền vững và giải quyết các mối lo ngại về bảo mật dữ liệu có thể xảy ra khi chuyển đổi sang TPTM.

Mở khoá cơ hội kinh doanh tại các TPTM của Indonesia - Ảnh 2.

Nhân rộng các mô hình TPTM thành công

Indonesia hy vọng nhân rộng mô hình TPTM thành công của Jakarta và Bandung trên cả nước. Từ năm 2018, Jakarta đã gia nhập nhóm 26 thành phố thí điểm của "Mạng lưới các TPTM ASEAN", đặt mục tiêu "phát triển TPTM và bền vững". 

Tại Jakarta, người dân có thể tự do truy cập thông tin và các dịch vụ công cộng thông qua một ứng dụng di động có tên JAKI. Các sáng kiến khác bao gồm lắp đặt camera giám sát và đèn giao thông với khả năng ACTS trên các tuyến đường chính, tích hợp TMĐT và các công ty khởi nghiệp kỳ lân để thúc đẩy nền kinh tế thông minh và thành lập TPTM Jakarta, một cơ quan chuyên trách đảm bảo thực hiện thành công chương trình TPTM.

Trong khi đó, tại Bandung, công nghệ TPTM đã giúp cải thiện cuộc sống của người dân với việc chính quyền thành phố vận hành trung tâm điều hành thông minh, hay việc cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng thông qua việc triển khai bãi đậu xe thông minh và hệ thống chia sẻ xe đạp. Các dự án nhằm trao quyền cho người dân cũng đã được khởi xướng bằng việc xây dựng trung tâm sáng tạo và trung tâm MSME.

Trong tương lai, khi Indonesia tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các TPTM trên khắp cả nước, các cơ hội kinh doanh mới trên nhiều thị trường và lĩnh vực khác nhau sẽ mở ra. Và hợp tác giữa chính quyền và các bên liên quan chính là chìa khóa để đạt được sự phát triển TPTM hiệu quả./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mở khoá cơ hội kinh doanh tại các TPTM của Indonesia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO