Mở khoá tiềm năng kinh tế số Việt Nam thông qua đòn bẩy chính sách

Ngọc Diệp| 19/10/2021 14:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Với dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ, Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ nền kinh tế số. Theo báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam”, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1.733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020.

Phát triển kinh tế số để phục hồi bền vững trong bối cảnh dịch COVID-19

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và sự xuất hiện của Internet vạn vật (IoT) đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu số và trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng như các nền kinh tế.

Xu hướng số hóa hay chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng.

Xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế số, CĐS với nền kinh tế xã hội, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và định hướng lớn liên quan tới việc phát triển lĩnh vực này. Tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN lần thứ tư", trong đó đặt mục tiêu tới 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Thực hiện chủ trương và mục tiêu đề ra, thời gian qua, Chính phủ VIệt Nam đã quyết tâm, nỗ lực thực hiện mạnh mẽ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Chia sẻ tại hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" diễn ra chiều 18/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho biết: "Đối với Việt Nam, trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 đã cho thấy, chúng ta cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế".

Mở khóa tiềm năng kinh tế số Việt Nam thông qua đòn bẩy chính sách - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông

Còn theo ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), xu hướng số hóa và kinh tế số là một xu hướng tất yếu và chúng ta không thể thay đổi được. Và khi đã là tất yếu thì việc quan trọng là chúng ta cần tận dụng nó nhiều nhất có thể. Số hóa cũng là cách thức để tăng năng suất lao động, để có được sản lượng cao hơn, DN hoạt động tốt hơn và nói chung là một nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.

Những điểm sáng trong cuộc khủng hoảng COVID-19 được ông Jacques Morisset phân tích có thể kể đến như: 60% các DN sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến; Chính phủ điện tử cung cấp trên 2.000 thủ tục trực tuyến đã làm đẩy nhanh tốc độ CĐS ở Việt Nam...

Ngoài ra, báo cáo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" do AlphaBeta phát hành cũng cho thấy, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1.733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030, khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.

Mở khóa tiềm năng kinh tế số Việt Nam thông qua đòn bẩy chính sách - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, CĐS mang lại nhiều lợi ích cho các lĩnh vực truyền thống, phi công nghệ. Việc không dành nhiều quan tâm đến tác động của công nghệ số trong các lĩnh vực truyền thống ở Việt Nam như sản xuất, sẽ dẫn đến rủi ro bỏ qua các các tác động chuyển đổi của công nghệ. Công nghệ số được áp dụng vào các ngành truyền thống có tiềm năng cách mạng hóa cách thức hoạt động của DN...

Trong đó, 8 công nghệ chủ chốt có tiềm năng đóng góp vào kinh tế số của Việt Nam bao gồm: Internet di động; điện toán đám mây; dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ tài chính (fintech); IoT và viễn thám; robot tiên tiến và (8) chế tạo đắp lớp (Additive Manufacturing).

Dự kiến, các mô hình kinh doanh mới sẽ giúp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí năng suất cho DN. Các công nghệ này có thể tạo nên giá trị kinh tế đáng kể đối với các DN và Chính phủ Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Nhiều ví dụ thực tế đã cho thấy công nghệ số giúp tăng năng suất trong hàng loạt lĩnh vực tại Việt Nam. FPT hợp tác với Fujitsu để triển khai công nghệ nông nghiệp chính xác "Akisai", một công nghệ giúp theo dõi khu vực canh tác theo thời gian thực bằng các cảm biến. Công nghệ này đã giúp trồng được cà chua với mật độ dày là 4.000 - 6.000 cây/1.000m2, trong đó lượng chất chống oxy hóa cao gấp 3 lần so với cà chua thông thường. Hay trường hợp về nhà kho thông minh của Vinamilk do công ty Schafer cung cấp được trang bị các hệ thống phương tiện tự hành định hướng bằng công nghệ laser, giúp tối ưu hóa chất lượng và chi phí. Từ khi triển khai công nghệ này, năng suất đã tăng gấp 3 lần và giờ đây, Vinamilk sản xuất 1,2 tỷ thành phẩm hằng năm

Đòn bẩy chính sách giúp hiện thực hóa tiềm năng kinh tế số Việt Nam

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù có nhiều thuận lợi nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số rào cản để có thể khai thác tối đa các lợi ích công nghệ số. Những rào cản này bao gồm: Các quy định pháp lý có thể hạn chế Việt Nam đạt đến tiềm năng tối đa của hệ sinh thái công nghệ trong nước, hạn chế khả năng kết nối số, cũng như thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số hay các vấn đề về kết nối.

"Đây là những rào cản trọng yếu cần được giải quyết để Việt Nam có thể khai thác tối đa tiềm năng kinh tế của mình bằng công nghệ", báo cáo nêu.

Để hướng tới nền kinh tế không cần tiếp xúc và trở thành nền kinh tế bậc cao, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) Jacques Morisset khuyến nghị, cần tập trung 3 ưu tiên để khai thác CĐS: nâng cấp kỹ năng số cho người lao động, khuyến khích các DN đổi mới sáng tạo và tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin.

Theo báo cáo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" của AlphaBeta, có 3 trụ cột hành động để Việt Nam nắm bắt tối đa cơ hội do CĐS mang đến. Đầu tiên là phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước. Các quy định chuyển giao công nghệ quốc tế và cải tiến cơ sở hạ tầng số đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số trong nước. Việt Nam có thể tiến xa hơn trong việc giải quyết những khoảng trống về phạm vi bao phủ của cơ sở hạ tầng số, cũng như rào cản pháp lý mà các nhà lập trình trong nước đang phải đối mặt, giúp họ kinh doanh dễ dàng hơn.

Thứ hai là nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên. Chính phủ cần tập trung mạnh mẽ vào việc trang bị cho nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai các kỹ năng số cần thiết để tiếp cận các cơ hội kỹ thuật số.

Thứ ba là phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số. Điều này đòi hỏi thúc đẩy dòng dữ liệu xuyên biên giới mở, nới lỏng chính sách hạn chế về dữ liệu, khuyến khích khả năng tương tác của các khuôn khổ kỹ thuật số và giảm thiểu xung đột biên giới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Mở khoá tiềm năng kinh tế số Việt Nam thông qua đòn bẩy chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO