Một số trao đổi về chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo

Lâm Việt Tùng| 04/06/2020 10:27
Lâm Việt Tùng
Chuyên gia tư vấn CNTT - Viễn thông cho Vodafone Z

Bài viết này tập trung trao đổi chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bởi như Bác Hồ nói "vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".

Vai trò của ngành CNTT vô cùng quan trọng, là công cụ không thể thiếu được trong chuyển đổi số quốc gia và cần những con người có khả năng tư duy tốt, được đào tạo bài bản, nắm bắt công nghệ tiên tiến, đồng thời biết phân tích và dịch các yêu cầu kinh doanh thành các chức năng CNTT. Để từ đó, các lập trình viên có thể phát triển, mô hình hóa, khái quát hóa các cơ sở dữ liệu, thiết kế kiến trúc hệ thống CNTT trên những nền tảng phức tạp như điện toán đám mây (ĐTĐM), dữ liệu lớn… bắt kịp với những công nghệ số mới nhất.

Chúng ta mới giáo dục "thích" nhưng chưa "yêu" CNTT

Chúng ta có quyền tự hào về truyền thống hiếu học của dân tộc ta, về Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của Flappy Bird, người đã làm "nóng" thế giới trong tháng 5/2013. Cái tên Việt Nam nổi lên như một hiện tượng mới trong CNTT. Rất tiếc Flappy Bird chỉ là ngôi sao băng, sáng lên trong giây lát rồi biến mất, không kèn, không trống, nhưng khẳng định cho thế giới rằng: "Chúng ta có thể".

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có rất nhiều người có bằng cấp cao trong CNTT, nhiều trường đại học (ĐH) đào tạo CNTT. Mặc dù tốn rất nhiều tiền và thời gian cho chuyện học hành, nhưng đầu ra lại rất khiêm tốn. Như Bộ trưởng Bộ TT&TT đã từng nói, chúng ta thiếu những sản phẩm "Made in Vietnam".

Lý giải việc này thế nào? Có phải chúng ta chỉ học để lấy bằng, mới giáo dục "thích" nhưng chưa "yêu" CNTT và chương trình đào tạo còn khô khan, lỗi thời, không nắm bắt kịp thời những xu hướng phát triển của thế giới, hay do DN nhà nước chỉ tin những sản phẩm nước ngoài, không tin người Việt có thể làm được, không ủng hộ các phần mềm.

Liệu có phải do các DN trong nước phát triển vì sính ngoại hay vì chất lượng và tài liệu của họ tốt hơn? Hay chúng ta chỉ đầu tư cho phần cứng nhưng lại quên mất lĩnh vực phần mềm vì các lãnh đạo không nhìn thấy và sờ được nó, thì khó quyết toán? Chúng ta có cần nhiều trường ĐH hay nhiều người có bằng CNTT hay không, khi có người có bằng thạc sĩ CNTT nhưng chưa viết được một chương trình nhỏ, không thoát khỏi vòng lặp vô tận từ 10dòng lệnh trong chương trình?

Tôi có thể khẳng định là không. Chúng ta cần có nhiều sản phẩm "Made in Vietnam" như Flappy Bird hay WhatsApp hay Facebook… và cũng như bóng đá phải được rèn luyện và đào tạo từ chương trình phổ thông tới ĐH, được làm việc thực tế, thì mới có thể giỏi và thành công được.

Chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT như thế nào?

Muốn làm được chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT, chúng ta cần phải xác định đâu là giá trị cốt lõi của ngành. Câu trả lời đơn giản, đó là GD&ĐT. Vậy ai là khách hàng của ngành, có phải là sinh viên không? Nếu là sinh viên, ngành đã làm gì để truyền cảm hứng, nâng cao trải nghiệm CNTT cho các em? Các em chỉ có mong muốn nhỏ nhoi là truy cập thông tin các môn học cũng không được vì Cổng thông tin điện tử của trường vừa chậm vừa thiếu.

Do đó, chúng ta cần nắm kỹ những điểm mạnh, điểm yếu, những thách thức và hiện trạng CNTT của các trường ĐH và cao đẳng (CĐ), để đưa ra được chiến lược chuyển đổi số cho ngành GD&ĐT. Từ xa, tôi chỉ phỏng vấn được một vài giáo viên bộ môn, nguyên trưởng khoa, đến hiệu phó trường của một số trường ĐH&CĐ nên không nắm được hết thông tin chi tiết như mong muốn.

Một số trao đổi về chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo - Ảnh 1.

Muốn làm được chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT, như đã viết, cần phải xác định cái gì là giá trị cốt lõi của ngành.

Có thể tóm tắt một cách khái quát như sau: Điểm mạnh của chúng ta là có số lượng trường lớn đào tạo CNTT, có mạng LAN đã kết nối Internet, có cổng thông tin điện tử. Các chương trình, giáo trình, giáo án, học liệu được chia sẻ qua hệ quản lý văn bản và tài liệu hay Google drive. Thông tin của học sinh và giáo viên được tin học hóa phần nào và tận dụng tốt các phần mềm mã nguồn mở.

Điểm yếu của chúng ta là kết nối Internet của nhiều trường còn chậm, không có hệ quản lý học sinh hay giáo viên tập trung, rất ít trường có cổng thông tin điện tử tốt, được cập nhật thường xuyên hay thư viện số, hệ thống quản lý tài liệu tập trung để lưu trữ chương trình, giáo trình, giáo án, học liệu… và sách nghiên cứu. Các dữ liệu không được sao lưu, các hệ thống không có khả năng vận hành 100%, kể các khi thảm họa xảy ra như cháy, lũ lụt, hay bị virus xóa, hay tin tặc cưỡng chiếm dữ liệu. Chính vì vậy, có trường ĐH có hệ thống quản lý tài liệu nhưng vẫn dùng giấy vì một ngày mát trời Trung tâm CNTT thông báo tất cả dữ liệu đã bị mất và không có sao lưu.

Về cơ hội, chương trình chuyển đổi số quốc gia yêu cầu rất lớn số lượng người nắm bắt được công nghệ số mới. Có rất nhiều chương trình mã nguồn mở, miễn phí, như các nền tảng dữ liệu lớn, điện toán đám mây (ĐTĐM) chất lượng tốt, an toàn, có thể chia sẻ tài nguyên, giảm chi phí phát triển.

Về thách thức, các chương trình, giáo trình không theo kịp các xu hướng mới trong CNTT. Các giáo trình bị sao chép từ Google drive, nhiều thông tin nhạy cảm và nghiên cứu có giá trị của nhiều trường bị "phơi" trên các email server, trang chia sẻ tài liệu miễn phí. Nhiều giáo viên không đủ trình độ hoặc bắt kịp với các phương thức giảng dạy có sử dụng công nghệ. Hoặc bản thân họ có sức ỳ lớn, không muốn thay đổi.

Vì thế việc áp dụng công nghệ đồng bộ trong toàn trường gặp khó khăn. Số giáo viên có khả năng lên lớp giảng công nghệ số mới và các cơ sở thực hành có thể cài đặt được nền tảng điện toán đám mây, hay dữ liệu lớn… hiếm như sao buổi sớm, do điều kiện cơ sở vật chất không có, như trang bị máy tính chưa đồng đều ở các trường.

Chính vì thế, chiến lược phát triển chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT, nên tiếp tục phát huy các điểm mạnh, khắc phục các điểm yếu, nắm bắt cơ hội chuyển đổi số quốc gia, giải quyết tận gốc các thách thức, dựa theo kinh phí cho phép, để hái những trái cây gần gốc nhất, lấy ngắn nuôi dài, mang lại niềm tin cho mọi người. Tất cả những công việc đó cần được sắp xếp thành các dự án theo trình tự quan trọng, thời gian và kinh phí cho phép.

Tôi không có cơ hội thảo luận trực tiếp những đề nghị của mình với những lãnh đạo của các trường hay bộ ngành để có thể đề nghị một chiến lược chuyển đổi số khả thi cho ngành GD&ĐT nhưng có thể đề nghị như sau:

Lập chương trình đào tạo CNTT phù hợp đề án chuyển đổi số quốc gia theo các xu hướng mới của thế giới như IoT, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và máy học (AI&ML), AV/VR, bảo mật, chuỗi khối, chatbot, Increased Accessibility… Tuy nhiên, cần hoàn thiện từ điển số tiếng Việt và từ đồng nghĩa vì là điều kiện cần thiết để phát triển chatbot, kết hợp với các ngành khác như thiết kế, chế tạo thiết bị số, viễn thông, điện tử,… thành hệ sinh thái đào tạo thống nhất, để kết nối phần cứng với phần mềm thành những sản phẩm thông minh, tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, cần có chính sách, lộ trình bắt buộc giáo viên học tập nâng cao bồi dưỡng CNTT, nắm bắt được xu hướng các công nghệ số mới. Chúng ta có thể chuyển bài giảng từ dùng phấn, bảng, thành video, chơi mà học (Gamification) tới ứng dụng thực tế ảo (VR).

Triển khai nền tảng điện toán đám mây và học trực tuyến

Bộ GD&ĐT phải kết hợp với Bộ TT&TT, thiết kế và phát triển nền tảng ĐTĐM và Email server cho tất cả các trường ĐH&CĐ, nằm ở ba miền, nhưng liên kết với nhau để đảm bảo tất cả sự cố như cháy, tin tặc, mất điện… hệ thống vẫn vận hành. Cần có hệ thống xác thực, phân quyền truy cập, trực tuyến một cổng (SSO), cho tất cả hệ thống CNTT chạy trên đó, tốc độ Internet cao, đảm bảo an toàn thông tin, chống thư rác, virus, tin tặc và từ chối dịch vụ… Nền tảng này còn là nơi thử nghiệm cho những người muốn nghiên cứu, cài đặt và phát triển các phần mềm khác như dữ liệu lớn, chuỗi khối, IoT,…

Một số trao đổi về chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, cần phát triển cổng thông tin điện tử tập trung cho tất cả các trường ĐH&CĐ, trền nền tảng ĐTĐM nói trên, nhưng mỗi trường đều có tên miền riêng biệt, nội dung riêng, dễ thay đổi trực tuyến khi cần, và người dùng có thể truy cập từ bất cứ thiết bị nào trên Internet (Web Portal, Multi- tenant, CMS). Các trường có thể đưa các Cổng hiện tại lên đây khi chưa có hệ thống Cổng thông tin điện tử tập trung và tiếp tục cải thiện các cổng này như bài tập thực hành cho các sinh viên.

Tiếp theo, cần phát triển hệ thống quản lýhọc sinh tập trung cho tất cả các trường ĐH&CĐ trên nền tảng ĐTĐM, quản lý dữ liệu các cơ sở dữ liệu sinh viên, bao gồm: thông tin tham dự, hành vi, sức khỏe, cũng như lưu trữ kết quả và đánh giá quá trình học tập; Phát triển hệ thống quản lý tài liệu, văn bản, chương trình, giáo trình, giáo án, học liệu, phim, ảnh, tạp chí, thư viện số… tập trung cho tất cả các trường ĐH&CĐ, trên nền tảng ĐTĐM, dữ liệu lớn, tìm kiếm theo tiêu đề và nội dung ví dụ dùng Elastic Search.

Ngoài ra, cần phát triển hệ thống chống sao chép tập trung cho tất cả các trường ĐH&CĐ, trên nền tảng ĐTĐM, dữ liệu lớn, áp dụng các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt cũng như tìm kiếm thông minh.

Cuối cùng, chúng ta cần phát triển hệ thống học trực tuyến tập trung cho tất các trường ĐH&CĐ, trên nền tảng ĐTĐM. Nó rất cần thiết khi dịch bệnh hoành hành hay thảm họa môi trường xảy ra phải cách ly, giúp mọi người có thể học bất cứ lúc nào, ở đâu, đồng thời giảm chi phí đi lại và ô nhiễm môi trường. Tất nhiên, Bộ GD&ĐT cần ban hành lang pháp lý để học trực tuyến và phát triển hệ thống đánh giá sinh viên tập trung với tiêu chí linh hoạt cho từng ngành, trên nền tảng ĐTĐM và phát triển hệ thống thi trực tuyến sử dụng web, camera, micro trên nền tảng ĐTĐM.

Nếu để tất các trường tự phát triển các hệ thống riêng biệt như đã nói trên,không tập trung, không dùng nền tảng ĐTĐM thì mỗi trường phải có một Trung tâm CNTT để tự phát triển và vận hành. Như vậy sẽ rất tốn kém, không đảm bảo chất lượng và mất nhiều thời gian.

Theo Quyết định số 37 của Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH&CĐ, giai đoạn 2006-2020, đến năm 2020, cả nước có 460 trường ĐH&CĐ. Với phép toán nhân đơn giản sẽ cho ta thấy cần một kinh phí khổng lồ để thực hiện chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT. Có lẽ sẽ có ý kiến cho rằng, điều này sẽ mất quyền tự quyết của các trường, nguy cơ chết ở một nút rất cao, nhưng nếu thực sự xảy ra điều đó thì Amazon hay Facebook đã không bao giờ dùng nền tảng ĐTĐM.

Vấn đề là thiết kế kiến trúc hệ thống CNTT, quản lý dự án và sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo, kết hợp giữa các bộ ngành, chúng ta có thể làm được, để chia sẻ tài nguyên, giảm chi phí phát triển, vận hành, chất lượng truy cập thông tin tốt hơn. Các trường trên thế giới chưa làm được mô hình phát triển các hệ quản lý GD&ĐT tập trung cho tất cả các trường ĐH&CĐ trên nền tảng ĐTĐM nhưng tôi tin tưởngchúng ta có thể làm được.

Một số trao đổi về chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo - Ảnh 3.

Sinh viên Học viện công nghệ BCVT

Nếu chúng ta làm được thì sẽ là sự thay đổi rất lớn ở Việt Nam, mang lợi ích thiết thực cho sinh viên, giáo viên và cán bộ quản lý, giúp tiếp cận với thông tin cần thiết ở bất cứ đâu, nơi nào, bằng bất cứ thiết bị nào và trang bị những kiến thức cần thiết cho chuyển đổi số quốc gia.Những cán bộ nghiên cứu có thể thực hành những ý tưởng của mình trên dữ liệu lớn hay AI,…; nhà trường sẽ quản lý tốt hơn, minh bạch hơn, tiết kiệm hơn và chất lượng giáo dục được nâng cao.

Bộ GD&ĐT cũng phải thay đổi các quy trình: quản lý truyền thống sang trực tuyến, từ lưu trữ trên giấy tờ lên hệ quản lý tài liệu, cơ cấu tổ chức, vận hành toàn bộ hệ thống CNTT và kinh phí sẽ được tiết kiệm hơn. Và các khách hàng của Bộ GD&ĐT sẽ rất hạnh phúc với những trải nghiệm mới, đó là những lợi ích to lớn mà chuyển đổi số mang lại./.

  • Lâm Việt Tùng
    Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; phát triển hạ tầng cơ sở số cho Chính phủ số… là hạ tầng số không thể thiếu được trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, công nghiệp hiện đại và nông nghiệp thông minh… trong tương lai.
  • Lâm Việt Tùng
    Kinh tế số đã chứng minh khả năng phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Với sự phát triển của các công nghệ mới như AI, 5G và Internet vạn vật (IoT), kinh tế số sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới và khẳng định vị thế là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.
  • Lâm Việt Tùng
    Trong những năm gần đây, thế giới ngày càng quan tâm đến tác động tiêu cực của các hoạt động của con người đối với môi trường, bao gồm biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Để đối phó với những thách thức này, khái niệm “chuyển đổi xanh song sinh” (Twin Transitions Green) đã nổi lên như một giải pháp tiềm năng để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững.
  • Lâm Việt Tùng
    Sáng tạo và đổi mới là những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của chuyển đổi số (CĐS). Sáng tạo giúp các doanh nghiệp (DN) và quốc gia tìm ra những cách làm mới để sử dụng công nghệ số nhằm giải quyết các vấn đề và tạo ra giá trị mới. Đổi mới giúp các DN và quốc gia biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực.
  • Lâm Việt Tùng
    Kinh tế số chính là chìa khóa giúp chúng ta khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Xem thêm
Bài khác
Một số trao đổi về chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO