Make in Vietnam

Nền tảng cảng biển Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm tương đương của nước ngoài

QA 13/10/2024 10:06

Hệ thống quản lý điều hành cảng VTOS “Make in Viet Nam” đã được triển khai tại 45 cảng biển trên cả nước, góp phần chuyển đổi số cảng biển Việt Nam.

Triển khai VTOS chuyển đổi số cảng biển Việt Nam

Chuyển đổi số (CĐS) các cảng biển là xu hướng phát triển hiện nay, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển và phát triển logistics.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 170 cảng biển container, tuy nhiên, mới chỉ có 25% doanh nghiệp (DN) kho/bãi/cảng đầu tư vào ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), vì vậy, hiệu quả hoạt động vận hành cảng còn thấp. Việt Nam có số lượng lớn các cảng cạn (cảng IDC, depot) cần ứng dụng công nghệ. Đây là thị trường tiềm năng cho DN Make in Viet Nam.

Triển khai CĐS cảng biển hiện đại góp phần thu hút sự quan tâm đầu tư từ nước ngoài. Cảng biển của Singapore hiện nay đã đón được siêu tàu trên 22.000 TEUS (đơn vị đo lường tương đương 1 container 20 feet tiêu chuẩn), một lệnh giao nhận container cần qua 1 - 2 điểm dừng, thực hiện trong 2 - 3 phút.

Tại Việt Nam, thời gian trung bình cho một lệnh giao nhận container cần qua 11 điểm dừng, cần 6 - 8 giờ để hoàn thành. Hiện nay, đã có một số cảng tại Việt Nam triển khai VTOS (Vietnam Terminal Operating System) đạt được năng lực giao nhận không dừng, vượt trội hơn Singapore, Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Nhằm góp phần triển khai CĐS cảng biển Việt Nam, Công ty TNHH Dịch vụ Tin học CEH đã tiên phong phát triển, ứng dụng các giải pháp hiện đại như giải pháp điều hành cảng biển, giải pháp ePort, SmartGate ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng tích hợp, kết nối các cảng biển, tích hợp xác thực định danh Đề án 06, sử dụng bản đồ số quốc gia… hướng tới hình thành hệ sinh thái CĐS cảng biển. Công ty đã ứng dụng công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR), AI, tích hợp và triển khai và thực tế khai thác nhằm tăng năng suất, sản lượng, giảm chi phí và nhân sự cho DN.

Đáng lưu ý là vào năm 2021, CEH mới triển khai giải pháp được cho 1 cảng. Nhưng chỉ trong 2 năm, với cách làm quyết liệt, đột phá, CEH đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, CEH đã triển khai giải pháp VTOS cho 45 cảng trên toàn quốc, dẫn đầu thị phần CĐS cảng biển. Định hướng từ nay tới năm 2025, VTOS dự kiến được triển khai phục vụ nhu cầu ứng dụng CNTT, CĐS cho khoảng 75% cảng biển tại Việt Nam. Đây là mục tiêu thách thức nhưng rất khả thi.

vtos-2.jpg

Góp phần thúc đẩy Make in Viet Nam, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm tương đương của nước ngoài

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, ông Tạ Minh Vang, Chủ tịch HĐTV CEH, giải pháp VTOS được phát triển tính năng theo khai thác thực tế, bổ sung tiện ích nhanh theo quy trình thực tế. Công ty cũng thực hiện nhiều sản phẩm khác ngoài TOS, giúp vận hành linh hoạt, phù hợp với đặc thù riêng của từng cảng. Đây là thế mạnh của sản phẩm Make in Viet Nam so với sản phẩm nước ngoài.

Chính vì vậy, VTOS đã dần thay thế các giải pháp nước ngoài tại Việt Nam với chất lượng tương đương, giá cả chỉ bằng 10 - 20%. Nhiều DN cảng (bao gồm cả các cảng lớn) đang dần dịch chuyển từ sử dụng giải pháp nước ngoài (Úc, Hàn Quốc…) sang sử dụng sản phẩm VTOS Make in Viet Nam. Chiến lược của CEH là làm chủ công nghệ, triển khai với chi phí hợp lý với chất lượng tương đương.

Thời gian triển khai VTOS nhanh, chỉ vào khoảng 6 - 8 tuần, trong khi đó các giải pháp TOS của nước ngoài cần 52 - 56 tuần. CEH tổ chức đào tạo đội ngũ sử dụng được ngay mà không phải phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài (nếu mua giải pháp nước ngoài). Nhờ đó, thời gian triển khai được rút ngắn đến gần 90%, giúp cho DN cảng gần như có thể khai thác được ngay, tăng hiệu quả đầu tư.

Từ góc độ làm chủ công nghệ, CEH đã làm chủ công nghệ 100%. CEH sẵn sàng “may đo” tính năng theo nhu cầu đặc thù của từng cảng. Việc làm chủ công nghệ này có ý nghĩa lớn, giải quyết vấn đề “phụ thuộc nhà cung cấp” (vendor lockin), trong đó, DN cảng đang phải trả một khoản phí khá lớn (khoảng 5% phí đầu tư mỗi năm) để duy trì vận hành giải pháp nước ngoài, ông Tạ Minh Vang chia sẻ thêm.

Mới đây, ngày 8/10, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã kết hợp với CEH chính thức triển khai VTOS Plus tích hợp nền tảng cảng biển số Việt Nam (VSL).

cang-sai-gon.png
Cảng Sài Gòn (Ảnh:.saigonport.vn)

Năm 2022, VTOS đã đạt giải Nhất Cuộc thi tìm kiếm giải pháp CĐS Việt Nam. Năm 2023, CEH đã nhận được giải Đồng cho phần mềm Victory Terminal Operation System tại giải thưởng Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Kinh tế số do Bộ TT&TT tổ chức. Giải thưởng này là một phần của Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2023.

Ông Tạ Minh Vang cho biết, Giải thưởng sản phẩm kinh tế số Make in Viet Nam 2023 là một sự ghi nhận tích cực và góp phần tạo động lực phát triển cho CEH. Cùng với tính linh hoạt, VTOS là một giải pháp an toàn và ổn định có khả năng tích hợp với tất cả các hệ thống thông tin của cảng, hải quan, ngân hàng, hóa đơn điện tử, cung cấp thông tin kinh doanh quan trọng để quản lý hiệu quả các hoạt động của cảng.

Đi ra sân chơi khu vực và thế giới

Với những nỗ lực của công ty trong những năm qua, hiện có 5 hãng tàu lớn nhất thế giới là Maersk (Đan Mạch), MSC (Thụy Sĩ), CMA (Pháp), Emirate (Mỹ), CKLine (Hàn Quốc) và Tập Đoàn Gemadept Việt Nam là các đối tác với CEH.

"Đây là những nền tảng ban đầu để CEH tự tin đưa VTOS ra quốc tế, bởi đã chinh phục được những khách hàng lớn, khó tính như Maersk hay MSC, thì việc “go global” (đi ra toàn cầu) chỉ là vấn đề thời gian", ông Tạ Minh Vang chia sẻ thêm./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng cảng biển Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm tương đương của nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO