Ngân hàng số - Sáng tạo hơn nhưng phải an toàn hơn

Minh Thiện| 26/11/2019 08:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngân hàng số ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Chi phí điều hành ngân hàng số rất tiết kiệm nhưng phải luôn đề phòng những lỗ hổng trong hệ thống thông tin.

Ngành tài chính - ngân hàng đang nỗ lực chuyển đổi số

Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam có 63% người trưởng thành (trên 15 tuổi) đã có tài khoản tại ngân hàng. Số liệu này được thống kê trên toàn bộ số người mở tài khoản tại các ngân hàng đã lọc đi những trường hợp trùng số chứng minh nhân dân (CMND), hộ chiếu. Trước đó, một số tổ chức quốc tế, các chuyên gia thường lấy số liệu từ Ngân hàng thế giới (WB) cho biết "hiện mới 31% người Việt có tài khoản ngân hàng".

Từ năm 1995 trở lại đây, chỉ 4% thế hệ Z (sinh sau năm 1995) là khách hàng của ngân hàng. Trong 10 năm tới, thế hệ Z sẽ chiếm 40% dân số và giao tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ gần như hoàn toàn bằng thiết bị di động, là tập khách hàng đầy tiềm năng.

Những tiến bộ trong công nghệ tài chính (fintech) đều được các ngân hàng Việt Nam nhanh chóng phát triển ứng dụng như: thanh toán qua di động, qua mã QR chuẩn hóa, ví điện tử, số hóa thông tin thẻ - Tokenization, thanh toán thẻ chíp đối với thẻ nội địa…

Những chuyển đổi mạnh mẽ này đã giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới mọi người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Theo thống kê của NHNN, hiện nay đã có khoảng 76 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 TCTD triển khai dịch vụ thanh toán qua di động, trong đó 24 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code. Toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Về xu hướng phát triển, có tới 92% ngân hàng xây dựng chiến lược phát triển về ứng dụng trên Internet và thiết bị di động, 64% quan tâm đến chiến lược công nghệ điện toán đám mây, 48% đề cập đến chiến lược tự động hóa lao động tri thức, 16% chú ý đến chiến lược Internet vạn vật (IoT).

Trong bối cảnh đó, để có thể cạnh tranh và phát triển thì chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu. Với số dân hơn 96 triệu người, trong đó tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh chiếm hơn 55% dân số, và khoảng 45,8 triệu người có tài khoản ngân hàng thì tiềm năng để phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam là rất lớn.

Linh hoạt và hiệu quả

Ông Alex Kling, Giám đốc Ngân hàng số EY Singapore, tại sự kiện FPT Techday 2019, đã phân tích về xu hướng sử dụng ngân hàng số trên thế giới. Ông nhận định: “Hoạt động của ngành ngân hàng đang đi từ mô hình truyền thống với các giao dịch vật lý sang mô hình ngân hàng số với những hoạt động chủ yếu trên điện thoại và máy tính”.

Ngân hàng số có thể mang dịch vụ đến cho mọi người thông qua thiết bị di động. Không những thế, mô hình ngân hàng này còn cho phép người dùng được đặt mục tiêu tài chính, thiết lập và hướng họ hoàn thành mục tiêu. Ngân hàng số mang đến các trải nghiệm công nghệ cao như: mua đồ không cần tiền mặt, sử dụng robot hay livechat.

Cách vận hành ngân hàng số (virtual bank) hướng đến mọi đối tượng khách hàng, tìm hiểu về nhu cầu của khách hàng và tìm mọi cách để thỏa mãn những nhu cầu của họ. Khách hàng không tương tác với con người mà là tương tác với máy móc với hệ thống công nghệ xử lý bằng AI.  

Chi phí điều hành ngân hàng số rất tiết kiệm, vì vậy họ có cách điều hành và quản lý khác biệt, dựa trên sự tự động hóa cao. Ngành ngân hàng có thể dùng công nghệ điện toán đám mây. Ngân hàng số còn có thể đưa ra gợi ý các gói giao dịch khách hàng ưa thích dựa trên giao dịch khách hàng .

Nhân viên của ngân hàng số không phải là nhân viên truyền thống mà phần lớn các hoạt động sẽ do các kỹ sư điều hành. Hiện nay, tại Anh, ngân hàng số được ứng dụng rộng rãi, có thể là rộng nhất trên thế giới với 3 mô hình thành công. Số lượng tổ chức với lượng khách tham gia giao dịch ngân hàng số ngày càng tăng.

Với công nghệ hiện nay, người ta có thể làm ra các sản phẩm đồ họa để khuyến khích người dùng gia nhập hệ thống ngân hàng nhanh chóng hơn. 

Sẵn sàng phương án đối phó rủi ro an toàn thông tin (ATTT)

Trong sự kiện FPT Techday 2019 vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Robert Trọng Trân, Trưởng dịch vụ tư vấn an ninh mạng EY Việt Nam nhận định về tình hình an ninh mạng trên thế giới: "Khi chúng ta càng bước sâu vào thời đại số, sẽ càng có nhiều điểm yếu trong hệ thống thông tin doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị tấn công. Cách đây vài năm chúng ta đã bắt đầu nghe thấy một số vụ tấn công vào hệ thống thông tin khách hàng và hoạt động này càng ngày càng nguy hiểm hơn", ông nói.

Ông Robert Trọng Trân

Theo ông Trọng Trân, cứ 100 công ty Fintech thế giới thì có đến 98 công ty có lỗ hổng về bảo mật thông tin. Ngân hàng số ngày càng được áp dụng rộng rãi. Khi chúng ta áp dụng những công nghệ số bị lỗi này vào ngân hàng thì cũng đồng nghĩa với việc tạo lỗ hổng trong hệ thống thông tin. Đặc biệt với các sản phẩm mà sự phân quyền không chắc chắn, khả năng bị tin tặc (hacker) tấn công thậm chí còn cao hơn. 

“Nếu chúng ta dùng máy học (machine learning) để nâng cao trải nghiệm khách hàng, hacker cũng có thể dùng machine learing để tham gia và các hoạt động này ngày càng khó phát hiện hơn. Không có bất cứ công ty nào 100% ATTT. Vì vậy, chúng ta buộc phải chấp nhận rủi ro khi sống trong thời đại số”, ông Trọng Trân chia sẻ

Trước khi muốn quản lý ATTT, các công ty phải có một chiến lược bảo vệ thông tin. Mỗi khi mua sắm trong đời sống hay sử dụng ngân hàng số vào doanh nghiệp, chiến lược bảo về thông tin là quan trọng hàng đầu và phải rõ ràng.

Rủi ro về ATTT không nên là cản trở bước vào môi trường số. Chúng ta bắt buộc phải đặt an toàn số vào hoạt động của mình để cho dù sự tấn công có xảy ra, thì chúng ta cũng phải sẵn sàng và tự đặt câu hỏi bao nhiêu lâu ngân hàng có thể hoạt động bình thường.

Sáng tạo hơn nhưng phải an toàn hơn

Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, khẳng định: “Nếu chúng ta coi mục tiêu của chuyển đổi số là phát triển quốc gia hùng cường, động lực của chuyển đổi số là thể chế, là công nghệ và đổi mới sáng tạo thì tiền đề của chuyển đổi số chính là an toàn, an ninh không gian mạng. Việt Nam muốn dựa vào chuyển đổi số để phát triển thành quốc gia hùng cường thì Việt Nam phải là cường quốc về an ninh mạng để đảm bảo an toàn cho quá trình này, tạo niềm tin số cho mọi người”.

Ứng dụng phù hợp công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn đảm bảo an toàn an ninh mạng. Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) - cho biết: “TPBank đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào gần như toàn bộ các hoạt động của ngân hàng. Trong đó có một số công nghệ đặc biệt sử dụng sâu rộng như Big Data, sinh trắc học và cổng giao tiếp mở”.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank

Điện toán đám mây (Big Data) đã thành công giúp ngân hàng phân tích hành vi khách hàng, lưu trữ dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc. Big Data đã được TPBank áp dụng trong việc phân tích hành vi để xem xét và phê duyệt cho vay. Trong thời gian tới, việc xét duyệt tín dụng hoặc vay tiên doanh nghiệp cũng sẽ được thực hiện bởi công nghệ này để mang đến hiệu quả và năng suất cao hơn. 

Ứng dụng sinh trắc học giúp TPBank xác thực khách hàng, bảo mật thông tin khách hàng. Nhận diện vân tay, khuôn mặt, mống mắt được áp dựng EQIC, giúp khách hàng không phải ra quầy, không cần tương tác trực tiếp với ngân hàng, sự tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn.

Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng TPBank, cho biết thêm:  Với công nghệ này, tính an toàn sẽ cao hơn, tránh tối đa rủi ro lừa đảo cho khách hàng. TPBank đã ứng dụng công nghệ này tại Livebank, nhận diện khuôn mặt, vân tay, rút tiền, gửi tiền không cần chứng minh thư, không cần thẻ, không sợ bị lộ thông tin cá nhân.

“Sắp tới, ngân hàng sẽ ứng dụng nhận diện giọng nói khách hàng, hoặc khách hàng dùng OTP, đọc lại và nhận diện”, ông Trần Hoài Nam chia sẻ.

Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng TPBank

Open API là cổng giao tiếp thống nhất cung cấp các sản phẩm ngân hàng cho các đối tác như các ví điện tử hay ứng dụng tài chính. Các đối tác có thể lấy được thông tin để kết nối với ngân hàng một cách dễ dàng.

TPBank cũng tạo ra môi trường, phong tỏa riêng một khu để các đối tác thử nghiệm hoạt động tài chính, để họ lấy thông tin về tỷ giá, lãi suất, liên kết tài khoản khi khách hàng cho phép mà vẫn đảm bảo các yếu tố pháp lý. 

Việc khởi động thông minh là rất quan trọng với ngành ngân hàng, "Chúng tôi đã khởi động từ rất lâu và hiện nay đã nhìn thấy rất nhiều lợi ích của bước đi này. Trải nghiệm số đã "thấm đẫm" trong các hoạt động của TPBank", đại diện TPBank nhấn mạnh.

Các đổi mới sáng tạo tài chính hiện nay đang tạo ra những sản phẩm dịch vụ hay quy trình mới vượt ra ngoài những phạm vi của pháp luật hiện hành. Tính chất phức tạp và sự phát triển quá nhanh của công nghệ tài chính cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho các nhà hoạch định chính sách không chỉ tại các nước đang phát triển mà ngay tại những nước phát triển.

Những đổi mới mang tính cách mạng này là chưa có tiền lệ, do đó chưa có một khung khổ thống nhất, chuẩn mực để ứng xử với những thay đổi này. Các quốc gia khác nhau có những cách phản ứng và ứng xử khác nhau.

Tuy nhiên, tất cả các nước trên thế giới đều đang đứng trước áp lực phải có khung pháp lý phù hợp cân bằng được cả hai mục tiêu: thứ nhất là kịp thời hỗ trợ đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh ứng dụng các đổi mới sáng tạo này vào cuộc sống; thứ hai là đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo ATTT cho các bên tham gia trên thị trường đặc biệt là người tiêu dùng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng số - Sáng tạo hơn nhưng phải an toàn hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO