Các mục tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ Tài chính giai đoạn 2016 - 2020 đã hoàn thành. Hiện nay, ngành Hải quan bắt đầu thực hiện kế hoạch CĐS toàn diện mọi hoạt động nghiệp vụ.
Hiện trạng hệ thống xử lý thông tin của hải quan Việt Nam
Đến thời điểm hiện nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đạt 88%, các DVCTT được cung cấp qua mạng Internet trên thiết bị máy tính cá nhân, trong đó thủ tục hải quan hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động ở mức độ rất cao, hơn 99,65% doanh nghiệp (DN) tham gia; thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử tại 100% các đơn vị hải quan trên toàn quốc; thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan; triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với DN kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan...
Tổng cục Hải quan đã xây dựng và quản lý, vận hành 02 trung tâm dữ liệu. Trung tâm dữ liệu chính hiện đang quản lý, vận hành 21 hệ thống CNTT nghiệp vụ cốt lõi của ngành Hải quan như: thông quan, thu thuế xuất nhập khẩu, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan...
Theo Tổng cục Hải quan hiện có 249 thủ tục hành chính (TTHC) của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với trên 4,9 triệu bộ hồ sơ của hơn 54,8 nghìn DN. 431 loại thông tin của 21 bộ, ngành sẽ được kết nối qua Cơ chế một cửa quốc gia. Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippin). Bên cạnh đó, hiện nay, Tổng cục Hải quan cũng đang phối hợp với các bộ, ngành đàm phán để hoàn thiện các nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.
Đến nay, 100% hoạt động thống kê hải quan từ khâu thu thập, xử lý, phân tích, báo cáo và phổ biến sản phẩm thống kê nhà nước về hải quan đã được ứng dụng CNTT. Với những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2016 - 2022, thống kê hải quan được đánh giá là cơ quan thống kê hàng đầu trong hệ thống thống kê bộ, ngành. Bên cạnh đó, vai trò và vị trí của thống kê hải quan trong ASEAN ngày càng được nâng cao, được các chuyên gia quốc tế đánh giá thuộc nhóm 4 nước hàng đầu trong ASEAN về thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hạ tầng thiết bị kỹ thuật CNTT đã được Tổng cục Hải quan chú trọng quy hoạch, đầu tư nâng cấp đồng bộ theo nhiều giai đoạn theo mô hình xử lý tập trung. Tương ứng với các hệ thống này, Tổng cục Hải quan đã xây dựng được 14 loại dữ liệu chuyên ngành và được vận hành trên các hệ quản trị cơ sở dữ liệu (CSDL) gồm: Oracle, SQL, Netezza, PostgreSQL và Mongo DB. Các dữ liệu của các hệ thống được lưu trữ và quản trị tại trung tâm quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan (trừ dữ liệu của phần mềm đầu cuối DN). Đồng thời, Tổng cục Hải quan đang thực hiện thủ tục thuê dịch vụ hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số, trong đó đã bao gồm nội dung xây dựng CSDL tập trung, thống nhất của ngành Hải quan.
Một số tồn tại hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, hệ thống CNTT hiện nay của ngành Hải quan vẫn còn bộc lộ các tồn tại, hạn chế sau: Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS là hệ thống CNTT cốt lõi, quan trọng nhất của Tổng cục Hải quan (do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại triển khai chính thức từ ngày 01/4/2014) mới đáp ứng yêu cầu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh, tức là chỉ đáp ứng được một khâu trong quy trình quản lý nhà nước (QLNN) về hải quan.
Do đó, để thực hiện quản lý các lĩnh vực và các nghiệp vụ hải quan khác, đặc biệt là các yêu cầu quản lý phát sinh mới, trải qua các năm từ 2014 đến nay, Tổng cục Hải quan đã phải xây dựng và duy trì thêm khoảng 20 hệ thống CNTT vệ tinh (do Tổng cục Hải quan xây dựng) hoạt động song song cùng hệ thống này. Do không được thiết kế đồng bộ nên hệ thống CNTT của ngành Hải quan hiện nay có tính liên kết yếu, khó tích hợp chức năng cũng như cung cấp dữ liệu mang tính tổng hợp cho các vị trí công việc, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý nghiệp vụ (như IoT, AI, big data...) không thể thực hiện được. Vào những giờ cao điểm thường xảy ra tắc nghẽn cục bộ, hệ thống quá tải không xử lý được dữ liệu, tác động trực tiếp kéo dài thời gian thông quan. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan vẫn chưa được ứng dụng CNTT và tự động hóa một cách đầy đủ như thanh tra, kiểm tra, miễn, giảm, hoàn thuế...
Hệ thống VNACCS/VCIS được thiết kế từ năm 2014, các chức năng hỗ trợ khai thác, quản lý hải quan không đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ hiện nay; các trang thiết bị phần cứng đã lỗi thời không còn loại tương tự để thay thế và cũng không có hệ thống dự phòng, do đó sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào làm ảnh hưởng đến tính sẵn sàng của toàn hệ thống, làm tê liệt hoạt động xuất nhập khẩu, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn có những tồn tại, hạn chế sau:
Thông tin dữ liệu phân tán, chỉ phục vụ thực hiện TTHC đơn lẻ. Dữ liệu hồ sơ, chứng từ đã được DN khai báo chưa được kế thừa và tận dụng để thực hiện các TTHC khác liên quan tới DN.
Chưa số hóa đầy đủ và khai thác triệt để nhu cầu trao đổi thông tin giữa Cơ chế một cửa quốc gia và các bên liên quan; phần lớn do dữ liệu nằm phân tán và quy hoạch riêng rẽ theo lĩnh vực thực hiện TTHC ở từng bộ, ngành. Các yêu cầu thay đổi về chính sách đối với loại hàng hóa miễn kiểm, kiểm tra giảm quyết định bởi các đơn vị chuyên môn của bộ, ngành chưa có cơ chế và đồng bộ kịp thời về Cơ chế một cửa quốc gia dẫn đến công tác xử lý hồ sơ bị chậm; trong khi hoàn toàn có thể thực hiện đẩy nhanh quá trình này khi trao đổi thông tin giữa Cơ chế một cửa quốc gia và các hệ thống liên quan được thông suốt, đúng quy chuẩn. Chính hạn chế trong quá trình trao đổi dữ liệu dẫn đến việc khai thác, phân tích dữ liệu chưa hiệu quả, do đó chưa hỗ trợ được công tác chỉ đạo điều hành, phát hiện các điểm nghẽn về chính sách để có phương án xử lý.
Chưa chuẩn hóa, hệ thống dữ liệu phân tán và thiết lập bộ dữ liệu thương mại dùng chung qua Cơ chế một cửa quốc gia dẫn đến việc tích hợp thông tin liên quan đến DN, công tác xuất nhập khẩu bị hạn chế; đồng thời kéo dài theo khả năng sẵn sàng mở rộng nhu cầu tích hợp giữa Cơ chế một cửa quốc gia với các hệ thống thương mại quốc tế cũng bị hạn chế.
Chưa triển khai hệ thống giám sát, đo lường hiệu quả; không có công cụ trực quan. Đặc biệt hệ thống đo lường hiệu quả là công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả đầu tư cũng như xác định các “điểm yếu” để sẵn sàng phương án xử lý, tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống.
Hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan đã được phát triển từ nhiều năm trước, mới chỉ đáp ứng một phần số hóa và hầu như chưa ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0, không đáp ứng yêu cầu thực hiện nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính về đẩy mạnh CĐS và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 như: AI, big data, blockchain, IoT...
Kế hoạch CĐS giai đoạn 2021-2025
Đối chiếu với tiêu chí phân loại trình độ phát triển hải quan số do Tổ chức Hải quan thế giới đưa ra, hiện nay một số nội dung ứng dụng CNTT của Tổng cục Hải quan đã đạt ở mức 5/6, một số nội dung đạt mức 4/6 và một số ít nội dung đang đạt ở mức 3/6. Vì vậy, việc đẩy mạnh CĐS cũng là động lực quan trọng để Hải quan Việt Nam lên giai đoạn phát triển cao (mức 5, 6) theo mô hình phát triển hải quan số do Tổ chức Hải quan thế giới đưa ra, đồng thời tránh được nguy cơ tụt hậu so với hải quan các nước trên thế giới.
Trong giai đoạn 2021-2025, Tổng cục Hải quan xác định mục tiêu cụ thể như: Đẩy mạnh CĐS trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với CĐS của DN, các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN theo hướng tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành nghiệp vụ hải quan; các quy trình thủ tục hải quan đơn giản được số hóa tối đa; các lĩnh vực nghiệp vụ được tích hợp, liên thông, tự động hóa mức độ cao; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc CMCN lần thứ 4... với các trang thiết bị hiện đại nhằm giảm thiểu can thiệp của con người trong quá trình thông quan hàng hóa.
Hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin (ATTT) hệ thống. Theo đó, cùng với việc thực hiện đồng bộ CĐS trong Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, thủ tục hải quan được thực hiện giữa cơ quan hải quan và DN xuất nhập khẩu hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả nước, trong, sau thông quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, trong đó: 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số; 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa.
Quản lý nợ thuế được thực hiện hoàn toàn theo phương thức điện tử với phương pháp quản lý hiện đại. Thu thập, phân tích, đánh giá, xây dựng, sử dụng, quản lý CSDL tập trung thống nhất về mã số hàng hóa, thuế suất, trị giá hải quan, quản lý nợ thuế, hoàn thành nghĩa vụ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách; tự động quản lý nghĩa vụ thuế, tài chính trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh; tự động hóa việc áp dụng chính sách miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, thu thuế và không thu thuế đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật; quản lý thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo dựa trên CSDL lớn, phục vụ cho công tác thống kê và công tác chỉ đạo điều hành thống nhất; cải cách trong xây dựng biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu dưới dạng điện tử hóa, số hóa đảm bảo minh bạch.
Thúc đẩy mạnh mẽ CĐS phục vụ DN xuất nhập khẩu đồng bộ với CĐS trong công tác nghiệp vụ và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN trong đó tập trung triển khai 100% TTHC có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp DVCTT mức độ 4 cho người dân, DN và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Tích hợp DVCTT mức độ 4 có sự phù hợp về kỹ thuật công nghệ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đẩy mạnh CĐS trong công tác Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo đồng bộ với CĐS nghiệp vụ hải quan và DN theo hướng số hóa và xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...
Trong kế hoạch CĐS ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục Hải quan xác định giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, đẩy mạnh CĐS trong công tác nghiệp vụ hải quan với việc triển khai thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số theo Quyết định số 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thứ hai, đẩy mạnh CĐS gắn với việc phát triển hệ thống CNTT theo định hướng xử lý tập trung, đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Thứ ba, CĐS phục vụ DN xuất nhập khẩu và CĐS trong công tác quản lý nội ngành như: quản lý văn bản, hành chính; quản lý cán bộ, kế toán nội ngành...
Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên, ngành Hải quan còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng khác trong kế hoạch CĐS như: Xây dựng CSDL quốc gia về hải quan; phát triển các hệ thống nền tảng đáp ứng yêu cầu triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ số ngành Hải quan phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin nội ngành theo mô hình kết nối chia sẻ tập trung; xây dựng các dịch vụ nền tảng để triển khai chính phủ điện tử (CPĐT) cơ quan hải quan và hoàn thiện nền tảng cung cấp DVCTT.
Lợi ích của CĐS Hải quan Việt Nam
Việc đẩy mạnh CĐS của ngành Hải quan mang lại lợi ích không chỉ đối với ngành Hải quan mà còn cho đất nước, cho hoạt động xuất nhập khẩu, DN, các bộ, ngành và các bên liên quan khác.
Đối với ngành Hải quan: Việc CĐS sẽ giúp ngành Hải quan đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả QLNN)về hải quan, nâng cao năng suất lao động của cán bộ, công chức hải quan; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, DN trong quá trình làm thủ tục hải quan. Đặc biệt, việc CĐSô giúp cho việc thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn trên môi trường số, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện thông qua hệ thống CNTT và nguồn dữ liệu với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các công nghệ mới như: AI, dữ liệu lớn... Các hoạt động nghiệp vụ hải quan được quản lý tự động trên môi trường số trước, trong và sau thông quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu tới khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Bên cạnh đó, việc thực hiện CĐS còn mang lại lợi ích khác như: Quá trình thực hiện các hoạt động quản lý hải quan hiệu quả nhờ năng suất lao động cao hơn cho cả cơ quan hải quan và các DN; sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn; giảm chi phí cho cả hải quan và các đối tác thương mại thông qua thông quan nhanh hàng hóa; thông tin kịp thời và chính xác hơn; khả năng kiểm soát tốt hơn; giảm tình trạng tắc nghẽn tại cảnh, sân bay.
Tự động hóa thủ tục hải quan gắn liền với trao đổi thông tin điện tử như dữ liệu về hàng hóa và khai báo về hàng hóa, cho phép xử lý thông tin trước khi hàng đến hoặc trước khi hàng đi. Xử lý thông tin thường xuyên trước khi hàng hóa thực tế vào lãnh thổ hải quan hoặc sắp rời lãnh thổ hải quan, cho phép cơ quan hải quan kiểm tra thông tin và tiến hành đánh giá rủi ro về hàng hóa. Với thông tin đã có sẵn, quyết định giải phóng hàng hóa có thể được thực hiện ngay khi hàng hóa nhờ sử dụng phương thức điện tử.
Khi hệ thống CNTT được cả cơ quan hải quan, các cơ quan pháp luật và các DN sử dụng hiệu quả thì tất cả các bên liên quan tới một giao dịch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có thể chuyển dữ liệu tới một hệ thống xử lý tập trung. Hải quan sẽ có thể gửi dữ liệu theo yêu cầu của các đơn vị thông quan tại cửa khẩu biên giới, tạo ra cho ngành Hải quan cơ chế thông quan “một cửa” nhanh chóng.
Việc thực hiện yêu cầu QLNN về hải quan một cách nhất quán, toàn bộ mọi giao dịch được xử lý theo cách thức thống nhất, bảo đảm áp dụng nhất quán các quy định luật pháp trong nước và đối xử ngang bằng với tất cả các đối tác thương mại.
Việc đẩy mạnh CĐS và tự động hóa quy trình thu thuế góp phần đảm bảo rằng thuế được thu và tính toán kịp thời. Các khoản nợ quá hạn hoặc nợ xấu có thể được xác định và xử lý nhanh chóng.
Phân tích dữ liệu chính xác hơn: Tự động hóa các hệ thống hải quan cho phép hải quan truy cập ngay lập tức các thông tin cập nhật và cùng với việc ứng dụng hệ thống thông tin quản lý, cơ quan hải quan có thể sử dụng thông tin này một cách hữu ích; Tự động hóa hải quan còn tạo khả năng kiểm soát sau kiểm tra hiệu quả hơn ở cả cấp độ cục hải quan và toàn quốc. Hệ thống CNTT cho phép người khai hải quan gửi đến hải quan dữ liệu một cách kịp thời. Dữ liệu được gửi và tiếp nhận theo phương thức điện tử chính xác hơn do trong hệ thống nhận thông tin tự động nhờ các chức năng kiểm tra.
Thống kê hải quan chính xác và kịp thời: Quá trình khai báo tự động diễn ra giúp cho số liệu thống kê thương mại đã có trong số liệu thống kê nhận được tại thời điểm xuất khẩu và nhập khẩu theo cách thức đã thiết lập. Nhờ đó, các cơ quan chính phủ khác có thể nhanh chóng thực hiện các biện pháp khi cần thiết.
Đối với DN: Thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Tạo thuận lợi cho DN trong quá trình làm thủ tục, cho phép DN khai báo và thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện. Chỉ thực hiện khai thông tin hàng hóa một lần để thực hiện nhiều TTHC thông qua hệ thống một cửa quốc gia. Nâng cao tính minh bạch, phòng chống tham nhũng, DN dễ dàng theo dõi tiến trình xử lý của các cơ quan QLNN trong chuỗi cung ứng.
Đối với các bộ, ngành và các bên liên quan: Việc CĐS của ngành Hải quan góp phần nâng cao năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong quản lý của các bộ, ngành, thúc đẩy hình thành CPĐT, chính phủ số ở Việt Nam cụ thể như sau: Các bộ, ngành và các bên liên quan được chia sẻ các thông tin về các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu thông qua hệ thống mà không phải đề nghị cơ quan hải quan cung cấp khi phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả QLNN nói chung, là cơ sở để phát triển CPĐT, Chính phủ số ở Việt Nam. Phối hợp cùng với cơ quan hải quan nâng cao hiệu quả QLNN đối với các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan, thông quan và sau khi thông quan; Thực hiện TTHC (cấp phép, kiểm tra chuyên ngành...) liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên một hệ thống qua đó góp phần cải cách TTHC, tiết kiệm chi phí trong việc xây dựng hệ thống CNTT.
Việc đẩy mạnh CĐS trong QLNN về hải quan là yêu cầu khách quan, không thể đảo ngược, là chìa khóa và là cơ sở quan trọng để xây dựng hải quan số và hải quan thông minh theo chủ trương chung của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính về đẩy mạnh số hóa, CĐS và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong thời gian tới.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2022)