Nghiên cứu đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm fintech

Hoàng Linh| 04/02/2021 09:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là một trong những nhiệm vụ sẽ được triển khai thực hiện theo Chương trình chuyển đổi số (CĐS) của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2021.

Theo Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh, Thành phố đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình CĐS năm 2021, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về CĐS, tổ chức các khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo, tăng cường công tác tuyên truyền về CĐS.

TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển hạ tầng số, nền tảng số, bao gồm phát triển hạ tầng viễn thông - CNTT, phát triển mạng 5G, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố, nghiên cứu phương án triển khai Nền tảng IoT (Internet vạn vật).

TP. Hồ Chí Minh cũng phát triển chính quyền số, trong đó tập trung phát triển các nền tảng cơ bản xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) hướng đến chính quyền số theo Kiến trúc CQĐT thành phố, phát triển kho dữ liệu dùng chung, xây dựng kế hoạch số hóa hồ sơ và khai thác dữ liệu số phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Về phát triển kinh tế số, TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, đề xuất để phát triển thành phố thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub), hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.

Nghiên cứu đưa TP. HCM trở thành trung tâm fintech - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện CĐS trong một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng.

CĐS trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên

Theo "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", 8 lĩnh vực ưu tiên CĐS gồm, Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sản xuất công nghiệp. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đã đạt được các kết quả trên các lĩnh vực gồm:

Lĩnh vực giao thông

CĐS lĩnh vực giao thông, TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị giai đoạn 1.

Bên cạnh đó, các giải pháp ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giao thông vận tải khác đã được triển khai thực hiện như: (1) Nâng cấp hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT trên địa bàn; (2) Thí điểm các giải pháp ứng dụng AI; (3) Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS phục vụ công tác quản lý giao thông đô thị, số hóa CSDL ngành…; (4) Triển khai quản lý và thu phí đỗ xe thông qua ứng dụng di động MyParking; (5) Cung cấp thông tin trong lĩnh vực giao thông công cộng thông qua ứng dụng di động, hệ thống bảng thông tin xe buýt BIS được lắp đặt tại các nhà chờ xe buýt.

Trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Thành phố đã thực hiện triển khai thí điểm hệ thống thanh toán tự động dành cho xe buýt. Ngoài ra, thành phố đang phối hợp cùng Lãnh sự quán Anh tại TP. Hồ Chí Minh triển khai Chương trình thành phố tương lai toàn cầu với mục tiêu xây dựng hoàn thiện khung tiêu chuẩn kỹ thuật về hệ thống vé thông minh cho giao thông công cộng.

Lĩnh vực y tế

CĐS trong lĩnh vực này, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai: (1) Cổng thông tin của Ngành Y tế thành phố cung cấp nhiều chuyên mục thuộc các lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế dự phòng, cải cách hành chính; (2) Cổng thông tin tra cứu thông tin hoạt khám chữa bệnh cho phép tra cứu trực tuyến về giấy phép, phạm vi hoạt động chuyên môn của cá nhân người hành nghề và cơ sở y tế; (3) Xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành (quản lý các chỉ tiêu y tế hàng nằm, tổ chức mạng lưới ngành y tế, thông tin về nhân lực y tế, các chương trình đầu tư, tình hình khám chữa bệnh tại các bệnh viện trực thuộc); (4) Tổ chức hệ thống GIS cho y tế dự phòng phục vụ công tác dự báo và phòng chống dịch bệnh; (5) Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện quận Thủ Đức, hướng đến xây dựng "Bệnh viện không giấy"; (6) Triển khai thử nghiệm giải pháp "Hệ thống điều hành thông minh" tại Trung tâm cấp cứu 115; (7) Thực hiện kết nối liên thông CSDL của trên 6.000 cơ sở cung ứng thuốc tại thành phố với CSDL Dược quốc gia.

Thành phố đã triển khai ứng dụng "Tra cứu nơi khám, chữa bệnh" và nhiều ứng dụng tiện ích cho người bệnh tại các bệnh viện; Triển khai khảo sát không hài lòng của người bệnh khi đến khám tại các bệnh viện để người dân có công cụ để phản ánh đến lãnh đạo các bệnh viện và Sở Y tế.

Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng Hội chẩn từ xa kết nối các bác sĩ tại các trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện lớn của thành phố. Ứng dụng AI nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại các bệnh viện như bệnh viện Bình Dân: triển khai phẫu thuật robot ngoại tổng quát Da Vinci; Bệnh viện Nhân Dân 115: triển khai phẫu thuật Robot thần kinh Modus V Synaptive; Bệnh viện Ung Bướu thử nghiệm phần mềm AI "IBM Watson for Oncology".

Phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế đã triển khai Hệ thống quản lý người cách ly phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại thành phố.

Lĩnh vực TN&MT

Về tình hình CĐS lĩnh vực TN&MT, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kiến trúc tổng thể ngành TN&MT, làm cơ sở để ngành xây dựng và triển khai mô hình CQĐT, đô thị thông minh.

Thành phố đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Thiết kế kỹ thuật - dự toán dự án Xây dựng CSDL nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/2000, 1/5000 khu vực TP. Hồ Chí Minh, hiện trong giai đoạn triển khai thực hiện.

Thành phố cũng đã triển khai ứng dụng Phân loại chất thải rắn trên điện thoại thông minh nhằm hướng dẫn người dân phân loại chất thải rắn tại nguồn; Xây dựng Quy chế thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu, thông tin TN&MT.

Triển khai quyết định số 37/2018/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 của UBND thành phố về ban hành quy chế thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu TN&MT trên địa bàn, TP. Hồ Chí Minh hiện đã thu thập các dữ liệu bản đồ địa hình, bản đồ địa chính và ảnh viễn thám và đang tạm thời phục vụ cho một số ứng dụng của thành phố.

Thành phố cũng đang riển khai các dự án Xây dựng DVC trực tuyến mức độ 3 ngành TN&MT, xây dựng trục tích hợp các dịch vụ web ngành TN&MT, xây dựng CSDL giá đất trên địa bàn thành phố.

Thành phố đã triển khai Cổng thông tin Hệ thống thoát nước thành phố (https://chongngap.hochiminhcity.gov.vn/), nhằm giúp người dân có đầy đủ các thông tin về ngập lụt, khí tượng thủy văn... để chủ động ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại do ngập lụt.

Thành phố đã hoàn thành xây dựng CSDL mạng lưới thoát nước trên địa bàn quận 1. Hiện đang mở rộng, bổ sung cho các quận - huyện còn lại và cũng đã triển khai hệ thống cảnh báo ngập trên địa bàn.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)

TP. Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng Kiến trúc tổng thể về CNTT của ngành giáo dục và đạo tạo (GD&ĐT), làm cơ sở để ngành GD&ĐT thành phố xây dựng và triển khai mô hình CQĐT, đô thị thông minh. Đồng thời, triển khai Cổng thông tin điện tử ngành GD&ĐT, với gần 2.000 website thành viên là các website của các đơn vị giáo dục.

Ngành GD&ĐT cũng đã xây dựng được CSDL của ngành, do Sở GD&ĐT quản lý, khai thác; Đã có 2283/2283 (100%) đơn vị trường học (các cấp mầm non; phổ thông và Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) được cấp tài khoản quản trị và sử dụng hệ thống.

Bên cạnh đó, ngành đã triển khai hàng loạt các hình thức dạy học tiên tiến, hiện đại như Dạy học theo dự án, học sinh nghiên cứu khoa học, Phương pháp dạy học định hướng STEM, đẩy mạnh hình thức dạy học trực tuyến... nhằm từng bước xây dựng mô hình lớp học điện tử, trường học điện tử theo mô hình Giáo dục thông minh.

Trong năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT phối hợp với Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) phát triển mở rộng Đề án SSC, triển khai mô hình "Trường học thông minh - An toàn - Không sử dụng tiền mặt" dùng thẻ đa năng VinaID, thử nghiệm đầu tiên tại Trường THCS Lý Thánh Tông, Quận 8 với hơn 1.300 học sinh và giáo viên tham gia. Năm học 2019-2020, mô hình được tiếp tục triển khai ứng dụng thêm tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình với một số tiện ích bổ sung, phục vụ cho hoạt động của gần 2.000 học sinh và giáo viên.

Qua đó, mô hình tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng các tiện ích từ công nghệ thẻ không tiếp xúc để xây dựng các tiện ích: điểm danh, đóng học phí, máy bán hàng tự động, thanh toán tại các căn tin, xe đưa rước,... mà không sử dụng tiền mặt.

Ngoài các lĩnh vực ưu tiên, Sở TT&TT cũng cho biết về lĩnh vực an ninh trật tự, thành phố đãnghiên cứu triển khai thí điểm hệ thống nhận dạng đối tượng và phương tiện nghi vấn, phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn trên địa bàn thành phố. Kết quả thử nghiệm tỷ lệ chính xác cao khi nhận dạng biển số xe 4 bánh đạt 95,5%, xe 2 bánh đạt 87,1% trên 100 xe qua hệ thống.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm fintech
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO