Công nghệ này sau đó được các nhà mạng khác triển khai áp dụng từ cuối năm 2019 để đăng ký thông tin thuê bao theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai cho thấy, giải pháp này chỉ nhận diện, so sánh ảnh chụp chân dung và ảnh trong thẻ chứng minh nhân dân/căn cước công dân, nên vẫn để lọt trường hợp dù không có người thực đến nhưng vẫn dùng ảnh chụp chân dùng (bản scan) để đăng ký được...
Vì vậy, để thực hiện triệt để xác thực thông tin thuê bao (chuẩn hóa thông tin thuê bao) nhằm ngăn chặn nạn SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác cũng và để định danh khách hàng chuẩn bị cho thực hiện cung cấp dịch vụ mới, nhà mạng VinaPhone của VNPT áp dụng giải pháp AI sinh trắc học.
Theo đó, khi khách hàng đến thực hiện đăng ký mới, thay đổi thông tin thuê bao... sẽ được nhân viên giao dịch chụp ảnh nhiều góc và bảo đảm ảnh có sự chuyển động. Giải pháp này được kỳ vọng giúp hoàn thiện hơn, nâng cao hơn nữa tính chính xác trong đăng ký thông tin thuê bao, từ đó sẽ mở ra không gian mới cho việc phát triển dịch vụ mới.
Với AI sinh trắc học, thời gian thực hiện đăng ký mới hoặc cập nhật thông tin thuê bao được diễn ra nhanh chóng, tránh sai lệch thông tin và thuê bao được xác thực hoàn toàn. Sau khi thuê bao được xác thực hoàn toàn, khách hàng sẽ không cần lo lắng về nguy cơ bị sai lệch thông tin thậm chí bị kẻ gian giả mạo và đánh mất số điện thoại. Đó chính là ưu điểm lớn mà công nghệ AI sinh trắc học mang lại.
Chặn khoảng 200.000 cuộc gọi giả mạo mỗi tháng
Để bảo vệ người dùng, VNPT cho biết căn cứ dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi (các thông tin khai thác không phải thông tin riêng của người sử dụng), đầu code số điện thoại không đúng quy định với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời áp dụng các thuật toán dự đoán trên hạ tầng dữ liệu lớn (big Data), học máy (machine learning), AI tới tất cả cuộc gọi nội mạng và ngoại mạng, VNPT xác định thuê bao phát tán cuộc gọi rác hoặc lừa đảo và ngăn chặn trong thời gian thực.
Bên cạnh đó, VNPT cũng luôn lưu ý người dùng cần nâng cao ý thức cảnh giác, cân nhắc khi nghe và trả lời số điện thoại lạ gọi từ nước ngoài, không cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt là thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng, mật khẩu cá nhân theo yêu cầu qua điện thoại, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Được biết mới đây, Cục Viễn thông đã có văn bản số 2568/CVT-TNTK yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông sử dụng các biện pháp kỹ thuật để chặn các cuộc gọi quấy rối người tiêu dùng.