Nhận diện và bài trừ tin giả

Xuân Tuấn, Tiến Hưng| 31/05/2020 14:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Khi công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội ra đời cùng các thiết bị di động được nhiều người sở hữu cũng là lúc tin giả bùng phát mạnh mẽ. Hơn thế nữa, sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi sâu sắc cách thức thông tin.

Hiện nay, tham gia vào mạng lưới truyền thông không chỉ có các cơ quan thông tin đại chúng được cấp phép mà còn có các trang mạng xã hội, những người thường xuyên sử dụng Facebook, YouTube, Twitter... Điều này sẽ tạo ra lợi ích lớn nhưng cũng gây hệ lụy không nhỏ.

Tin giả (fake news) là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung và được khuếch tán trên Internet và các phương tiện truyền thông. Thực tế cho thấy, mức độ ảnh hưởng tạo làn sóng đáng nghi, sai lệch và có tính chất lôi kéo dư luận của loại tin này là không hề nhỏ.

Nguyên nhân chính

Internet và mạng xã hội bùng nổ khiến báo chí rơi vào vòng xoáy của cuộc đua thông tin. Khi có thông tin (từ độc giả, nguồn tin thứ ba hay từ mạng xã hội...), phóng viên phải chạy theo cuộc đua, cố gắng xử lý thông tin một cách nhanh nhất để đưa tin đến độc giả. Để trở thành cơ quan báo chí đầu tiên đưa tin về sự kiện nào đó, các cơ quan báo chí sẽ đối mặt với nguy cơ để lọt thông tin không chính xác (hay còn gọi là tin giả) do không kiểm chứng thông tin.

Thống kê về tin giả xuất hiện trên báo chí thời gian qua có thể thấy, nguyên nhân chính xuất phát từ quá trình thẩm định thông tin của một số báo còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, bỏ qua quy trình xác minh thông tin. Xu hướng chạy theo sự kiện để đưa tin nhanh khiến nhà báo sẵn lòng liều mình "nhắm mắt đưa tin" khi chưa chắc chắn về bản chất của sự kiện. Hậu quả của sự không chắc chắn về nguồn tin này là thông tin lên báo sai sự thật. Việc dễ dãi khai thác thông tin trên mạng xã hội để đưa tin, coi đó là nguồn tin dồi dào, nhất là ở lĩnh vực giải trí khiến nhiều báo mắc sai sót.

Với những người làm báo, nguồn tin giữ vai trò quan trọng, là linh hồn của tác phẩm báo chí. Nguồn tin chính xác sẽ đem đến cho các nhà báo những thông tin có giá trị, hữu ích với xã hội. Ngược lại, nếu nguồn tin sai, nhưng nhà báo không kiểm tra thông tin kĩ càng, coi đó là nguồn tin tin cậy để sản xuất tác phẩm báo chí sẽ dẫn đến một bản tin không chính xác, một bài viết sai sự thật. Khoảng cách giữa đúng và sai trong một số sự kiện nhiều khi khá mong manh. Trong những trường hợp đó, sự thận trọng để kiểm chứng nguồn tin là điều các nhà báo cần làm.

Việc ai cũng có khả năng "làm tin" và đưa tin dẫn đến vấn nạn mà xã hội phải đối mặt, trong đó, đáng chú ý là hành vi lợi dụng quyền được thông tin để lan truyền tin giả, tin sai sự thật, thậm chí là bịa đặt nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng hoặc tệ hơn, gây tổn hại tới uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, liên quan tới vấn nạn tin giả, cho thấy cách thức thông tin thiếu trách nhiệm đã trở thành mối nguy đối với xã hội nói chung, cần phải có cách đối phó hiệu quả hơn. Thực tế đời sống chỉ ra rằng, trước mối nguy hại đến từ tin giả và cách thức lan truyền thông tin độc hại dễ dàng nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, mỗi người cần được trang bị kỹ năng nhận diện tin giả, luôn cảnh giác khi tiếp nhận thông tin qua các trang mạng xã hội nhằm tránh hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Pháp luật đã có quy định về hình phạt đối với hành vi thông tin và phát tán tin giả, thông tin nhằm mục đích vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức. Đã có nhiều người bị phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự về hành vi này nhưng cho tới nay, việc thông tin và tiếp tay lan truyền thông tin độc hại, tin giả vẫn không thuyên giảm.

Từ thực tế cho thấy, không chỉ các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có giải pháp hiệu quả hơn đối với những người cố tình đưa thông tin giả, thông tin độc hại tới cộng đồng, mà chính người dùng mạng xã hội nói riêng và người dân nói chung cần có sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn tin không chính thống. Sự thức tỉnh là điều cần, nhằm nâng cao ý thức và khả năng nhận diện, phản bác đối với tin giả cũng như thông tin được đưa ra nhằm mục đích gây bất ổn xã hội. Chỉ khi nhận thức chung được nâng lên, ý thức cảnh giác mang tính thường trực thì mới có thể hạn chế hành vi tiếp tay lan truyền tin giả, tin độc hại.

Trong bối cảnh tin giả liên quan đến dịch COVID-19 tràn lan, mỗi cá nhân cần bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin, không chia sẻ, lan truyền thông tin bằng cảm tính mà bỏ qua việc kiểm chứng"

Ông Trần Bá Dung

Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.

Số lượng tăng chóng mặt

Trong khoảng vài năm trở lại đây, có hàng trăm tin giả xuất hiện trên báo chí ở Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều cá nhân, tổ chức và đời sống xã hội nói chung. Tin giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Mặc dù các cơ quan báo chí đều có quy trình kiểm chứng nguồn tin, trải qua nhiều bước kiểm duyệt, nhưng tin giả vẫn lọt qua hàng rào bảo vệ để hiện diện trên báo.

Có thể kể đến những vụ tin giả tiêu biểu trên báo chí như: Vụ siêu xe dưới gầm giường ở Cần Thơ (thực chất là xe mô hình); Vụ nữ tài xế lái xe Lexus đâm chết nạn nhân ở ngã tư Hàng Xanh (TP Hồ Chí Minh) được báo chí đưa tin là Giám đốc ngân hàng nhưng thực tế không phải; Vụ nam sinh lớp 10 và cô giáo vào nhà nghỉ ở Bình Thuận mà nam sinh bị báo chí đưa lên báo thực chất không phải là nhân vật chính... Điều đángnói, nhiều tin giả xuất hiện trên báo chí thời gian qua có nguyên nhân do phóng viên, nhà báo khai thác nguồn tin từ mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp, trích dẫn các nguồn tin không chính thống, không rõ nguồn gốc...

Nhận diện và bài trừ tin giả - Ảnh 2.

Vụ tin giả nữ tài xế lái xe Lexus đâm chết nạn nhân ở ngã tư Hàng Xanh (TP. HCM) đã có rất nhiều báo "dính bẫy" khi đưa tin mà không kiểm chứng kĩ thông tin. Chỉ vì nữ tài xế lái xe trùng tên với một Giám đốc ngân hàng nọ, các báo tự suy diễn nữ tài xế lái xe gây chết người là Giám đốc chi nhánh ngân hàng. Nhiều báo không chỉ đưa tin nhầm về danh tính của lái xe, mà còn cung cấp thêm thông tin đời tư, trình độ học vấn, quá trình làm việc và thăng tiến của nữ tài xế ở ngân hàng kia...

Ngày 17/5/2018, có báo đăng chùm ảnh về căn biệt thự ở Vườn Đào, Hồ Tây, trong đó có ảnh cho rằng chủ nhân căn biệt thự là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ngay sau khi bài báo đăng tải, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc gửi cơ quan báo chí và đề nghị gỡ bỏ bài báo, công khai xin lỗi Bộ trưởng vì đưa tin sai sự thật. Bộ Công Thương cũng gửi công văn tới Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xử lý việc đăng tải thông tin sai sự thật của tờ báo này. Bên cạnh một số tin giả xuất phát từ việc khai thác thông tin không chính xác, còn có những tin giả xuất bản không đúng thời điểm, do lỗi biên dịch.

Ngày 17/10/2019, sau khi mạng xã hội lan truyền một clip ngắn ghi lại cảnh một người cha trong cơn say rượu đã đánh, chửi con trai nhỏ tuổi của mình, một số lớn người tiếp nhận thông tin đã không nghĩ rằng clip đó được quay từ 2 năm trước, nay mới được tung lên Facebook vì tâm lý thù tức cá nhân giữa người quay video clip đó và người bị ghi hình. Dân mạng lúc này dường như sục sôi, một số truy tìm nhân vật và tới nhà anh này ở tận Mỹ Tho (Tiền Giang), dùng bạo lực để hỏi tội. Hành vi nói trên của người cha cần lên án và xứng đáng bị pháp luật xử lý. Tuy nhiên, chính cách tiếp nhận thông tin thiếu cân nhắc về tính chính xác của nó đã khiến một phần của cộng đồng mạng coi đó là vụ bạo hành có tính thời sự, như mới xảy ra, và điều đó đã thúc đẩy tối đa hành vi "nhân danh luật pháp" trừng trị "kẻ có tội" một cách trái luật.

Đáng tiếc là sự vụ đã dẫn ở trên không mang tính đơn lẻ. Qua mạng xã hội mà điển hình là Facebook và YouTube, loại tin không đúng sự thật, tin có nội dung bịa đặt, mang tính vu khống xuất hiện khá nhiều. Từ tin giả về dịch bệnh đối với vật nuôi ở tỉnh Lào Cai, Bạc Liêu, Cà Mau và một số nơi khác; tin về thịt lợn nhiễm sán được dùng cho bữa ăn của trẻ mầm non ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đến những loại tin đồn gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội như tin cảnh báo nạn buôn bán nội tạng, bắt cóc trẻ em...

Vừa mới đây, khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) diễn biến phức tạp ở hầu hết khắp nơi trên toàn thế giới đã xuất hiện nhiều thông tin giả trên mạng xã hội. Ở Việt Nam, sự xuất hiện tin giả về bệnh dịch này cũng rất nhiều. Nhiều chủ tài khoản tung những tin đồn thất thiệt khiến người dân hoang mang, lo lắng. Những thông tin dạng trên đã bắt đầu xuất hiện ngay từ thời điểm đầu tiên dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. Khi đó có tờ báo đã khẳng định, virus Corona có thể lây lan trong không khí. Thông tin này đã tạo ra sự hoang mang lớn trong xã hội. Chỉ đến khi Bộ Y tế lên tiếng về việc nhiều cơ quan báo chí đã nhầm lẫn trong thuật ngữ chuyên môn, lúc đó sự lo lắng của người dân mới được bình ổn trở lại.

Tại Việt Nam, nạn tin giả "ăn theo corona" có nguy cơ trở nên nguy hiểm không kém so với bệnh dịch nCoV đang diễn ra. Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số người không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, ác ý về tình hình dịch bệnh.

Trong khi các cấp chính quyền và cả xã hội đang dồn lực phòng, chống dịch thì cơ quan chức năng đã phải tiến hành xử phạt không ít cá nhân vì hành vi bịa đặt về dịch bệnh, tự nhận "dương tính" với corona để câu like (lượt yêu thích), câu view (lượt xem) trên Facebook. Những cách thức phản khoa học như cho rằng uống bia, rượu, uống Dettol (một loại dung dịch khử trùng trong nhà), thậm chí uống nước tiểu có thể chống virus corona, diệt khuẩn bằng máy sấy tóc, "hướng dẫn cách tự chữa bệnh liên quan nCoV tại nhà"... cũng được nhiều người hồn nhiên chia sẻ trên mạng xã hội, bất chấp hậu quả.

Ðáng lên án là có ca sĩ, diễn viên nổi tiếng và cả nhân viên ngành y tế cũng đưa lên mạng xã hội các thông tin không chính xác liên quan tình hình dịch bệnh, gây hoang mang, bất ổn trong dư luận. Vô lương tâm hơn, trong hoàn cảnh các y, bác sĩ đang "căng mình" cho công tác phòng, chống dịch có đối tượng xông vào Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương gây sự với nhân viên y tế để quay clip với hy vọng nhân viên y tế phản ứng lại một cách không phù hợp là họ sẽ có được một thứlike trên mạng xã hội. Chưa kể, lợi dụng sự quan tâm theo dõi của cộng đồng về tình hình dịch bệnh, một số phần tử đã kêu gọi, kích động người dân chống phá chính quyền, gây chia rẽ và thù hằn dân tộc, gieo rắc sợ hãi trong dân cư nhằm làm mất niềm tin đối với chính quyền và cơ quan chức năng...

Giải pháp ngăn chặn

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, câu chuyện tin xấu, độc trên mạng xã hội là câu chuyện mang tính toàn cầu, không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện.

Để ngăn chặn, theo Bộ trưởng, yếu tố đầu tiên cần có chính là hành lang pháp lý. Bộ trưởng cho biết, hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, an toàn mạng, nhưng các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin rác, tin giả. Chẳng hạn, Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù. Người đứng đầu mạng xã hội tung tin giả cũng vậy. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. "Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn chỉ ra, "phải nói thật là tin xấu độc cũng có khi từ chính chúng ta". Bởi nếu như chúng ta đọc một tin xấu là vô hình chung nuôi tin xấu vì mỗi lần đọc tin xấu là một lần có view, người đưa tin đấy được hưởng lợi, tức là quảng cáo tăng lên. Do đó, vấn đề quan trọng là giáo dục nâng cao nhận thức sống trong không gian mạng. Bộ trưởng cho biết, đã kiến nghị làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa giáo dục kỹ năng số vào trường phổ thông từ cấp học phổ thông.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao. "Thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5 - 3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới. Cái gì cũng có 2 mặt, nếu chúng ta lạm dụng nó sẽ có nhiều vấn đề, hệ lụy". Một số nước họ ra quy định tuổi dùng smartphone, một số nước khác quy định trẻ em chơi games, hạn chế giờ giấc hạn chế, tổng thời gian, thời gian chơi. Đây là vấn đề mà Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 15 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Nghị định mới quy định rõ hơn về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định 174/2013/NĐ-CP trước đây. Một nội dung đáng chú ý trong Nghị định mới là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15 quy định phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc cũng có mức phạt tương tự. Nhóm hành vi khác sẽ phải chịu mức phạt tiền 10 - 20 triệu đồng gồm: lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn...

Công an TP Hà Nội cho biết từ ngày 31-1 đến 18-3 đã lập hồ sơ xử lý 53 trường

hợp đăng tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 trên trang Facebook cá nhân và

YouTube gây hoang mang dư luận. Công an thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cá

nhân vi phạm gỡ bỏ các bài viết sai sự thật, viết cam kết không tái phạm. Nhiều

trường hợp đã bị xử phạt hành chính 10-15 triệu đồng theo quy định tại Khoản

3 Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Công an đã xử phạt hành

chính gần 200 triệu đồng đối với các cá nhân đăng tin sai sự thật về COVID-19.

Mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài phạt tiền, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Đây sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí truyền thông xử lý đối với các nhà báo, các cơ quan báo chí cũng như các cá nhân, tổ chức vi phạm. Đồng thời, tạo tính răn đe góp phần để những người làm báo nói riêng và cơ quan báo chí nói chung cũng như mọi cá nhân, tổ chức... nhận thức và xác định rõ ràng trách nhiệm của mình khi đưa các thông tin và tiếp nhận, lan truyền các thông tin.

Liên quan đến vấn đề trên, theo nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, để ngăn chặn tin giả trên báo điện tử nói riêng cũng như báo chí nói chung, cần những giải pháp tổng thể nhằm hạn chế vấn nạn này như: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là các quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh Internet, viễn thông, báo chí, phát thanh, truyền hình tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, nhất là báo điện tử, trang tin điện tử và mạng xã hội trên Internet. Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, cần có biện pháp và hành động kiên quyết nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của Internet đối với đời sống xã hội; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử đăng tải tài liệu, truyện, tranh, phim, ảnh có nội dung xấu, trái thuần phong mỹ tục, có thể rút ra một số vấn đề chính sau:

Thẩm định thông tin kỹ càng - yếu tố quan trọng để ngăn chặn tin giả, không có cách thức nào hiệu quả hơn trong việc kiểm soát tin tức giả trên báo chí là khâu thẩm định nguồn thông tin. Thông tin từ đầu vào chuẩn xác sẽ hạn chế tối đa việc đưa tin sai lệch, hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro đưa tin giả lên báo. Các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử cần tuân thủ đúng quy trình xuất bản, tránh đua tranh tốc độ giữa các báo để xuất bản những tin, bài không bảo đảm độ chính xác của nguồn tin.

Nhận diện và bài trừ tin giả - Ảnh 4.

Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho những người làm báo để nhận diện tin giả. Những khóa bồi dưỡng này sẽ nâng cao nhận thức, mức độ cảnh giác của các nhà báo trong việc kiểm chứng nguồn tin trước khi đưa tin. Xu thế phát triển của công nghệ ngày càng nhanh và được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực truyền thông báo chí, các khóa bồi dưỡng kiến thức như vậy sẽ trang bị kịp thời những kiến thức về xu thế phát triển của báo chí thế giới cũng như sự đa dạng phong phú của các loại hình tin tức ngày nay, ẩn chứa trong đó có nhiều thông tin không đúng sự thật.

Xử lý kỷ luật nghiêm đối với những trường hợp để lọt tin giả lên mặt báo. Tại Việt Nam, những quy định về xử phạt các trường hợp vi phạm về hoạt động báo chí đã được ban hành trong các văn bản pháp luật như Luật Báo chí (2016). Nhiều cơ quan báo chí đã bị xử phạt vì đưa tin giả, nhưng đa phần vẫn chỉ mang tính răn đe.

Nhà báo Lê Quốc Minh cũng cho biết, các biện pháp hành chính hay hình sự chỉ là biện pháp tức thời. Những biện pháp này có thể có ý nghĩa răn đe nào đó, nhưng không triệt để và không bền vững. Không phải kẻ phạm tội nào trước khi hành động đều nghĩ đến nguy cơ phải trả giá trước pháp luật, mà đa phần là bất chấp pháp luật, hoặc nghĩ rằng đủ tài giỏi để không bị phát hiện, hoặc nghĩ rằng hậu quả gây ra không lớn.

Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp mang tính chủ động hơn. Việc quy trách nhiệm cho các nền tảng mạng xã hội như một số Chính phủ đang làm là điều hợp lý, bởi người xây "chợ" không chỉ thu lợi từ hoạt động của "chợ" mà phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm lưu chuyển, kinh doanh trong đó. Các nền tảng mạng xã hội trực tuyến phải chịu trách nhiệm về những nội dung được đăng tải trên hệ thống của mình.

Cần xử phạt nghiêm những nhà báo đưa tin giả trên mạng xã hội. Với tâm lý tin vào báo chí, nhà báo có vị trí và có uy tín trong xã hội Việt Nam với vai trò là người đưa tin. Nhà báo có thể gây ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng (trong đó có cả những đồng nghiệp) với các phát ngôn và thông tin mình đưa ra, kể cả trên trang blog cá nhân cũng như trên mạng xã hội. Vì vậy, các nhà báo cần ý thức trách nhiệm của mình trong việc phát ngôn, đăng tải thông tin không chỉ trên báo mà còn cả trên các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó cần đổi mới phương thức quản lý báo chí truyền thông. Thực tế, số lượng cơ quan báo chí nhiều nhưng chất lượng thông tin đăng tải lại chưa tương xứng. Thực trạng "đói tin" ở các cơ quan báo chí đang rất phổ biến. Nhiều báo điện tử sau khi thành lập, đội ngũ phóng viên, biên tập viên mỏng dẫn đến việc chủ yếu chỉ đi trích dẫn nguồn tin từ báo khác, tổng hợp thông tin chỗ này, chỗ kia thành bài viết của mình. Không ít lần những tin tổng hợp đó không chính xác do trích dẫn lại nguồn tin sai.

Quản lý chặt nội dung được đăng tải trên mạng xã hội.

Mạng xã hội là môi trường phát tán nhiều tin giả nhất hiện nay, tác động lớn đến tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng. Người dân có thể dễ dàng tin vào một nguồn tin được phát tán trên mạng xã hội như Facebook mà không hề có ý thức kiểm định liệu thông tin đó có chính xác không. Ở vai trò quản lý Nhà nước về thông tin, các cơ quan quản lý như Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cần có biện pháp quản lý chặt chẽ nội dung trên mạng xã hội hơn nữa.

Hiện tượng tin giả trong môi trường truyền thông số được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Điều này đặt ra yêu cầu những người làm báo cần có sự cảnh giác cao hơn trước các nguồn thông tin chưa rõ ràng, chưa có sự kiểm chứng. Nhà báo cần có thái độ nghiêm túc với nghề, phải đi đến cùng của sự thật, tìm hiểu rõ nguồn gốc, bản chất thông tin, để từng bước sẽ loại trừ được tin giả trên báo chí.

Ông Nguyễn Thành Lợi, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã nêu vấn đề, trong thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, trên không gian mạng đã xuất hiện rất nhiều thông tin liên quan đến dịch bệnh. Trong đó, bên cạnh những thông tin tích cực còn có cả những thông tin xuyên tạc sai sự thật về tình hình dịch bệnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế, cũng như các bộ ngành, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Gần đây nhất, liên quan đến bệnh nhân số 17, trên không gian mạng đã xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt như bệnh nhân số 17 từng tiếp xúc với rất nhiều người, tham dự sự kiện khai trương Uniqlo và có mặt ở nhiều quán bar trên phố Tạ Hiện. Những thông tin này gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống thật của mỗi cá nhân. Cụ thể, ngay từ tờ mờ sáng hôm sau khi có tin về bệnh nhân số 17, rất nhiều người đã đổ xô đi mua sắm, tích trữ lương thực, thực phẩm gây rối loạn xã hội.

Ông Nguyễn Thành Lợi cũng cho biết, chỉ trong vòng 2 ngày, trên không gian mạng đã xuất hiện hơn 80.000 tin liên quan đến dịch COVID-19 và bệnh nhân số 17. Trong số này có không ít thông tin thất thiệt, trái chiều, sai sự thật khiến người dân rất khó phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả, đâulà thông tin chính xác để có thể chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành, địa phương trong thời gian qua nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Trong thời gian qua, các đối tượng đã thực hiện rất nhiều thủ đoạn để phát tán những thông tin sai sự thật về dịch COVID-19, đặc biệt liên quan đến diễn biến tình hình dịch bệnh. Đa phần những thông tin này được các đối tượng đăng tải trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Các đối tượng đã triệt để lợi dụng tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ hay livestream trên các tài khoản cá nhân hoặc trên các hội nhóm tạo ra những bài viết, video clip có tiêu đề giật gân, gây sốc liên quan đến những người, số lượng người nhiễm bệnh hoặc tử vong tại các địa phương. Hơn thế nữa, các đối tượng này còn phát tán những thông tin "hướng dẫn điều trị, chữa trị bệnh tại nhà", tẩy chay, không tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh.

Chúng tổ chức các cuộc thăm dò ý kiến trên mạng tạo ra những luồng thông tin gây áp lực với chính quyền trong nhiều vấn đề khác nhau như "đóng cửa biên giới với Trung Quốc", yêu cầu những doanh nghiệp, các công ty, khu công nghiệp có yếu tố người nước ngoài thuộc các quốc gia có nhiều người nhiễm bệnh như Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc phải đóng cửa. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, kinh doanh. Một thủ đoạn khác cũng rất đáng chú ý là các đối tượng lợi dụng khoảng trống thông tin khi các báo đài chính thống chưa kịp đăng tải những thông tin mang tính chất công bố chính thức thì chúng đã lồng ghép những thông tin sai sự thật để đăng tải trước gây hoang mang trong dư luận.

Nghiêm trọng hơn, một số tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, VOICE… và một số đối tượng chống đối trong và ngoài nước cũng rất tích cực phát tán những thông tin mang nội dung chống phá. Chúng còn chi hàng nghìn USD để thực hiện các quảng cáo chính trị trên Facebook nhằm tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, công kích "Chính phủ bưng bít thông tin, yếu kém trong xử lý dịch bệnh".

Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và các ban ngành liên quan để điều tra, xác minh, làm rõ các trường hợp đăng tải những thông tin sai sự thật trên không gian mạng để đấu tranh xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu dỡ bỏ hoặc đính chính những thông tin nói trên. Phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để gỡ bỏ những thông tin sai sự thật.

Đến nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã phối hợp với công an các địa phương tổ chức xác minh và đấu tranh với hơn 600 trường hợp các thông tin sai sự thật trên không gian mạng và đã xử phạt hành chính trên 130 đối tượng, trong đó có một số nghệ sĩ và những người có ảnh hưởng lớn đối với xã hội.

Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng phát tán thông tin giả, thông tin sai sự thật gặp không ít khó khăn. Những thông tin này chủ yếu được đăng tải trên không gian mạng, mạng xã hội. Việc này được thực hiện rất dễ dàng bởi các đối tượng chỉ cần có thiết bị kết nối mạng và vài cú click chuột là đã có thể đăng tải bất kỳ thông tin gì mà không chịu sự kiểm duyệt.

Ngoài ra, lợi dụng các tính năng của mạng xã hội, trong đó có tính năng chia sẻ, các đối tượng sẽ phát tán thông tin tức thời tới rất nhiều hội nhóm, trong đó có các hội nhóm có hàng chục nghìn thành viên. Điều này khiến các cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và xác định những thông tin nào là thông tin chính xác và thông tin nào là thông tin giả để ngăn chặn.

Hơn thế nữa, một số nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Youtube, Google, Facebook trong thời gian qua vẫn chưa phối hợp và tuân thủ triệt để các quy định pháp luật của Việt Nam cũng như hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc ngăn chặn, xử lý những tin giả tán phán trên những nền tảng mà họ cung cấp.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, để ngăn chặn, bài trừ tin giả, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, từ phía các cơ quan chức năng, trách nhiệm của cá nhân mỗi người làm báo và cơ quan báo chí cũng như bản thân mỗi người sử dụng, tiếp nhận các luồng thông tin, mạng xã hội. Và hơn thế nữa, mỗi người cần được trang bị kỹ năng nhận diện tin giả, luôn cảnh giác khi tiếp nhận thông tin qua kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là các trang mạng xã hội nhằm tránh hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 2 tháng 4/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện và bài trừ tin giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO