Nhân lực chuyển đổi số Việt Nam: Có chiến lược bài bản để đáp ứng nhu cầu

PV| 02/12/2022 10:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xem đây là bước bứt phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về cả nguồn nhân lực lẫn chất lượng phục vụ cho chuyển đổi số.

Thiếu hụt về số lượng

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số. Chính phủ cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GDP Việt Nam. Ngoài ra, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu là 10%. Cuối tháng 3/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và định hướng đến 2030.

Những chủ trương, quyết sách đúng đắn cùng với sự hưởng ứng của các cấp, các ngành, trong đó không thể không nói các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin (IT), Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Nhân lực chuyển đổi số Việt Nam: Có chiến lược bài bản để đáp ứng nhu cầu - Ảnh 1.

Chính phủ Việt Nam có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số.

Tuy nhiên để thực hiện được chiến lược này, vấn đề số lượng nhân lực đang là khó khăn hàng đầu của các doanh nghiệp, đơn vị. Tiến sĩ Lê Hùng Cường, Phó tổng giám đốc FPT Digital, cho biết những năm gần đây, chuyển đổi số là chiến lược được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu nên nhu cầu về nguồn nhân lực số cũng tăng cao. Nhưng theo đánh giá, nguồn nhân lực số của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ các chương trình chuyển đổi số. Theo ông Cường, chỉ 40% doanh nghiệp cho biết có đủ kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông để duy trì, khai thác đầy đủ các hệ thống công nghệ số của họ. Dự báo đến 2023, toàn ngành sẽ thiếu hụt khoảng một triệu lao động.

Theo báo cáo về xu hướng tuyển dụng nhân sự năm 2022 của TopCV, kết thúc 2021, 43% doanh nghiệp đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân sự. Trong đó, doanh nghiệp IT - Phần mềm thuộc nhóm có tỷ lệ thiếu nhiều nhất. Nhân sự công nghệ thông tin luôn nằm trong top ba vị trí được săn tìm trong năm nay. Gần 65% doanh nghiệp có kế hoạch tăng nhu cầu tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin trong năm 2022. Tuy nhiên, sau 9 tháng và qua nhiều kênh tuyển dụng, đào tạo, không ít bên chia sẻ mới chỉ đạt được khoảng 2/3 số nhân sự cần thiết.

"Vấn đề nhân lực của Việt Nam không phải về năng lực mà là về số lượng", bà Stephanie Davis, Phó chủ tịch Google châu Á Thái Bình Dương cho biết. Theo bà, Việt Nam cần đào tạo nhiều nhân lực hơn với những kỹ năng phù hợp. Hiện nay, cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực số ngày càng nhiều, trong khi lực lượng lao động cung ứng lại thiếu nghiêm trọng.

Một vấn đề đáng quan tâm ở Việt Nam hiện nay đó là, nói đến chuyển đổi số, các công ty thường giao cho đội ngũ IT. Trong khi đó, chuyên viên IT không phải người làm dữ liệu, họ chỉ là đối tác để giúp các chuyên gia thu thập, tìm kiếm dữ liệu. Việc xử lý và hiểu dữ liệu cần kiến thức chuyên sâu.

Đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực

Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số cần có sự tham gia của tất cả nhân sự trong tổ chức. Chuyển đổi số không phải là ngành nghề riêng và sẽ không có một chương trình riêng nào có thể đào tạo đủ các yêu cầu về nhân sự số. Do đó, cần có nhiều chương trình đào tạo được thiết kế phù hợp từ khi họ là học sinh - sinh viên tới khi đi làm.

Các chuyên gia cũng cho rằng đào tạo nhân lực chuyển đổi số không chỉ là việc dạy cách làm chủ công nghệ, máy móc mà còn phải giúp họ thay đổi cả tư duy, hiểu đúng về giá trị của con người trong từng khâu chuyển đổi số của tổ chức. Điều này quan trọng với cả những người lao động phổ thông đến cấp quản lý, lãnh đạo.

Để giải quyết bài toán nhân sự, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong đề án này, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc; 100% các trường "đại học số" phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành, sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số.

Nhân lực chuyển đổi số Việt Nam: Có chiến lược bài bản để đáp ứng nhu cầu - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đồng thời, đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư, cử nhân, thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo chuyển đổi số. Đến nay, đã có 15/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nêu trên, chứng tỏ sự quan tâm lớn của các địa phương đối với vấn đề nhân lực của quá trình chuyển đổi số.

Đồng hành với địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai Nền tảng học trực tuyến mở, hoàn thành ba khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 1.648 công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương. Dự kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác chuẩn bị bồi dưỡng chuyển đổi số cho khoảng 300 nghìn công chức, viên chức, 200 nghìn thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân. Đến nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố triển khai 40.590 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 200 nghìn thành viên tham gia.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố then chốt trong việc xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số trên toàn quốc để dẫn dắt, tổ chức, lan tỏa tiến trình chuyển đổi số góp phần bảo đảm công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách nhanh, hiệu quả, bền vững và thành công.

Để nhân lực số của Việt Nam lớn mạnh, phát triển cần sự chung tay của người dân và sự tham gia vào cuộc của các doanh nghiệp; đồng thời, chuyển đổi nhận thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; xây dựng mạng lưới chuyển đổi số từ trung ương đến cấp xã, với đội ngũ nhân lực được tổ chức bài bản, đồng bộ, thường xuyên; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số, kỹ năng số để trực tiếp triển khai công tác chuyển đổi số đến từng cơ quan, tổ chức, cá nhân./.

Bài liên quan
  • Để báo chí luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội
    Mấy năm gần đây, Bắc Giang liên tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kính tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động báo chí truyền thông. Báo chí thực sự đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quảng bá hình ảnh, tiềm năng, vị thế tỉnh Bắc Giang cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhân lực chuyển đổi số Việt Nam: Có chiến lược bài bản để đáp ứng nhu cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO