Phụ nữ học tập, trang bị kỹ năng số trở nên thiết yếu

Hoàng Linh| 08/12/2021 13:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh kỹ năng số sẽ trở nên thiết yếu và đóng vai trò quan trọng trong việc tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.

Ngày 8/12/2021, Bộ TT&TT đã tổ chức tập huấn kỹ năng số cho phụ nữ trong bối cảnh hội nhập quốc tế cho các lãnh đạo và cán bộ hội phụ nữ từ 63 tỉnh trên toàn quốc.

Chuyển đổi số là chìa khoá cho thành công

Phát biểu tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết thế giới đang chuyển dịch lên môi trường số. Việt Nam chúng ta không đứng ngoài cuộc. Để có bình thường mới, nhiều sinh hoạt thiết yếu hàng ngày phải chuyển lên không gian số. Chuyển đổi số (CĐS) là chìa khoá cho sự thành công.

Phụ nữ học tập, trang bị kỹ năng số trở nên thiết yếu - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phan Tâm: Việc học tập, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng số trở nên thiết yếu để không bị tụt hậu và tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong thời đại mới

Thứ trưởng cho biết Việt Nam đang từng bước phục hồi nhanh, thích nghi và xây dựng cuộc sống bình thường mới. Không còn những bất tiện, bỡ ngỡ, hay khó chịu, chúng ta nay biết tận dụng những thay đổi mà đại dịch mang lại, biết tận dụng công nghệ để giảm bớt áp lực cuộc sống, dành thời gian cho những kết nối ý nghĩa, giá trị và nhân văn.

"Chúng ta đang thực hiện công cuộc CĐS toàn dân, toàn diện, hướng tới mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, bắt kịp cơ hội phát triển bứt phá trên môi trường số mà CMCN lần thứ 4 mở ra", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Để xây dựng xã hội số, kinh tế số, Thứ trưởng cho biết cần có những công dân có kỹ năng số, có thể giao tiếp, học tập, làm việc, sản xuất, kinh doanh giải trí trên môi trường số. Kỹ năng số sẽ trở nên thiết yếu và đóng vai trò quan trọng trong việc tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Phụ nữ Việt Nam ta đã khẳng định và luôn phát huy vai trò, vị trí của mình trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta tin tưởng rằng trong cuộc CMCN lần thứ 4 này, phụ nữ Việt Nam cũng sẽ góp phần xứng đáng. Chính vì vậy, việc học tập, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng số trở nên thiết yếu để không bị tụt hậu và tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong thời đại mới".

Hội nghị tập huấn cung cấp thông tin tổng quan về cơ hội và thách thức đối với phụ nữ trong bối cảnh CĐS, CMCN 4.0, trang bị các kỹ năng số cơ bản, đặc biệt là bàn về cơ chế hợp tác cụ thể, thiết thực giữa các sàn giao dịch, TMĐT với các cấp hội để hỗ trợ chị em phụ nữ tham gia phát triển kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc ứng dụng CNTT được xác định là một khâu đột phá trong hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Những thông tin được trao đổi, chia sẻ trong buổi tập huấn kỹ năng số cho phụ nữ là những nội dung rất thiết thực để cụ thể hóa các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp.

Phụ nữ học tập, trang bị kỹ năng số trở nên thiết yếu - Ảnh 2.

CĐS từ "cưỡng bức" sang tự nguyện

Trao đổi về cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết chúng ta đã bước sang một giai đoạn khác. "Có thể nói chúng ta đang chuyển từ bị cưỡng bức CĐS sang tự nguyện, sẵn sàng và chuẩn bị tham gia quá trình này hơn".

Việt Nam có gần 98 triệu dân nhưng có 2 con số ấn tượng là có 72,2 triệu người sử dụng mạng xã hội thường xuyên và tỉ lệ kết nối di động so với dân số đạt 157,9% (theo We are Social). Cơ hội được tiếp nhận và chia sẻ thông tin lớn hơn bao giờ. Phụ nữ, trẻ em trên toàn thế giới được tiếp cận thông tin vô cùng lớn, phong phú, đa dạng nhờ điện thoại di động và cơ hội được chia đều cho tất cả.

Phụ nữ học tập, trang bị kỹ năng số trở nên thiết yếu - Ảnh 3.

PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang: Phụ nữ, trẻ em trên toàn thế giới được tiếp cận thông tin vô cùng lớn, phong phú, đa dạng nhờ điện thoại di động và cơ hội được chia đều cho tất cả.

Tuy nhiên, theo bà Giang, xuất hiện những thách thức từ việc lên mạng nhiều hơn như bạo lực mạng, quấy rối nhiều hơn, bị nhiều đối tượng công kích, bắt nạt trực tuyến, hình ảnh lăng mạ nhiều hơn,...

Bên cạnh đó, còn nhiều định kiến về ngành nghề, giới tính,… làm hạn chế cơ hội phát triển của phụ nữ. Nhiều người phụ nữ thậm chí không có đủ độc lập tài chính để có thể sở hữu hoặc tiếp cận đến công nghệ và kỹ thuật số thường xuyên. Khoảng cách về khả năng sử dụng các ứng dụng công nghệ giữa hai giới vẫn còn lớn.

Bà Giang cũng nhận định sự bùng nổ công nghệ đã tạo ra một thế giới phẳng với biển thông tin đa dạng. Các "nhà báo công dân" đều có khả năng đăng tải, cập nhật và lan tỏa thông tin trên mạng xã hội, có thể sáng tạo ra sản phẩm báo chí dưới nhiều hình thức và nội dung khác sau, tạo nên vấn nạn tin giả, tin độc. Tin giả, xấu, độc đang làm ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người tiếp nhận, làm họ có cách nhìn nhận lệch chuẩn, để lại những "vết sẹo" lớn và gây chia rẽ xã hội.

Trước những thách thức này, ông Nguyễn Ngọc Anh, giảng viên khoa Marketing, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) cho biết chị em cần hiểu về quyền số. Đây là những quyền con người và quyền hợp pháp cho phép các cá nhân truy cập, sử dụng, tạo và xuất bản phương tiện media số hoặc truy cập và sử dụng máy tính, thiết bị thông minh khác và mạng viễn thông.

"Khái niệm này đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ và thực hiện các quyền hiện có, chẳng hạn như quyền riêng tư và tự do ngôn luận, trong bối cảnh của công nghệ số, đặc biệt là Internet".

Ông Nguyễn Ngọc Anh cũng chia sẻ Bộ TT&TT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Việt Nam ngày 17/6/2021 xác định 4 tiêu chí chung gồm: tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin; trách nhiệm.

Theo đó, ông Ngọc Anh cũng khuyến nghị một số kỹ năng như bảo mật tài khoản và sử dụng thông tin một cách có trách nhiệm; bảo vệ duyệt web của bạn; sử dụng phần mềm chống vi-rút trên máy tính; cập nhật phần mềm và thiết bị của bạn; không cài đặt phần mềm lạ, không có nguồn gốc rõ ràng; khóa điện thoại trong trường hợp bạn làm mất nó; bật mã hóa các tài liệu quan trọng trên máy tính xách tay; đầu tư vào các công nghệ bảo vệ quyền riêng tư.

Ngoài ra, chị em cần chú ý không chia sẻ quá mức trên mạng xã hội; sử dụng WiFi miễn phí một cách thận trọng; chú ý đến các liên kết và tệp đính kèm; kiểm tra xem trang web có an toàn không (http hay https); không mở những email lạ hay nhấn vào các liên kết (link) trong email khi chưa kiểm tra; cẩn thận khi mua hàng online, không cung cấp các thông tin về bản thân bừa bãi trên Internet, không cung cấp các không tin ngân hàng, tài chính của mình cho bất cứ ai không tin cậy; cân nhắc biện pháp bảo vệ bổ sung.

Cũng theo ông Ngọc Anh: "Đừng cung cấp thông tin quá nhiều trên môi trường số bởi vì các thông tin sẽ bị đánh cắp".

Nắm bắt cơ hội từ sàn TMĐT

Trước cơ hội CĐS, tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT) để phát triển kinh tế, ông Phan Trọng Lê, Ban Nghiên cứu phát triển, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã hướng dẫn cách tiếp thị, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử hiện nay nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông thôn.

Ông Lê cho biết phụ nữ với vai trò là chủ hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) là người có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn và quyết định sản phẩm; là người trực tiếp thực hiện phần lớn các công việc trong chuỗi quy trình tạo ra sản phẩm như chăm sóc, nuôi trồng…Phụ nữ cũng là người tiếp cận với các phương thức bán hàng mới và có khả năng tạo doanh thu thông qua việc bán sản phẩm.

Lợi ích của chủ hộ SXNN là phụ nữ khi tham gia cùng BĐVN sẽ được hỗ trợ tư vấn lựa chọn phù hợp với xu hướng và thị hiếu thị trường bởi các chuyên gia nghiên cứu phát triển thị trường; được tiếp cận với các công nghệ hỗ trợ sản xuất trồng trọt như hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống cung cấp thông tin sản phẩm nguyên liệu đầu vào; được tư vấn và hướng dẫn, đào tạo các phương thức bán hàng mới trên các kênh kinh doanh mới như các mạng xã hội, sàn TMĐT…;

Chủ hộ SXNN cũng được hỗ trợ các phương thức thúc đẩy kinh doanh như marketing, truyền thông xây dựng thương hiệu sản phẩm; đào tạo các kỹ năng cần thiết như nghiệp vụ kinh doanh trên sàn TMĐT, kỹ năng gói bọc, giao nhận…. Chị em tham gia bán hàng TMĐT cũng phải có email để có thể lưu trữ, lưu vết, chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Phụ nữ học tập, trang bị kỹ năng số trở nên thiết yếu - Ảnh 4.

Ông Lê cũng cho biết sàn TMĐT Postmart của BĐVN là một trong 2 sàn lớn tham gia Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT của Bộ TT&TT. Sàn TMĐT Postmart là sàn liên kết đa kênh với các mạng xã hội, các sàn TMĐT khác, được đồng bộ, kết nối với thanh toán trực tuyến và phát triển cổng trung gian thanh toán và ví Postpay nên khi bán hàng có thể nhận tiền được. Bên cạnh khả năng chuyển phát của BĐVN, BĐVN cũng liên kết nối với các đơn vị logistics./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ học tập, trang bị kỹ năng số trở nên thiết yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO