Quảng Ngãi yêu cầu 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến vào năm 2025
Tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số (CĐS) phải đi vào thực chất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số (KTS, XHS) của tỉnh một cách hiệu quả.
Xác định các chỉ tiêu phát triển cụ thể
Quảng Ngãi có chỉ số CĐS (DTI) tăng bậc mạnh nhất cả nước. Năm 2022, DTI của Quảng Ngãi từ vị trí 60/63 năm 2021 tăng vọt 34 bậc lên vị trí 26/63 năm 2022.
Theo đánh giá, trong 3 trụ cột DTI cấp tỉnh là chính quyền số, KTS, XHS, Quảng Ngãi xếp thứ 17 về chính quyền số và KTS, đứng thứ 15 về XHS. Tỉnh đã thành lập 1.141 Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đến cấp thôn, tổ dân phố với sự tham gia của hơn 7.512 thành viên. Quảng Ngãi cũng đã đưa vào vận hành trung tâm IOC tỉnh hướng tới điều hành với mục tiêu là hệ thống nền tảng cốt lõi quan trọng, xây dựng trên nền tảng tiên tiến, kiểu mẫu, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp
Tại “Tuần lễ CĐS Quảng Ngãi 2023” vừa diễn ra mới đây, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “CĐS không chỉ là câu chuyện của riêng Quảng Ngãi, mà là câu chuyện lớn của vùng, cả nước và toàn cầu. Để có bước tiến mạnh mẽ hơn về CĐS ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, cần có những liên kết chặt chẽ, tối ưu nguồn lực và tạo những chuỗi giá trị mới, đây cũng chính là chủ đề của Tuần lễ CĐS tỉnh Quảng Ngãi năm 2023 “Dữ liệu số và Liên kết vùng trong CĐS”.
Quảng Ngãi đang xây dựng chiến lược CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tầm nhìn vào TOP 20 địa phương CĐS, KTS chiếm 30% GRDP, 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu mở, 100% dịch vụ công cung cấp trực tuyến, 95% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, 95% dân số có hồ sơ sức khỏe. 06 lĩnh vực được ưu tiên: giao thông vận tải và logistics, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, tài nguyên môi trường, y tế.
Quảng Ngãi hiện đang tập trung xây dựng chiến lược CĐS một cách hiệu quả, đi vào thực chất, giúp phát huy tối đa các tiềm năng kinh tế của tỉnh, xây dựng nền tảng dữ liệu và cơ chế hợp tác chia sẻ để thúc đẩy kiến tạo các dịch vụ mới, các mô hình kinh tế mới.
Với mục tiêu KTS chiếm 30% GRDP, 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu mở, chiến lược CĐS Quảng Ngãi tập trung vào mô hình xây dựng dữ liệu số địa phương, cơ chế hợp tác chia sẻ dữ liệu để thúc đẩy phát triển KTS phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Hiện nay, Quảng Ngãi và các địa phương nói chung đều đang ở giai đoạn xây dựng danh mục, cơ sở dữ liệu, công nghệ và năng lực khai thác dữ liệu rất thấp, cũng như chưa có chiến lược dữ liệu. Để tạo ra những đột phá về phát triển KT-XH, Quảng Ngãi cần có tư duy và cách làm đột phát trong hoạch định, quản lý, và chia sẻ dữ liệu.
CĐS phát huy thế mạnh nông nghiệp và du lịch Quảng Ngãi
Nông nghiệp và du lịch là một trong hai lĩnh vực ưu tiên CĐS phát triển kinh tế số địa phương.
Nông nghiệp Quảng Ngãi: Năm 2022, vượt qua nhiều khó khăn, tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt hơn 18.300 tỷ đồng, xây dựng 105 cánh đồng lớn, (tổng diện tích gần 1.872ha), tăng 43 cánh đồng (gần 974 ha) so với kế hoạch, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt gần 268,8 nghìn tấn; thủy sản nuôi trồng ước đạt 9.650 tấn.
Toàn tỉnh có 124 sản phẩm OCOP 3-4 sao, gồm 9 sản phẩm 4 sao và 115 sản phẩm đạt 3 sao. Trong thời gian qua, các đơn vị nông nghiệp đã nỗ lực hết sức để chuyển dịch tích cực như ứng dụng thiết bị IoT trong nông nghiệp để quan trắc, xử lý sâu bệnh…
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu phấn đấu, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân 4 - 5%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác nông nghiệp 100 triệu đồng; trên 50 hợp tác xã (HTX) hoạt động có hiệu quả; trên 10% HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; trên 50% HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.
Tỉnh cũng tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức CĐS, đưa những giải pháp số CĐS, truyền thông, bán hàng, chia sẻ kinh nghiệm CĐS, cùng với việc xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống bán hàng đa kênh cho những DN, HTX, và bà con nông dân. Đồng thời, Ban Chỉ đạo CĐS của tỉnh cũng giới thiệu những chuyên gia CĐS tới tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà quản lý ngành, xây dựng hệ thống quản trị số giúp nâng cao chất lượng, phát huy tiềm năng, đóng góp vào mục tiêu CĐS.
Du lịch Quảng Ngãi: Ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi đang chủ động CĐS, tiếp cận và tham gia mạnh mẽ vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những người làm du lịch đang tự nâng cấp mình, nâng cấp hệ thống, trang bị tri thức về công nghệ số… nhằm đáp ứng việc quản lý, vận hành và đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Năm 2022, Quảng Ngãi đón 650.000 lượt khách, đạt 91% so với kế hoạch, khách quốc tế đạt 11.000 lượt khách, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch đạt 700 tỷ đồng, tăng gấp 2,98 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia, lãnh đạo DN CĐS đã tư vấn, chia sẻ cho các nhà quản lý DN du lịch về tận dụng các thế mạnh của CĐS về truyền thông số, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Song song với đó là sớm xây dựng Hệ thống du lịch thông minh (smart tourism) để tận dụng, khai thác hiệu quả các dữ liệu số này, tạo đột phá cho du lịch của Quảng Ngãi.
Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng ứng dụng (app) du lịch Quảng Ngãi, Khám phá Lý Sơn để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh quê hương, con người, văn hóa, lịch sử Quảng Ngãi, các hoạt động du lịch; cung cấp sản phẩm thực tế ảo về lễ hội, làng nghề, danh lam thắng cảnh và sản phẩm cơ sở dữ liệu 4D về hạ tầng du lịch.
Đặc biệt, việc liên thông, liên kết vùng, liên kết với các tỉnh lân cận trong chia sẻ, và khai thác dữ liệu về du lịch sẽ tạo cho Quảng Ngãi một bước tiến dài, khi một số lượng lớn khách đến với Huế, Đà Nẵng và những tỉnh lân cận… được biết đến và trải nghiệm những sản phẩm du lịch đang có tiềm năng lớn của tỉnh.
Quảng Ngãi đang đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư, phát triển CĐS trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, quản lý đô thị, logistics… Đây là những lĩnh vực ưu tiên CĐS nhằm phát triển KTS, XHS của địa phương.
Kế hoạch hành động cụ thể cho từng đơn vị
Để thúc đẩy tiến độ CĐS nhanh và hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/5/2022 tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với CĐS tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 06/9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XX đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TU về CĐS năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong 09 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 08 Quyết định, 05 Kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai, thúc đẩy CĐS trên địa bàn tỉnh.
Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo, thường xuyên tổ chức họp định kỳ, đột xuất để đánh giá tình hình triển khai thời gian qua và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.
Có 09 sở, ngành thành lập Ban Chỉ đạo CĐS; 13/13 Ban Chỉ đạo CĐS cấp huyện, 100% cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện phân công cán bộ phụ trách/kiêm nhiệm về công tác CĐS và đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Toàn tỉnh đã thành lập 1.141 Tổ CNSCĐ các cấp với hơn 7.500 thành viên tham gia. Tỉnh đã tổ chức “Cuộc thi video Clip tổ công nghệ số cộng đồng” tạo hiệu ứng tuyên truyền, lan toả rộng, thu hút hơn 60.000 lượt like và hơn 30.000 lượt share trên Fanpage của Sở Thông tin và Truyền thông và lựa chọn ra một số clip xuất sắc để công diễn bằng hình thức sân khấu hóa.
UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch như: tuyên truyền cải cách hành chính năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Truyền thông về CĐS tỉnh Quảng Ngãi năm 2023 và triển khai thực hiện Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Xây dựng và đưa vào hoạt động Chuyên trang CĐS tỉnh Quảng Ngãi tại địa chỉ https://chuyendoiso.quangngai.gov.vn, đạt hơn 230.000 lượt truy cập./.